Nhà báo, nhà văn, nhà thơ, họa sỹ Trần Nhương:
GIỚI TRẺ CẦN CÓ BẢN LĨNH TRƯỚC NHỮNG THÔNG TIN TRÁI CHIỀU
Luôn coi mình là kẻ…đi ngang sườn đồi trong suốt cuộc đời làm văn, làm báo, làm thơ, vẽ tranh…Trần Nhương lặng lẽ làm việc như thể không có tuổi già. Chia sẻ xung quanh chuyện văn, chuyện báo hôm nay với Nhà báo và Công luận, ông đặt ra những cái nhìn không thật mới nhưng hẳn là phải ngẫm ngợi nhiều.
70 tuổi tôi vẫn là một nhà báo trẻ
Chúc mừng ông vừa nhận thẻ nhà báo. 70 tuổi, 28 năm là lính, mấy chục năm làm báo mà năm nay mới… được cấp thẻ lần đầu tiên. Cái sự nghiệp làm báo của ông có vẻ thăng trầm?
Nói là thăng trầm thì cũng không hẳn, tôi làm văn mãi rồi cuối cùng vẫn chạy về với báo…như “duyên phận” thôi. Đặt bút viết báo từ những năm 1970, ngay từ những ngày mặc quân phục lính nhưng tôi viết vì tôi mê, viết tự do, viết nghiệp dư không tham gia chính thức vào một cơ quan nào. Thế nên, 70 tuổi tôi vẫn là nhà báo trẻ. Kể cũng là chuyện “xưa nay hiếm” nhưng với tôi là một nét phác họa đặc biệt của cuộc đời làm nghề. Cầm thẻ nhà báo, “người già” vẫn thấy lòng xôn xao, đôi mắt rưng rưng…lạ!
Cuộc đời có vẻ ưu ái với “người già”, …thứ gì ông cũng “chấm mút” một tý, tý văn, tý thơ, tý báo, tý họa…rồi còn tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ …Có người nói, Trần Nhương càng già, càng lao động nghệ thuật khỏe?
Âu cũng là cái nghiệp bám vào thân. Cũng phải ơn trời đất cho mình những thứ…tí ti ấy. Có người bảo tôi làm thế hẳn cuộc sống bộn bề, tất bật lắm, có người thì cứ nghĩ Trần Nhương vật lộn với cơm áo gạo tiền nên phải ham hố thế. Nhưng không phải vậy, tôi vốn là một người tham lam, thích nhiều thứ mà đã thích là mê mẩn. Con người khi đã mê cái gì thì cứ gọi là…lao như con thiêu thân ấy, nhiều lúc cứ muốn chẻ mình ra để làm việc.
Các cụ xưa bảo:1 nghề thì sống, 9 nghề thì...?
Thì tôi vẫn cứ…9 nghề nhưng vẫn… sống vui, sống khỏe đấy thôi. Chỉ có điều tôi có cách đi riêng của mình, đó là cách tôi… lẫn vào mọi người. Cái gì cũng làm đấy nhưng mỗi thứ một tý…đủ mặn mà để người khác biết đến tên mình nhưng đủ bằng lòng để không cho mình cái quyền ảo tưởng và kiêu ngạo. Tôi luôn nghĩ mình chỉ là người đi ngang sườn đồi…không quá “nhạt nhòa” le te dưới chân đồi, nhưng cũng không đủ “thăng hoa” tới đỉnh.
Giới trẻ phải có bản lĩnh
Xưa, ông viết văn, viết thơ dường như chẳng mấy ấn tượng, nhưng rồi “lang thang” với cái nghiệp viết báo chuyên nghiệp, làm trang website, tôi thấy ông đang bắt đầu leo lên…đỉnh đồi?
Tôi vẫn chỉ ở lưng chừng thôi, thích lặng lẽ làm những gì mình thích. Năm 2006, tôi bắt đầu làm web Trannhuong.com để tạo ra một sân chơi, một nơi giao lưu với đồng nghiệp. Tôi coi đây như một hợp tác xã mà những bạn văn, bạn báo đã làm nên tên tuổi của nó. Tôi chỉ là một ông chủ nhiệm vui tính và thân thiện. Những ngày đầu mở trang web cũng khó khăn, tưởng như sẽ đổ vỡ và cũng hoang mang không biết lấy gì nuôi nó. Nhưng cũng là cái duyên chào hàng…bạn bè đến chung vui tạo nên một… “công ty cổ phần” phi lợi nhuận. Lượng bạn đọc hiện nay đã lên đến gần 6 triệu lượt truy cập và quảng giao rộng rãi nhiều nước trên thế giới. Đúng là trong nó cũng có hồn cốt.
Đầu hai thứ tóc mà sử dụng internet rất tốt, tôi thấy cũng là hiếm có trong giới văn, giới báo không chỉ trước kia mà kể cả bây giờ?
Đúng là các bác nhà văn, nhà báo thời đại như tôi rất ngại gõ máy tính. Một phần là bởi tâm lý, lạch cạch bàn phím mất tập trung, không chạy kịp với xúc cảm. Cũng một phần bởi, nhiều người nói cầm cây bút mà viết sẽ có hồn hơn so với ngồi trước màn hình. Nhưng cứ đọc những bài viết “bầu bạn góp cổ phần” trên trang web của tôi thì thấy, rõ ràng có nhiều tác phẩm “gõ lạch cạch” mà vẫn ghi dấu ấn mạnh mẽ đó thôi. Tôi là anh nhà văn, nhà báo thế hệ trước, nhưng thích cập nhật những thứ mới mẻ… Gõ máy tính, truy cập internet thực sự thú vị và nhiều lợi ích.
Tôi thấy bây giờ blog, trang web đang rất thịnh mà thành thực nhiều người nói, họ “khoái” đọc blog, website. Ông đúng là kẻ… thức thời?
Nói thật là tôi cũng thấy được những điều hay của blog, trang web cá nhân vì thế mà tôi đã tìm đến nó. Như bạn nói, người ta, đặc biệt là bạn trẻ coi blog như những người bạn thân thiết. Coi blog là một kho thông tin. Bây giờ những thông tin trên blog, trang web… tạo ra sự đa dạng, nhiều chiều, thậm chí có những điều được viết trên đó còn hấp dẫn hơn những trang báo. Nó như kiểu một người con gái với nét duyên riêng. Một cô gái phấn son đầy mình chưa chắc đã đẹp bằng một cô thôn nữ, chân quê.
Nhưng có ý kiến cho rằng, chúng ta đang rơi vào giai đoạn…loạn blog. Và nhiều thông tin trên đó đôi khi phiến diện, thậm chí thiếu lành mạnh, gây tác động không tốt tới giới trẻ?
Cuộc sống luôn luôn có nhiều mặt, đó là sự phong phú. Trời đất có đêm có ngày, con người có xấu có tốt và thông tin thì cũng không thể…tròn trĩnh được trước những thị hiếu đa dạng của con người. Tôi cũng biết ý kiến đó và tất nhiên họ có cơ sở để nói điều này. Và để giải quyết được vấn đề này, tôi nghĩ “cội rễ” phải là sự giáo dục cho giới trẻ. Thông tin quá nhiều, quan trọng người đọc phải biết sàng lọc và thu nạp một cách có ý thức. Giới trẻ phải có bản lĩnh trước những thông tin trái chiều trong đời sống hàng ngày.
Đừng chia lề trái, lề phải
Vừa chủ bút trannhuong.com với nhiều bài khá “gai góc”, ông còn làm báo Người Cao Tuổi với sự hiền lành, chỉn chu… Đâu là ông?
Nói như nhà văn Nguyễn Quang Lập thì trannhuong.com đang nhúng tay vào sự thật. Với trang web, những tác phẩm lên tiếng bảo vệ sự thật, nói thật, nói thẳng ngày càng nhiều. Còn tất nhiên bên báo Người Cao Tuổi tôi cũng làm việc trên tinh thần, tôn chỉ của tờ báo. Người Cao Tuổi cũng không thiếu những bài đấu tranh, mạnh mẽ là đằng khác ấy chứ… Tôi thì hài hòa cả hai bên…chứ không nghiêng ngả và nặng nề quá về mặt nào. Có phản biện, có lên tiếng trước điều sai trái nhưng gay gắt quá thì không nên.
Có người bảo, người thì “lề trái”, “lề phải” còn Trần Nhương thì cứ giữa đường mà đi?
Tôi không đồng tình cái cách mà người ta chia lề trái phải trong nghề viết. Việc phân chia như thế chỉ có ở Việt Nam. Trong chính nội bộ người làm báo mà chia ra hai cực, tạo ra những mâu thuẫn. Giống như một gia đình mà có những phe phái riêng, đối lập nhau…thì gia đình đó làm sao có thể hạnh phúc, lớn mạnh. Chúng ta chẳng phải là đang hạ thấp chúng ta sao? Theo tôi không có lề nào hết, nhà báo cần cùng với nhân dân, đi chung một con đường thúc đẩy đất nước phát triển. Nhà báo đừng nghĩ mình đang ở lề bên nào, đừng tạo ra những cái khuôn, bó chính lương tâm nghề nghiệp và ngòi bút của mình. Tôi cảm giác, chính cái sự phân chia ấy, làm cho người làm báo không bộc lộ được hết bản ngã của mình.
Nhà báo Việt Nam không bộc lộ hết bản ngã của mình là sao thưa ông?
Chúng ta viết cái gì cũng phải “ngó trước, ngó sau” rồi lo lắng cái chuyện đi đúng lề hay không…Như thế chẳng phải ngòi bút của mình đã có phần…gượng gạo? Tôi ghi nhận, trong làng báo có nhiều người đáng trọng, xứng đáng là cây đa, cây đề trong nghề. Nhưng phần lớn, chúng ta chưa tạo ra được phong cách riêng, chưa làm việc hết mình, đấu tranh hết mình cho sự thật. Có những người làm việc kiểu như một dàn đồng ca, chưa tạo ra những solo thực sự, có những cây bút… thiếu chính kiến.
Tôi thấy ông có vẻ gay gắt rồi?
À không, bạn trẻ! Tôi nói thế không phải tôi đứng ở cái lề trái hay phải, mà người nào đó tự quy ước, quy chụp. Chúng ta vẫn viết, vẫn góp ý những điều hay lẽ phải…vẫn lên tiếng chống tham nhũng, chống tiêu cực nhưng nhất định là phải trên tinh thần xây dựng…“Bản ngã” của người cầm bút không có nghĩa là anh cứ phải lao vào những sự vụ gì ghê gớm, rồi coi người dân như kẻ thù, xóc mách, vùi dập và dồn người khác đến chân tường. Người làm báo cần có sự cân bằng và phải coi công việc của mình là sự nghiệp đồng hành với nhân dân. Tôi vẫn phản đối việc chia lề trong nghề viết.
Vâng, cám ơn ông!
Hà Vân(thực hiện)