Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN NGHỆ CHÍ (2)

Trương Vĩnh Tuấn
Chủ nhật ngày 24 tháng 4 năm 2011 7:50 PM


TNc: Báo Văn nghệ của chúng ta đã có bề dày lịch sử, nhiều thời vang bóng. Tờ báo Văn nghệ danh tiếng của giới văn chương qua nhiều thăng trầm cùng đất nước. Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn nguyên phó TBT công tác tại đây nhiều năm, ông kì khu ghi lại trong Văn nghệ chí. Khi TNc nhận được bản thảo ông gửi riêng cho TNc, tôi điện thoại cho ông hỏi sao lại Văn nghệ chí nhỉ. Phía bên kia TVT trả lời thì học theo Tam quốc chí mà lại...Ồ hóa ra thế nên ông cũng viết kiểu chương hồi. Tất cả các tư liệu do TVT công bố ông chịu trách nhiệm. Xin giới thiệu cùng các bạn. Văn nghệ chí sẽ đăng nhiều kì, cứ 3 ngày post một hồi.


Hồi thứ hai
 

        Thời đổi mới Nguyên Ngọc tưng bừng 
        Phận quân hồng Dương Thu Hương bốc lửa

      Vào một buổi sáng đẹp trời , Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có buổi gặp gỡ các văn nghệ sỹ . Thưở ấy lãnh tụ với văn sỹ rất gần nhau , có thể nói với nhau nhiều điều .  Chẳng hạn tại  đại hội nhà văn lần thứ IV khi đó Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đang thăm Đông Đức . Dự đại hội với nhà văn có Chủ tịch hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười , giờ giải lao ông ra tận hành lang bắt tay thăm hỏi mọi người , nhà văn Ngô Ngọc Bội nói với Chủ tịch hội đồng bộ trưởng :
- Thưa Chủ tịch , nhà nước nên nới bớt những chiếc lồng cho nhà văn dễ thở hơn mới mong có tác phẩm hay .
   Chủ tịch cười :
 - Chỉ có các cậu mới có lồng thôi à, tớ còn bị ba cái lồng thì sao .
     Thế rồi Chủ tich quyết định mời các nhà văn làm việc với chủ tịch 3 ngày nữa , trong cuộc gặp này chủ tịch đã giải quyết quyền lợi cho nhà văn Bùi Minh Quốc có lý có tình .
           Ông rất không đồng tình với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khi cắt toàn bộ chế độ của nhà văn Bùi Minh Quốc, ông cho rằng làm thế là không lãnh đạo được dân văn nghệ ông bắt phải trả lại tất cả , ông còn nói
            -Về lòng yêu nước thì chúng ta với Bùi Minh Quốc như nhau
     Trở lại buổi Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ các nhà văn , ông nói nhiều về tình hình đất nước , nhà văn được dịp trải lòng với người lãnh đạo , mà phần lớn đã từng sống với ông hồi ở cứ , câu nói nổi tiếng của ông : Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu  vẫn còn đọng đến bây giờ , và những bài báo in trên báo Nhân Dân trong chuyên mục Những việc cần làm ngay, lúc đó ông thực sự là một vị cứu tinh của đất nước những bài viết của ông lay động mọi tầng lớp trong xã hội . Là tầng lớp nhanh nhạy của xã hội , giới nhà văn hơn bao giờ hết phải biết hành động .
      Nguyên Ngọc một thủ lĩnh của nhà văn lúc bấy giờ, mặc dù nhà văn Nguyễn Đinh Thi là tổng thư kí, nhưng Nguyên Ngọc là bí thư Đảng Đoàn uy quyền lấn át hơn nhiều, trong các buổi tuyên truyền về cuộc gặp gỡ của tổng bí thư với nhà văn bao giờ ông cũng nhắn nhủ : Thời cơ đã đến , thời cơ đã đến .
       Vừa nói đến nhà văn Nguyễn Đình Thi mà lướt qua hẳn là một điều không nên, từ ngày thành lập Hội cho đến lúc bấy giờ ông liên tục giữ vai trò tổng thư kí hội , ông là người luôn biết mình biết Đảng,  tại đại hội lần thứ ba hội nhà văn khi bế mạc có thủ tướng Phạm Văn Đồng tới dự, trong bài phát biểu vo ông nói có câu : “ nhà văn như những hạt bụi “ dưới hội trường có tiếng cười, ông tiếp luôn : những hạt bụi long lanh ; chả ai hiểu hạt bụi long lanh là gì nhưng cứ tạm cho là thế .
      Sau này nhà văn Bùi Bình Thi kể lại, một lần nhạc sĩ Văn Cao hỏi ông : Sao nhà văn lại là hạt bụi , ông Thi tiện tay phủi lên vai áo mà rằng : chả hạt bụi là gì đây .
       Trở lại chuyện Nguyên Ngọc, ông là nhà văn xuất hiện ít nhưng công bố cái nào ra cái ấy . kháng chiến chín năm ông để lại ĐAT NƯỚC ĐỨNG LÊN viết về người anh hùng Núp của Tây Nguyên ,  ông nổi tiếng ở truyện ngắn RỪNG XÀ NU . Ông cũng nổi tiếng khi làm đội trưởng đội cải cách ruộng đất hồi cuối thập kỉ năm mươi của thế kỉ hai mươi , với cái tên đội Báu . Hồi ông làm trưởng ban sáng tác của hội trong giới lưu truyền vế đối :” Trưởng ban sáng tác không sáng tác , Ngọc chẳng còn  nguyên báu nỗi gì “. Ông là người Quảng Nam mảnh đất cách mạng nên ông tự coi ông là người cách mạng . Những năm đầu thập kỉ tám mươi của thế kỉ hai mươi sau tập thơ Cửa Mở của Việt Phương là đến tập Bầu Trời của Huyền Kiêu bị ông nện cho tơi bời vì đã cả gan nói khác những điều tuyên huấn nói , ông không hiểu gì lắm về thơ nhưng bàn về thơ một cách say đắm và khúc chiết như bài thơ “ Người cụt tay trên cầu Bình Triệu viết về số phận của hai anh em trong một gia đình dưới thời Mỹ Ngụy “ Anh đi làm lính , em làm điếm “ của Huyền Kiêu . Là bí thư Đảng đoàn ông thỏa sức nhận xét chủ yếu là quan điểm và cách nhìn của nhà văn .Cùng tham gia với ông có nhà thơ Giang Nam lúc ấy là Tổng biên tập báo Văn nghệ , hai người độc ngôn trên tờ Văn Nghệ suốt năm kì báo liền. cứ tưởng với lối lập luận khi đánh tập thơ Bầu trời ông Giang Nam sẽ là người bảo vệ cách mạng lăm, ai dè sau này trong vụ “ Con chim gõ kiến “ đã đẩy ông phải thôi giữ chức phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa .
       Ông Giang Nam được nổi tiếng ở bài thơ Quê Hương , sau này nhà thơ Tô Hà mang câu :” Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm “ ra giễu . 
     Trở lại với Nguyên Ngọc  khi ngọn gió đổi mới ùa đến ông cho rằng tất cả những cái đã qua đều phải lên án , chính ông không ai khác phải là ngọn cờ đầu trong tiếng cồng đổi mới này .
      Việc đầu tiên là phải tìm đồng minh , người được nhắm đến là văn sĩ Dương Thu Hương, sau cái giải nhì cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Nghệ tiêng tăm của nàng nổi như cồn , nàng đẹp cái đẹp đáo để của vùng quê Kinh Bắc pha lối sống bạc bẽo của thành thị khiến cho những phát ngôn của nàng hừng hực chất lửa, khi nàng xuất hiện ngay tiểu thuyết BÊN KIA BỜ ẢO VỌNG mà ngươi ta nói rằng đó là mối tình cay đắng của nàng với một vị có máu mặt  trong làng văn , cuốn tiểu thuyết lập tức được tán dương như là phát súng báo hiệu cho thời kỳ đổi mới , được đà nàng tung ngay cuốn THIÊN ĐƯỜNG MÙ , cuốn này thì không cần úp mở nàng tấn công thẳng vào quá khứ với giọng văn chì chiết và cay độc .  lúc này dạng văn chương bôi nhọ đang được thịnh hành . Người kế đến là nữ văn sĩ Phạm Thị Hoài tuy chưa phải hội viên hội nhà văn nhưng với tiểu thuyết THIÊN SỨ cũng đủ làm cho văn đàn sôi sùng sục . Bà Phạm Thị Hoài nộp đơn vào Hội Nhà Văn nhưng mới lần đầu xét không được bà ta chửi tá hỏa và xin rút đơn luôn .
 Lực lượng đã xuất hiện , lúc này trưởng ban văn nghệ trung ương  là tướng Trần Độ đã bật đèn xanh cho Nguyên Ngọc vào thế trận .
            Thật là :- này vận nước thế văn đàn
            Đường đổi mới ai giương cờ xuất tướng
      Muốn biết sự thể ra sao xem hồi sau sẽ rõ .