Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Mỏng manh, nắng tắt, đời người

Dương Đức Quảng
Thứ hai ngày 2 tháng 2 năm 2009 9:02 PM
 
 
Mới đó mà Trần Vũ Mai ra đi đã được 18 năm. Ngày 12 tháng giêng Kỷ Sửu này là ngày giỗ Mai, đúng vào dịp đầu năm bạn bè lớp đại học chúng tôi thường gặp nhau sau Tết (Tết Kỷ Sửu này chúng tôi hẹn nhau gặp mặt vào ngày 14 Tháng giêng).
Cách đây hai năm, nhà thơ Nguyễn Thế Khoa, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hiến, bảo tôi:
- Anh học cùng lớp với anh Trần Vũ Mai, lại ở cùng chiến trường Khu V trước đây, có gì viết cho một bài về anh Mai để in vào tập sách của anh Mai sắp xuất bản.
Tôi cứ ngần ngừ mãi vì không biết viết gì về Mai, nhất là về các tác phẩm của Mai. Bởi tôi không phải là người bạn thân của Mai, không thật sự hiểu Mai, nhất là không biết tường tận về những sáng tác mà Mai để lại.
Giữa tháng 8-2007, Nguyễn Thế Khoa tặng tôi tập sách “Trần Vũ Mai - Thơ, Ghi chép, Văn xuôi, Trường ca” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2007, do anh chủ biên.
Tập sách của Mai mà Khoa đưa cho tôi lại vào đúng ngày chúng tôi nhận được tin nhà báo, nhà thơ Nguyễn Liên, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Truyền hình, bạn học cùng tôi và Mai qua đời. Nhìn ảnh Mai ngoài bìa sách và ảnh Mai chụp chung với tôi, nhà thơ Thanh Quế, nhà văn Nguyễn Khắc Phục ở chiến trường Khu 5 năm 1974 in trong tập sách này, tôi càng nhớ Mai, nhớ những người bạn học cùng lớp ở Khoá 8 Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963-1967) đã đi xa.
Tôi đọc một mạch tập sách của Mai và đêm ấy không thể không cầm bút viết những dòng muộn mằn này để tưởng nhớ một người bạn, một nhà văn, nhà thơ đã bỏ chúng tôi ra đi với biết bao nỗi niềm trắc ẩn mà đến nay cũng không dễ mấy ai hiểu nổi…
1. Tôi gặp Mai lần đầu tiên vào năm 1963 khi chúng tôi cùng nhập học Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp tại Láng, sau đó chuyển về Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Lúc đó Trần Vũ Mai còn lấy tên thật là Vũ Xuân Mai, quê ở Hà Trung, Thanh Hoá. Do ngưỡng mộ tài năng và khí phách của nhà thơ đồng hương Trần Mai Ninh, tác giả của hai bài thơ nổi tiếng “Tình sông núi” và “Nhớ máu”, người đã chiến đấu và hy sinh anh dũng tại Nha Trang, Khánh Hoà trong chiến tranh chống Pháp, Mai đã lấy họ của nhà thơ để đặt cho bút danh Trần Vũ Mai của mình.
Tôi ở ngoại trú, còn Mai ở nội trú, lại khác quê nên không phải là chỗ bạn thân. Khi lớp chúng tôi sơ tán lên Tràng Dương, Đại Từ, Thái Nguyên trong năm đầu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ, tôi học chuyên ngành văn học Trung Quốc, còn Mai học chuyên ngành văn học Nga. Tôi không hút thuốc lá, thích thơ Đường với Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Trương Kế.., còn Mai lại ngậm thuốc lá suốt ngày, thích thơ Mai-a-cốp-xki, coi nhà thơ, nhà văn Mỹ Hê-minh-uây, tác giả của “Ông già và biển cả” và người anh hùng châu Mỹ La-tinh Chê-ghê-va-ra là thần tượng, nên chúng tôi không phải là người cùng “gu”, vì thế cũng ít có dịp cùng đàn đúm, trò chuyện.
Tốt nghiệp đại học, tôi trở thành phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), thường trú tại Quảng Bình, Vĩnh Linh, còn Mai về công tác tại Nhà xuất bản Phổ thông, thuộc Tổng cục Thông tin, Hà Nội. Một đôi lần chúng tôi gặp nhau khi Mai có dịp vào công tác tại Quảng Bình và khi ở Hà Nội Mai thường đến nhà tôi, một căn hộ nhỏ ở 19 Trần Quốc Toản, cạnh Toà soạn báo Văn nghệ bây giờ. Thời gian đó, tôi ở xa, gia đình lại đi sơ tán nên cha tôi giao nhà cho bạn bè tôi trông nom. Tuy tôi vắng nhà nhưng nhà tôi trở thành nơi bạn bè cùng lớp thường hay tụ tập. Sau này hầu hết số bạn bè đó đều trở thành nhà văn, nhà báo, nhiều người có tên tuổi. Năm 1968, anh trai tôi, tốt nghiệp trường Không quân ở Liên Xô về, cưới vợ, tôi không có nhà nhưng bạn bè tôi đã xúm lại, mỗi người một tay giúp anh tôi tổ chức lễ cưới. Đến bây giờ anh tôi vẫn còn nhớ, Trần Vũ Mai, Nguyễn Sĩ Ngọc, Phạm Văn Lân và mấy người bạn khác cùng lớp lo từ việc trông xe đạp đến chuẩn bị trang trí đám cưới và tiếp khách cho anh tôi khi tôi đang ở xa.
Năm 1971, học xong lớp bồi dưỡng viết văn trẻ, Mai xung phong vào chiến trường Khu V. Cũng năm ấy, tôi có mặt trên chiến trường này. Vào chiến trường, tôi dần dần hiểu Mai hơn. Đối với tôi, những năm ở chiến trường, Mai không chỉ là một người bạn học cùng lớp mà còn là một tấm gương sáng mà tôi tự nhủ lòng mình noi theo. Năm thứ 3 đại học, khi tôi còn đang phấn đấu vào Đoàn thì Mai đã là “đoàn viên cứng” và trước khi vào chiến trường đã từng là Bí thư Đoàn của Tổng cục Thông tin, đảng viên lớp Hồ Chí Minh, lại là bạn cùng ở Nhà xuất bản Phổ thông với nhà thơ Nguyễn Mỹ, tác giả bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” mà tôi cứ ao ước một lần được gặp. Nhưng rồi khi chúng tôi vào tới chiến trường thì Nguyễn Mỹ vừa hy sinh trên rừng Trà My, miền núi phía tây Quảng Nam. Mai và tôi không bao giờ còn được gặp anh.
 Những năm ở chiến trường, Mai đi Cực Nam Trung bộ, đến với Tuy Hoà, Phú Yên, Cam Ranh, Khánh Hoà…, mảnh đất mà nhà thơ Trần Mai Ninh đã sống, chiến đấu và anh dũng hy sinh. Những chuyến đi ấy đã thành vốn sống và là nguồn cảm hứng cho Mai viết nên những bài thơ, trường ca, truyện ngắn...được nhiều người biết đến. Còn tôi, một mạch với Quảng Đà, Quảng Ngãi, cách Mai hàng trăm cây số, nên chẳng mấy khi gặp nhau. Những năm đó, tôi là phóng viên chiến trường, chủ yếu viết tin, viết bài chiến sự, chẳng mấy khi có tên trên mặt báo, còn Mai là nhà văn trẻ, làm thơ, viết văn, có tên tuổi, nhiều bạn bè và chiến sĩ biết đến. Tôi cũng tập toẹ làm thơ, thỉnh thoảng có một hai bài được đăng trên tờ Văn nghệ giải phóng Trung Trung bộ, nhưng so với Mai và một số bạn bè khác thì tôi tự biết mình chỉ thuộc loại “ngoại đạo văn chương”. Không chỉ có vậy. Đối với tôi, ngày ấy Mai không chỉ là một người bạn học mà còn là tấm gương về sự dấn thân, dũng cảm trong chiến tranh gian khổ, tấm gương mẫu mực, nói và làm là một mà tôi học được  ở người đảng viên trẻ này.
2. Năm 1975, sau giải phóng tôi cưới vợ, còn Mai vẫn độc thân. Vợ tôi cũng là phóng viên chiến trường, biết Vũ Xuân Mai từ trên chiến khu. Tháng tám năm ấy, hai vợ chồng tôi chuyển hẳn từ Đà Nẵng vào Nha Trang làm việc. Phân xã TTXVN Phú Khánh do tôi phụ trách đóng tại 195 đường Hoàng tử Cảnh (nay là đường Hoàng Văn Thụ), Nha Trang, khá rộng, bao giờ cũng dư ra mấy phòng, là nơi bạn bè tôi từ Hà Nội vào, từ thành phố Hồ Chí Minh ra thường ghé qua, đôi khi ở lại cả tuần.
Thời gian này Mai cũng đã vào công tác tại Hội văn học nghệ thuật tỉnh Phú Khánh, trụ sở chỉ cách Phân xã TTXVN Phú Khánh một đoạn đường. Một hôm, vào khoảng đầu tháng 11 năm 1975, Mai dẫn một người bạn gái đến thăm vợ chồng tôi. Chẳng cần úp mở, Mai nói luôn:
- Đây là L. bạn mình. Quảng cho mình mượn một phòng của Phân xã cho L. vì  L. ở chỗ mình không tiện.
Tôi bố trí cho L. một phòng riêng, L. ăn cơm cùng với vợ chồng tôi ngay ở Phân xã. Chúng tôi coi L. như người trong nhà, vợ tôi coi L. như em gái. L. không thật đẹp nhưng có đôi mắt to, buồn, như muốn hút hồn người khác. L. kể, một lần đang đi xe buýt ở Sài Gòn thì thấy một chàng trai đi xe máy cứ kè kè theo xe, nhìn cô, rất lạ. Xe dừng, chàng trai cũng dừng. Tuy đã về đến nhà nhưng chẳng hiểu vì sao  L. cứ ngồi trên xe đi tiếp, không xuống. Chàng trai cứ thế đi theo. Cho đến vòng thứ hai, đến gần nhà L. mới xuống xe. Chàng trai dắt xe máy đi theo L. Về gần đến nhà, L. quay lại, vẫn thấy chàng trai dắt xe đi theo, nhưng không hỏi một câu nào, khiến L. rất sợ. Đến sát cửa nhà, L. dừng lại. Lúc này chàng trai mới hỏi tên cô gái mà chàng đi theo mãi. L. ấp úng định nói tên nhưng lại thôi, rồi đi nhanh vào nhà. Mấy hôm sau, nhiều lần L. gặp chàng trai đứng đợi ở bên đường gần nhà. Và, cái gì đến phải đến, sau đó hai người yêu nhau. Chàng trai đó chính là Trần Vũ Mai, còn L. là một cô giáo dạy bậc tiểu học trong thành phố. Biết con gái mình yêu Mai, mẹ L. nhất mực ngăn cản. Bà quê ở miền Bắc, tín đồ đạo công giáo, theo Chúa di cự vào Nam năm 1954, không chấp nhận tình yêu của con gái mình với một “Việt Cộng”. Khi Mai trở ra Nha Trang, L. bỏ cả dạy học đi theo, bị mẹ từ bỏ.
Một hôm, dễ chừng cũng đến nửa năm sau khi ở cùng, L. khóc sưng cả mắt, tâm sự với vợ tôi về nỗi buồn Mai uống rượu nhiều quá mà không sao có thể ngăn được. L. muốn nhờ vợ chồng tôi nói để Mai bỏ bớt rượu. Vợ tôi cũng có ông bố nghiện rượu rất nặng, nên rất thông cảm với L. Không hiểu vợ tôi nói gì với L. mà hôm sau Mai gặp vợ tôi gay gắt, nặng lời với cả tôi, rồi đùng đùng dắt L. đi khỏi nhà, đưa L. đến ở trong một căn hộ còn đang làm dở dang, chưa có điện ở chung cư chợ Đầm, Nha Trang. Từ đó, thỉnh thoảng L. ghé qua, nhưng có lẽ quá giận vợ chồng tôi nên Mai không bao giờ đến. Một thời gian sau, Mai chuyển công tác ra Hà Nội, đôi lần có vào Nha Trang nhưng rồi lại đi ngay. Còn L. sau này xin đi dạy học và lấy một dược sĩ hơn mình khá nhiều tuổi, goá vợ và có bốn con. Năm 1980 vợ chồng tôi cũng rời Nha Trang và phải hơn mười năm sau tôi mới gặp lại Mai.
Lần ấy, dịp đầu năm 1991, lớp Văn Khóa 8 Trường Đại học Tổng hợp chúng tôi họp mặt. Mai đến, vẫn khuôn mặt chữ điền, xương xương, nhưng nom già đi và yếu đi nhiều. Mấy người bạn thường gặp Mai, như Ngô Thế Oanh, Đoàn Tử Diễn (Hà Phan Thiết)... cho biết, Mai mới bị ngã xe và vẫn hút thuốc lá và uống rượu như xưa, thậm chí còn nghiện nặng. Tôi có cảm giác hình như Mai có vẻ “dị ứng” trước những người bạn cùng lớp nay có chút ít “chức sắc” nào đấy, nên gần như không bắt tay hay trò chuyện với số bạn bè này. Tôi biết Mai đã có những ngày trong trẻo với lý tưởng sống tốt đẹp, rồi trải qua những ngày tháng nghiệt ngã của “thời hậu chiến” với những nỗi buồn nhân thế và sự đổ vỡ niềm tin không dễ gì chia sẻ cùng ai, nên dẫu rất muốn nói điều gì đó để Mai thông cảm cho cái ngày xa nhau ở Nha Trang hơn mười năm trước, nhưng rồi tôi tự biết khó có thể nói điều gì với Mai trong những lúc như thế này. Trước mặt mấy người bạn cùng lớp, Mai chỉ vào Ngô Đức Thọ, người đã dịch và xuất bản cuốn sách “Tây dương Gia- tô bí lục” và Nguyễn Quang Lộc, “ông Quan tế tửu Văn Miếu-Quốc Tử Giám” nói, giọng không hề bỡn cợt:
- Lớp mình chỉ có hai thằng cha này là tớ thấy được, còn thì…vứt!
Sau này tôi mới biết, thời gian đó Mai rất cô đơn, chỉ biết dìm nỗi buồn của mình trong rượu, để rồi bật ra những câu thơ buồn đến nao lòng người:
“ Biết chạm cốc cùng ai trong ý nghĩ
Hỡi anh chàng ra vẻ phớt buồn đau
Biết tìm giữa mắt ai màu tri kỷ
Ta lại buồn như thể sắp vào say”.
Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn trong một bài viết nhớ Mai sau này với tựa đề “Trần Vũ Mai, gương mặt thơ” kể rằng Trần Vũ Mai uống rượu không được nhiều, nhưng dễ say và có thể say suốt ngày, say từ ngày này qua ngày khác. Có lần đạp xe cùng Mai trên phố, anh định rẽ vào một ngõ có quán rượu thì Mai vội gọi giật:
- Đừng, đừng vào ngõ ấy, đi thẳng đi!
- Sao vậy?
- Trong ấy tao còn nợ…Đi quán khác!
Rồi Mai nói thêm, vẻ như đùa như thật:
- Người ta bảo Hà Nội có 36 phố phường, nhưng tao chỉ có vài phố thôi. Lạc sang phố khác nó đòi tiền rượu thì nguy!…
Chính những lần cùng nhau uống rượu ấy, Trịnh Thanh Sơn được nghe Mai đọc những vần thơ mới làm, chẳng còn biết ở trong bài nào nhưng “nghe xong là nhớ, nhớ đến bây giờ”:
“Thu có vẻ như cời than bốc lửa
Ta lại buồn như sắp sửa vào yêu…”
Còn hoạ sĩ Trần Trung Tín, người anh, người bạn rượu của Mai, sau ngày Mai mất, từ thành phố Hồ Chí Minh gửi thư ra cho mấy người bạn của Mai :“Thương nhớ Mai nhiều lắm, gửi theo đây mấy tranh Mai thích và mấy bài thơ không đề…tưởng nhớ Mai”.
Mai quen anh Trần Trung Tín, sau này kết thành bạn vong niên với anh, khi Mai thường đến nhà tôi ngày tôi đang còn ở Quảng Bình, Vĩnh Linh. Anh Trần Trung Tín là con cụ giáo Trần Trung Trực quê ở Nam Bộ, tập kết ra Bắc, vừa là hàng xóm vừa là bạn đồng nghiệp của cha tôi. Anh Tín hơn Mai và tôi đến mười mấy tuổi, coi tôi là em còn coi Mai là bạn, bạn thơ, bạn rượu. Thật cũng lạ, anh Tín cũng là người có số phận khác thường và cũng gặp nhiều nỗi lênh đênh giống như Mai sau này. Anh vốn là người lính trong kháng chiến chống Pháp, đẹp trai, lãng tử, có nhiều tài lẻ, đàn giỏi, hát hay..., tập kết ra Bắc chuyển ngành, đã từng là diễn viên điện ảnh và có vợ là nữ phát thanh viên rất nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam đầu những năm 1960. Từ ngày ra trường công tác, tôi không gặp anh. Sau này, qua một bài báo tôi mới biết, sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975 anh Tín chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn, cuối đời sống độc thân, khá lận đận, đã có thời phải đi đạp xich-lô kiếm sống. Anh nghiện rượu, có tài vẽ tranh, được nhiều người trong giới hội hoạ biết đến và thương.
Trong số những bài thơ anh Trần Trung Tín gửi ra viếng Mai có “Bài không tên số 5”:
“ Cuộc đời chau mày đưa cho
Chén rượu buồn thứ nhất
Nó nốc cạn
Chén rượu buồn thứ hai
Nó nốc cạn
Cuộc đời ngẫm nghĩ
Thằng cha này, dù có đưa cho nó cả biển buồn trái đất
Nó cũng sẵn sàng nốc cạn mà thôi…”.
Chỉ ít ngày sau cuộc họp mặt với bạn bè cùng lớp, đêm 12 Tết năm 1991 Mai ra đi đột ngột. Người ta tìm thấy xác Mai trong một hồ nước ở Nghĩa Đô, ngoại thành Hà Nội. Nhà thơ Ngô Thế Oanh, bạn cùng lớp và là bạn thơ cùng chiến trường Khu V với Mai trong bài viết “Ngọn nến bên ngực trái” kể về đám tang của Mai thật buồn: “Mai được đặt đầu hướng về phương Nam. Buổi chiều tháng giêng, mặt hồ và bầu trời xám lạnh. Cánh đồng gió thổi thật lộng. Hương thắp thì bùng. Nến thắp thì tắt. Chỉ riêng ngọn nến bên ngực trái Mai không hiểu sao, như nhờ phép lạ, được đến gần hai mươi phút. Và cuối cùng, trước khi tắt, ngọn lửa chợt bùng lên, rực sáng.
Chiếc xe tang vùng ngoại ô do một em thiếu nhi kéo, còn lại mọi người cùng phụ đẩy. Đường công trường đang xây dựng, đầy ổ gà. Những ổ gà không lớn lắm, nhưng đủ khiến lòng người càng đau đớn. Để đưa được đến phần mộ, quan tài phải chuyển khiêng bằng tay qua những bờ ruộng…”.
Mai ra đi để lại 73 bài thơ, 3 Trường ca, 6 tác phẩm văn xuôi và những trang ghi chép về ba vùng đất mà anh có nhiều kỷ niệm và gắn bó: Hà Nội, chiến trường Khu 5, thành phố Nha Trang. Phần lớn bản thảo còn lại của Mai được cha anh, cụ Vũ Ngân, đại tá, một sĩ quan quân tình nguyện Việt Nam ở Lào trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ gìn giữ; sau này gửi gắm cho Đoàn Tử Diễn, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Thế Khoa là những nhà thơ, những người bạn cùng học, cùng ở chiến trường Khu V với Mai tập hợp cùng các bài viết của bạn bè về Mai để in trong tập “Trần Vũ Mai, Thơ, Ghi chép, Văn xuôi, Trường ca”, phát hành năm 2007. Và cũng thật buồn, cuốn sách chưa kịp in thì cụ Vũ Ngân đã vội bỏ mọi người để ra đi với Trần Vũ Mai, con trai mình!
Nhiều nhà văn, nhà thơ tên tuổi đã viết về Mai, về thơ văn của Mai với những nhận xét, đánh giá thật công bằng, sòng phẳng và dành tình cảm yêu mến, quý trọng cho Mai. Mai có Trường ca làng Phước Hậu, Trường ca Nàng chim Lạc và những bài thơ hay mà nhiều bạn bè còn nhắc đến: Thảm cỏ bờ sông Hồng, Cực Nam, Thành phố nghiêng mình, Nỗi nhớ Trần Mai Ninh, Giầu nước mắt, Gió đầu ô, Mùa xuân tiếc nuối… Nhà thơ Thanh Thảo đã dùng hình ảnh “cắn răng yêu vã mồ hôi và nước mắt” để viết về Mai, người bạn thơ thân thiết của anh, người “có một tình yêu với Thơ vừa nghiêm cẩn vừa quyết liệt, vừa ngây thơ vừa xót xa”…
3. “Mỏng manh, nắng tắt, đời người”. Tôi đặt cho bài viết của tôi  về Trần Vũ Mai như thế, bởi vì nếu tính từ người bạn đầu tiên là Đinh Dệ, phóng viên nhiếp ảnh của Thông tấn xã Giải phóng hy sinh tháng 11- 1971 tại Bình Định đến nhà báo, nhà thơ Nguyễn Liên mất tháng 8 năm 2007, thì lớp Văn Khoá 8 Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội chúng tôi đã có 21 người đi xa. Và, như một người bạn nói với tôi khi đến tiễn Nguyễn Liên: “Hàng ngũ bạn bè đến tiễn nhau cứ ngày một ngắn dần”.
Lớp chúng tôi mỗi người một số phận. Sau khi ra trường có người thành đạt trên bước đường chính trị, như Nguyễn Thái Ninh, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, nhưng cũng có người như Nguyễn Đức Nhận sau mấy năm ra trường xin nghỉ việc về quê chăn vịt, làm thơ, nuôi con học đại học, hay như Trần Niêm cuộc đời lận đận, lênh đênh còn hơn cả Trần Vũ Mai.... Nhưng điều đáng mừng là lớp chúng tôi ra trường hầu hết đều thành nhà văn, nhà báo, nhà giáo có mặt trên khắp mọi nẻo đường đất nước trong những năm chiến tranh và cả sau này, trong đó có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh có tên tuổi, như: Ngôn Vĩnh, Hồng Duệ, Vũ Duy Thông, Phan Cung Việt, Ngô Thế Oanh, Đoàn Tử Diễn, Nguyễn Quang Lộc, Vũ Đức Dật, Trần Đức Chính (Lý Sinh Sự), Bùi Công Hùng, Nguyễn Ngọc Thiện, Trung Đông, Chu Chí Thành, Vũ Huyến…
Hôm tiễn Nguyễn Liên quay về, tôi gặp Nguyễn Khắc Phục, “nhà văn com-pu-tơ” và Nguyễn Thế Khoa, chủ biên cuốn sách của Mai. Cầm tập sách của Mai do Nguyễn Thế Khoa đưa, nhìn tấm ảnh có mình chụp cùng Mai năm 1974 in trong tập sách, Phục đọc cho tôi và Khoa nghe bài thơ viết trong những ngày có nhiều đám giỗ của bè bạn, lại có một, hai người bạn mới ra đi còn nhà thơ Phạm Tiến Duật thì đang lâm trọng bệnh:
“Giỗ chạp quá, lòng ta thành oản chuối
Gõ phím nào hương khói cũng vờn quanh”.
Giọng Phục chùng hẳn xuống, thật buồn. Tôi thấy như lẩn quất đâu đây, bên tôi và những người bạn yêu quý một thời: Đinh Dệ, Trần Vũ Mai, Vũ Đức Dật, Nguyễn Liên và bao nhiêu bạn bè khác đã đi xa...
Đôi lời viết thêm
 Tôi viết những dòng trên đây trong bài báo có tựa đề  “Mỏng manh, nắng tắt, đời người”, được in trên Báo An ninh thế giới số Cuối tháng 8-2007, thì trong số tiếp theo, tháng 9/2007 trên tờ báo này có bài của Nguyễn Viết Bình, nhan đề Họa sĩ Chu một thân, phận như tôi biết. Đoạn cuối bài báo Nguyễn Viết Bình kể rằng: Định ngả lưng buổi trưa một lúc, nhưng cả hai đứa chẳng ai ngủ được.
Đến lúc này, Chu mới bảo tôi: Tao có cái này, cái chuyện này chẳng phải gì ghê gớm nhưng rất khó chịu. Báo An ninh thế giới Cuối tháng số 73 (tháng 8/2007) có bài Mỏng manh, nắng tắt, đời người của Dương Đức Quảng. Tác giả đã làm cho người đọc cứ tưởng những câu thơ dưới đây - những câu thơ mà Trịnh Thanh Sơn khi nghe Trần Vũ Mai đọc nghe xong là nhớ, nhớ đến bây giờ là của tác giả Trần Vũ Mai:
Thu có vẻ như cời than đốt lửa
Ta lại buồn như sắp sửa vào yêu
Đích thực, hai câu thơ trên là của Chu Hoạch trong bài Gió đầu ô, Bản thảo bài thơ này, với nét chữ rất mảnh và nhiều dập xoá đã được Chu lấy in vào trang bìa 1 của tập Thơ Chu Hoạch, NXB Văn học 1996.
Sau đó, một bạn đọc công tác tại Sở Tư pháp Hà Nội thông qua một người biết tôi, nhắn rằng bài thơ “Gió đầu ô” là của hoạ sĩ, nhà thơ Chu Hoạch. Đọc bài báo và lời nhắn của bạn đọc, tôi thật sự buồn. Buồn nhất là biết được điều đó lại chính từ họa sĩ, nhà thơ Chu Hoạch, người mà tôi chưa được quen biết, nhưng qua Nguyễn Viết Bình thấy cuộc đời của ông lắm khi lên bờ xuống ruộng, trải qua nhiều nỗi đau, có khi còn đau hơn cả Trần Vũ Mai, nay lại còn thêm điều rất khó chịu vì thơ của mình đã bị “nhầm” thành thơ của người khác.
Bài báo Mỏng manh, nắng tắt, đời người viết về Trần Vũ Mai, tôi có sử dụng một số tư liệu trong hai bài viết của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn về Mai. Một trong hai bài đó Trịnh Thanh Sơn viết năm 2000, được in trong tập Trần Vũ Mai - Thơ, Ghi chép, Văn xuôi, Trường ca, NXB Hội Nhà văn ấn hành, tháng 8/2007, có đoạn:
 Trong bài viết: Trần Vũ Mai - Gương mặt thơ, in trên Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, tôi trích hai câu thơ thật hay trong bài thơ Gió đầu ô:
Thu có vẻ như cời than bốc lửa
Ta lại buồn như sắp sửa vào yêu…
Bài báo in xong, tôi gặp ngay một nỗi buồn.
Nhà viết kịch Ngọc Thụ (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam), cùng làm trong sân 51 Trần Hưng Đạo, gặp tôi bảo rằng:
- Bài viết của cậu về Trần Vũ Mai rất hay, rất có tình, chỉ tiếc rằng, hai câu thơ hay nhất mà cậu trích lại là của nhà thơ Chu Hoạch, chứ không phải của Trần Vũ Mai.
Tôi ngơ ngẩn, đau đến tận tim! Trời ơi, Mai chết chưa được mười năm (1991), mà thơ Mai đã bị người đời nhầm với thơ khác?!
May sao. Bài thơ này còn có mặt trong tập thơ Thơ và Trường ca được xuất bản sau ngày Mai mất. Đêm nay, tôi mở lại bài thơ, đọc và nhớ.
Nhớ rằng:
Đó là mùa thu năm 1984, một buổi chiều tôi cùng Mai uống rượu ở quán ông già ngõ Tạm Thương cùng Định Nguyễn (tức Bá). Hôm ấy, khác với thường lệ, Trần Vũ Mai nói rất nhiều, đọc thơ say sưa. Định Nguyễn đã ngà ngà, luôn mồm khen thơ Mai hay. Mai cũng phấn khởi. Và thế là Mai mở túi sách, đọc bài thơ anh chưa thuộc, bởi anh nói rằng, mới viết đêm qua:
Gió đầu ô vào mùa chớm lạnh
Mạnh hơn và có lẽ sạch hơn…
Trần Vũ Mai mới chỉ đọc hai câu mà Định Nguyễn đã cầm ly rượu, đứng chông chênh, ngất ngưởng phán:
- Đó là hai câu thơ tuyệt chiêu. Tao chưa bao giờ nghe câu thơ hay như thế!
Trần Vũ Mai hơi khó chịu, cụng ly với Định Nguyễn, rồi đọc tiếp cho đến hết bài Gió đầu ô. Đến câu:
Thu có vẻ như cời than bốc lửa
Ta lại buồn như sắp sửa vào yêu
Thì Định Nguyễn oà lên khóc, nước mắt giàn giụa. Định Nguyễn cứ khóc mãi, không làm sao can được, Trần Vũ Mai bảo tôi:
- Mặc kệ nó, cái thằng hay nhè này… chơi với nó khổ lắm. Tao với mày cứ uống đi. Hôm nay tao vừa có nhuận bút, những năm mươi đồng, uống đến sáng cũng chưa hết.
Tôi nhớ hai câu thơ trên từ cái đêm rượu thu ấy.
Trong bài viết của Trịnh Thanh Sơn trên đây có hai chữ bốc lửa khác hai chữ đốt lửa khi trích bài thơ Gió đầu ô, so với bài viết về Chu Hoạch của Nguyễn Viết Bình.
Tôi chưa kịp đôi lời xin được cùng thưa với nhà thơ Chu Hoạch thì được tin ngày 4/10/2007 ông đã qua đời. Trong bài báo Vĩnh biệt họa sĩ - nhà thơ Chu Hoạch trên Báo Lao Động ngày 6/10/2007, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cho biết, bài thơ Gió đầu ô là của Chu Hoạch. Trần Vũ Mai, cũng như nhiều người thích, đã chép bài thơ này vào sổ tay của mình. Sau này bạn bè của Mai tưởng là thơ anh nên đã đưa in. Tôi hỏi Nguyễn Thế Khoa về điều  Nguyễn Thuỵ Kha viết, thì được Nguyễn Thế Khoa xác nhận anh đã nhầm khi chủ biên cuốn sách của Mai, như Trịnh Thanh Sơn và cả tôi đã nhầm trong bài viết của mình.
Bây giờ, cả bốn nhà thơ: Trần Vũ Mai, Định Nguyễn, Trịnh Thanh Sơn, Chu Hoạch, những bậc thi tài, thi tửu đều đã thành người thiên cổ. Ngày 12 Tháng giêng Kỷ Sửu này là ngày giỗ lần thứ 18 Trần Vũ Mai, biết đâu ở nơi xa xăm ấy, cả bốn nhà thơ lại gặp nhau và Định Nguyễn lại oà lên khóc, nước mắt giàn giụa khi nghe Trần Vũ Mai cụng ly đọc hai câu thơ của Chu Hoạch, mà Trịnh Thanh Sơn nghe xong là nhớ, nhớ đến bây giờ:
Thu có vẻ như cời than đốt lửa
Ta lại buồn như sắp sửa vào yêu….
Chú thích ảnh: Từ trái sang phải: nhà thơ Trần Vũ Mai, nhà thơ Thanh Quế, nhà báo Dương Đức Quảng, nhà văn Nguyễn Khắc Phục (ảnh chụp trên căn cứ Trà My, Quảng Nam, năm 1974).
Hà Nội, ngày Mùng 8 Tết Kỷ Sửu 2009
D.Đ.Q

Ảnh:

Từ phải sang: nhà thơ Trần Vũ Mai, nhà thơ Thanh Quế, nhà báo Dương Đức Quảng, nhà văn Nguyễn Khắc Phục.(Ảnh chụp trên căn cứ Trà My, Quảng Nam,năm 1974)