Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ƯỚC LỄ: HỘI NĂM NAY CỨ NHƯ THỜI TÔI THƠ ẤU

Nguyễn Hiếu
Thứ tư ngày 2 tháng 2 năm 2011 6:06 PM
 
        Thế là một mùa xuân lại đến. Nhìn đoá hoa rực rỡ, búp lộc mơn mởn đầu cành thì dẫu rằng đã ngoại lục tuần lòng người cũng vẫn được tiết xuân gợi lên sự thanh thản cùng những nghĩ suy lắng đọng. Ở tuổi tôi hễ cứ ngồi với nhau là y như rằng mấy ông bạn đồng niên lại nói đến hồi đó. Cái hồi mình còn trẻ, sức lực còn nhiều. Cái hồi gặp cô gái nào cũng cảm thấy tình yêu sắp đến với mình. Cái hồi…Riêng tôi sáng đầu xuân nay thức dậy chợt nghe lung bung tiếng trống nào xa xôi, rồi khúc nhạc xinh tiền vẳng vẳng đâu đây nhắc mình nao nức cho một mùa trẩy hội mới bắt đầu. Hồi đó tôi chưa đầy chục tuổi khi tiếng ve rạo rực, ra rả vang trên cành me, cành phượng thì đám học trò tay dây đầy mực tím làng tôi không chỉ nôn nao nghĩ đến một kì nghỉ hè thoải mái đi lội sông, ao, hồ bắt cà cuống, đơm cá.. theo mẹ ra bãi giữa bẻ ngô, tuốt kê mà còn chăm chăm chuẩn quần áo đẹp đi ra xem hội Chèm tưởng niệm Đức ông Lý Ông Trọng Thành Hoàng làng, người con hiếu đễ, quí nhân đất Việt Cổ làm rạng danh non sông khi sang giúp nhà Tần chống giặc Hung nô. Trong ba ngày hội giữa ngày hè chang chang nắng đó, đám trẻ chúng tôi tha hồ chen chân xem trai thanh gái lịch ba làng rứơc kiệu thánh, bơi thuyền ra giữa dòng sông lấy nứơc về làm lễ mộc dục. Xem cụ già tế lễ, thả chim, trai làng đấu vật, bắt vịt, thi giã giò, gái làng thi làm cỗ, nấu chè kho. Lũ trẻ chúng tôi tha hồ ăn lộc thánh… Hơn nửa thế kỉ trôi qua bây giờ ngẫm lại mới thấy. Cái ngày  thơ ấu ấy đã qua. Những ngày hội làng trong trẻo, rộn ràng, vô tư đó đã lùi xa . Còn tôi khi cuộc đời đã vắt qua nửa dốc bên kia thì ao ước, sao cho con tôi, cháu nội, thế hệ tương lai sau này và cả dòng giống dân Việt này có đựơc những ngày lễ hội đúng theo những gì lòng dân chờ mong …
       Cái gì thì chưa dám nói, còn về mặt lễ hội thì Việt nam ta chắc sẽ đựơc xếp vào một trong những quốc gia có nhiều ngày lễ, ngày hội nhất. Cũng phải thôi . Một dân tộc hơn 4000 năm dựng nứơc và giữ nước. Biết bao anh hùng, kì tích đã xuất hiện trong dằng dặc hơn 40 thế kỉ qua. Cũng trong từng ấy thời gian để dân tộc này tồn tại, phát triển nền văn hoá lúa nứơc đã hình thành, phát triển với biết bao ông tổ nghề có công truyền, dậy nghề cho trăm họ nuôi sống con người .. Lễ Hội Việt nam là dịp thể hiện rõ nhất sự tôn vinh đối với các vị anh hùng có công chống ngoại xâm, diệt trừ ác thú, giầu lòng cứu nhân độ thế, các vị có công di dưỡng khí cốt Đại Việt, có công lập nghề và truyền nghề cho con cháu. Lễ Hội được diễn ra là hành động chân chính của cộng đồng về tâm thành uống nước nhớ nguồn, tạo nên sợi dây truyền thống nối liền quá khứ và hiện đại. Đây cũng là sự chuẩn bị thông điệp cho tương lai trong dòng chẩy của nòi giống. Không phải bỗng nhiên lễ và hội luôn luôn đi liền với nhau. Trong đó phần lễ là hệ thống hành vi, động tác tôn vinh hướng tới thần linh và các vị tiền nhân phản ảnh sự nhớ ơn, và cả ước mơ của con người. Còn phần hội là sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật bắt đầu từ nhu cầu của thực tại đời sống. Vì những mục đích cao cả trong đó mang cả hoài vọng về sự sinh sôi, nẩy nở cho cuộc sống con người nên đa phần Lễ Hội thường diễn ra vào hai mùa đẹp nhất trong năm là mùa xuân – mùa của sự sinh sôi của vạn vật, cây trái và mùa thu –mùa của sự viễn mãn cây cỏ, chúng sinh. Cá biệt cũng có lễ hội do đặc trưng của nguồn gốc sinh ra nên diễn ra vào mùa hè như hội Chèm làng tôi. Nhưng cũng như mọi hình thái sinh hoạt công cộng của con người lễ hội ở nứơc ta cũng trải qua nhiều bứơc thăng trầm. Ở thế hệ chúng tôi đã từng chứng kiến thời gian Lễ Hội bị bài bác vì bị khoác chiếc áo mê tín dị đoạn. Vào những năm cuối thập kỉ 50 đầu thập kỉ 60. Đình, chùa, miếu mạo …nơi diễn ra Lễ Hội bị xâm chiếm phá hoại. Tàu tượng đình Chèm làng tôi - đựơc xếp vào hàng đình quốc tế - bị những kẻ giả danh chống mê tín thô bạo xâm phạm nghiêm trọng. Đôi tượng ông voi, ông mã uy nghi bị tốp ngưòi quá khích giật đổ ném xuống sông… Đồ tế nhuyễn bị bán cho người đúc đồng, màn sáo cho đội văn nghệ làng xử dụng. Sau thời kì đáng sợ đó thì sự khó khăn trong giai đoạn bao cấp cũng làm cho lễ hội bị co lại, teo tóp. Cách đây hơn hai thập kỉ với chính sách đổi mới kinh tế, nền kinh tế chung và đời sống người dân và một phần tư tưởng đựơc cải thiện lễ hội dần dần đựơc khôi phục và có những bứơc phát triển mạnh. Nguyên thuỷ tự ngàn xưa đất nứơc ta có khoảng gần 500 Lễ Hội nhưng với sự trăm hoa đua nở tính đến năm 2009 thì số lượng Lễ Hội của nước ta lên đến con số 7966 . Trong đó 7039 lễ hội dân gian chiếm 88,36% như lễ hội Lim( Bắc Ninh ), Hội Lồng Tồng ( dân tộc Tầy, Nùng Tây Bắc),Hội hồ ba Bể ( Hoà Bình)..332 lễ Hội lịch sử chiếm (4,16%) như Lễ hội An Dương Vương( Hà Nội ), Lễ Hội Lăng ông ( Trà Ôn ,Vĩnh Long ), đền thờ Trương Định ( Gò Công ), Lễ Hội đền Hùng ( Phú Thọ), Lễ Hội đền Cửa Suốt ( Quảng Ninh) tưởng niệm Trần Quốc Toản…544 Lễ hội tôn giáo chiếm 6,28% như hội Chùa hương ( Hà Nội ), Hội  Phủ Giầy ( Nam Định). Hội chùa Bà Thiên Hậu, Núi Bà ( Nam bộ ),Lễ  Hội Nghinh Ông ( Vũng Tầu)…10 Lễ hội  du nhập từ nứơc ngoài vào chíếm 0,12% như Lễ giáng sinh, Lễ hội hóa trang hanoven, Lễ hội Ok om Bóc …Ngoài ra còn 0,5% bao gồm các lễ hội khác mới phát sinh cùng với sự ra đời của không ít các công trình tôn giáo mới đựơc đầu tư xây dựng trong đó tiêu biểu như Lễ Hội ở chùa Bái Đính trong thời gian gần đây …. Điểm qua bức tranh, sơ đồ về Lễ Hội Việt nam mang lại cho chúng ta không ít niềm vui. Đó là sự thể hiện một đức tin, một lòng thành kính đối với tổ tiên, đối với tiền nhân. Mọi tôn giáo dù biểu hiện khác nhau nhưng đều có mục tiêu là sự hướng thiện. Các lễ hội đều gắn với với tôn giáo đã nói lên sự hướng thiện của người dân ta trong thời gian gần đây đã được xem như một tôn chỉ đáng mừng. Nhưng sự trùng hợp con số các Lễ Hội tăng vọt trong thời điểm nền kinh tế thị trường ở nước ta ngày càng giữ vai trò chính thống đã tạo ra sự hoài nghi về sự tôn trọng điều hướng thiện vô tư đó. Ở không ít nơi Lễ Hội đã bị xếp vào loại các dự án. Những nhà quản lý vô thần đã biết tìm ra sự đam mê hướng thiện, quay về với tổ tiên ,với cha ông, với thần linh của quân chúng nhân dân để lập ra những dự án được thực hiện bằng tiền ngân sách. Ngày xưa ở làng tôi mỗi khi có lễ, tết, việc họ dăm ba nhà lại đánh đụng con chó, con lợn làm cỗ. Nhà nào nhà nấy được chia phần thịt, phần xôi. Cụ già đựơc món nhắm ngon, tươi, con trẻ đựơc cái bóng bóng lợn thổi chơi. Còn ngày nay các cuộc đánh đụng lịch sử kiếm lợi kinh tế xung quanh Lễ Hội các cấp từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh cấp huyện, cấp xã đang có cơ phát triển mạnh. Đây là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng Lễ Hội ở nứơc ta trong thời gian qua. Mượn hơi tiền nhân, cha ông mà  bổ vào ngân sách làm dự án Lễ Hội thì dễ đựơc kí nhận cho thực thi là thế .Còn trong mỗi Lễ Hội. Thế hệ 4x chúng tôi lại chạnh buồn. Mượn cớ “ngày dỗ cha, ngày hội làng  phải trang trọng, nhà cửa phải khang trang” bất chấp đời sống đại đa số người dân còn thiếu thốn, nền kinh tế đang rập rình lạm phát, thiểu phát  người ta bầy ra không biết bao nhiêu trò khánh tiết hoè sói cùng hàng loạt các công trình mang tên Lễ Hội. Các doanh nhân mượn cớ tài trợ đã liều lĩnh chen hoạt động thương mại vào những thủ tục tế lễ thần linh. Những kỉ lục chiếc bánh trưng, bánh dầy độn xốp, những chai rượu, chai bia khổng lồ núp dưới hình thức lễ vật dâng lên Vua Hùng để quảng cáo cho thương hiệu thật phản cảm và gây bức xúc cho hàng triệu người dân hướng về cội nguồn. Hàng trăm công trình mang danh đại Lễ đựơc thi công dối trá theo lối “giả lễ Chúa mường” gây lãng phí và tốn kém tiền của nhân dân … Còn với người dân, những tín chủ hôm nay đến với lễ hội …. Dạo tôi còn bé mỗi khi xuân về bạn bè chúng tôi muốn gì thì gì cũng theo mẹ xuống chùa. Trong khi mẹ tôi thành kính lễ Phật mong ban phúc đức, tài lộc cho cháu con, cho gia đình thì lũ trẻ con đi xem mặt động thể hiện sự thiện ác và nhân quả. Ngoại lục tuần rồi nhưng câu ca về mặt động vẫn nằm sâu trong tâm khảm “đứa nào chửi mẹ cãi cha .Chết xuống âm phu quỉ cưa mất đầu”.Còn bây giờ không ít con người ngoài đời lừa đảo bạn bè ,vợ con, bạo hành con trẻ, dùng mọi thủ đoạn độc ác để ăn cắp, ăn cướp của chung,của ngưòi khác, bất hiếu với cha mẹ .. Vậy mà vào cửa chùa, cửa đình lại cầu xin lợi lộc, sống lâu ,khoẻ mạnh… Những con chiên ghẻ, tín chủ ác độc đó thì cho dù có có bày biện mâm lễ đến đâu cũng chẳng có thánh, Phật nào chứng.Tệ hơn nữa những con ngưòi đó lại mang cả tâm địa đen của họ gán cho thánh thần, Chúa phật với một quan niệm đầy chất buôn bán “trần sao âm vậy “.Lúc cha mẹ sống thì bỏ đầy bỏ liều khi cha mẹ khuất núi thì mâm cao cỗ đầy. Ăn ở gian manh độc ác nhưng lại xắm xanh mẫm lễ thật đầy, thật oai mong hối lộ thánh thần phù hộ cho lối sống bạc ác của họ. Những chiếc ôtô đời mới ,những biệt thự cao sang đầy đủ tiện nghi bằng hàng mã cùng những đồng tiền cố nhét vào tận tay thánh thần trong những Lễ Hội như một hành vi hối lộ thần linh như họ từng hối lộ các quan chức tham nhũng …
        Ở vị thế một người già, tôi không muốn đưa ra một lời góp ý nào cho cơ quan quản lý làm sao cho Lễ Hội của ta và ngưòi đi Lễ Hội xứng đáng với những gì chúng ta mong muốn, cầu nguyện ở thần linh. Mọi hoạt động của xã hội có tốt đẹp hay không đều bắt đầu từ hệ thống quản lý . Còn với tư cách một  nhà văn cao tuổi tôi cứ ước ao. Lễ Hội hôm nay sớm muộn sẽ trở lại trong trẻo như thời thơ ấu ngày xưa của tôi . Hỡi các vị lòng thành trứoc thần linh hãy nhớ một câu”trời ở đâu cũng có mắt “.Ăn ở ra sao thánh, phật sẽ phù hộ lộc, phúc đến đây. Sống độc ác, ích kỉ, tàn nhẫn thì dù mâm cao cỗ đầy bao nhiêu cũng sẽ không bao giờ đựơc trời phật ân thưởng. Cái lẽ cao quí của Lễ hội chính là ở chỗ đó .
 Nguyễn Hiếu