Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẦY TỚ VÀ ÔNG CHỦ

Việt Anh
Thứ hai ngày 30 tháng 5 năm 2011 6:03 PM
Nhớ lại, hồi GS. Đỗ Nguyễn Phương, cố Bộ trưởng Y tế - Phó chủ tịch TW Hội NCT Việt Nam còn sống, ông hay đề cập tới những phẩm chất cách mạng, đạo đức nghề nghiệp và những vấn đề liên quan đến “quan trí”. Khi còn là Bộ trưởng Y tế, cố GS Đỗ Nguyên Phương hiểu y đức biểu hiện rõ ở tinh thần tận tụy phục vụ hết lòng người bệnh, như Bác Hồ đã dạy Lương y như từ mẫu và đã kí ban hành 12 Điều y đức (06-11-1996). Mặc dù “bộ ứng xử” này còn sơ sài nhưng chí ít cũng là lời răn dạy về y đức, y đạo và y thuật thực hiện lời răn dạy của những bậc danh y nước Việt.
Rồi hơn chục năm sau, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng cũng từng kí Quyết định số 2534/QĐ-BGTVT (ngày 18-8-2008) ban hành Quy tắc ửng xử của cán bộ, công nhân viên viên chức làm việc trong ngành giao thông vận tải, gồm 3 chương 18 điều; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân cũng kí Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT (ngày 16-4-2008) ban hành Quy định về đạo đức nhà giáo gồm 3 chương, 10 điều… Tuy nhiên, bên cạnh những quy định của các luật có liên quan, thì việc ban hành các bộ Quy tắc này còn sơ sài, hẹp về phạm vi điều chỉnh, nên những “yếu kém” của những ngành này cũng ngày một nghiêm trọng?
Viện dẫn điều này vì gần đây một số vụ xảy ra chết nhiều người vô cùng nghiêm trọng nhưng các cơ quan quản lí vẫn “bình yên vô sự”. Ví như:  Vụ tai nạn ngày 22-11-2009, tại địa phận huyện Thường Tín, xe khách 30 chỗ đang chở người đi ăn hỏi khi qua đường ngang giao cắt với đường sắt, đã bị tàu hỏa TN1 đâm ngang, 9 người đã tử nạn; Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng vừa xảy ra chiều 30-3-2011 giữa tàu hỏa và xe ô tô chở khách khiến 9 người tử nạn; Vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) ngày 1-4-2011 đã khiến 18 người chết; Vụ chìm tàu ở vịnh Hạ Long làm chết 12 người, trong đó có nhiều người nước ngoài; và mới nhất là vụ đắm tàu Dìn Ký cao 2 tầng mang số hiệu BD -0394, làm 18 người thiệt mạng… Tất cả những vụ việc này các cơ quan quản lý gần như không ai bị xử lí, kỉ luật?
Từ sau đổi mới và nhất là từ khi Việt Nam ra nhập WTO đến nay, chúng ta ra sức xây dựng và đã tiệm cận tới nhà nước pháp quyền: của dân, do dân và vì dân. Xây dựng nhà nước pháp quyền chính là chúng ta đang xây dựng uy tín của một đất nước. Mà uy tín không chỉ là lời nói suông, mà là khối tài sản kếch xù trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, khi đã xác định là nhà nước pháp quyền điều không thể khác là mỗi chủ thể trong mối quan hệ ấy phải hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Khi quyền của “ông chủ” thì đương nhiên phải là nghĩa vụ của anh “đầy tớ” và ngược lại. Và vì thế, thông qua quyền quản lí của mình, chính quyền phải có nghĩa vụ vạch và hoạch định chính sách, cần đưa ra được những phương hướng, biện pháp thực hiện và những chế tài xử lí sai phạm cho từng lĩnh vực quản lí buộc mọi công dân phải tuân thủ. Đồng thời, các nhà quản lí cũng cần chịu sự giám sát của “ông chủ” - là các công dân đã bầu ra người đại diện cho mình, mà không gì khác là cần “Nói đi đôi với làm”. Lúc ấy, cả hai bên nhà quản lí và người chịu sự quản lí đã thống nhất và tán thành chính sách, cơ chế hành động và cam kết thực hiện.
Những trường hợp vi phạm được xác định, trách nhiệm cần được chỉ rõ và áp dụng hình thức kỉ luật. Hình thức kỉ luật các vi phạm cần tương xứng với tính nghiêm trọng của hành vi, được áp dụng một cách trực diện ở tầm cao nhất, không thiên vị hay có thành kiến với bất cứ ai. Các biện pháp được đưa ra nhằm bảo đảm hành vi vi phạm không lặp lại. Khi cả “ông chủ”   và “đầy tớ” có cam kết thực hiện các chế tài, thì các thiết chế sẽ không dừng lại ở câu chữ trong những trang giấy. Được thế, không chỉ bảo vệ được nền pháp quyền, mà còn biểu lộ văn hóa đạo đức của tổ chức và cá nhân nhà quản lí.
Xin bắt đầu với hai câu chuyện đều liên quan đến công lí, lòng chính trực và lối cư xử ngay phải của con người ở mọi thời, mọi nơi và mọi dân tộc. Tác giả xin thay đổi vài chi tiết cho phù hợp: Tới mùa lúa chín, một điền chủ cần thuê thợ gặt. Ông trả lương mỗi ngày năm mươi ngàn đồng tiền Việt. Người nông dân thứ nhất tới xin việc từ sáng sớm, được chấp nhận theo hợp đồng. Người thứ hai, đến vào lúc 8 giờ sáng, được nhận. Và người thứ ba tới lúc 9 giờ, người thứ tư tới lúc 10 giờ... tất cả đều được nhận vào làm. Đến xế chiều, vẫn còn người nông dân trẻ tới xin làm. Anh ta nói: “Xin bác thương giúp, vì cháu còn phải nuôi bố mẹ già, vợ và con thơ”. Điền chủ động lòng thương và chấp nhận. Lúc phát lương, mọi người đều nhận được năm mươi ngàn đồng như nhau. Thấy vậy, người tá điền tới đầu tiên phàn nàn với điền chủ: “Tôi làm việc quần quật từ sáng tinh mơ đến tối, còn cái tên kia chỉ làm chưa đến một giờ, thế mà ông trả công bằng nhau, thật bất công!” Điền chủ trả lời: “Sao anh kì vậy? Tôi theo đúng hợp đồng với anh. Còn việc tôi cho ai nhiều ít 1à vì tình người, đâu có liên quan gì đến hợp đồng giữa anh và tôi!”.
Câu chuyện thứ hai, là: Một hôm Diệp quận công gặp Khổng Tử, nói “Nước tôi có người công chính, biết bố mình trộm dê, anh ta ra tòa làm chứng tố cáo bố ăn trộm.” Khổng Tử trả lời, “Người nước tôi khác với người nước ngài, người bố giấu diếm tội cho con và người con thì che giấu tội bố mình. Đó mới thực là công chính.
Thoạt nghe, hình như hai câu chuyện không liên quan nhiều lắm với mục đích chúng ta đề ra, đó là làm thế nào để giải quyết được nghịch lý giữa sự bất công tất yếu do bộ máy thị trường tạo ra và sự đòi buộc công bằng xã hội mà Kitô hữu đích thực, người theo chủ nghĩa xã hội chân chính, và bất cứ những người chính trực nào đều đeo đuổi. Nhưng, câu chuyện thứ nhất nói lên nghĩa vụ con người, trong khi câu chuyện thứ hai diễn tả bổn phận của mỗi con người trong tư cách là một thành viên. Tuy nhiên, tinh thần của hai câu chuyện khác với nền “công bằng” được áp dụng trong nền kinh tế thị trường hôm nay, một nền công bằng dựa trên lợi nhuận, và cách phân phát tiền công, bổng lộc... Câu chuyện thứ hai, xem ra ít liên quan gì đến kinh tế thị trường, nhưng liên quan đến chữ tín trong thương trường, đó là tính nhân cách, tức con người nhận thức được bản chất của mình là con người trong xã hội qua việc hoàn thành bổn phận hay nhiệm vụ và trách nhiệm. Nơi đây trách nhiệm, được hiểu như là điều mà mỗi người tùy theo vai trò, địa vị, tương quan trong xã hội, phải theo, và bổn phận như là việc chu toàn vai trò của mình trong xã hội đó. Trong xã hội trách nhiệm, con người là mục đích chứ không phải là công cụ. Vì là mục đích, con người mang bản chất tự chủ, có thể tự quyết chính định mệnh của mình, tự thăng tiến cũng như xác định chính những quy luật mà họ tuân thủ trong tự do tính của họ.
Thiết nghĩ, hai câu chuyện có thể giúp ta giải đáp hữu hiệu và hợp lí cho nghịch lí phát triển kinh tế và công lí xã hội (buộc bình đẳng). Đồng thời, cũng lí giải trách nhiệm xã hội theo nghĩa vụ con người. Câu chuyện còn nêu ra hai khái niệm khác nhau (mà thường cho là đồng nghĩa), đó là trách nhiệm như là nghĩa vụ, và trách nhiệm như là nhiệm vụ hay bổn phận. Sự khác biệt giữa nghĩa vụ và nhiệm vụ hay bổn phận giúp lí giải tại sao trách nhiệm trong bất cứ một qui chế, xã hội, tổ chức nào, cho dù tiến bộ tới đâu, vẫn chưa thể tạo ra nền công lí hoàn hảo. Thế nhưng, trách nhiệm chỉ dựa trên qui tắc xã hội và qui chế thị trường kiểu “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại,” “có đi có lại mới toại lòng nhau,” tức là “song lợi” thì khó có sự thỏa mãn.
Tương tự, trong một nhà nước pháp quyền, nền pháp luật chặt chẽ hơn, nhà nước có bổn phận phải “lo” cho dân, bởi lẽ người dân đóng góp công sức và của cải cho nhà nước. Nhà nước ý thức được (trừ nhà nước độc tài) sự tương quan song phương giữa người dân và nhà nước dựa trên lợi chung: không có dân thì cũng chẳng có nhà nước. Như vậy, có thể nói, tham vọng xây dựng một nền công bình mang tính chất phổ quát, không phân biệt cá nhân, khát vọng, nhu cầu và chính khả năng của mỗi người khó có thể thực hiện, nếu vẫn còn dựa trên chủ thuyết duy lợi. Bởi, đó là một lí tưởng hơn là một nguyên lí phát xuất từ chính cuộc sống con người.
 Lại nhớ lời phát biểu của ông Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư TW Đảng khi tiếp xúc cử tri: “Trước kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều con sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ”! Không nhẽ cứ để mãi như vậy mai kia, người “ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết! Thế đâu “có được! Một con sâu đã nguy hiểm rồi! Một bầy sâu là chết cái đất nước này!…”. Hi vọng rồi đây trong mọi ứng xử thì trách nhiệm của “đầy tớ: (cán bộ- được dân ủy thác) và “ông chủ” (người dân- người ủy thác) sẽ rõ ràng, minh bạch hơn.
Không thể khác, một xã hội pháp quyền có nền kinh tế lành mạnh trước hết phải là một xã hội coi con người là chủ thể, vì con người, cho con người và từ con người.