Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ QUANG DŨNG VỚI BẠN BÈ MỘT THUỞ

Vân Long
Thứ bẩy ngày 23 tháng 4 năm 2011 5:12 AM

Nhà thơ Quang Dũng có hai niềm đam mê chi phối cuộc đời ông: là Đi, những chuyến đi dài hoặc “giang hồ vặt” quanh thôn xóm ngoại thành,  ngõ phố Hà Nội) và Bạn, từ bạn thơ đồng điệu, chí cốt như Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện…đến bạn học cũ cùng lớp cùng trường thời niên thiếu như ông Chiêu Dương tức Nguyễn Ngọc Chương (niên học 1940-41, ban trung học trường Thăng Long, không phải nhà lý luận phê bình Triêu Dương). bác sĩ Phan Thanh Hoài, người hay cùng Quang Dũng đi thăm các chùa nổi tiếng, đàm đạo với các nhà sư .  Đó là hai người bạn “chịu trận” nhiều nhất với Quang Dũng, có thể nói là “bất phân nhật dạ” khi Quang Dũng cần một chỗ dừng chân lúc mỏi bước phố phường. Ông Chiêu Dương thời trẻ là một nhà thể thao, lại nhiều “tài lẻ”,  đặc biệt mê thơ Quang Dũng, nên trân trọng gìn giữ từng nét chữ của bạn. Ông đóng góp đến gần chục bài cho Mây đầu ô khi Quang Dũng không giữ được bản thảo gốc. Sau này được đọc một vài bài thơ của Chiêu Dương, và tập truyện Bên hồ Quỳnh của Phan Thanh Hoài, tôi mới hiểu thêm: hai ông không chỉ là nơi dừng chân, mà còn là nơi chia sẻ, đàm đạo văn chương, tình đời, thế sự với Quang Dũng…và hiểu thêm: một tài năng cần môi trường sống giữa những người biết yêu quý tài năng và hiểu được họ, cần thiết đến mức nào!  Chưa kể đến những người bạn văn chương chí cốt xưa nay quá hiếm như bộ ba Trần  Lê Văn, Quang Dũng, Ngô Quân Miện cùng đẳng cấp, cùng thế hệ thì khỏi nói. Các ông là đồng tâm, đồng chí với nhau, không một vết gợn nhỏ trong cuộc giao lưu có thể gọi là hạnh phúc của đời họ, bởi tình của họ là tình bạn, tình người, chí của họ là chí vươn tới cái Đẹp không cùng của nghệ thuật. Ba ông thuộc lớp người cuối cùng hấp thụ được tinh hoa phương Đông nhờ truyền thống gia đình, kết hợp với tinh hoa văn minh phương Tây nhờ văn hoá Pháp. Trần Lê Văn có một tham luận về tình bạn đọc trong cuộc họp thơ do Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn tổ chức đầu xuân 1984 ( và bài thơ về Tình Bạn: Mấy người bạn ấy thân nhau/ Nào ai biết đã bao lâu/ Tình bạn không giờ cùng tận/ Cũng không có lúc bắt đầu!...)          
 Nhờ tình bạn thâm niên trên nửa thế kỷ, ông Chiêu Dương là người cung cấp cho tôi khá nhiều chi tiết đời thường hoặc liên quan đến thơ Quang Dũng, thí dụ nguồn gốc câu thơ Quang Dũng bị “phạt góc”, bị coi là “lãng mạn tiểu tư sản” (Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm), Chiêu Dương kể chi tiết và đáng tin hơn những lời đồn thổi, giải thích kiểu “thích đến đâu, giải đến đấy”. Nguyên do, Nguyễn Ngọc Chương năm ấy được người thân giới thiệu cùng lúc với bốn chị em nổi tiếng xinh đẹp ở 68 Hàng Bông, lại cùng mang tên đệm là Kiều: Nguyễn Kiều Vinh, Nguyễn Kiều Dinh, Nguyễn Kiều Hinh, Nguyên Kiều Hương. Tự biết dù là mãnh hổ cũng “bất địch quần hồ”, lại cũng muốn chia sẻ với bạn, Chương đã nhờ Quang Dũng đi cùng làm vệ sĩ cho mình. Mấy nàng Kiều đó là con một ông chủ thầu khoán giầu có. Chương chấm được Kiều Dinh. Quang Dũng thì còn lửng lơ…Ông chủ thầu không chê hai học trò nghèo, mà chỉ đưa ra yêu sách đầu tiên: “phi…đíp-lôm bất thành phu phụ” khi biết hai cậu học trò sắp đến ngày thi. Ông còn hứa thi đỗ ông sẽ tìm việc làm cho. Tiếc thay cả hai chàng trai này đều “trượt vỏ chuối”. Chương chán nản bỏ vào Sài Gòn một thời gian, Quang Dũng vắng bạn, cũng nhẩy tàu đi Vân Nam một chuyến…
Không ngờ cuộc gặp gỡ với bốn nàng Kiều đã thành ấn tượng cho Quang Dũng, thành hình tượng tiêu biểu cho các kiều nữ Hà thành khi ông nhớ về Hà Nội.
Một chiều cuối năm 1948, Quang Dũng tìm đến công binh xưởng của  Nguyễn Ngọc Chương, đọc cho bạn nghe Tây Tiến, cảm ơn bạn đã tạo duyên cớ để có câu thơ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm! (kiều không viết hoa).
Sau khi nhà thơ Quang Dũng mất, tôi vẫn hay gặp Chiêu Dương ở những cuộc họp mặt với bạn bè Quang Dũng. Từ bạn riêng Quang Dũng, ông trở thành bạn chung của chúng tôi từ lúc nào. Ông có mảnh vườn Mơ Táo ở Mai Động lại càng là chỗ cho chúng tôi thỉnh thoảng xả bước…dong chơi. Mỗi lần gặp, ông hay ấn vào tay tôi một bài thơ thù tạc của ông và Quang Dũng, hoặc của Quang Dũng với bạn  thơ khác. Vẻ như mỗi khi nhớ Quang Dũng, ông lại phô-tô ra mấy bản tặng cho bạn bè để cùng thương nhớ với ông!  
 Khi nhà thơ Quang Dũng ngọa bệnh, nằm liệt giường, gần 70 tuổi rồi vẫn chưa có tập thơ in riêng nào! Nhà thơ Trần Lê Văn phải đứng ra thu thập, thực ra là “sưu tầm” thơ bạn như sưu tầm di cảo của một tác giả đã quá cố. Lúc ấy, ông Trần Lê Văn mới thấy cái bệnh…quên thơ  mình ở Quang Dũng nặng đến mức nào! Và nhờ một số bạn thân của Quang Dũng như Chiêu Dương, mà có được tập Mây đầu ô.  
Nhân soạn tư liệu chuẩn bị cho việc xuất  bản Toàn tập Quang Dũng, tôi đọc lại trong mớ “tờ rơi” Chiêu Dương đưa cho tôi, có mấy bài thơ Quang Dũng viết tặng  Chiêu Dương và Lương Văn Trọng, Lại có bài ông Trọng viết tặng Quang Dũng…Thấy có nhiều điều lý thú với các bạn yêu thơ, tôi mạn phép mấy ông bạn vong niên đã thành người thiên cổ kể lại đôi điều. Trước hết là bài Đi tặng Chiêu Dương có mấy dòng đề từ độc đáo rất Quang Dũng làm ta liên tưởng đến một số nhà văn cũng say mê cái thú giang hồ, tỷ như Nguyễn Tuân, cũng có những lập ngôn nổi tiếng về đi…     
 
Đi
Tặng Chương tất cả cảm xúc của đường dài, của một người đẻ ở đầu đường, lớn lên ở dọc đường và chắc cũng “bế mạc” ở cuối đường mai sau.                         
                                 
  Mũ hãy ngả cho nắng vàng mái tóc                               
Túi lên vai trời hửng nắng xa rồi                              
Cột dây thép gió lùa qua rào rạo
Hát lên đường, muôn dặm đường xa xôi…
Cột dây nối rủ nhau về viễn xứ
Áo quần xanh màu sơn cước đâu đây?
Mũ hãy ngả cho nắng vàng mái tóc
Bản, Châu nào mõ điểm giữa sương mây?
Suối bắt gặp mát bàn chân sây sát
Sỏi trong veo một hớp lạnh linh hồn!
Ô! Tiếng chim nào đã gọi hoàng hôn
Hoa chuối nở bên dòng trong đỏ chót
“Bắt cô trói cột!
Bắt cô trói cột!”

                                  Nhớ quê hương đầy trăng sáng đêm xuân
                                  Đường mờ đục vắt qua nhiều đỉnh núi
                                  Xác mệt mỏi bỗng bàng hoàng thức trỗi,
                                  Loài hoa nào đang thoang thoảng mùi hương?
                                                  Lá chuối phần phật reo
                                                  Se sắt niềm hiu quạnh
                                                  Nem nép quán rơm nghèo
                                                  Bốn bề hoang gió lạnh!
 Hai bài thơ trao đổi giữa Quang Dũng và Lương Văn Trọng do Chiêu Dương cung cấp cũng là một tình bạn thật đẹp! Hai ông là điển hình cho lớp thanh niên Hà Nội của Cách Mạng tháng Tám Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Một ông thì hành phương Nam, theo bộ đội Nam Tiến, một ông thì Tây Tiến. Đối chiếu mọi chi tiết về Lương Văn Trọng, tôi bất ngờ nhớ ra: ông Trọng này chính là cán bộ  được Bộ Văn Hoá cử về, làm vai trò “chính ủy” cho Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Ca Múa kịch, trợ lý cho Giám đốc Nhà hát, mà tôi là một diễn viên trong dàn nhạc, khi sắp chuyển công tác xuống Hải Phòng. Tôi còn nhớ  lần ông Quang Dũng đưa ông Trần Lê Văn và tôi đến thăm ông Trọng, khi ông chưa chuyển về Nhà hát GHHXCMK.  Tôi không ngờ có hôm nay, lại được giới thiệu thơ của chính ông ở bài viết này!  (trong cuốn kỷ yếu 50 năm thành lập Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, ở mục ảnh chân dung Các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm  có tới 5 khung để trống vì thiếu ảnh, hàng thứ hai bên phải có in tên ông Lương văn Trọng dưới khung ảnh trắng). 
     Đây là bài thơ Quang Dũng tặng Lương Văn Trọng:
                                  
                                         Gửi Lương huynh (*)           
                                 
                                   Ý nghĩ không bờ bến
                                   Tình thương qua không gian
                                   Bóng hình chung một kiếp
                                   Đời xa xôi dặm ngàn
                                    Anh và tôi ngày xưa
                                    Vườn quê chung hai mẹ
                                    Tôi và anh bây giờ
                                     Dưới cờ chung thế hệ
                                     Còn nhớ cà tương cũ
                                     Bên đèn cơm khó ăn
                                     Có nhớ ngày biên giới
                                     Ngọc vàng chung chiếu chăn
            
                                     Mười năm ly biệt nhau
                                     Mười năm thay mái tóc
                                     Gặp nhau buồn khôn nói
                                      Râu lại chạm vào râu!...
                                                                        Việt Bắc xuân 1949
       
(*)  Lương Văn Trọng (Hai Trọng) đặc phái viên của trung tướng Nguyễn Bình trong đoàn đại biểu Nam Bộ đầu tiên ra báo cáo với Bác Hồ và Trung ương những thành tích của quân dân miền Nam..
                                                           
 Tôi nhớ vóc dáng Lương Văn Trọng cũng cao lớn dềnh dàng không kém gì Quang Dũng, hẳn khi làm xong nhiệm vụ Nam tiến, ông được chuyển về làm công tác văn nghệ quân đội, nên mới gặp lại Quang Dũng để có bài thơ dưới đây.không ngờ thơ ông cũng khá chỉnh, nhất là ngạo nghễ, ngang tàng như đời sống của ông vậy:
                                      
                                     Gửi Quang Dũng   
      (sau những năm xa cách bặt tin, gặp lại ở Đại hội Văn Nghệ toàn quân lần thứ nhất)
                                  
                                 Năm xưa đầu nặng trời cùm gông
                                 Ngập ngừng kiếm lối giữa gai chông
                                Thương nhau đùm bọc trong sầu hận
                                 Nuốt lệ cười vang đời trống không!
                                 Bao lần cách biệt trong giông tố
                                 Mặc niệm cho lòng khỏi tiếc thương
                                 Bao lần thầm hát câu thơ cũ
                                 Đời thấm hương xưa đỡ dại cuồng.
                                  Năm nay trở lại nơi xưa ấy
                                  Mặt thấy mặt đây, cười hả hê!
                                  Hỏi nhau đi những đâu rồi nhỉ?
                                  Định đến nơi đâu, đem gì về?
                                   Mắt ngó lòng nhau tay nắm tay
                                   Đời lên men máu rực hồn say
                                   Biệt nhau ghi vội chiều binh lửa
                                   Ý nhớ, niềm tin gửi dặm dài…
           (Trung du, chiều 26-12-1949, viết cho Dũng  mấy dòng lưu niệm tiễn Dũng về Liên khu III)
                          Lương Văn Trọng tức Vọng Trân (Hai Trọng)Nam Bộ.         
 
Trở lại với thơ tặng bạn của Quang Dũng, tôi thấy ông vẫn viết trữ tình bằng cả cái tâm  như thơ viết về đất nước, hình như ông không có hai loại thơ riêng và  chung. Thơ thù tạc bạn bè thường đùa vui, bông lơn hoặc xướng họa theo lối cổ. Quang Dũng thì không thế, kể cả thơ về tình yêu vẫn cứ đậm tình đất nước với tấm lòng chân thành nhất!