Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÙM TRUYỆN VUI

Vũ Quốc Túy
Thứ ba ngày 1 tháng 2 năm 2011 7:05 PM
Vũ Quốc Túy
THOẢ NỖI ƯỚC AO 
                                            
Ở câu chuyện này, lẽ ra phải gọi cái rắm là trung tiện cho lịch sự và sang trọng. Song khẩu ngữ của các nhà phẫu thuật và các thầy thuốc không né tránh từ này bởi nó thuần Việt thông dụng, trong sáng và dễ hiểu. Vả lại, ở nơi chữa bệnh cứu người, càng đơn giản ngắn gọn mà hiệu quả càng tốt, chẳng nên khách khí làm gì!
   Trong bệnh viện, tại khoa điều trị phục hồi chức năng sau mổ ruột, các bác sỹ thường xuyên đến thăm  khám và câu hỏi thường trực cửa miệng duy nhất đối với người bệnh vẫn luôn luôn là “ Sao, hôm nay đã đánh rắm được chưa?”. Cái rắm  đã trở thành niềm  mơ ước khát khao cháy bỏng, là vị cứu tinh của người bệnh và người thân của họ, đồng thời là niềm vinh hạnh và là điều chứng minh hùng hồn về năng lực chuyên môn, trách nhiệm, tinh thần cao cả của các thầy thuốc và các nhà phẫu thuật.
  Trong số bốn người nằm ở phòng hậu phẫu thì ba người đã có biểu hiện sẽ lành bệnh, nghĩa là ruột đã thông, một luồng khí nho nhỏ đã thoát ra được khỏi “cửa sau” ngân lên cái âm thanh réo rắt, trầm bổng cùng với tiếng thở phào nhẹ nhõm thoả niềm ao ước. Còn một người đàn ông, đến ngày thứ bẩy sau mổ vẫn chưa có được cái hạnh phúc đó. Anh ta tưởng chừng phát điên, cứ nằm trên giường quằn quại, trở mình, vật bên này, vặn vẹo bên kia, mặt mũi nhăn nhó tái xanh tái mét. Vợ con, họ hàng, người thân xúm lại hỏi han, lo lắng và đặt ra bao nhiêu là câu hỏi nghi hoặc. Nào là có thể bác sỹ  đã để quên bông gạc, dao kéo, dụng cụ mổ… trong ruột người bệnh. Nào là… có khi mấy vị phẫu thuật viên không đủ trình độ chuyên môn cầm dao kéo, nhờ chạy chọt mua được bằng cấp rởm mà có chỗ làm việc. Nào là việc “chuẩn bị” cho ca mổ của người nhà người bệnh không tốt gây ra hậu quả xấu. Nào là, nào là…. Mọi người cứ bàn tán nhặng xị cả lên mà chẳng biết mấy chiếc Blu trắng đang lù lù tiến lại sau lưng. Ông bác sỹ  giơ tay gạt mấy người đứng cạnh giường sang một bên. Bằng giọng  êm nhẹ, ngọt như mía lùi, ông ta hỏi người bệnh:
- Chưa đánh rắm được chứ gì? Cứ bình tĩnh, hãy yên tâm đi. Mấy chục năm qua, những ca thế này chúng tôi xử lý như cơm bữa.
Một nụ cười héo hắt lướt qua trên môi người bệnh. Một chút hy vọng mong manh được khơi dậy thấp thoáng nơi đáy mắt những người đang vây quanh giường bệnh. Chắc ca này đã được các vị thầy thuốc cao tay hội chẩn và đưa ra quyết định cuối cùng. Ông bác sỹ nói tiếp như ra lệnh:
- Người nhà bệnh nhân hãy đi theo tôi !
 Mọi người nhìn hút theo ông bác sĩ và người vợ bệnh nhân bước đi vội vã, nóng lòng trông chờ những hành động ứng phó kịp thời của nhà chuyên môn đáng kính mà họ không thể nào đoán trước được. Một lát sau, từ phòng bác sĩ thất thểu đi ra, người vợ bệnh nhân miệng mếu máo, mặt mũi méo xệch, nước mắt giàn giụa, tay cầm tờ giấy. Chị ta  chìa mảnh giấy sát vào mặt chồng dường như không muốn để cho người xung quanh đọc ghé. Sau vài lần đỏ bừng rồi tái mét, tái mét rồi lại đỏ bừng, mặt anh chồng bỗng nhăn nhó đến thảm hại và đôi dòng lệ traò ra nơi khoé mắt hốc hác sâu trũng, chảy dài trên đôi gò má xương xẩu gầy guộc. Và bỗng nhiên, niềm vui hạnh phúc bất ngờ ập đến, vỡ oà như thác lũ không gì ngăn nổi. Những tràng rắm cứ bum bủm tuôn ra tựa hồ súng nổ liên thanh mãi không dứt. Không khí xung quanh thối hoăng thiên địa. Vẻ mặt sầu não nhăn nhúm của người vợ bỗng giãn nở ra hết cỡ, tươi tỉnh hẳn lên, như bông hoa hồng được tưới nước mát trong lành ban mai nắng sớm. Chị  nhanh chân bước ra ngoài hành lang bệnh viện, nhảy cẫng lên như đứa trẻ con mừng thấy mẹ về chợ. Những ánh mắt vây lấy chị hân hoan đồng cảm. Những tiếng thở phào như vừa trút đi gánh nặng. Những tiếng xì xào bàn luận. Những vẻ mặt ngỡ ngàng, sửng sốt trược sự kiện động trời. Chị vợ huơ tờ giấy lên đầu và hét to:
- Đánh được rồi, may quá… đánh được rồi! Hoan hô…cảm ơn các thầy thuốc !
Người đứng cạnh vội giằng lấy tờ giấy đọc. Đó là bản thanh toán tiền thuốc men viện phí và giấy chuyển viện tuyến trên. Người ấy nói với vợ người bệnh:
- Đánh được rồi thì có phải chuyển lên viện tuyến trên nữa không? Chỉ có hai sào ruộng khoán với một túp nhà bẹp , lấy tiền đâu để trả viện phí ?
Người vợ điềm nhiên trả lời:
- Không đánh được thì mới phải chuyển lên tuyến trên xử lý, chứ đánh được rồi thì chả ai dại gì chuyển đi cho thêm tốn tiền. Còn tiền nằm viện sẽ thu xếp, bán được cái gì thì bán,  thiếu thì đi vay, dẫu ngày mai có phải đi ăn mày mà cứu sống được chồng cũng cam. Đã vào nằm bệnh viện thì chẳng còn gì quí hơn mạng sống. Chẳng có gì  đáng sợ hơn mạng sống bị coi rẻ! 
                      
MÓN NỢ KHÓ TRẢ  
                                                 
     Đôi bạn thân quê khác xã, ngày xưa học cùng lớp phổ thông trung học trường huyện. Một người học giỏi, học hành tấn tới, gia đình kinh tế lại khả giả, đã trở thành công chức đi công tác ở tỉnh ngoài một thời gian rồi về huyện nhà làm sếp. Một người thi chẳng đỗ trường gì, quay về làm ruộng, chạy chợ và làm những việc linh tinh khác kiếm sống. Người này có tài xã giao ăn nói hoạt ngôn đâu ra đấy nên được địa phương chú ý đưa đi đào tạo “nguồn” rồi cất nhắc. Từ nhân viên thường dần dần ngoi lên vị trí quan trọng của xã. Hai người vẫn giữ mối quan hệ bạn bè thân tình, thường xuyên qua lại nhà nhau chơi. Họ cùng có thú uống rượu và chơi cờ tướng. Lúc trà dư tửu hậu, ông Xã nói với sếp Huyện:
- Ông cố gắng giúp cho làng tôi cái giấy chứng nhận làng văn hoá, để làng bên cạnh hết vênh mặt coi thường dân làng chúng tôi. Làng họ đâu có hơn làng mình mà cổng làng trương lên cái biển “Làng văn hoá” to tướng!
- Làng ông đến cái nhà văn hoá còn chưa có, thanh thiếu niên thì nghiện hút, chích choác nhan nhản, hàng xóm láng giềng thỉnh thoảng lại to tiếng “oánh” nhau, khi thì do lấn bờ xén cõi vườn tược, khi thì  do mất trộm con gà con chó. Ao chuôm thì đã lấp sạch, làm nhà chồng chéo chẳng ra quy củ gì. Mỗi khi trời mưa to, nước ngập không lối thoát dềnh vào cả  vào trong nhà.
- Làng tôi vừa mới tôn tạo xong ngôi đền, ngôi miếu đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá. Năm nào cũng mở hội linh đình long trọng. Khách thập phương về cúng bái đông nghịt. Lại còn xoá hết nhà tranh tre, nứa lá. Không còn hộ đói hộ nghèo…
Trầm ngâm một lát, sếp  Huyện nói:
- Nhưng mà… việc trùng tu tôn tạo di tích của làng ta đâu còn giữ được nguyên mẫu. Các vị chỉ cốt tô vẽ hoa hoét, râu ông nọ cắm cằm bà kia, xây thêm  am miếu, nhà giải vũ để cho các ông đồng bà cốt đến ngày lễ hội chập cheng chũm choẹ kiếm tiền. Lẫn vào lễ hội văn hoá truyền thống, thấy toàn là cờ bạc đỏ đen, ăn xin, móc túi… đâu còn gọi là truyền thống nữa!
Ông Xã cự lại:
- Thời buổi kinh tế thị trường, không chịu vận động như thế  thì lấy gì để tu bổ vào công trình di tích, lấy gì bổ sung cho ngân sách địa phương? Ngoài việc thu phí dịch vụ và quyên tiền công đức còn có khoản thu gì khác đâu!
- Các ông chỉ mải kiếm tiền, để đến nỗi cổ vật bị mất trộm dần mòn, phải làm đồ giả để thay thế hầu hết.
Ông Xã cứng lưỡi . Rồi vẫn với giọng khẩn khoản:
- Có thế thì tôi mới phải nhờ đến uy thế của ông chứ! Ông cứ yên tâm, gái có công chồng chẳng phụ.
    Vài ngày sau,  sếp Huyện đến nhà sếp xã chơi. Lúc trà dư tửu hậu, ông  ta nói với sếp xã :
- Tháng tới tôi sửa lại cái nhà. Lên dự trù tính toán từ mấy tháng trước thì đủ tiền làm. Nhưng vật tư sắt thép xi măng… lên giá nhanh quá, với số tiền ấy bây giờ may ra chỉ đáp ứng được một nửa công trình. Ông có tiền cho tôi mượn một ít, một năm sau tôi sẽ trả, được không?
- Tôi không có tiền nhưng tôi sẽ cố gắng vay hộ ông. Vay từ khoản ngân sách của xã.
- Còn cái việc cấp giấy công nhận “làng văn hoá” của làng ông, tôi sẽ cố gắng chạy . Giấy chứng nhận chỉ là hình thức, trên danh nghĩa thôi. Còn cái nhà văn hoá, hơn chục thanh niên chích choác nghiện ngập… vân vân, coi như tôi cho ông nợ. Ông phải nhắc nhở các vị có trách nhiệm sớm khắc phục những yếu kém để mau xứng đáng với danh hiệu được ban tặng.
    Một năm sau, sếp huyện trúng mánh lớn nhờ các “dự án” chuyển mục đích sử dụng đất đai. Tiền của vào nhà sếp như nước. Lại nhân lúc chén chú chén anh, sếp Xã ướm hỏi sếp Huyện:
- Khoản tiền tôi vay hộ ông đã đến hạn trả nợ. Khi nào thì ông có thể đưa cho tôi để hoàn lại cho xã?
Sếp Huyện nhếch mép:
- Đối với tôi lúc này, khoản tiền ấy coi nhỏ bằng con tép, trả ông lúc nào chả được. Nhưng còn cái khoản ông nợ tôi là cái nhà văn hoá, 17 thanh niên nghiện ngập, mấy vụ anh em ruột kiện nhau tranh chấp tài sản… không sớm thanh toán đi, sau này có kẻ khui ra, báo chí xía vào, có mà… chết cả lũ! 

KHÔNG CÓ SEX     
                                     
Tôi được Công ty dịch vụ cho thuê “chồng” ưu ái trả mức lương khá hậu hĩnh bởi lẽ tôi  khá bảnh trai, người cao ráo, da trắng trẻo, mặt chữ điền, vừa có vẻ thư sinh vừa có vẻ vạm vỡ của một võ sĩ, lại ứng xử khéo léo, dí dỏm, dễ được lòng phụ nữ. Và điều quan trọng hơn là tôi rất khéo tay làm những việc vặt trong nhà như sửa chữa điện nước hay cần ăng-ten ti vi, nói chung là “việc của đàn ông”. Nhận điện thoại của sếp, tôi tức tốc đến công ty .Sếp dặn: “ Khách tuổi xấp xỉ 40, có chồng  đang ở nước ngoài, hai đứa con đang học phổ thông. Nhiệm vụ của anh là phải làm “chồng” chị ta trong thời gian đúng 3 giờ đồng hồ. Lương vẫn giữ mức cũ. Đây là khách sang, phải thật thận trọng, khéo léo và tiêu chí hoạt động của công ty chúng ta là dứt khoát không có “sếch”, phải nhớ đấy!”
Tôi nhấn chuông. Cửa mở. Một phụ nữ xinh đẹp dường như trẻ hơn cái tuổi 40 rất nhiều ló đầu ra hỏi:
- Anh là…người của công ty X?
- Dạ…vâng, chính tôi.
- Xin mời vào. Anh đến chậm 20 phút so với yêu cầu ghi trong hợp đồng.
- Chị thông cảm, đường kẹt xe.
- Trong hợp đồng không có chữ “thông cảm”, phải đúng giờ bởi nếu trong lúc anh đang làm “chồng” tôi mà con cái đi học về…
Linh cảm mách bảo tôi có thể lâm vào tình cảnh khó xử. Ngại cóc gì, tôi đến làm dịch vụ, giúp mẹ các cháu làm những việc đáng ra của bố chúng…Ý nghĩ tôi bỗng bị ngắt quãng bởi giọng nói sẵng:
- Mà anh cũng lạ thật, chồng tôi có bao giờ xưng hô chị chị, tôi tôi với vợ bao giờ đâu!
Tôi cười xí xoá:“Em thông cảm. Anh cứ nghĩ…”May mà tôi chưa buột miệng nói  “em bằng tuổi bà cô tổ nhà anh”.
- Bây giờ anh đi làm việc của anh đi,  trước tiên lau nhà cho em.-Chị ta tiếp- Bây giờ là 9 giờ 20 phút. Sau đó sửa chiếc đèn màu trong phòng ngủ. Mọi việc của anh phải xong trước 12 giờ trưa
Tôi ngoan ngoãn cầm lấy cái chổi. Chị ta vào nhà tắm. Khi cái đèn  ngủ sửa xong vẫn nghe thấy tiếng nước xối rào rào. Bỗng chị ta gọi giật giọng:
- Anh ơi! Vào đây giúp em một tí. Mọi việc hãy bỏ lại làm sau.
Tôi ngó qua cửa nhà tắm mở toang hoác. Một thân hình “nuy” toàn bộ trắng nõn nà đang xối nước từ đầu đến chân. Nàng khẩn khoản: “Anh kì lưng giúp em với.”
Tôi bối rối: “Việc này không có trong hợp đồng.”
- Nếu anh sợ ướt thì cứ cởi quần áo ra treo vào mắc, rồi cùng tắm với em cũng được . Chúng mình là vợ chồng cơ mà! Anh phải làm cái việc của người chồng.
Thấy tôi cứ đứng đực ra và có phần xao xuyến trước thân thể quyến rũ của người đàn bà  bầu ngực tròn căng có lẽ  đã được bơm lên bởi thứ “nước biển” hay si li côn gì đó, nàng quay ra hỏi:
- Anh có hiểu vợ chồng là gì không?
- Thì…là mối quan hệ hợp tác cao cấp, chỉ có ở loài người…
- Chưa đủ! Còn là mối quan hệ bình đẳng, hạnh phúc và duy trì phát triển giống nòi ! Cái nọ phải đè lên cái kia mới gọi là chồng, đúng không?
   Những đường cong gợi cảm trên thân thể nàng bỗng trở nên sinh động quyến rũ khác thường đã làm bừng tỉnh bản năng thằng đàn ông chưa vợ trong tôi. Giọng sếp bỗng như oang oang bên tai “nhất định không được có sếch đâu đấy!” làm tôi hơi choáng. Chỉ có tôi với nàng, có sếch-xì cũng chả ai biết! Nhưng đây là dịch vụ… Từ khi có dịch vụ cho thuê chồng hờ (mới được nhập ngoại), ối chị em đã lấp được chỗ trống khi nhà vắng người đàn ông hay ít ra  cũng thoả mãn được những nhu cầu tối thiểu mà người chồng thật của họ hoặc bất lực hoặc quá vụng về. Gọi  “chồng” tức là muốn cải thiện mối quan hệ bà chủ và người làm thuê, bình đẳng, thân thiết ở mức độ cao chót vót không ngoài mục đích ngọt ngào móc túi các quý bà lịch lãm quý phái giàu sụ thừa tiền mà lại thiếu người đàn ông làm việc vặt trong nhà, có khi là cả cái “văn hoá phồn thực”.Có cầu ắt có cung, thế thôi! Dục vọng đàn ông hay đàn bà, như nhau cả .
- Kìa, anh…sao không nhanh lên.Thù lao của anh những 600 ngàn đồng một giờ, bằng gần  nửa tháng lương công chức kia đấy. Nếu cần , em sẽ bo thêm- Nàng lại giục.
Bỗng chuông điện thoại réo. Sếp gọi. Đã hết giờ, phải về ngay  nhận việc mới. Tôi bảo nàng:
- Đúng 12 giờ rồi. Anh về, lúc nào cần cứ phôn cho anh…
Hai học sinh trung học cũng vừa về đến cửa. Trong tay tôi đang cầm chiếc kìm điện .
- Chú đến quét nhà…à , ừ… đến sửa điện cho nhà các cháu.- Tôi nói và vội vã bước đi