Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ NGUYỄN ĐÌNH THI – SỰ CÔ ĐẶC TƯ DUY TỪ CUỘC SỐNG

Nguyễn Xuân Hoà
Thứ tư ngày 8 tháng 1 năm 2025 11:14 AM



1. Quan điểm về thơ của Nguyễn Đình Thi

Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ tài hoa, ông không chuyên chú chỉ làm thơ, nhưng lại rất có ý thức về những bài thơ mình làm ra. Ông là một nhà thơ suốt đời say đắm về một nội dung cô đặc được biểu hiện trong thơ, chắt lọc từ những trải nghiệm trong cuộc sống đồng điệu với hơi thở của thời đại. Phải thừa nhận về phương diện này Nguyễn Đình Thi là nhà thơ có cái tạng rất riêng, khó trộn lẫn. Ngay từ năm 1944 trong bài Thơ triết học, số 135 của Tạp chí Tri tân (1941-1945) Nguyễn Đình Thi đã nói rõ tuyên ngôn về thơ rằng “mục đích của thơ là đi tìm cái đẹp” và “cái đẹp, không những có trong tình cảm mà còn có trong trí tuệ và trong hoạt động ”, nghĩa là “cái đẹp của thơ gồm hai phần: một phần liên lạc đến cảm giác, tính tình, và một phần liên lạc đến trí tuệ, và do đó đến xã hội và đời sống” [2 , tr. 478-480].

Năm năm sau, năm 1949, ở Việt Bắc trong cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi, thơ không vần và phần nào có vẻ kiêu sa của ông đã bị nhiều nhà văn, nhà thơ thời đó góp ý thẳng thắn, Nguyễn Đình Thi đã lắng nghe nhưng không trả lời lại một lời phê bình nào mà lấy tinh thần của hội nghị làm một cuộc tự phê bình, nêu rõ quan điểm của mình về thơ như sau:

“ - Khi đã bỏ luật lệ rồi, đủ cảm xúc tự nhiên thì cứ nói, thành vần cũng được, không thì thôi. Nói như lời nói thường vậy.

- Rút ra những cái trong cuộc sống.

- Nói như lời thường. Tôi mong đi tới những câu thơ như lời nói thường mà đến một độ cảm xúc mãnh liệt. Những hình ảnh thơ mới bây giờ, tôi tưởng tượng nó cần phải khỏe, gân guốc, xù xì, chất phác, chung đúc, tự nhiên. Những bài thơ cũ, cùng một nhịp điệu đều đều, tôi không thể chịu được. Bài thơ chất phác kia tác động vào tâm hồn ta hơn” [3, tr. 227-228].

Rõ ràng, những quan điểm về thơ của Nguyễn Đình Thi đã được trải nghiệm và cân nhắc nghiêm túc. Ông nhấn mạnh đến cảm xúc. Những bài thơ của Nguyễn Đình Thi được làm ra không dễ dàng, bởi hầu như ở bài nào nhà thơ cũng có “những tìm tòi rất khổ” rồi chắt lọc, tinh chế, cô lại để bật ra thành lời tự nhiên (có vần hoặc không vần) phản ánh thực tại khách quan như nó vốn có. Chính Nguyễn Đình Thi (1949) trong khi làm cuộc tự phê bình thơ của mình đã nói những lời rất thật tự con tim rằng: “Rất đau thương mà không nói, đó là thái độ nội dung của tôi. Khi tôi nói cái đau thương của tôi ra, nó ẩn ở một chỗ rất kín (Ví dụ trong bài Không nói: Môi em, đôi mắt còn ôm đây)” [3, tr. 226]. Sự cô đặc tư duy trong thơ Nguyễn Đình Thi đã trở thành cái tạng thơ không trộn lẫn, được nhiều bạn đọc thích đọc, nhâm nhi từng chữ, từng câu, thậm chí “một số bạn khác rất mê thơ tôi” [3, tr. 226]. Cái sự cô đặc trong thơ quả là kỳ công vì nhà thơ phải quan sát, phải lăn lộn trong cuộc sống, nhưng quan trọng hơn là biết khuôn đúc lại thành cái đặc thù của nội dung, bởi vậy, không có năng khiếu và tài năng của nhà thơ đích thực thì không thể có được những câu thơ, những vần thơ (dù không vần) tinh lọc, mặc dù nó xù xì, thô kệch. Đó là tấm gương khúc xạ cuộc đời thật được thể hiện trong thơ, nhưng đằng sau những con chữ thô kệch, xù xì ấy người đọc, khi đọc kỹ, sẽ thấy lấp lánh con đường hướng tới cái đẹp. Nhà văn Nguyên Hồng (1949) trong cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi đã thấy hé lộ những điều kỳ diệu của thơ dân tộc trong tương lai: “Ý riêng tôi thì anh Thi rất thành công, ngay bây giờ đã thành công rồi. Anh Thi tiêu biểu cho tâm hồn rộng rãi, rải rác. Tôi tin sẽ có những bài thơ kỳ diệu của dân tộc ở trong loại thơ đó” [3, tr. 221]. Tâm hồn nhà thơ khi đã rộng mở để thu về cảm xúc trước những cái thô kệch ngoài đời được nhào nặn thành cái đẹp, cái tinh hoa cho đời thì đó chính là một trong những sứ mệnh cao cả của nhà thơ-công dân mà Nguyễn Đình Thi hằng theo đuổi. Nhịp sống hào hùng và vô cùng phong phú của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đòi hỏi ở thơ những cảm xúc thật nói lên một cách cô đọng “những tình cảm tư tưởng mới của thời đạị” bên cạnh những cái đời thường nhất của đất nước. Làm được như vậy là có đóng góp cho thơ, đóng góp cho công cuộc kháng chiến, xây dựng đất nước. Bằng những bài thơ của mình Nguyễn Đình Thi đã có đóng góp quan trọng. Chỉ riêng những bài thơ Đất nước (1955), Chia tay trong đêm Hà Nội (1967) và bài thơ Lá đỏ (1974) được bạn đọc đón nhận với tình cảm trìu mến là một minh chứng cho lời nhận xét đúng đắn “đoán giữa trần ai” của Nguyên Hồng. Tạng thơ Nguyễn Đình Thi là như thế. Nguyễn Đình Thi làm thơ không nhiều lắm, nhưng thơ Nguyễn Đình Thi đã để lại những dấu ấn rất riêng trong lòng bạn đọc cũng là vì thế. Ta có thể thấy trong thơ Nguyễn Đình Thi những hình ảnh của cảm xúc được nâng lên thành lối tư duy của người Việt như bản lĩnh và niềm tự hào chính đáng của tất cả chúng ta:

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về.

(“Đất nước”)

hoặc:

Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

(“Đất nước”)

Khi dẹp xong giặc giã, kháng chiến thành công, trên đường về kinh, nhà vua thi sĩ Trần Nhân Tông thấy chân các ngựa đá còn dính bùn đã tức cảnh làm hai câu thơ – một bài thơ rất ngắn – mà ý thì vươn xa:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu.

(Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng).

Ông cha ta khi xưa đánh giặc là để giữ nước, dựng xây non sông bền vững âu vàng đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Năm nay kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong trái tim mỗi người dân Việt Nam vẫn chảy mãi những mạch ngầm “rì rầm trong tiếng đất” nối kết với truyền thống ông cha, nhưng đã hiển hiện lên một Đất nước hiện đại của thế kỉ 20 đã bước sang thế kỉ 21 từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đó là gương mặt Đất nước đã được thi sĩ tài hoa Nguyễn Đình Thi trải nghiệm và đúc kết trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Ta bắt gặp trong bài thơ nhiều hình ảnh hiện đại, nhiều cách nói hiện đại. Khi nhà thơ nói về Đất nước đau thương: Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều, là khi nhà thơ thay mặt những người còn sống hôm nay nhớ ơn các liệt sĩ đã hy sinh vì nước, nhưng không hề bi lụy mà tin tưởng vào sức mạnh tiềm năng của một Đất nước anh hùng bất khuất:

Xiềng xích chúng bay không khoá được

Trời đầy chim và đất đầy hoa

Súng đạn chúng bay không bắn được

Lòng dân ta yêu nước, thương nhà.

Và nhà thơ đã phác họa nên một tượng đài Đất nước bằng thơ của thời kì hiện đại:

Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

Đúng là đất nước đã từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng loà, ý nghĩ đó thôi thúc những người lính Cụ Hồ trên đường hành quân vào Nam đánh giặc phải làm gì đây để giữ nước mà ông cha ta đã dựng xây từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hoặc ca ngợi sứ mệnh của người ra đi cứu nước và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc chống Mỹ cứu nước:

Nhớ nhau chân cứng đá mềm em nhé

Hẹn đánh Mỹ xong sẽ về tìm nhau.

…Em

Anh ôm chặt em và cả khẩu súng trường bên vai em.

(“Chia tay trong đêm Hà Nội’)

Em đứng bên đường, như quê hương

Vai áo bạc, quàng súng trường

Chào em, em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…

(“Lá đỏ”)

2. Đi tìm cảm xúc thơ từ cuộc sống


Khi không bị gò bó, không bị ràng buộc bởi những khắt khe về hình thức của thơ thì bút lực nhà thơ có thể sáng tạo theo đúng những gì đã cảm nhận từ cuộc sống thông qua “bộ thanh lọc” của tư duy để nhào nặn thành cảm xúc. Chính Nguyễn Đình Thi luôn tâm niệm: “Khi đã bỏ luật lệ rồi, đủ cảm xúc tự nhiên thì cứ nói” và phải “Rút ra những cái trong cuộc sống”. Thơ Nguyễn Đình Thi ở nhiều bài đã phản ánh được quan điểm này. Hai vế “đủ cảm xúc” và “rút ra từ cuộc sống” hầu như đã trở thành sợi chỉ đỏ trong nhiều bài thơ của ông.

Là người trong cuộc, tắm mình trong cuộc chiến đấu gian lao của dân tộc, tham gia chiến đấu cùng với bộ đội, sống với dân và được chứng kiến ngày thắng lợi vẻ vang của đất nước nên Nguyễn Đình Thi yêu đất nước như đứa con yêu quê hương, đau xót khi thấy quê hương bị giặc dày xéo, vui mừng khi đất nước được giải phóng khỏi ách xâm lược. Cảm xúc trong thơ Nguyễn Đình Thi rất cụ thể, gắn với đời sống thực. Thơ ông đã ghi lại cảm xúc trào dâng của người con đối với gia đình, người thân, làng xóm, đồng đội. Những tình cảm tự nhiên, chân thành xuất phát từ cuộc sống đã đem lại cho thơ Nguyễn Đình Thi những cảm xúc mãnh liệt đi vào lòng người. Về phương diện này thơ Nguyễn Đình Thi đã nói hộ tâm tư, suy nghĩ của bạn đọc. Đó là bằng lối nói dứt khoát Nguyễn Đình Thi đã khẳng định chủ quyền quốc gia hoàn toàn thuộc về nhân dân với niềm tự hào của một nhà thơ-công dân:

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa.

(“Đất nước”)

Cảm xúc thơ Nguyễn Đình Thi đồng điệu với cảm xúc của nhân dân nên thơ ông được đông đảo bạn đọc yêu thích, nghiền ngẫm. Những hình tượng trong thơ Nguyễn Đình Thi như “mưa lâu thấm dần” đến với công chúng và được công chúng yêu mến. Đó chính là thành công của thơ Nguyễn Đình Thi, vì cảm xúc thơ ông đi từ cuộc sống, chắt lọc lấy những gì khái quát nhất, đặc thù nhất và bài thơ khi thành hình hài cụ thể thì cảm xúc thơ lại được trả về cho cuộc sống để công chúng thưởng thức bằng ngôn ngữ thơ. Từ quan niệm thơ đến thơ Nguyễn Đình Thi đã vượt qua những chặng đường đi tìm cảm xúc có lúc vất vả, nhưng có lúc cảm xúc đến một cách tự nhiên tựa như “tóe lên ở những điểm giao nhau của tâm hồn với ngoại vật”. Và, như chính Nguyễn Đình Thi đã nói, “tôi mong đi tới những câu thơ như lời nói thường mà đến một độ cảm xúc mãnh liệt” hoặc “Thơ phải nói ra cảm xúc. Cảm xúc là tai nghe mắt thấy, mũi ngửi, tay sờ, cảm thế nào nói thế ấy. Thơ không phải kể lể tình cảm. Thơ bây giờ là hình ảnh cảm xúc. Khi đã có đủ cảm xúc thì nói ra thành vần hay không vần chẳng còn là điều quan trọng ”. Đúng, khi cảm xúc đã đủ, đã tràn đầy thì “cuộc trở dạ” cho “đứa con tinh thần ” của thơ sẽ không còn nữa. Cảm xúc đã bật ra thơ. Đây có thể coi là trường hợp bài thơ Lá đỏ được Nguyễn Đình Thi viết liền một mạch tạc nên khí phách hiên ngang của dân tộc trong bão giông của chiến tranh vẫn tin chắc về một ngày mai chiến thắng. Những con chữ, lời thơ trong Lá đỏ đã thành hình hài đủ chín tháng mười ngày và bài thơ cứ thế “chào đời’ vào năm 1974, khi đất nước đang chuyển động về tương lai:

Đoàn quân vẫn đi vội vã

Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa

Chào em, em gái tiền phương

Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn…

Hoặc từ cảm xúc rất thật hòa với niềm tự hào của người đồng hương qua hình ảnh người thủy thủ Việt Nam Tôn Đức Thắng mang trong mình tinh thần quốc tế vô sản cao cả đã được ngòi bút Nguyễn Đình Thi lột tả một cách chân thật như biểu tượng của người lính tiên phong trong hàng ngũ những người cùng khổ trên thế giới:

Anh chạy tới cột cờ cao nhất

Anh băng mình thoăn thoắt leo nhanh

Bóng anh mất trên trời sâu hút

Giữa gió gầm lồng lộn vùng quanh

(“Bài thơ Hắc Hải”)

Trước Nguyễn Đình Thi, ở nước Nga, quê hương của đại thi hào Pushkin và nhiều nhà thơ lớn khác, nhà thơ Nga Aleksandr Blok của “thế kỷ Bạc” đầu thế kỷ 20 tìm thấy được cảm xúc dạt dào với Tổ quốc – Mẹ hiền đã vùi đầu ròng rã hơn nửa năm trời viết liền một mạch bài thơ dài Trên bãi chiến trường Kulikovo (1908) gồm 5 chùm thơ, 120 câu để dâng tặng nước Nga và nhân dân Nga. Cảm xúc chân thật của nhà thơ-công dân đã sáng tạo nên những bài thơ đích thực. Cái cách đi tìm cảm xúc từ cuộc sống để làm thơ của Nguyễn Đình Thi thoạt nhìn có vẻ dễ dàng xét trên lí thuyết, song trên thực tế là công việc nhọc nhằn, vật vã đối với mọi nhà thơ, bởi lẽ nhà thơ đích thực là phải biết lấy cái cảm xúc thật của mình đồng điệu với cảm xúc của công chúng thì mới làm ra sản phẩm thơ có giá trị. Nguyễn Đình Thi đã làm được như ông hằng tâm niệm, tuy không phải thành công ở tất cả những bài thơ ông đã làm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đình Thi. Tác phẩm chọn lọc. Thơ. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1994.

2. Nguyễn Đình Thi. Thơ triết học. Trong sách: Tạp chí Tri Tân 1941-1945. Phê bình văn học. Trịnh Bá Đĩnh và Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, biên soạn. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999.

3. Tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi. XD (Chú thích này cho thấy người ghi biên bản là Xuân Diệu) ghi theo Biên bản Hội nghị chiều 28. Tạp chí Văn Nghệ số 17, 18 tháng 11, 12/ 1949. NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2000, tr. 215 - 229.