Trang chủ » Tản văn

QUẢ ẤU CŨNG TRÒN

Phạm Xưởng
Thứ bẩy ngày 5 tháng 3 năm 2011 2:38 PM
 
Đã mấy chục năm làm ăn ở nước Pháp, xuân này bà Lĩnh quyết định về thành phố Hải Dương - nơi chôn rau cắt rốn – thăm thân, đón tết. Vừa hết tháng Giêng bà về thăm làng Cậy, nơi mà những năm 1966 - 1967 bà đã sơ tán đến để tránh máy bay Mỹ ném bom trong chiến tranh phá hoại. “Không về Cậy tức là chưa hồi hương!” - bà Lĩnh nói trong vẻ trầm tư.
Đến làng Cậy, với biết bao niềm hân hoan, xúc động, bà Lĩnh lại bảo: “Ở Cậy mà chưa ăn ấu thì coi như chưa về Cậy!”. Khổ nỗi, cả làng Cậy, cả khu Thượng huyện Tứ Kỳ giờ đây không thể bói đâu ra được ấu. Ao chuôm, bờ thì bê-tông hoá, nước thì xanh màu rêu, tất cả đặc nghịt cá. Sông ngòi trong đồng ruộng biến dần thành vườn cây, trại nuôi thuỷ sản. Vả lại, cây ấu có quả từ đầu mùa hạ, thu hoạch vào đầu tháng mười âm lịch. Nay vừa mới Giêng - Hai!… Nhìn bà Lĩnh bần thần nuối tiếc, ông cụ Diễn (chủ nhà hồi bà Lĩnh sơ tán) không đành lòng. Ông đưa lời hỏi thăm, biết ở vùng Sa Cát tỉnh Thái Bình có một vài gia đình đang thu hoạch ấu trái vụ, liền giao cho anh con trai đến đó mua bằng được. Mười hai ngàn đồng một kilôgam ấu tươi. Anh Huy mua tròn một yến. Bà Lĩnh xin được tìm gọi những người bạn thời thơ ấu ở trong làng đến. Cả nhà quây quần bên rổ ấu luộc nghi ngút khói. Những kỷ niệm lại sống dậy trong bà Lĩnh.
…Mười ba tuổi đầu, Lĩnh hoà vào nhóm trẻ mới lớn ở làng Cậy như một đứa con gái nhà quê thực thụ. Ngoài thời gian học hành, Lĩnh theo các bạn ra đồng tát vũng, mò cua. Nhớ nhất là một buổi trưa hè, cả bọn rủ nhau trốn người lớn lội quanh ao nhà ông Mậu, ngâm nước đến cổ, vặt trộm ấu. Ở đó toàn ấu trụi, hai sừng quả ấu đều tù, không nhọn hoắt như sừng quả ấu gai. Giống ấu trụi sai quả. Mỗi cây có đến hàng chục quả, từng lớp, từng lớp một. “Cứ bình tĩnh mà ăn nhé. Nhà ông Mậu có hai chú đi bộ đội vào Nam chiến đấu, lại có công an tỉnh sơ tán về ở; ông Mậu sẽ dễ tha thứ cho trẻ con”. Lũ trẻ bảo nhau thế.
 Quả ấu tháng 6 tươi non, vừa được vặt khỏi cây, cho luôn vào mồm, cắn vỡ đôi, ép nhẹ hai hàm răng vào phía cuối sừng ấu là ruột ấu tuồi ra. Thoáng qua vị chát nhè nhẹ của vỏ ấu, liền thấy ngay vị ngọt mát từ trong miếng ruột ấu trắng như ngà, giòn tan, càng nhai càng thấy thèm. Con gái mới lớn, má bồ quân, cái cổ trắng ngần lấp loá dưới làn nước trong xanh, tóc đuôi gà phơ phất, hàm răng non nhai ruột ấu non…
Bỗng từng tốp máy bay giặc bay qua làng Cậy, chúng hạ thấp độ cao để ném bom cầu Phú Lương. Tiếng động cơ xé màng tai. Một tên trúng đạn lưới lửa phòng không, lao xuống cánh đồng cách làng Cậy chừng một km. Các chú công an tỉnh đánh xe ô tô đi bắt giặc lái. Năm đứa con gái cứ mặc nguyên quần áo ướt từ dưới ao ấu nhao lên nhập vào đoàn người chạy tắt qua cánh Ruộng Chùa về phía cái dù trắng đang rơi. Có đứa hai túi đầy quả ấu, vung cả ra mặt đường. Ông Mậu cũng ở gần đấy. Nhìn những quả ấu trụi, ông cười hóm hỉnh, mắng yêu lũ con gái: “Chúng mày mang ấu của ông Mậu đi tiếp tế cho bọn giặc phỏng?”. Bọn trẻ thoáng sợ sệt, chững lại. Ông Mậu lại quát: “Không đi bắt phi công, còn lũi lại làm gì nữa?”. Lũ trẻ tiếp tục ào đi như gió cuốn…
Hơn bốn mươi năm lại ăn ấu. Bà Lĩnh bồi hồi nhớ… Những năm ấy, giữa bộn bề thóc lúa mùa gặt tháng mười mà người dân làng Cậy vẫn những bữa cơm độn ấu. Phải dè xẻn để có nhiều gạo dành cho tiền tuyến. Nhà ông bà Diễn đông con đang tuổi ăn học. Lũ trẻ đến trường đầu đội mũ rơm, lưng đeo nùn rơm lớn hơn người, cơm sáng nhiều hôm cũng phải thay bằng ấu luộc. Lĩnh có mỳ sợi, cứ đòi chị Kết con út ông bà Diễn đánh đổi. Kết ăn mỳ, còn Lĩnh ăn ấu!
… Bà Lĩnh quyết định ở lại làng Cậy thêm một ngày nữa. Bà thuê xe Taxi về thẳng Sa Cát. Thấy một bà sang trọng, vừa tết nhất xong đã mua hai bao tải ấu chắc nịch, lại còn cho quả ấu tươi vào mồm, cắn vỡ vỏ, lấy ruột nhai ngon lành đến kỳ lạ, ông lão bán ấu trái vụ bèn hỏi vắn dài… Khi biết người mua sẽ sấy ấu thật khô để mang theo sang nơi đất khách quê người cho đỡ nhớ cố hương, ông lão buột miệng: “Chả trách được, yêu nhau quả ấu cũng tròn!”…
PHẠM XƯỞNG