Theo TS.Tạ Đình Thính – nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Trung ương Đảng : Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng hỏi ông Tố Hữu và ông Hoàng Tùng “Thế nào là dân chủ ?”. Trong khi ông Hoàng Tùng chưa nói gì, còn ông Tố Hữu đang nghĩ ngợi, thì Bác Hồ nói luôn rằng: “Dân chủ là để cho người dân được mở cái miệng ra”.
Dân chủ là khát vọng ngàn đời của nhân loại; là động lực, mục tiêu của sự phát triển trong công cuộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng con người. Có thể thấy, trong xã hội đã có nhiều người viết và nói về vấn đề “dân chủ” rất hay. Song, để đi vào cuộc sống thì lại không đơn giản. Người dân chỉ mong muốn giản dị là được quyền phát biểu chính kiến của mình, nói đúng nguyện vọng của mình, nói thật thực trạng mình đang chứng kiến, làm những điều gì có lợi cho mình, đồng bào mình, dân tộc mình. Có thể khẳng định, đó là bản chất cơ bản nhất của dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh định nghĩa điều này thật nôm na dễ hiểu : “Dân chủ là để người dân được mở cái miệng ra”. [1]
Hồ Chí Minh còn quan niệm dân chủ có nghĩa là “dân là chủ” [2]. Khi xác định như thế, có lúc đem quan niệm “dân là chủ” đối lập với quan niệm “quan chủ”. Đây là quan niệm được Hồ Chí Minh diễn đạt ngắn, gọn, rõ nghĩa, đi thẳng vào bản chất của khái niệm trong cấu tạo quyền lực.
Mở rộng theo ý đó, Hồ Chí Minh cho rằng : “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ vững đạo đức công dân…”. [3] Trong tác phẩm “Thường thức chính trị” viết năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ :
“Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. [4]
<Chủ tịch Hồ Chí Minh, công dân số 1, bỏ phiếu bầu cử Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Tựu chung, quan niệm Hồ Chí Minh về dân chủ được biểu đạt qua hai mệnh đề ngắn gọn : “Dân là chủ” và “Dân làm chủ”. Khi biểu đạt như thế, chúng ta có thể hiểu rằng, dân là chủ, nghĩa là đề cập đến vị thế của người dân; còn dân làm chủ nghĩa là đề cập đến năng lực và trách nhiệm của dân. Cả hai vế luôn luôn đi đôi với nhau, thể hiện vị trí, vai trò, quyền và trách nhiệm của người dân. Xã hội nào bảo đảm quyền hành và lực lượng đều thuộc về nhân dân thì đó là một xã hội thực sự dân chủ.
Dân chủ trong xã hội Việt Nam được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,… Trong đó, dân chủ thể hiện trên lĩnh vực chính trị là quan trọng nhất, nổi bật nhất và được biểu hiện tập trung trong hoạt động của Nhà nước.
Ngay từ năm 1941, trong Chương trình hoạt động của Việt Nam độc lập đồng minh hội (Mặt trận Việt Minh), Hồ Chí Minh đã “thiết kế” một chế độ dân chủ cộng hòa cho nước ta sau khi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thực hiện thắng lợi. Đó là chương trình thực hiện mục tiêu dân chủ, xác định rõ quyền và trách nhiệm của nhân dân trước vận mệnh của nước nhà; gắn độc lập, tự do của Tổ quốc với quyền lợi của từng người dân. Chương trình của Mặt trận đã khơi dậy sức mạnh vô biên của nhân dân giành chính quyền về tay minh. Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, một tuyên bố về chế độ dân chủ ở Việt Nam đã được Hồ Chí Minh nêu trong bản “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, trong đó các giá trị về dân chủ được gắn liền với đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc.
Dân chủ ở nước Việt Nam mới được thể hiện và được bảo đảm trong đạo luật cơ bản nhất đó là các bản Hiến pháp do Hồ Chủ tịch chủ trì xây dựng và được Quốc hội thông qua. Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thể hiện rõ nhất và thấm đậm nhất tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh. Hiến pháp năm 1946 đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc thực hiện quyền lực của dân dân.
Tiếp thu quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lịch sử từ năm 1946 – 1985, quan điểm về quần chúng nhân dân luôn được Đảng ta xác định là một trong những vấn đề mấu chốt của cách mạng. Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra quan điểm “lấy dân làm gốc” với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
Ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ban hànhChỉ thị số 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đã mở ra giai đoạn mới về thực hiện các quyền công dân trong đời sống xã hội. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII và lần thứ VIII thì vấn đề dân chủ được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, tiêu biểu là kinh tế và quyền công dân đã ngày càng được bảo đảm.
Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề dân chủ được đưa vào với tư cách là mục tiêu phát triển “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh” nhưng vẫn quy định là đảng viên không được làm kinh tế tư nhân. Đến Đại hội Đảng lần thứ X, quan điểm về dân chủ của Đảng ngày càng được rộng mở, cụ thể là thực hiện “dân chủ hóa” tất cả các mặt của đời sống xã hội, trước hết là dân chủ về kinh tế. Theo chủ trương trên, đảng viên được làm kinh tế tư nhân, góp phần làm cho nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và mạnh hơn.
Đặc biệt, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), quan điểm về dân chủ của Đảng ta có sự thay đổi căn bản, thể hiện ở các đặc trưng : “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo…”. [5] Có thể thấy, sự thay đổi vị trí của từ “dân chủ” và “công bằng” không đơn thuần chỉ là vấn đề câu chữ, thay đổi trật tự từ ngữ mà còn thể hiện quan điểm nhất quán rõ ràng của Đảng trong việc coi vấn đề dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong phát triển kinh tế – xã hội, từng bước xây dựng xã hội ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước. Điều này cũng sẽ trả lời cho một câu hỏi mà nhiều người trong đó có một bộ phận thanh niên vẫn còn hoang mang, thắc mắc : “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng là một xã hội như thế nào?”
Và trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 của Đảng ta cũng khẳng định : “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. […] Nâng cao năng lực và tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ, nhất là dân chủ trực tiếp để phát huy mạnh mẽ mọi khả năng sáng tạo và bảo đảm đồng thuận cao trong xã hội, tạo động lực phát triển đất nước…” [6]
Điều này còn được thể hiện trong bài diễn văn ra mắt sau khi được bầu làm người đứng đầu Đảng khóa XI, tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã long trọng cam kết trước toàn Đảng, toàn dân “kiên định độc lập dân tộc, phát huy dân chủ; sáng tạo, không ngừng nỗ lực phấn đấu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. [7] Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc họp báo sau đó, không ít lần nhắc đến từ dân chủ và nhấn mạnh phải xây dựng cơ chế như thế nào để có dân chủ thực chất chứ không phải là dân chủ hình thức, là “trình diễn cho có dân chủ”. Điều cốt yếu là thực hành dân chủ, nói phải đi đôi với làm. Như đồng chí Trần Xuân Bách – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng từng có nhận định : “Dân chủ không phải là ban ơn, không phải là mở rộng dân chủ hay dân chủ mở rộng… Dân chủ là quyền của dân, với tư cách là người làm nên lịch sử, không phải là ban phát – do tấm lòng của người lãnh đạo này hay người lãnh đạo kia. Thực chất của dân chủ là khơi thông trí tuệ của toàn dân tộc và đưa đất nước đi lên kịp thời đại…”
Như chúng ta đều biết, trình độ dân chủ của xã hội trên thực tế ở các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng hoàn toàn không phụ thuộc vào số lượng của các đảng, mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: chất lượng của chính bản thân đảng cầm quyền; chế độ chính trị của quốc gia; trình độ dân trí, mà trình độ dân trí là sự tổng hòa của các yếu tố truyền thống, học vấn, văn hóa;… Hiện nay, xã hội Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam và đang là đảng cầm quyền. Điều này trên thực tế đã được toàn dân tộc Việt Nam thừa nhận và được ghi vào Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 1992. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không tự nhiên mà có và không phải cứ tự nhận mà được. Đó là kết quả của sự hy sinh, phấn đấu không mệt mỏi của toàn Đảng qua các thời kỳ cam go của cách mạng. Đảng đã được nhân dân Việt Nam tin yêu, trao trọng trách dẫn đường phát triển cho dân tộc. Dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước ta đang tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN, mở cửa, hội nhập nền kinh tế quốc tế, vì mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Vì vậy, yêu cầu về dân chủ hóa trong đời sống của đất nước ngày càng cao.
Sắp tới, ngày 22/5/2011, cử tri cả nước sẽ bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011 – 2016). Có lẽ mong muốn lớn nhất của người dân là cơ chế dân chủ phải bắt đầu ngay từ cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII. Bầu cử Quốc hội làm sao phải thật sự dân chủ, thể hiện ước nguyện của cử tri và đồng thời cũng thể hiện một tầm cao mới của dân tộc,… Bởi vì, suy cho cùng mỗi bước đi phù hợp với thực tiễn là mỗi bước biết vượt qua chính mình (quá khứ) để đi về phía tương lai. Quyết tâm của Đảng ta về việc thực hành dân chủ là tín hiệu vui khi đất nước bước vào một thập niên mới, bắt đầu bằng mùa xuân mới. Như những lời ca bất hủ của nhạc sĩ Phạm Tuyên : “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng, một mùa xuân tươi tràn ánh nắng khắp nơi nơi, […]Và rồi từ đây ánh dương soi đời mới. Tiến theo cờ Đảng đã thấy tương lai sáng tươi”. [8] Quyết tâm này không chỉ được những đảng viên mà toàn xã hội đồng tình. Ý Đảng lòng dân thuận thì như Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “việc gì cũng xong” ./.
CHÂU TIẾN LỘC
(Chi đoàn KS11 QLC-XH)
_________________________
[1] Theo TS.Tạ Đình Thính – nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Trung ương Đảng : Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng hỏi ông Tố Hữu và ông Hoàng Tùng“Thế nào là dân chủ ?”. Trong khi ông Hoàng Tùng chưa nói gì, còn ông Tố Hữu đang nghĩ ngợi, thì Bác Hồ nói luôn rằng: “Dân chủ là để cho người dân được mở cái miệng ra”.
[2] Hồ Chí Minh : Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2002, tập 1, trang 18.
[3] Hồ Chí Minh : Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tập 7, trang 452.
[4] Hồ Chí Minh : Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tập 5, trang 618.
[5], [6] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của ĐCSVN – Nguồn :http://daihoi11.dangcongsan.vn.
[7] Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Nguồn :http://daihoi11.dangcongsan.vn.
[8] Nhạc phẩm “Đảng cho ta cả một mùa xuân”, sáng tác Phạm Tuyên – Nguồn : http://www.nhacso.net.
* Tác giả bài viết có tham khảo : bài “Tổng bí thư và thông điệp dân chủ” cuả tác giả Nguyễn Đăng Tấn (đăng trên Báo điện tử VietNamNet, ngày 28/1/2011) và bài phỏng vấn “Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế – xã hội” của thầy Cao Minh Công, giảng viên Học viện Hành chính (đăng trên báo Hà Nội Mới ngày 15/1/2011).
NGUỒN: http://www.svhanhchinh.com/news/?p=2530