Trang chủ » Tin văn và...

Từ "Cành đào báo tiệp" đến "Lễ mở xiêm áo"

Nguyễn Khắc Phục
Thứ năm ngày 5 tháng 2 năm 2009 5:14 AM
Vở Lễ Mở Xiêm Áo
hay là khả năng vượt qua tấn thảm kịch của một dân tộc

Kịch bản: Nguyễn Khắc Phục
Đạo diễn: Trần Quang Hùng
Nhà hát cải lương Hà Nội dàn dựng 12.2008
 
Nếu lễ hội Cánh đào báo tiệp vừa được dàn dựng và trình diễn ngày mồng 5 Tết Kỉ Sửu, tại gò Đống Đa, với cảm hứng anh hùng ca, tôn vinh Đại đế Quang Trung và chiến công hiển hách của quân dân Đại Việt cách đây 220 năm với 4 thế kỉ âm vang, Người đã tuyên cáo một sự thật hùng tráng và chí lý: Đánh cho biết nước Nam, anh hùng có chủ! Thì Lễ mở xiêm áo, vở cải lương sẽ diễn ra trong tháng 2 dương lịch này, một thời khắc chứa đựng rất nhiều những hồi tưởng nghiêm trọng về vận mệnh Đất Nước và những ân oán lịch sử, lại đề cập trực diện đến những thảm họa và khả năng vượt qua thảm họa ấy của một dân tộc can đảm, tỉnh táo, nhận thức sâu sắc và không khoan nhượng, trước tất cả những thử thách đã và đang đợi mình, trên con đường đi tới...
 
LỄ MỞ XIÊM ÁO trước hết là một tác phẩm mang âm hưởng bi tráng và gợi ra những liên tưởng sâu sắc, về những thảm họa có thể đã, đang hoặc sẽ đến..., với một đất nước khi lòng dân ly tán, trên dưới không đồng lòng, trăm họ ngơ ngác trước tình thế giang sơn xã tắc nghiêng ngả, trăm vạn quân  xâm lược không chỉ ngấp nghé ngoài vùng biên mà đã nham hiểm cấy sẵn và nuôi dưỡng những kẻ nội gián, phản bội tổ quốc trong hàng ngũ Đại Việt, những kẻ táng tận lương tâm, bất chấp đạo lý, tình cảm, sẵn sàng làm tay sai cho ngoại bang giày xéo quê hương mình, miễn là được chút hư danh và bổng lộc... Thảm họa không chỉ dừng lại ở đấy, mà nguy hiểm hơn, trầm trọng hơn, kẻ thù có sẵn cả một kế hoạch lâu dài, liên tục: Không chỉ lăm le xâm lấn đất đai, biển trời của Đại Việt, đô hộ đất nước này, mà còn mưu toan cướp đoạt tất cả những gì tinh túy, giỏi giang nhất mà đất nước này có thể sở hữu hoặc hun đúc được với bao tâm huyết, mồ hôi và khát vọng, từ của ngon vật lạ, đặc sản thiên nhiên (sừng voi, sừng tê giác, ngọc trai...) đến những con người xuất chúng, ưu tú như thày thuốc, nhà khoa học, các nghệ sĩ tài danh... Trong trường hợp không cướp để mang về phương Bắc thì phải hủy diệt không thương tiếc. Như chính miệng một kẻ cầm đầu sứ đoàn phương Bắc trong vở kịch, trắng trợn tuyên bố: Làm sao cho Đại Việt không ca, không vũ, không hôm qua, không hiện tại, không ngày mai! Tóm lại, chúng muốn Tổ Quốc ta biến thành một sa mạc của nỗi hoang mang, mất hướng và cằn cỗi, không nghệ thuật, không cảm xúc, không nghĩ ngợi, không chờ đợi bất cứ điều gì, buông xuôi và đấy mới thực là một đất nước chết. Chết cả từ hình hài đến xác thịt, linh hồn, phẩm giá và khát vọng vươn lên!
Ít nhất, đã hơn một lần, quân xâm lược nhà Minh đã làm như thế với đất nước ta ở thế kỉ 15.
Ngay từ cốt truyện, Lễ Mở Xiêm Áo hình như cũng có cái gì khang khác so với những vở kịch cùng khai thác đề tài lịch sử, huyền thoại hoặc mang hơi hướng truyền thuyết, dân gian khác.
Với màn khai từ diễn ra tại pháp trường Cây Gáo bên ngoài cổng thành Thăng Long, cơn ác mộng đã ập xuống, báo hiệu một không khí bi tráng, u uất sẽ bao trùm toàn bộ vở diễn... Trận mưa xối xả trút xuống trong tiếng sấm sét đùng đùng, Hoàng Cương, một đứa bé mới tý tuổi đầu đã phải chạy trong bóng tối địa ngục, gào thét: Mẹ ơi, mẹ về với con... Chuyện gì đã xảy ra với nó? Cha nó, một vị mệnh quan của triều đình vừa bị hành quyết vì một tội trạng nào đó. Trong cơn tuyệt vọng và căm thù ngút trời, mẹ nó lao vào bãi pháp trường đẫm máu, hai bàn tay cào cấu, cố bới trong bùn nước, tìm lại chút gì còn sót lại của hình hài, xương thịt người chồng bất hạnh của bà. Vô ích, bà chỉ còn biết ghì chặt đứa con trong tay mình, gào lên: Con phải trả lại công bằng cho cha con, cha con chết oan. Con phải báo thù cho cha con. Kẻ tử thù của chúng ta là Lê Thái Sư, kẻ đã đang tâm hãm hại cha con. Lê Thái Sư, con phải giết Lê Thái Sư báo thù cho cha con. Có như vậy dưới âm ty, cha mẹ mới ngậm cười... Và bà đã chết ngồi ngay giữa pháp trường Bãi Gáo, ngay sau lời trối trăng khủng khiếp và nghiệt ngã ấy.
Vậy là người mẹ đã đặt lên đôi vai non nớt của đứa con mồ côi cả cha lẫn mẹ, một mối thù khủng khiếp và tưởng như không bao giờ tâm nguyện của bà có thể thực hiện được.
Hơn mười năm sau, Hoàng Cương đã thi đỗ Thái Học Sinh, thân phận của chàng dường như được giấu kín trước mắt mọi người. Con đường hoạn lộ của chàng có vẻ thênh thang, không chỉ là một viên quan văn được trọng vọng trong Bí thư giám, một kẻ sỹ thành danh giữa kinh đô, chàng còn trở thành ý trung nhân của tiểu thư Bạch Liên... Nhưng trớ trêu thay, hồng nhan tri kỉ của chàng lại chính là con gái yêu của Lê Thái Sư, vị quan đầu triều. Sự trớ trêu của số phận hay là một âm mưu sắp đặt? Câu chuyện mỗi lúc một thêm hấp dẫn, đầy thế kịch để khai thác, nhấn nhá, quyến rũ công chúng theo dõi liên tục và mỗi lúc một thêm hồi hộp.
Rồi một sự cố bất ngờ xảy ra khi Hoàng Cương lên núi thăm sư phụ chàng, thiền sư Tuệ Minh - một nhà tu hành, một đại danh y nổi tiếng không những chỉ về y thuật thần diệu mà còn ở tấm lòng yêu nước thương dân, ưu thời mẫn thế. Cô Đào Mây, một ca nhi xinh đẹp, duyên dáng cũng lên núi cùng Đào Bách. Hai cô gái lên núi để vãn cảnh chùa chăng? Không, Đào Mây sau nhiều năm dốc công học tập nghệ thuật ca trù, đã đến lúc được phép làm lễ mở xiêm áo, một nghi thức giống như kiểu sát hạch, chỉ sau khi thực hiện hoàn tất nghi thức này, Đào Mây mới chính thức trở thành đào nương trong giáo phường. Mà một trong những thông lệ quan trọng nhất của lễ mở xiêm áo: Cô đào nương phải tìm được người đủ danh vọng, tài năng và nhân cách chịu đến giáo phường, ngồi cầm roi chầu trong lúc cô đào nương trình diễn. Người mà giời phật run rủi cho cô gặp không ai khác, danh sĩ Thăng Long, Hoàng Cương, người sắp sửa làm con rể quan đầu triều Thái sư họ Lê. Mà họ Lê lại là kẻ tử thù của Hoàng Cương, người mẹ trước lúc lâm chung, đã bắt chàng phải thề: bằng mọi giá phải giết Lê Thái sư để báo thù cho cha! 
Nếu chỉ có vậy thôi, người ta ngay lập tức chờ đợi ở Lễ mở xiêm áo, một thứ gì đó mùi mẫn, bi lụy của những mối tình éo le chỉ đủ sức gợi lên trong lòng người xem sự trắc ẩn. Và nếu chỉ có vậy, có lẽ tác giả và tập thể nhà hát cải lương Hà Nội, không phải tốn công sức, vật vã, tìm tòi đến vậy.
Không, Lễ mở xiêm áo không dừng lại ở một bi kịch thân phận con người, mà vượt lên, bi kịch của một dân tộc đang phải đối mặt với thảm họa xâm lược!