Trang chủ » Tản văn

LÚA CHIÊM LẤP LÓ ĐẦU BỜ

Phạm Ngọc Khảnh
Thứ bẩy ngày 19 tháng 3 năm 2011 6:08 PM
 
          Vùng đồng chiêm quê tôi xưa vốn chỉ cấy cầy một năm một vụ, được thua còn trông đất trông trời...
          Những giống lúa dài ngày, cao cây, gạo đỏ cốt ăn lấy chắc; Và phải có sức chịu đựng với giá rét mưa lũ đồng sâu.
          Giống lúa Sòi đường, Tép câu, Mỏ quạ... Có giống “lặn vào” cùng số phận con người đồng chiêm, thành ca dao tục ngữ như những lời trăng trối truyền đời: “Chiêm cút, mùa di / Sống để dạ chết mang đi”, không thể nào khác được. Tính từ khi gieo cây mạ xuống, nhổ đi cấy ngoài đồng dòng dã sáu – bảy tháng trời; Suốt từ Sương giáng – cuối năm trước, qua Đông chí đến mãi Đoan Ngọ năm sau mới thành hạt thành bông.
          Những người làm ruộng quê tôi một nắng hai sương không thể nào quên được sự gian nan cực khổ.
          Cây lúa cũng như người phải có sức chịu đựng phi thường. Vào vụ cấy, muốn đủ mạ phải nhổ từ đêm trước, khác nào đánh vật lem luốc, lấm láp như ma vùi. Gánh mạ ra đồng phải dùng quang sề, có khi dùng cây sào xâu ngang đóm mạ gánh đi. Cấy ruộng chân sâu thì xén phớt, chân vàn có khi phải xén phân đôi; Vào vụ cấy trâu bò tha hồ ăn lá mạ thay cỏ thay rơm. Qua một buổi cấy đồng sâu về người rét tím tái. Chống rét cho cây mạ những ngày đầu chỉ có cách “lấy nước làm áo”, cấy vùi “đào sâu chôn chặt” mới mong cây lúa qua được cái rét Đại hàn; Rồi cứ đứng chòng chọc như vậy chờ đến mãi xuân sang.
          Khi cây gạo đầu làng bắt đầu thắp lên những chùm hoa đỏ, báo hiệu cái rét đã xa dần. Ngoài đồng, cây lúa bỏ những chiếc lá nõn đầu tiên. Trong ruộng lúa cỏ gừng lắc thắc bật lên, là lúc con trai con gái vác cuốc, vác gầu, cào cỏ ra đồng chăm lúa. Qua ba bốn tháng đông ken, nước ao hồ, ngòi lạch đã cạn kiệt, gạt vục từng gầu. Ruộng gần thì tát bằng gầu sòng, sào tre, giây thừng chống chéo; Ruộng cao mương sâu phải dùng gầu giai nhùng nhằng dây rợ, có khi phải hai ba bậc, be nong mãi nước mới bò được đến ruộng nhà mình “Vật vờ theo ngọn gió đưa / Dùng dằng tám rợ lửng lơ đôi gầu”. Tôi thuộc và nghe câu hát ấy từ thuở bé. Thỉnh thoảng từng cơn gió xuân mơn man lướt nhẹ trên đồng, trai gái lao động tưởng như không bao giờ biết mệt.
          Lúc nghỉ, người chồng lại nhẩn nha đi dọc bờ đỗi, bờ nong xem có chỗ nào tràn, rỉ; Người vợ vê hơi cao chiếc ống quần vải thâm, rón rén lội nhẹ vào giữa hai hàng lúa ven đỗi, vốc ít bùn hoa xoa lại quãng bờ cho khỏi rò rỉ qua lỗ nẻ mà cua. Rối quay lại tát thêm mấy thôi nữa cho nước láng đều khăp ruộng.
          Không khí, sắc xuân thật náo nức, một thảm nhung xanh xa xa chấp chới cánh cò. Chỗ này lúi húi người dứt những chùm cỏ lúa ven bờ lan ra, chỗ kia mấy người dun đẩy chiếc cào luồn lách trong ruộng theo lần lượt hàng hàng lối lối; Những thân cỏ như chiếc tăm, chiếc kim nổi dạt trắng vào bờ. Cỏ lúa có nhiều loại nhưng tai hại nhất là giống cỏ lồng vực vì chúng mọc chen lẫn vào giữa những khóm lúa, thân lá hình thù màu sắc rất khó phân biệt với lúa, phải tinh mắt mới phát hiện được. Bỏ sót cây nào là chúng ăn hiếp cây ấy lúa không còn sức phát triển; Tai hại nữa cỏ lòng vực nở hoa kết hạt cùng với lúa, rơi rụng vào đất hoặc lẫn vào kho để năm sau lại sinh sôi.
          Xong công việc mọi người thu dây gầu quang gánh lên bờ, lúa cũng như muốn về đến ngõ, hương đồng, hương lúa còn theo...
          Qua một vài lần làm cỏ, vãi phân, nhặt nhạnh sâu sít. Cứ dăm ba ngày thể nào mẹ tôi cũng lại một lần vác chiếc cuốc hoặc quẩy ra đồng ít phân tro mục bón vá, tiả dặm cho lúa tốt đều. Mẹ tôi bảo: làm ruộng phải “năng thăm”, cần có hơi người lúa mới tốt nhanh.
          Đêm qua nghe tiếng sấm ầm ì phía chân trời xa vọng lại, ngoài hiên lộp bộp mấy hạt mưa rào; Sáng dậy quang cảnh như lạ hẳn ra, cánh đồng rối lên một màu xanh tít tắp, lúa đã “mở cờ mà lên”...
          Trải qua “Ba tháng trông cây”, lúc lúa phơi mầu còn lo gió Lào, hoặc rét muộn có khi mất trắng cả vụ, đến lúc hạt thóc vào bồ mới yên. Bây giờ, những vụ lúa chiêm dài ngày đã lùi dần vào dĩ vãng, cung cách làm ăn cũng khác nhiều. Trên đồng không còn hình bóng những chiếc gầu sòng, cây sào chống chéo, chiếc gầu giai dây rợ đung đưa; Không còn những chiếc cào cỏ sáu răng len lỏi gãi vào từng gốc lúa. Cây xoan đào trước ngõ, cây gạo đầu làng hoa đỏ còn kia, nhưng thưa vắng tiếng chào mào, sáo sậu. Không còn bóng dáng mẹ tôi lúi húi trên đồng với cây lúa tháng ba, mà mừng mà vui khi mở cờ, sấm dậy...