Trang chủ » Tin văn và...

GHI NHẬN TỪ MỘT CUỘC TIẾP XÚC CỬ TRI Ở HUẾ: MONG QH GẦN DÂN HƠN VÀ QUAN TÂM V/Đ CÔNG BẰNG XÃ HỘI

Nhà văn Nguyễn Khắc Phê
Thứ tư ngày 18 tháng 5 năm 2011 5:12 AM

Tôi là một cử tri đã trên 70 tuổi, vậy mà lần đầu được mời dự cuộc gặp với các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá tới. Hy vọng, đây cũng là tín hiệu vui rằng Quốc hội khoá tới sẽ gần dân hơn.
Tại cuộc gặp với cử tri 3 phường Trường An, Phường Đúc, Thuỷ Biều (Thành phố Huế), các ứng cử viên (ông Nguyễn Ngọc Thiện, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND Tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh, ông Đặng Ngọc Nghĩa, Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, Hoà Thượng Thích Chơn Thiện, Uỷ viên Uỷ ban TWMTTQVN, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế, bà Lâm Thị Hồng Liên, Thành uỷ viên Thành uỷ Huế, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc học Huế) đều hứa hẹn nếu được trúng cử sẽ luôn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng cử tri.
Về vấn đề này, cử tri Trần Thân Mỹ, (nguyên Trưởng Phòng Văn hoá thông tin thành phố Huế) nhắc lại khi Quốc hội khoá trước đang bàn về đường sắt cao tốc, ông không đồng tình nhưng không biết làm sao nói cho thấu Quốc hội. May sao, ông có số điện thoại của Hoà Thượng Thích Chơn Thiện (là đại biểu Quốc hội Khoá 12 đang dự họp); ông bấm máy, tuy lúc đó chưa có hồi âm, nhưng hôm sau chính Hoà Thượng gọi về Huế và tiếng nói của ông đã “thấu” Quốc hội. Từ đó, ông đề nghị Quốc hội muốn gần dân thì cần có cơ chế và điều kiện để thực hiện (như tổ chức gặp gỡ thường xuyên, công khai số điện thoại…); chứ tìm gặp các vị không dễ; và một cuộc họp hàng trăm người, trong vài giờ như hôm nay, sau khi nghe lý lịch và chương trình hành động của các ứng cử viên thì còn mấy thời gian để cử tri nêu được ý kiến cụ thể?
Một vấn đề nữa cử tri rất quan tâm là “công bằng xã hội”. Đây là bài toán khó đối với bất kỳ chế độ xã hội nào, nhưng khi tên nước ghi rõ định tính là “xã hội chủ nghĩa”, cương lĩnh Đảng cũng ghi rõ chữ “công bằng” mà nhìn đâu cũng thấy sự bất công, phân hoá giàu-nghèo ngày càng cách biệt thì rất dễ tạo nên bức xúc xã hội và gây mất lòng tin. Tuy vậy, có nữ cử tri - chị nói ngắn tới mức tôi không kịp ghi tên - chỉ nêu ý kiến: Trong khi nhiều thanh niên không có việc làm thì nhiều người già lại kiêm lắm chức vụ quá! Cử tri Ngô Văn Du, một cưụ chiến binh chống Pháp, người phát biểu đầu tiên thì thẳng thắn bày tỏ sự bức xúc về nhiều vấn đề, từ việc ít thấy đại biểu của Tỉnh phát biểu tại các kỳ họp Quốc hội vừa qua đến tình trạng hai tuyến đường trọng điểm du lịch Điện Biên Phủ, Phan Bội Châu đi lên khu vực các lăng tẩm Huế mà vỉa hè, hàng quán lôm nhôm thì nói chi việc đưa cả tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương; đặc biệt, về vấn đề công bằng xã hội, ông nêu ví dụ cụ thể được nhiều người quan tâm: Từ 1/5, lương tăng, nhưng tại sao lại tăng đồng đều tỷ lệ từ người lương thấp đến lương cao? Tiền lương thì không thể “cào bằng”, nhưng thực chất việc tăng lương hiện nay là bù giá đắt đỏ và lạm phát, vậy thì tại sao một công nhân phải nuôi con nhỏ lại chỉ được tăng số tiền bằng khoảng 1/3 số tiền cán bộ cao cấp được hưởng, trong khi phần lớn con cái họ đã trưởng thành? Đó là chưa nói loại cán bộ lương cao thường còn những “lợi lộc” khác nữa. Cách giải quyết thật dễ: Mỗi người đều hưởng khoản bù đắt đỏ như nhau, hoặc định các khung bậc lương với tỷ lệ bù “nghịch” - tức lương cao thì tỷ lệ bù thấp. Như thế, so với cách tăng lương hiện này, các vị đang hưởng lương cao sẽ bị thiệt, nhưng thiết nghĩ các vị đều là cán bộ đảng viên đang có trách nhiệm lớn với xã hội, hẳn sẽ vui lòng chịu… thiệt để được cái lớn hơn là lòng tin của dân chúng vào một chế độ thực sự quan tâm đến lợi ích người nghèo, đến công bằng xã hội. Và như thế, số tiền in ra để bù lương sẽ ít đi, giảm được gánh nặng lạm phát cho nhà nước.
Mấy ngày sau cuộc tiếp xúc, gặp nhóm cán bộ tập thể dục, có người hỏi tôi:
- Nghe nói anh đã viết báo, sao không thấy đăng?
- Chắc là báo dành cho ý kiến quan trọng hơn với nhiều nhân vật quan trọng hơn…
Tôi chưa nói hết ý thì một người khác tiếp:
- Anh ngây thơ lắm. Thì chính người duyệt bài cũng sẽ bị thiệt nếu áp dụng kiểu bù lương theo “tỷ lệ nghịch” như anh viết. Mà báo có đăng cũng đừng trông chính sách thay đổi vi người ký duyệt lại càng bị thiệt vì họ đều thuộc lớp lương cao…
- Ông đừng suy diễn “tiêu cực” như thế! Ông đã nghe chuyện Thủ tướng Nhật Bản mới tuyên bố không nhận lương do sự cố Nhà máy hạt nhân chưa? Nên nhớ Nhật Bản là nước tư bản, mà như chúng ta vẫn được nghe giảng, thì chủ nghĩa xã hội ưu việt hơn nhiều.  Biết đâu ít hôm nữa sẽ có danh sách hàng loạt cán bộ lương cao tình nguyện không nhận “tăng lương” đợt này để giúp Chính phủ thực hiện được mục tiêu hạ chỉ số lạm phát?
Xin hãy đợi đấy. Chính sách có lợi cho dân, cho nước, sớm muộn cũng sẽ được thi hành. Thì cứ tin như thế cho đời nó…vui! 
_________________