Trang chủ » Tản văn

BAO GIỜ TRỞ LẠI ĐỒNG BƯƠNG CẤN

Phạm Thanh Quy
Thứ sáu ngày 29 tháng 4 năm 2011 1:32 PM
 
Cá chép, tên chữ Hán gọi là Lý ngư. Trong dân gian cá chép được coi là loài cá tôn quý, gắn với tích cá chép vượt vũ môn hoá thành rồng vào dịp tháng Ba:
Bao giờ cá chép hoá rồng
Đền ơn cha mẹ bế bồng ngày xưa

Cá chép cũng là vật linh, được nhân dân ta cung kính dâng lên tổ tiên, các vị thần thánh và Táo Quân vào dịp Tết ông Công ông Táo 23 tháng Chạp. Có biết bao thơ văn, tranh hoạ về đề tài cá chép. Dòng tranh dân gian Hàng Trống có tranh Lý Ngư vọng nguyệt nổi tiếng. Trong đông y, ăn cá chép kết hợp với các vị thuốc có thể chữa được một số bệnh như gan, thận, kể cả bệnh ung thư bởi cá chép bổ tì, lợi tiểu, tiêu phù, thông sữa, chữa ho, lở loét, bổ thai…
Với những người làm nghề chài lưới thì cá chép là giống mang lại điều may mắn, tốt lành. Thế nên đến dịp xuân về, khi những hạt mưa xuân lất phất rơi cũng là lúc cá chép vào bờ đẻ trứng và dân chài lưới, dân thuỷ cơ lại rủ nhau đi săn cá chép.
Cá chép thì nơi nào trên đất Việt Nam chẳng có. Nhưng chẳng ở đâu có giống cá chép đẹp và ngon như cá chép ở vùng Bương Cấn. Người dân nơi đây thường tự hào về giống chép quý quê mình bởi nó đẹp hơn cả cá chép trong tranh Lý ngư Vọng nguyệt. Theo cụ Sỹ Danh Tuyên 84 tuổi và cụ Cấn Văn Tính 75 tuổi người Cấn Xá Thượng thì giống cá ấy có đôi mắt rất to, màu hồng đỏ, vẩy cũng rất to, hình tròn, mềm, có ánh vàng lấp lánh. Đặc biệt đầu cá chép có khuôn hình giống đầu rồng, béo múp, mang màu đỏ hồng, mình thuôn dài, da cá có màu vàng, đuôi màu đỏ hồng, ánh vàng nhũ. Dân Cấn Hữu còn gọi là cá Gáy. Cá nặng trung bình từ 2-3kg/con, con to nặng từ 5-7kg. Cá chỉ sống trong đầm lầy nước sâu, chỉ ăn cỏ, ăn rong, tắm bùn nên thịt rất ngon. Khi ăn, thịt cá béo mà không ngấy, mềm mà không nát và rất thơm nếu như không cho gia giảm. Cá được người Cấn Hữu chế biến thành nhiều món như cá rán, cá nấu (gồm nấu riêu, om dưa) và cá hấp. Ngon nhất là cá hấp vì nó giữ được hương vị thơm, béo, ngậy, ngọt đậm đà của cá. Cá thường được hấp bằng rượu nếp trắng. Dù hấp, dù rán, dù nấu riêu hay om dưa thì gia giảm không thể thiếu được cho cá chép đó là gừng và hành tăm, mà phải là loại gừng già và hành tươi mới ngon. Khi mổ cá, người ta phải mổ rất khéo sao cho ruột cá không vỡ. Bởi ruột cá chép Đầm Bung ngon, giòn, thơm, bùi, béo do các lá mỡ quấn quanh nên không ai vứt bỏ như cá chép thông thường. Vẩy cá cũng mềm và ngon nên ít khi người ta đánh vẩy mà để nguyên rồi chế biến. Loài cá chép Đầm Bung rất hiếm và khó đánh bắt. Có người cả năm chẳng gặp được một con, có người cả đời đánh cá cũng chưa một lần được chạm tay vào cá quý ấy. Thế nhưng cả làng, cả tổng vẫn đi đánh cá để mong gặp may và năm nào cũng vậy, vẫn có vài người đánh bắt được. Mỗi khi đánh bắt được cá, dân làng cho đó là điềm may mắn, là lộc Trời, Thánh ban vì vậy cá chép bắt được người ta cung kính rửa sạch, mổ bụng, gỡ mang và giữ nguyên máu tươi. Sau khi chế biến còn đang nóng hổi cá được cả chòm xóm thưởng thức, mỗi người một miếng bé xíu.  Vì sao cá chép Cấn Hữu lại ngon đến vậy?
Từ thị trấn Quốc Oai đi về Cấn Hữu chỉ chừng 3 cây số. Đây là một xã ở phía Tây Nam huyện Quốc Oai, nằm dọc ven đê tả ngạn, đoạn cuối sông Tích, dân đông, ruộng đất nhiều. Cấn Hữu là vùng đất cổ. Khi nhà Lý rời đô về Thăng Long đã cho người dẫn một số dân kinh đô cũ về vùng Kinh Xá, huyện An Sơn hợp thành Kinh Xá Thượng, Kinh Xá Hạ, sau đổi chữ Kinh thành Cấn, tên Nôm là Kẻ Bương, Kẻ Cấn (có lẽ do ở đây tập trung đông người họ Cấn bản địa) và dựng nên ngôi đình Cấn Xá Thượng đồ sộ, to nhất vùng, đi vào ngạn ngữ xứ Đoài: Đẹp nhất đình So, to nhất đình Cấn.
Thời ấy Cấn Hữu là một chằm lầy, trước núi ven sông. Chính địa thế ấy đã tạo ra nhiều đầm hồ, trong đó có một cánh đồng rộng lớn rất trũng lầy, gọi là Đầm Bung hay đồng Bung cũng thế. Đầm còn có tên gọi khác là cánh đồng Thập Cửu bởi có 19 làng của 2 huyện Quốc Oai, Chương Mỹ vây quanh, muốn qua đầm phải dùng đò di chuyển. Đầm Bung sâu đến nỗi người dân quanh vùng thường răn bảo nhau: “Con một thì chớ đi đò Đầm Bung”, đề phòng tai nạn rủi ro. Trong cánh đầm sâu và rộng ấy chỉ toàn cỏ lăn, cỏ lác mọc cao quá đầu người khiến cánh đầm trở nên huyền bí, xa vời. Dưới đầm sâu chỉ có cỏ chân vịt sống nên nước rất trong và ngọt. Đầm Bung nước sâu nên khó đánh bắt vì vậy cá tôm ở đây rất nhiều. Nhất là khi mùa mưa đến nước sông Tích, sông Cấn gần đó tràn vào khiến lượng cá về đây nhiều vô kể. Dân Quốc Oai thường có câu ví: “Đòn Cấn Xá, cá Đầm Bung” (đòn Cấn Xá là đòn đánh võ hiểm hóc của dân Cấn Xá, dân Cấn Xá hầu như ai cũng biết võ. Cá Đầm Bung là chỉ cá ở đây nhiều vô tận và ngon, nhất là loài cá chép sống trong đầm như vừa kể trên). Theo các cụ già ở Cấn Xá thì cá chép Đầm Bung chỉ ưa sống ở nước sâu và sạch, đẻ ít, khó nuôi, lại chỉ xuất hiện vào những ngày trời trong, nắng đẹp.
Xa xưa, khi con cá đầu tiên đánh được sẽ được dân làng dâng lên cụ bà Thánh Tổ - người Cấn Xá đã có công thu phục, giúp đỡ muông thú, trong đó có loài hổ và khai phá đầm lầy, giúp dân cấy trồng. Cá để cúng là cá sống, nguyên con. Cúng tế xong cá ấy được chế biến, chia cho cả làng, mỗi người chỉ được một tí xíu thịt, nhỏ như que tăm. Sau lần ấy mọi người mới được đánh bắt tự do. Tiếng lành đồn xa về loài cá quý, chẳng mấy chốc đến tai nhà vua. Người bèn truyền lệnh dâng cá lên cho Người ngự lãm. Tương truyền khi ấy là vào thời Trần. Quả là danh bất hưu truyền. Từ ấy, hàng năm dân Cấn Hữu hễ đánh được con cá chép nào là phải dâng tiến lên vua. Nếu không theo lệnh, bị bắt được sẽ đánh đòn và phạt tiền rất nặng nên ai cũng sợ. Lâu ngày, dân Cấn Hữu lập thành lệ khi mùa nước cạn, sau khi tế lễ ở đền Thánh Tổ xong thì phát lệnh cho cả làng cùng xuống đánh cá, cả các làng chung quanh cũng được đánh hôi, ngày thường nghiêm cấm đánh bắt nên các loài tôm cá nhiều đến nỗi có thể giơ tay bắt được cả vốc.
Cùng với 3 vật quý khác, cá chép Đầm Bung Cấn Hữu đã trở thành vật quý được bao đời nay truyền tụng: “Sài Sơn chi biển bức, Cấn Xá chi lý ngư, Khánh Hiệp chi kỳ bành, Linh Chiểu chi úng thái”(Dơi ngựa Sài Sơn, cá chép Cấn Xá (đều thuộc huyện Quốc Oai), cua đồng Khánh Hiệp, rau muống Linh Chiểu (của huyện Phúc Thọ)). Sách “Sơn Tây tỉnh địa chí” của Phạm Xuân Độ khẳng định đó là tứ dị - 4 của ngon vật lạ của đất Sơn Tây dùng để cung tiến vua chúa.
Loài dơi quý ở Sài Sơn thịt rán thơm, ngon mà không cần ướp gia vị. Khi đặt miếng thịt dơi vào lưỡi cảm nhận có mùi thơm của quả chín. Thịt loài dơi này còn chữa được nhiều bệnh. Đây là loài dơi quý mà trong sách Đại Nam nhất thống chí có nói đến.
Cua Khánh Hiệp (thuộc xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ) sống ở gò Ma Khống. Cua đó mình to bằng cái bát ăn cơm, mai mầu vàng rộm. Mỗi năm, người ta chỉ thấy cua bò ra ngoài một lần vào một ngày bất thường. Nên ai trông thấy phải thông báo để mọi người đến bắt đem tiến vua.
Rau muống tiến vua ở Linh Chiểu (Phúc Thọ) được trồng một cách độc đáo: Người ta bắt những con ốc to đem về làm cho ốc chết, rồi cấy mầm rau muống vào từng con ốc đó. Mầm rau muống sống lớn lên nhờ chất của con ốc. Khi rau muống dài độ một gang tay thì người ta mang những con ốc - rau muống (để nguyên như thế) đem tiến vua.
Lại nói về vùng Bương Cấn. Trải qua bao đời, những cánh đồng bát ngát mênh mông ở đây vẫn còn, nhưng không lầy trũng như trước đây. Đầm Bung vẫn lớn rộng nhưng đã khô cạn gần hết do quai đê, lấp đi sông Cấn, sông Tích thì lùi xa. Đầm Bung giờ có thể cầy cấy, làm trang trại, đem lại nguồn lương thực và thu nhập đáng kể cho địa phương. Tiếc thay, giống cá chép quý cũng lâu lắm rồi không thấy, chỉ còn lại trong kí ức người dân, để mỗi khi qua chợ Bương, đồng Bương, đồng Bung của Kẻ Bương, Kẻ Cấn Quốc Oai, du khách lại bồi hồi nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Quang Dũng:
“Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ Quốc


Phạm Thanh Quy
(Hội viên Hội Nhà vănHà Nội)