TNc: Tôi đọc bài phỏng vấn này hơi bị ngạc nhiên. A thế ra ở ta không được đảm bảo quyền thông tin của báo chí nên bây giờ mới phải đảm bảo. Hiến pháp đã ghi rõ quyền tự do ngôn luận rồi mà thì vịêc gì lại phải đứng ra đảm bảo. Nhìn bàn tay ông Bộ trưởng trong ảnh tôi nghĩ rằng chắc chắn sẽ có sự đảm bảo...
- Trò chuyện đầu năm với VietNamNet, Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp cho hay, Luật Báo chí sửa đổi mà Quốc hội xem xét, thông qua năm nay sẽ tạo hành lang pháp lý với đầy đủ quy định, chế tài để báo chí hoạt động tốt hơn, đảm bảo quyền thông tin của báo chí.
Nếu có những bước đi đúng hướng...
Thưa Bộ trưởng, năm 2008 đã đi qua với những dấu ấn của ngành thông tin - truyền thông (TT-TT): tiếp tục phát triển mạnh, giá cả dịch vụ không những không tăng mà còn giảm, phóng thành công vệ tinh VINASAT-1, báo chí được ghi nhận là đóng góp lớn trong việc thông tin, tuyên truyền... Bộ trưởng đánh giá thế nào về triển vọng của ngành?
- Có thể nói, thực tế sau hơn một năm công tác với cương vị là Bộ trưởng TT - TT, tôi nhận thấy việc hợp nhất báo chí, xuất bản với bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin là một quyết định đúng đắn, khẳng định tính thời đại và hội nhập của đất nước, Sự kết hợp đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật truyền thông hiện đại với nội dung thông tin sẽ tạo nhiều cơ hội, tiềm năng phát triển mới.
Bộ trưởng Lê Doãn Hợp: Tôi rất lạc quan về con đường phát triển của ngành... Ảnh: Hưng Hải
Về con đường phát triển của ngành, tôi rất lạc quan. Thế kỷ 21 là thế kỷ của kinh tế tri thức, sản phẩm trí tuệ của con người sẽ được lan tỏa nhanh nhất qua hệ thống truyền thông, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong 2 năm gần đây, một số doanh nghiệp TT - TT, sau khi đã làm chủ được công nghệ và phát triển thị trường trong nước, đã tính đến việc mở rộng thị trường ra nước ngoài. Và điều quan trọng nhất là họ có khát vọng trở thành những doanh nghiệp truyền thông lớn của thế giới.
Cứ tự tin để hy vọng, sau 5 năm nữa, ngành TT - TT Việt Nam sẽ có một số doanh nghiệp có doanh thu 5 - 10 tỷ USD. Điều này hoàn toàn có thể nếu chúng ta có những bước đi đúng hướng.
Bộ trưởng từng nói khi mới nhậm chức sẽ tạo cho báo chí một lề đường và các nhà báo sẽ đi vào lề đường đó nhưng đi rộng hơn, thông thoáng hơn. Bộ trưởng có thể chia sẻ điều này sau một thời gian ở vị trí quản lý ngành?
- Thực tiễn cho thấy, hoạt động báo chí đã được pháp luật hóa khá đầy đủ. Tuy vậy, sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là công nghệ thông tin đã có tác động mạnh mẽ tới hoạt động báo chí.
Với tư cách là cơ quan quản lý chuyên ngành về báo chí, Bộ TT-TT đã tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, rà soát, xây dựng mới, sửa đổi bổ sung các quy định mang tính pháp luật về báo chí cho phù hợp với thực tiễn.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí; ban hành Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí, Thông tư quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí trong nước, xây dựng quy định về liên kết trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình v.v... bước đầu đã tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ, thông thoáng, góp phần phát triển nhanh các loại hình báo chí trong nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của báo chí nước nhà.
VietNamNet - cầu nối với kiều bào
Năm 2008 cũng đánh dấu quá trình hình thành và phát triển của VietNamNet khi trở thành cơ quan báo chí trực thuộc Bộ TT - TT. Đánh giá của Bộ trưởng về hoạt động báo chí của VietNamNet năm qua?
- 2008 là năm đánh dấu bước phát triển mới của VietNamNet với những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác hoạt động báo chí, tiếp tục khẳng định vị trí của mình khi luôn giữ vững vị trí hàng đầu trong làng báo điện tử Việt Nam, với nội lực tràn đầy sức sống.
VietNamNet đã thực hiện tốt là vai trò “cầu nối” thông tin trong nước với cộng đồng người Việt đang sinh sống và học tập ở nước ngoài, là kênh thông tin đối ngoại quan trọng, có hiệu quả nhất trong làng báo chí nước nhà.
Thông tin của VietNamNet đa dạng, phong phú và cập nhật nhanh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - chính trị, xã hội, văn hóa, giải trí ở trong và ngoài nước… Có nhiều tin, bài phân tích, bình luận có chiều sâu, sắc sảo, có tính phát hiện về những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Tuy nhiên cũng có lúc thông tin còn mang tính chủ quan, khen chê còn phiến diện, áp đặt, tạo dư luận không tốt.
VietNamNet đã thực hiện tốt là vai trò “cầu nối” thông tin trong nước với cộng đồng người Việt đang sinh sống và học tập ở nước ngoài vốn đang rất mong muốn được giao lưu tình cảm với quê hương, người thân và muốn theo dõi tình hình đổi mới đất nước, là kênh thông tin đối ngoại quan trọng, có hiệu quả nhất trong làng báo chí nước nhà.
VietNamNet có đội ngũ phóng viên trẻ, năng động, chịu khó tìm tòi, sáng tạo. Tuy nhiên, trước yêu cầu thông tin nhanh, đôi khi xử lý tin còn thiếu cân nhắc, dẫn đến những hiệu ứng không tốt trong dư luận. Đây cũng là một điểm yếu vì phóng viên trẻ, thiếu chín chắn về chính trị, xã hội, trong tác nghiệp còn chưa cẩn trọng, dẫn đến những sai sót không đáng có. Đây cũng chính là khoảng trống bất cập về quản lý, cần được khắc phục trong thời gian tới.
Tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn nữa
Bộ trưởng từng nói, ngành TT - TT có 1 khá, 1 khổ và 3 khó. Trong năm 2009 này, viễn thông sẽ làm gì để KHÁ hơn năm cũ, bưu chính sau khi tách khỏi viễn thông làm cách nào để biến KHỔ thành sướng? Ứng dụng CNTT, báo chí và xuất bản sẽ vượt KHÓ ra sao?
- Năm 2009, Bộ sẽ dồn mọi cố gắng để chỉ đạo ngành viễn thông và công nghiệp CNTT phát triển để làm giàu nhanh cho đất nước, bù đắp cho các ngành khác khó khăn hơn. Coi đây là ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế tri thức và kinh tế trọng điểm để tôn vinh trí tuệ Việt Nam.
Ngành bưu chính sẽ tổng điều chỉnh lại giá cả dịch vụ, tận dụng các lợi thế về đất đai, địa điểm, truyền thống, sàng lọc và nâng cao chất lượng lao động, mạnh dạn hội nhập quốc tế để tìm kiếm bài học hay, đưa ngành phát triển nhanh hơn, giảm dần bù lỗ, tiến tới có lãi trước năm 2013.
Ngành báo chí, xuất bản tiếp tục phát triển để đồng hành cùng dân tộc, cổ vũ động viên toàn dân tộc vươn lên. Quyết tâm vượt khó, quyết chí làm giàu để đổi đời, để thay đổi thứ hạng, để tỏa sáng từ cá nhân đến gia đình, xã hội và toàn quốc gia, trong thời đại đổi mới và hội nhập.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định: 2009 là thời cơ của ngành thông tin - truyền thông. Để tận dụng thời cơ này, yếu tố cần và đủ từ phía Bộ và từ các cơ quan báo chí là gì, thưa Bộ trưởng?
- Về phía Bộ, sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thông thoáng hơn nữa cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế cùng phát triển. Bên cạnh đó, sẽ nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ làm công tác quản lý; xây dựng cơ chế đãi ngộ vật chất hợp lý để mọi người tài có cơ hội được cống hiến.
Luật Báo chí sau 9 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập cần được chỉnh sửa, bổ sung kịp thời. Ảnh: Hưng Hải
Về phía các cơ quan báo chí, tôi cho rằng, báo chí cần phải làm tốt chức năng, nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận, tuyên truyền tạo khí thế đi lên của toàn xã hội, đưa tin đúng và hướng thiện, giúp cho cơ quan quản lý thực hiện tốt hơn trọng trách của mình. Báo chí cũng phải chủ động đổi mới để thích ứng với sự phát triển mau lẹ của truyền thông thế giới, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng thông tin đa dạng, chuẩn mực của toàn dân.
Sửa Luật Báo chí: Tìm giải pháp tối ưu
Năm nay, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Báo chí sửa đổi, bổ sung. Những nội dung sửa đổi quan trọng là gì?
- Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và xu hướng hội tụ có tác động mạnh mẽ tới các loại hình báo chí ở nước ta. Trong khi đó, Luật Báo chí sau 9 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập cần được chỉnh sửa, bổ sung kịp thời.
Đã xuất hiện loại hình báo chí hội tụ trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông. Xu thế hội tụ cũng làm cho mô hình báo chí có nhiều thay đổi, một cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí; rồi những vấn đề về cơ chế, chính sách, kinh tế và liên kết của báo chí; đặc biệt là vấn đề chủ thể được phép thành lập cơ quan báo chí; tập đoàn báo chí; mô hình hoạt động của các đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương; vấn đề về tiêu chuẩn của người đứng đầu và các chức danh chủ chốt của cơ quan báo chí...
Tất cả những vấn đề nêu trên đều được Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra những giải pháp tối ưu, phù hợp với thực tế phát triển của báo chí nước ta. Tôi cho rằng Luật Báo chí sửa đổi lần này có ý nghĩa thực tiễn đối với hoạt động thông tin, truyền thông, tạo hành lang pháp lý với đầy đủ quy định, chế tài để báo chí hoạt động tốt hơn; đảm bảo quyền thông tin của báo chí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động truyền thông.
Huyền Sâm – Xuân Linh
Nguồn Vnn.vn