Trang chủ » Tin văn và...

THƯ CỦA LÂM KHANG NGUYỄN XUÂN DIỆN PHÚC ĐÁP

Nguyễn Xuân Diện
Thứ sáu ngày 13 tháng 5 năm 2011 3:05 PM
TNc: Đến 5 giờ sáng nay (12-5), trang web của Hội Nhà văn VN đã tẩy mấy chữ Hán trên hình nền giao diện mà gây phản cảm với bạn đọc. Hoan hô BBT đã tiếp thu và chỉnh sửa kịp thời

Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện tiếp được thư của Trần công, xin chỉnh tề khăn áo sang hầu như sau:
 
Thưa Trần công, chiều muộn hôm nay, ngu đệ quá bất ngờ vì ghé sang vườn văn của Trần gia trang, đã thấy chềnh ềnh một hòn non bộ ở ngoài cửa lớn, mà lại là dành cho tại hạ. Không khéo có kẻ xấu nó lại bảo: Gớm, thiếu gì cách để P.R cho nhau mà bác Trần Nhương lại chọn cách này!

Nay, ngu đệ mạo muội thưa với tiên sinh mấy ý thế này:

1- Trang website của Hội Nhà văn - hội của những người chữ nghĩa, văn chương, cắc cớ chi mà lại chọn một cái giao diện nền có mấy cái chữ Nho đổ bê - tông sẵn như thế này? Hơn nữa, văn chương cổ của nước Đại Việt thiếu gì câu hay, nghĩa sâu mà lại cho hiển thị mấy câu bên nước Ngô thế này!.

2 - Những chữ Hán ở phông nền trang của Hội Nhà văn, đầy đủ là 学天生时天 đọc là Học Thiên Sinh Thời Thiên. Mấy chữ này, tra mãi trong Kinh, ngoại Điển đủ cả Tam giáo mà chẳng thấy nó là cái gì.

Vì thế, tại hạ đã phải hô đến các danh sĩ hay chữ trong thiên hạ để thảo luận hồi lâu.

Có người bảo rằng, nếu nó là “Học Thiên Sinh Thời” thì nó là tên của một Pháp sư!?

Có người bảo rằng, mấy chữ đó là rút từ cái câu: 学以补天生之不足 (Học dĩ bổ thiên sinh bất túc) mà ra, nghĩa là “lấy việc học để bù đắp cho sự bất túc – không đầy đủ, trọn vẹn - khi sinh ra”(nghĩa là: lấy việc học tập để bù đắp cái mà khi sinh ra còn thiếu)

Có người bảo rằng: học thiên sinh thời thiên cũng có thể hiểu là thời gian biểu của học sinh.

Có người bảo rằng: chắc câu này đảo lộn thành “Thiên thời sinh thiên học” tức là Trời có thương mà cho thì mới sinh ra được văn chương cẩm tú.

Riêng một học giả Đài Loan thì giải thích rằng: “Học thiên sinh thời thiên” có nghĩa là “người ta muốn học đến trời, nhưng trời chỉ cho người có ngần ấy thôi”.

3. Xem ra, mấy chữ này giống như loại giấy dán tường để trang trí, chứ chẳng phải hoành phi, đại tự hay Kinh hoặc Điển gì. Khá khen thay cho mấy chú thiết kế cho trang mạng của Hội Nhà văn. Vớ vẩn mấy câu vô thưởng vô phạt, mà làm bận đến bác Trần Nhương và chư vị huynh đệ!

Tốt nhất, ông Khuất Quang Thụy, là Tổng biên tập cái trang của Hội Nhà văn,  là ông thủ từ của ngôi đền vốn vắng vẻ ấy nên hóa cái giấy dán tường ấy đi. Đặt làm một cái giao diện khác, kẻo du khách bốn phương lại bảo đã dốt lại còn hay nói chữ!
Nói là nói vậy, nhưng cũng xin chư vị danh sĩ bốn phương cùng giải mã mấy chữ vu vơ ấy, biết đâu lại chẳng đọc ra được cái gì hệ trọng hơn bấy nhiêu nhời của tại hạ.