Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Kệ gỗ sưa và cây cổ thụ

Phùng Văn Khai
Thứ hai ngày 2 tháng 2 năm 2009 8:23 PM

 
(Về việc bán đấu giá kệ gỗ sưa đình làng
 và cây đa trên bảy trăm năm tuổi đang chết dần kêu cứu ở Văn Lâm tháng 8-2007)
 
LTG: Phóng sự này được thực hiện cách đây 4 tháng với mong muốn những người có trách nhiệm thuộc ngành Văn hóa tỉnh Hưng Yên lưu tâm xử lý góp phần tôn tạo và bảo vệ văn hóa vật thể. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì, ngành Văn hóa vẫn buông tay mặc kệ và sự việc dường như ngày càng chìm vào im lặng.
Vùng đất Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên nằm trong lưu vực sông Hồng, sông Đuống xưa kia thuộc tổng Như Kinh, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc là một vùng đất cổ với nhiều cụm hệ thống đình, đền, chùa cổ vào bậc nhất trong tỉnh và miền Bắc đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa mà tiêu biểu là Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan nằm ngay sát thềm sông Thiên Đức xưa (nay là nhánh sông cung cấp nước cho hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải). Với hệ thống văn hóa vật thể và phi vật thể phải nói là khá đậm đặc trong tỉnh, nhưng nhiều năm qua, trên thực tế ngành văn hóa ở đây lại luôn luôn làm việc hời hợt, thiếu trách nhiệm, để xảy ra những vụ việc không đáng có, mà điển hình thời gian qua là việc không quản lý chặt chẽ, để những người quản lý đình Giáp, thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh tự ý bán đấu giá chiếc kệ gỗ sưa của làng với giá 1.200.000 đồng một ki lô gam và việc lấn bấn, thờ ơ, dông dài trong quá trình cứu sống cây đa cổ thụ hơn bảy trăm năm tuổi. Cây thuộc diện nhiều tuổi nhất của tỉnh Hưng Yên, đã nằm trong danh sách cần được chăm sóc, bảo vệ đặc biệt.
Về việc bán đấu giá kệ gỗ sưa nặng 62,5 ki lô gam với số tiền là 74.000.000 đồng do những người quản lý đình Giáp và một số người tắc trách của thôn Hành Lạc, thị trấn Như Quỳnh tiến hành là một việc làm đau lòng và có thể đã vi phạm pháp luật khi trước đó Chính phủ đã có chỉ thị về việc cấm buôn bán, tàng trữ trái phép dưới mọi hình thức gỗ sưa, chặt phá cây gỗ sưa… mà một dạo đã nóng lên với sự vào cuộc gắt gao của các cơ quan chức năng, trong đó có các phương tiện thông tin đại chúng.
Quá trình bán đấu giá chiếc kệ gỗ sưa của đình Giáp khá bài bản nhưng cũng không ít tức cười. Vòng đấu loại với mức đặt cọc lần đầu tiên là 500.000 đồng một suất phiếu đấu giá, nếu không được đi tiếp sẽ coi như cúng vào đình làm công đức. Đến vòng thứ hai cũng là chung cuộc, chỉ còn mười bốn phiếu đủ tư cách tham dự là người trong làng và một phiếu của người đàn ông tên Cẩm, người Đồng Kỵ, Bắc Ninh (theo sự giới thiệu của ông chủ sự cuộc đấu giá) một lái gỗ sừng sỏ thì không khí mới thực sự căng thẳng. Tiếng thì thào, nháy nhót, lấm lét, cấu chí nhau. Điện thoại của những người đang quyết ăn thua đấu giá kệ gỗ sưa vang lên liên tục. Kết thúc cuộc đấu giá, với cái giá cao nhất 1.200.000 đồng 1 ki lô gam, ông Cẩm nghiễm nhiên là người thắng cuộc. Và, ông lái gỗ với bản tính con buôn ăn mòn đũa thiên hạ đã biết điều rút một tập tiền mệnh giá 500.000 đồng đưa cho mười bốn cổ cò đang ấm ức thua cuộc mỗi người hai tờ mới cứng và trao số tiền bảy mươi tư triệu đồng cho những người quản lý ở đình Giáp. Về cuối cuộc mua bán bất hợp pháp này, còn xảy ra một điều tức cười, là đúng lúc giao tiền xong, cửa đình bật toang, ai lấy kinh ngạc trước mấy tay mặt mũi bặm trợn quát mắng rằng ai cho các ông các bà tự tiện bán đồ thờ cúng ở trong đình đi lếu láo mập mờ như thế. Việc này ai là người khởi xướng, ai chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước pháp luật đây. Đôi co đấu khẩu một hồi và đến khi mấy tay bặm trợn kia móc điện thoại dọa gọi công an thì ông Cẩm, với kinh nghiệm thương lái của mình, móc ra hai tờ giấy bạc 500.000 tiến đến chỗ mấy đại ca kia nói nhỏ: "Xin đại ca để cho chúng em làm ăn". Và, đúng như dự liệu của ông, mấy gã kia dịu ngay máu côn đồ lại, còn hỏi đã thuê được xe chở đi chưa để chúng em đây gọi giúp các bác. Chiếc kệ gỗ sưa đã rời ngôi đình Giáp trong không khí chợ trời, con buôn giữa một chiều oi ả với sự chứng kiến của khá đông người.
Đình Giáp không còn kệ gỗ sưa. Mai này, khi tuần sơ tiết muộn chắc rằng người ta sẽ thay vào đấy một cái kệ bằng gỗ khác, hoặc đúc bằng bê tông cốt thép chẳng hạn, chắc cũng chẳng chết ai. Kệ gỗ ấy nguyên dùng để áo quần, đồ vật dụng cúng tế hàng năm. Những người có học trong làng, những cụ đồ nho còn sót lại thở dài, mắt nhìn về một cõi nào xa lắm. Mấy anh chính quyền, mấy anh cán bộ ngành văn hóa sao chả thấy đâu. Họ đang làm gì mà quên mất những cái mình cần bảo vệ?
Trong tâm trạng nỗi đau còn váng vất từ những thông tin trên, mấy anh em báo chí, văn nghệ sĩ và kỹ sư, bác sĩ chúng tôi tìm đến với cây đa hơn bảy trăm năm tuổi thuộc đình Giáp, xem cụ đa đã được chăm sóc, bảo vệ thế nào. Đây là cây cao tuổi nhất trong tổng số sáu mươi bảy cây cổ thụ Hưng Yên cần được bảo vệ (Riêng huyện Văn Lâm có tới mười hai cây). Nghe đâu cụ đang chết dần chết mòn, đang mục ruỗng và có nguy cơ ngã xuống. Đến nơi, tất cả mọi người đều sững lại. Chao ôi! Mới mấy năm trước cây còn vạm vỡ, cành la cành bổng tung hoành ngang dọc trên nền trời, tỏa bóng ra tận lòng sông trẻ con trèo leo tùm tũm thì giờ đây cây đang úa tàn, gãy giập. Những cành lớn cỡ một người ôm mục ruỗng, đã ngã xuống ngay dưới gốc rất đau lòng. Mấy người chúng tôi, có người không cầm được nước mắt. Đi quanh cây, sờ vào cây, ngước nhìn cây, rồi nhìn nhau im lặng. Một lúc lâu, tôi tiến đến chỗ ông anh đã lớn tuổi, là bác sĩ Nguyễn Đình Trứ, người mà anh em đều phục sự thông minh uyên bác và thường gọi là thần đồng, hỏi anh ơi, cây làm sao mà chết, liệu có cứu sống được cây không. Ông bác sĩ đi một vòng nữa quanh cây, sờ sờ, nắn nắn, bốc đất, mân mê cành gỗ mục rồi lùi ra xa, khá xa, nhìn lâu, rất lâu vào từng cành một rồi nói chắc như đinh đóng cột: Cứu được! Nhất định cứu được, mà lại rất đơn giản. Cây đang chết dần là do bị tầm gửi bám quá dày. Nào các ông xem, nhìn kỹ đi. Tầm gửi nhiều thế kia cây sống thế nào được. Các ông cứ nhìn và nghĩ đi, cây nào cũng thế cả. ừ nhỉ, tất cả ngước nhìn. Tầm gửi bám dày đặc, tấn công, bóp chết từng cành lớn nhỏ. Có những cành lớn gãy đổ xuống đã mục ruỗng, mà tầm gửi vẫn xanh om, trơ tráo. Dân có người lấy cành khô về làm củi nhưng bóc tầm gửi ra, vun thành đống ở cầu ao phía trước. Chúng cứ xanh mỡ ra. Thảo nào cây chả chết. Đây có lẽ đúng là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến cây đa cổ thụ trên bảy trăm năm tuổi đang dần dần suy kiệt. Còn các nguyên nhân khác như đào bới xung quanh gốc, chặt rễ, xây tường, đổ bê tông… đã từ lâu ảnh hưởng đến cây cũng cần được xử lý lại nhanh chóng và cẩn thận. Nhưng vấn đề liệu có đơn giản như vậy không?.
Nói thêm một chút về cụ đa, các cụ cao tuổi trong vùng vẫn kể với lũ con cháu rằng cụ chính là cây đa Vua bái. ấy là năm vua Thành Thái kinh lý Bắc Hà, khi đi ngang vùng này có nghe quan sở tại tấu trình có cây đa hơn năm trăm tuổi rất lớn, nơi thờ Ngũ vị Đại Vương rất linh thiêng, truyền thống dân vùng ấy trung nghĩa lắm, đã từng được vua tiền triều Minh Mạng đổi tên vùng đất năm nào. Cảm động, vua truyền ghé thăm, lập ban thờ khấn vái cây, Ngài còn phủ dụ dân chúng sống phải có đạo lý, thuận hòa, hiếu đễ. Từ ấy, cây đa như một vị phúc thần của dân làng. Đã mấy trăm năm đứng đó chứng kiến biết bao kiếp người buồn vui sướng khổ. Đã chứng kiến bao nhiêu tao loạn, giặc giã, chiến tranh cùng với dân làng. Thế mà đã mấy năm nay, cây đang chết dần chết mòn trong sự vô cảm, tham lam, tắc trách của con người, đặc biệt là những người có trách nhiệm bảo vệ.
Trên đường về, mấy anh em bàn nhau và phân công tôi có ý kiến báo cáo Sở Văn hóa Thông tin Hưng Yên để có trách nhiệm phải vào cuộc khi chưa quá muộn. Ngay lập tức, tôi điện thoại xin gặp đồng chí Nguyễn Duy Hy, Giám đốc Sở, một người mà tôi đã có sự quen biết từ trước, báo cáo việc cây đa đang chết dần và chiếc kệ gỗ sưa bị bán mất. Khá ngạc nhiên, Giám đốc Sở Nguyễn Duy Hy không biết gì hai việc trên nhưng ông cũng tỏ ra sốt sắng và cảm ơn anh em báo chí đã lo lắng, đồng thời cử người lên kiểm tra ngay. Chúng tôi vẫn không hết lo ngại vì tiến độ và thái độ làm việc của một số người thuộc ngành văn hóa huyện Văn Lâm còn quá nhiều bất cập... Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể nêu lên sự thật từ lương tâm và ngòi bút của mình, dù sự thật ấy đang xảy ra trên mảnh đất mà mình yêu quý, dù sự thật ấy có đáng buồn đến mấy.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Cây đa trên 700 tuổi đang chết dần kêu cứu