Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cần tạo “không gian” để các cây bút văn xuôi trẻ “vượt lên chính mình”

Nguyễn Trọng Bình
Thứ ba ngày 31 tháng 5 năm 2011 10:20 AM

1. Tổng kết - một cách làm “dễ dãi” và “nghiêm khắc”?


Có thể nói, “diện mạo” văn xuôi nước nhà 10 năm đầu thế kỷ XXI có lực lượng sáng tác và sự đóng góp rất lớn của những “cây bút trẻ”- thế hệ 7X, 8X,… Vì vậy, nếu làm một cuộc “tổng kết” 10 năm văn xuôi nói chung, trước hết không thể không nhìn lại những đóng góp của những cây bút này.

Không khó để chúng ta làm một cuộc “điểm danh” có tính “đại trà” và “dễ dãi” về những gương mặt ít nhiều đã gây được sự chú ý của bạn đọc trên văn đàn trong khoảng 10 trở lại đây như: Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Dương Bình Nguyên, Nguyễn Đình Tú, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Ngọc Thuần, Phong Điệp, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang, Di Li, Phan Hồn Nhiên, Trần Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Xuân Thủy, Trương Anh Quốc... Có thể nói, đây là những là những gương mặt bằng sự cố gắng và niềm đam mê của bản thân đã có những đóng góp tích cực và rất đáng trân trọng cho sự phát triển văn học nước nhà nói chung trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa. Trong từng thời điểm nhất định, các cây bút này ít nhiều đã “khuấy động” và làm cho văn đàn 10 năm qua thêm phần nhộn nhịp và sôi động. Điều này rõ ràng, không ai có thể phủ nhận.

Tuy nhiên, đó là chúng ta “điểm danh” mang tính “đại trà” và “dễ dãi” nhưng nếu “nghiêm khắc” hơn, theo như cách mà giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã nói trong “Nhà văn tư tưởng và phong cách” là: “muốn biết một nhà văn có vai trò như thế nào trong lịch sử văn học, nên trả lời câu hỏi này: giả sử không có cây bút ấy, thì bức tranh rộng lớn của văn học phản ánh xã hội, đất nước và tâm hồn con người qua các thời đại có bị khuyết đi một chỗ nào đáng kể không? Nghĩa là đối với nhiệm vụ của nền văn học dân tộc, đấy có phải là một cây bút cần thiết không?” [1] thì sao? Mười năm qua, ai là người để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng bạn đọc; ai có thể là người có thể “đi tiếp”? Với truyện ngắn may ra có thể chọn Nguyễn Ngọc Tư nhưng với tiểu thuyết quả là không dễ để chút nào. Những Trần Nhã Thụy, Nguyễn Danh Lam, Vũ Đình Giang, Trương Anh Quốc, Nguyễn Xuân Thủy và đáng chú ý hơn cả là Nguyễn Đình Tú (cây bút tiểu thuyết viết khá sung sức và có nhiều tác phẩm có chất lượng khá cả về bút pháp lẫn nội dung phản ánh)… ít nhiều đều thể hiện được cá tính riêng nhưng nhìn chung vẫn chưa thể “bứt tốp” như Nguyễn Ngọc Tư bên truyện ngắn.

Dĩ nhiên trên đây cũng chỉ một cách làm, một cách “tổng kết” có tính tương đối (bởi tùy vào quan điểm cá nhân, tùy vào cách nhìn, hẳn mỗi người sẽ có cách đánh giá khác hoặc sẽ chọn cho mình một hay một vài gương mặt văn xuôi trẻ nào đó để “gửi vàng”). Tuy vậy, dù không bi quan nhưng có lẽ cũng cần phải nói thật với nhau là nhìn chung “chất lượng” của văn xuôi của chúng ta trong 10 năm qua là “không thật đều” có gì đó khá “bằng phẳng” nếu không muốn nói là hơi… ảm đạm!?

2. Thử tìm nguyên nhân?

2.1 Sự “tầm soát” và “thiếu niềm tin” của “cơ chế” quản lý đối với người nghệ sĩ?

Sẽ là ngụy biện nếu mỗi khi không thành công một việc gì chúng ta lại “đổ thừa” cho “cơ chế”! Tuy nhiên, để lý giải cho sự ảm đạm của văn học Việt Nam nói chung trong 10 năm qua thật lòng dù không muốn đổ hết mọi chuyện cho “cơ chế” nhưng thực tế cho thấy, không thể không đề cập đến vấn đề này như một nguyên nhân sâu xa cần phải nghiêm túc nhìn nhận để rút kinh nghiệm.

Vậy “cơ chế” ở đây là gì? Nói cho dễ hiểu đó là tư duy và cách thức quản lý văn hóa văn nghệ nói chung của chúng ta. Vấn đề này nhân đây cũng nên nói cho rõ là đến thời điểm này nhìn chung chúng ta không thể phủ nhận những bước đi mang tính đột phá về tư duy của Đảng và Nhà nước về phương thức quản lý văn hóa văn nghệ nước nhà trong thời gian qua. Điều này đã được minh chứng rất cụ thể qua sự thành công của hàng loạt cây bút thời kỳ đầu của cuộc đổi mới (từ sau 1986) như: Bảo Ninh, Dương Hướng, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Tạ Duy Anh…. Phải thừa nhận điều này để chúng ta không rơi vào chủ quan, tất cả mọi chuyện không như mong muốn đều “đổ thừa” tại “cơ chế”. Tuy nhiên, bình tâm mà suy xét, có thể nói, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có sự đột phá trong tư duy, trong cách nhìn các vấn đề liên quan đến văn hóa văn nghệ nói chung nhưng đó là ở tầm “vĩ mô”; còn nhìn ở tầm “vi mô” mà cụ thể ở đây là vấn đề lựa chọn những người đứng đầu cho việc thực thi chủ trương, chính sách về văn hóa văn nghệ ở mỗi địa phương đây đó vẫn còn khá nhiều bất cập. Dễ thấy nhất là tình trạng có không ít những người đứng đầu việc quản lý văn hóa văn nghệ ở địa phương ít được đào tạo bài bản về văn học nghệ thuật nói chung nhất là ở các phương diện lý luận và phê bình và thẩm định văn học. Chính do không được đào tạo và trang bị những tri thức có tính nền tảng ấy nên họ đã không đủ năng lực để thẩm định cũng như lý giải những hiện tượng vốn phong phú và đa dạng của đời sống văn học nghệ thuật nói chung. Từ đó làm cho việc quản lý văn hóa văn nghệ của những người đứng đầu các địa phương trở nên cứng nhắc (thậm chí “thô thiển”). Thời gian qua trường hợp tranh cãi về tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (năm 2006); chung quanh việc rút lại giải nhất của bài thơ “Trăng nghẹn” của tác giả Hoài Tường Phong trong cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2009) và mới đây nhất chuyện “lùm xùm” liên quan đến cuộc thi Bút ký ở Bạc Liêu… là những ví dụ điển hình nhất cho vấn đề này cho những yếu kém này. Rõ ràng, trước những tác phẩm văn học gây những dư luận trái chiều như thế, người đứng đầu quản lý văn hóa văn nghệ ở địa phương đã không thể hiện được bản lĩnh, kinh nghiệm và năng lực đánh giá, thẩm định văn chương nghệ thuật của mình. Do hạn chế về tri thức, không am tường về văn học nên họ đã không thể đưa ra quan điểm và những nhận định đúng mức về giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật nhằm tham mưu cho Đảng và Nhà một cách trung thực và khách quan nhất. Vấn đề này, mới đây nhất, một lần nữa  trong bài viết Nhìn lại một số giải thưởng Văn học nghệ thuật địa phương, tác giả Minh Thúy đã đề cập đến như sau: “Tính định hướng và phong trào trong quá trình xem xét, quyết định trao giải thưởng ở địa phương biểu hiện rất rõ, đây là nguyên nhân khiến những tìm tòi về hình thức, và sự tiếp nhận hệ thống lí luận văn học phi chính thống bị phê phán. Những phát ngôn như “chủ nghĩa hình thức”, “bệnh hình thức” vẫn có sức nặng trong việc phân loại tác giả và định đoạt giá trị của các tác phẩm văn chương”. [2]

 Từ những vấn đề trên, theo tôi nhìn rộng ra chính là những tồn tại về mặt “cơ chế” của chúng ta trong thời gian qua, dù không ai nói ra nhưng thực sự đây chính là yếu tố (dù vô hình) ít nhiều đã gây ra những “ức chế” cho đội ngũ những người cầm bút sáng tác vì tâm lý “chim sợ cành cong” từ những “vụ án văn học” của nước nhà từng diễn ra trước đó. Chính tâm lý này cộng thêm sự chưa từng trải nghiệm “những chông gai” trong cuộc đời của những cây bút trẻ đã làm cho họ ít nhiều bị thối chí và chùn bước trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Thử hỏi với một nhà văn (lại là nhà văn trẻ) vừa mới trình làng một hai tác phẩm chưa kịp vui với thành quả của mình lại bị “anh Hai, anh Ba” nào đó tuy không hiểu gì về văn học nghệ thuật nhưng cũng “lên tiếng” cảnh báo rằng tác phẩm ấy “có vấn đề”, phải nhanh chóng “uốn nắn con đó, thằng đó” lại… thì còn đâu là động lực, là “hưng phấn” để sáng tác nữa (huống hồ là sáng tác ra những tác phẩm lớn). Cho nên làm lãnh đạo quản lý về văn hóa văn nghệ mà không am hiểu, không nắm vững, không tinh tường văn học nói chung nhưng lại hay phát biểu bằng những “giọng điệu kẻ cả” của “người bề trên” thì chẳng khác gì kêu dẹp bỏ văn học đi cho rồi. Hay làm lãnh đạo văn hóa văn nghệ nhưng chỉ đứng trong cái “hành lang thấp và hẹp” (chữ dùng của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu) để nhìn và đánh giá văn học thì chẳng khác gì đang đầu độc văn học bằng sự “thấp và hẹp” của bản thân mình. Chúng ta cứ luôn đòi hỏi và kỳ vọng văn học nước nhà phải có “tác phẩm lớn” để giao lưu với bè bạn thế giới thế nhưng, đây đó trong “tiềm thức” vẫn còn những cách làm cách, cách tư duy mang tính “tầm soát” đầy “nghi ngờ” và “thiếu niềm tin” ở người nghệ sĩ, thử hỏi làm sao họ đủ tự tin và dồn hết tâm huyết sáng tạo cho được?

2.2 Sự “cầu toàn” và “thiếu bản lĩnh” của bản thân nền văn học?

Gần đây, nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức có đặt lại đến vấn đề “văn chương dấn thân vì chân lý”, ở chừng mực nào đó có thể xem đây cũng là cách nói về sự “cầu toàn” và “thiếu bản lĩnh” của bản thân nền văn học trong suốt 10 năm qua – là nguyên nhân có tính “chủ quan” cùng với nguyên nhân có tính “khách quan” đã trình bày ở trên (sự “tầm soát” và “thiếu niềm tin” của “cơ chế” quan lý đối với người nghệ sĩ) làm cho văn học nước nhà mười năm qua chưa đạt được những thành tựu như ta hằng mong ước. Cụ thể hơn, có thể nhìn vấn đề này qua  hai biểu hiện như sau:

Thứ nhất, nói như nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức là: “Nhà văn, nghề văn, viết văn không phải là món nghề mong vừa kiếm được tiền một cách sạch sẽ vừa ấn loát được tên tuổi mình một cách đại trà để vinh danh trên sách báo. Nhà văn khi bước vào nghề, cũng như một con người chân chính khi có mặt ở đời thì phải luôn tâm niệm rằng: “Con người đã không đến để được cung phụng, song để phục vụ và hiến sinh mạng mình làm giá cứu chuộc nhiều người” (Tân Ước, Kinh Matheus). Nhưng nhà văn đến để phụng hiến cuộc đời như thế nào? Anh có viết về những tấm lụa đang sột soạt triền miên trên da thịt để móc túi những kẻ chỉ quen chìm ngập trong lạc thú hay không? Anh có viết về những chiêu võ độc hại, những quyền cước, những đầu rơi máu chảy như là bản năng thích bạo hành của con người hay không? Anh có viết để biến dạng chân lý vì những đồng tiền bố thí của kẻ giầu có hay không? Anh có viết như thể ngòi bút mảnh dẻ lông ngỗng của anh phải vào hùa với đao búa của kẻ mạnh để ức hiếp kẻ yếu hèn? Không! Chắc hẳn đó không phải là cách viết của một nhà văn chân chính.” [3]

Trong cái nhìn này, có thể thấy các nhà văn trẻ của chúng ta tuy niềm đam mê và nhiệt huyết thì có thừa nhưng thật sự chưa đủ bản lĩnh để “vượt lên chính mình” để có thể tạo ra tác phẩm mang tầm thời đại. Các cây bút trẻ lẽ ra, đã có thể làm tốt hơn nhiều nếu biết “bình tâm” nhìn lại trang viết của mình; nếu đừng quá “nôn nóng”, “vội vã” trong sáng tác; hay phải biết “tiết chế” cảm xúc mỗi khi dư luận “tung hô” hay “phản biện”…

Và nếu được tốt hơn nữa là các cây bút trẻ đừng quá “tham lam” “gồng gánh” thêm những công việc “linh ta linh tinh” khác mà hãy dồn hết sức lực và tâm huyết cho nghiệp văn của mình mà thôi. Nói điều này hẳn sẽ có không ít các nhà văn trẻ buồn và tự ái nhưng thực tế thì cái nghề viết văn, chuyện con người - nhà văn ở xứ ta là thế. Nếu không đủ bản lĩnh và dũng khí để từ chối những cái danh và cái lợi trước mắt thì chuyện “cái ghế quan trường giết chết thơ” là một “lý luận” hoàn toàn có thật trong thực tế. Hơn nữa, ngẫm kỹ sẽ thấy xã hội vốn đã có sự phân công rất rõ ràng, anh nào sẽ viết văn (làm nghệ thuật nói chung) bồi bổ tâm hồn con người, anh nào sẽ làm kinh tế nuôi dưỡng thể xác, anh nào sẽ quản lý điều hành sự vận hành của đời sống, xã hội… Vậy nên, nếu đã chọn nghề văn, nghiệp văn thì phải “buông” bớt những công việc khác mà dồn hết tâm huyết và tinh lực cho nó. Nếu không cuối cùng bất quá anh cũng chỉ là người du khách tình cờ “dạo chơi vườn văn” chứ không phải là “người chủ vườn văn” thật sự.

Ngoài ra, nhìn lại các cây bút trẻ, chúng ta vẫn chưa thấy có một cây bút nào dám sống chết đến cùng với văn chương (không chỉ bằng lý luận mà quan trọng hơn là bằng tác phẩm) kiểu như Vũ Trọng Phụng trước năm 1945 khi dõng dạc tuyên bố và “tuyên chiến” một cách công khai với những người phản đối mình rằng: “các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết, còn tôi và những nhà văn cùng chí hướng với tôi muốn tiểu thuyết phải là sự thật ở đời”; chưa thấy ai dám lên tiếng tự “xỉ vả” mình là “khốn nạn”, là “bất lương”, là “đê tiện”… (vì mang tiếng là nhà văn nhưng toàn viết toàn những chuyện “nhạt phèo”, “nông nổi”) – một kiểu “dấn thân vì chân lý” trong văn chương đầy tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng như kiểu Nam Cao từng nói trong Đời thừa; chưa thấy ai dám chấp nhận đánh đổi cả cuộc đời cho văn chương như Phùng Quán sau này (Yêu ai cứ bào là yêu/Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/Cũng không nói ghét thành yêu/Dù ai ngon ngọt nuông chiều/Cũng không nói yêu thành ghét  [4])…

 Thứ hai, nói đến sự “cầu toàn và “thiếu bản lĩnh” của nền văn học 10 năm qua không thể không bàn đến một bộ phận quan trọng khác của đời sống văn học đó là tiếng nói của đội ngũ các nhà phê bình chuyên nghiệp. Thật ra, nhiều người bảo rằng phê bình văn học nước nhà thời gian qua nhìn chung là “bình lặng”, “im ắng” cũng không phải là không có lý. Có cảm giác 10 năm qua các nhà văn (nhất là đội ngũ sáng tác trẻ) gần như chỉ “đơn độc” và “lẻ loi” trên hành trình sáng tạo vì anh bạn phê bình - “người bạn đồng hành thân thiết” đã “bỏ rơi” họ tự lúc nào? Cho nên, vấn đề đặt ra ở đây là im lặng là một đức tính tốt, nhưng nếu danh dự buộc phải lên tiếng thì sao? Câu chuyện “Cánh đồng bất tận” năm 2006, câu chuyện “Trăng nghẹn” năm 2009, câu chuyện “Sợi xích” năm 2010, câu chuyện “Dị hương”“Hội thề” vừa diễn ra cách đây không lâu… là những bằng chứng tiêu biểu cho thấy “sự cầu toàn” của đội ngũ phê bình chuyên nghiệp của ta thời gian qua. Lẽ ra, khi có dư luận trái chiều về “Cánh đồng bất tận”, về “Trăng nghẹn”, về “Sợi xích”, về “Dị hương”, về “Hội thề”… thì tiếng nói của người phê bình “chuyên nghiệp” và có uy tín (thông qua những công trình, bài viết, bài nghiên cứu có hệ thống và khoa học) nhằm thể hiện và khẳng định vai trò và trách nhiệm “cầu nối” giữa độc giả với tác phẩm; trách nhiệm “định hướng thẩm mỹ” cho tác giả và độc giả trong sáng tác và thưởng thức; rộng hơn nữa là sự “tư vấn” và “tham mưu” cho đội ngũ những người làm công tác quản lý văn hóa nghệ thuật nói chung là rất quan trọng. Thế nhưng, ngẫm kỹ lại, qua những câu chuyện trên trách nhiệm và vai trò của đội ngũ phê bình văn học chuyên nghiệp… gần như là mờ nhạt. Có thể thấy, trước những sự kiện ấy, đội ngũ “phê bình chuyên nghiệp” không hiểu sao ít khi chịu lên tiếng (bằng những bài viết, bài nghiên cứu khoa học và có hệ thống); hoặc nếu có lên tiếng thì cũng chỉ là vài câu trả lời trên báo giới rất “ngắn gọn” và “súc tích” mà thiếu lập luận chứng minh để dư luận nhìn vào cảm thấy thỏa mãn và thuyết phục; để đội ngũ những người sáng tác thấy “ấm lòng” vì đã được “quan tâm” một cách chân thành và kịp thời...?

Không dừng lại ở đó, trong khi có những chuyện rất cần tiếng nói của phê bình chuyên nghiệp thì ít có người chịu lên tiếng; hoặc không thèm lên tiếng nhưng ngược lại có những chuyện – nhất là công việc “viết lời mở đầu”, “lời giới thiệu”, “lời bình phẩm” nhằm “tiếp thị” cho những cây bút, những cuốn sách chẳng lấy gì hay ho thì không hiểu sao có khá nhiều cây bút phê bình hăng hái nhàu vô? Không thiếu những cuốn sách, những tập thơ, tập truyện ngắn, tiểu thuyết… bày la liệt trong các nhà sách hiện nay mà nội dung bên trong là một nỗi hỗ thẹn đối với người đọc nhưng nếu nhìn ở trang bìa hay trang mở đầu của những quyển sách ấy sẽ bắt gặp những bài viết, những lời “tiếp thị” với những lời lẽ tâng bốc lên “tận mây xanh” của không ít các cây bút phê bình nổi tiếng? Thật không hiểu sao lại có chuyện nghịch lý như thế này, có lẽ chỉ có những “người trong cuộc” mới hiểu, mới tường tận chuyện này chăng?

Tóm lại, qua những điều này ít nhiều cho thấy “thái độ” của phê bình văn học ở ta trong mười năm qua nói chung cũng vẫn chưa dám “dấn thân vì chân lý”. Phải chăng điều này ít nhiều cũng đã tác động đến đời sống văn học: hoặc là làm “giảm sự hưng phấn” trong lực lượng sáng tác trẻ (vì thiếu sự quan tâm chân thành và cần thiết); hoặc là làm “mất khả năng đề kháng” của các cây bút trẻ (vì những lời khen và “bốc thơm” quá lố); làm cho văn học nói chung xảy ra tình trạng “vàng thau lẫn lộn”; cứ như thế làm cho văn học nước nhà mãi ở dạng “tiềm năng” chứ chưa thật sự có bước đột phá?

3. Thay lời kết

Mười năm là khoảng thời gian vừa đủ để chúng ta nhìn lại một chặng đường đã đi. Rõ ràng bên cạnh không ít “những kỷ niệm đẹp”, “những khoảnh khắc vui” và hạnh phúc văn học nước nhà vẫn còn khá nhiều những “miền ký ức buồn”. Thôi thì chúng ta hãy chân thành, nghiêm túc và cầu thị nhìn nhận bằng thái độ không “tô hồng” nhưng cũng đừng “bôi đen”. Dù sao thì cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, chúng ta cũng hãy thanh thản mà sống bằng sự lạc quan và tin tưởng cũng như hãy lạc quan và tin tưởng vào đội ngũ những người viết trẻ. Tuy vậy, theo tôi, điều quan trọng hơn cả là phải làm sao tạo ra được một “không gian”, một “môi trường” tốt nhất để nuôi dưỡng niềm tin của chúng ta một cách có cơ sở và bền vững. Hay nói cách khác, phải làm sao khắc phục những nguyên nhân gây ra những “ức chế” cho đời sống văn học nói chung; phải tạo ra “không gian” và “môi trường” tốt nhất giúp cho đội ngũ những người sáng tác (nhất là những người trẻ, những cây bút ở dạng tiềm năng) có thể “vượt lên chính mình”. Được như thế, may ra văn học nước nhà mới có những tác phẩm văn học mang tầm thời đại và nhân loại.

***

Trên đây là những thiển ý chủ quan của người viết, tất cả không ngoài mục đích góp một tiếng nói trong việc nhìn nhận những mặt thành công và hạn chế của văn học nước nhà (đặc biệt là văn xuôi) trong mười năm đầu thế kỷ XXI, và trên hết là tinh thần xây dựng vì sự phát triển của văn học nước nhà nói chung.

Châu Đốc, 21/4/2011

Nguyễn Trọng Bình

------------------------

Chú thích:

[1]: Nguyễn Đăng Mạnh – Nhà văn tư tưởng và phong cách. Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2001

[2]: Bài viết Nhìn lại một số giải thưởng Văn học nghệ thuật địa phương của tác giả Minh Thúy được chúng tôi trích lại từ trang web phongdiep.net

[3]: Bài viết Văn chương dấn thân vì chân lý của nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức, được chúng tôi trích lại từ trang web lethieunhon.com

[4]: Lời mẹ dặn – thơ Phùng Quán

----------------------------------------------------------

Ghi chú: Bài đã đăng trên báo Văn nghệ Trẻ (bản rút gọn) nhan đề: Văn xuôi Trẻ đã thực sự bức phá?