Dân tộc Việt Nam là dân tộc sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Cơ nghiệp của nhà nông gắn liền với con trâu. Vì là vật chủ lực trong công việc đồng áng nên kinh nghiệm chọn trâu của ông cha đã được đúc kết:
Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi,
Ăn ra lôi, cày ra thép
Hay là:
“Trâu to ngà, càng già đường kéo”.
Cách chọn trâu cày khỏe dựa trên kinh nghiệm của nhà nông còn phải là “da đồng, lông mốc” và:
- “Đầu thanh, mặt nhẹ, khô chân
Vai cao, mình thẳng, mặt gân, sườn tròn”
- “Chùng đùi, thắt quản, ngắn đuôi
To ngà, móng hến thì nuôi đáng tiền”.
Con trâu dễ bảo nhu mì, nên xưa nay nhà nông thường cho trẻ con chăn dắt. Hình ảnh chú bé mục đồng chăn trâu thổi sáo, mô tả hình ảnh thanh bình trên quê hương. Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ, ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau... Cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh trong lịch sử nước ta đã từng phất ngọn cờ lau, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Cậu bé chăn trâu Đào Duy Từ, người chỉ huy đắp lũy Trường Dục (tục gọi Lũy Thầy) nêu tấm gương kiên trì học tập, trở nên hiền tài...
Không ai biết con trâu có từ bao giờ, nhưng chỉ biết khi có con người thì có con trâu, con trâu là bạn con người. Những bài ca “gọi nghé” kết thúc bằng tiếng “nghé... ơ... ơ... ơi!” nói lên tình cảm của con người lúc nào cũng gắn bó, thương cảm với con trâu:
... Nghé ơ...
Mẹ gọi tiếng trước,
Cắt cổ lên đàng... Nghé ơ...
Mẹ gọi tiếng sau,
Cất lồng lên chạy...
Có khôn thì đi theo mẹ
Có dại thì đi theo đàn,
Chớ đi theo quẩn theo quàng,
Có ngày mất mẹ... nghé ơ...
* * *
Trong tục ngữ ca dao nói về con trâu có một bộ phận khá lớn mang tính chất trào phúng. Điều này ít thấy ở các con giáp khác. Một anh chồng đã coi việc chăm vợ như việc chăn trâu thì còn gì hài hước cho bằng:
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi chăn nàng còn khổ hơn trâu.
Cũng thật là thú vị, khi cô vợ gọi người chồng có “khả năng đàn ông” hết sức hấp dẫn của mình là “Trâu cày”:
Của chua ai thấy chẳng thèm
Em cho chị mượn chồng em ít ngày.
Chồng em đâu phải trâu cày
Để cho chị mượn cả ngày lẫn đêm.
Một cô gái rất hóm hỉnh, đã tự ví mình là “nghé đã thành trâu” để nhắc khéo chàng trai đã đeo đuổi mình từ lâu mà chưa tính đến hồi kết:
Công anh chăn nghé đã lâu
Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày?
Có khi chàng trai còn bị coi là một con nghé ngây ngô và quá vô tình trước một người con gái đã trải lòng ra với mình:
Em như ngọn cỏ phất phơ
Anh như con nghé nhởn nhơ trên đồng.
Dùng chuyện “chăn trâu chẳng biết mặt trâu” để cười cho sự quá đểnh đoảng của chàng trai đã yêu mình hoặc đã có cảm tình sâu nặng với mình mà không hiểu biết gì về gốc gác của mình, thì không còn gì đắc địa cho bằng:
Chăn trâu chẳng biết mặt trâu
Trâu về cầu Cậy biết đâu mà tìm.
Thuộc loại vui cười này còn có những câu không có ý nghĩa gì cả, giống như những câu hát ru:
Ông trăng mà cưới bà sao
Ngày mai có cưới, cho tao miếng trầu,
Có cưới thì cưới con trâu
Đừng cưới con nghé nàng dâu không về.
Rõ ràng đây là những câu hát vui, ý tứ trong đó mơ hồ lộn xộn, chỉ để cho các bà, các mẹ, vừa ăn trầu, vừa đu đưa trên võng, ru cho con cháu mình ngủ. Thế nhưng, cũng có những câu có vẻ bâng quơ, ngớ ngẩn, mới đọc lên chỉ thấy buồn cười, nhưng đọc đi đọc lại và suy nghĩ kỹ, người ta sẽ hết sức bất ngờ về cái ý nghĩa sâu xa, ẩn chứa ở bên trong nó:
Thứ nhất vợ dại trong nhà
Thứ hai trâu chậm, thứ ba rựa cùn,
Vợ dại thì đẻ con khôn
Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm.
Trâu chậm thì anh bán đi
Rựa cùn đánh lại, vợ thì làm sao?
Hoặc:
Thiệt tình hổng phải ba hoa
Hôm qua tui thấy con gà đá trâu,
Gà đá trâu bao lâu mới thắng
Trâu đá gà, què cẳng con trâu.
...
LÊ KIM - HOÀNG NGHĨA