Đây là quà tôi đã dành từ lâu để tặng bác giúp tôi hoàn thành kế hoạch. Hoa Mặc lan hiếm lắm đấy. Lá nó bình thường, hoa của nó thì từ cuống đến cánh hoa toàn một màu đen, nó muốn giấu mình đi, nó là thứ hoa của các nhà nho, hoa của sự khiêm nhường.
Mùa đông năm 1976, cánh viết trẻ chúng tôi từ các Quân đoàn, Quân khu, Quân binh chủng được Tổng cục Chính trị gọi về Hà Nội cho đi học văn hóa theo hệ tập trung. Nơi ở đầu tiên là một khu doanh trại tranh tre lá nứa dựng sát bờ sông Tô Lịch thuộc xã Trung Hòa, gần Ngã Tư Sở. Lục tục người trước người sau, khi hội quân đông đủ, chưa kịp vui trọn niềm vui sum họp đầu tiên thì nhận tin buồn: Cháu gái đầu lòng của anh Dương Duy Ngữ mất đột ngột trong một trận hỏa hoạn. Anh em xúm lại bàn, cách gì cũng phải về ngay với anh Ngữ và gia đình. Đơn vị mới thành lập, còn thiếu thốn nhiều thứ, không có ô tô đi tập thể thì cử đại diện vậy. Không phải đợi phân công gì cả, Chu Lai về phòng lôi gấp chiếc Honda ra, Đình Kính lấy mũ quàng khăn bám sau liền. Tôi có chiếc Goebel cũ kỹ anh em vẫn gọi là con cào cào cũng bắt đầu nổ máy cặp đôi với Khuất Quang Thụy. Anh Nhuận, đại úy, đại đội trưởng tiễn chúng tôi ở cổng doanh trại, bảo, nhớ quê anh Ngữ ở xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai nhé. Tọa độ ngắn gọn có thế thôi. Cả bốn anh em chưa ai về quê anh Ngữ lần nào. Chu Lai hãnh diện: Yên trí, đại đội trưởng trinh sát đặc công đây.
Từ xã Trung Hòa, theo đường Láng, chúng tôi phóng lên mạn Cầu Giấy rồi theo đường 32 lên Đan Phượng. Mưa mỗi lúc mỗi to. Phong phanh áo lính cậy sức trẻ, bây giờ mưa nó quất cho. Ướt rượt, tím tái mặt mày. Đến đoạn cầu Phùng, rẽ vào con đường đất, trơn quá, chiếc xe của tôi bay xuống mặt ruộng ngô mới thu hoạch. Tôi và Khuất Quang Thụy bị hất tung mỗi đứa một nơi. Choáng váng mất một lúc, lóp ngóp bò dậy. May đất ruộng ướt nhão đỡ cho. Cũng giống như chúng tôi, chiếc xe máy bê bết bùn đất, nhưng lạ quá sao máy vẫn nổ. Thụy giúp tôi lôi chiếc xe máy lên đường, lại còn bảo hay là anh để em cầm lái cho. Vẽ, xe quen chủ rồi, thoát chết thế là may. Đường trơn quá, vừa đi vừa hỏi, tìm thấy nhà thì trời đã sập tối. Anh Dương Duy Ngữ ra đón chúng tôi, ái ngại, chết thật, mưa gió thế này, để tôi kéo nước gột quần áo cái đã. Xong xuôi, chúng tôi bước vào nhà, cụ thân sinh anh Ngữ đã pha nước ấm, còn chị Chín vợ anh Ngữ thì đã kịp nhóm lên một đống lửa lớn. Có hơi lửa, quần áo khô dần và người cũng ấm lên. Có mấy hôm mà anh Ngữ trông bơ phờ hốc hác quá. Chị Chín rũ như một tàu lá héo. Còn ông cụ thì ôm ngực những cơn ho. Mất mát quá lớn. Thương cháu nghẹn lời. Không còn nhớ là chúng tôi đã nói gì để an ủi gia đình. Chỉ nhớ bạn bè, đồng đội đã luôn ở bên nhau.
Cứ tưởng được gọi về đi học ba năm, nhưng loanh quanh thế nào phải mất sáu năm. Ba năm học, ba năm chờ đợi, ba lần rời chuyển địa điểm đóng quân, cuối cùng trụ lại ở phường Vân Hồ. Vân Hồ có ngôi chùa cổ nổi tiếng, thời trước được xem như vùng ngoại ô, gần hồ Bảy Mẫu, đất ngụ cư của dân tứ xứ. Thêm chúng tôi nữa, ba mươi tuổi vẫn là học trò, làm nghề võ mà lại theo đòi nghiệp văn, nên không biết từ đâu sinh ra cái tên Quân khu Vân Hồ là để gọi cái lớp học của chúng tôi hồi ấy.
Sáu năm ấy, chúng tôi học được những gì? Rất nhiều, rất bổ ích, rất thích thú. Nhưng được nhất là được một cách nghĩ. Với một nhà văn, thay đổi một cách nghĩ là được nhiều lắm rồi, anh còn muốn gì hơn?
Sáu năm bên nhau, cuộc sống có lúc vơi lúc đầy, nhưng ngoài việc viết văn là công việc rất cần cá tính, chúng tôi còn có tình đồng đội. Cuộc sống người Việt Nam mình hay thật. Tình họ hàng, tình làng xóm, tình đồng chí, tình đồng nghiệp, tình đồng môn. Làm gì cũng đặt chữ tình lên trước. Một khi không còn chữ tình ấy, hỏi cuộc sống còn có ý nghĩa gì?
Sau sáu năm vừa là trại sáng tác vừa theo học Đại học Văn hóa, khoa Viết văn Nguyễn Du khóa I, vào một ngày cuối năm 1981, Quân khu Vân Hồ chúng tôi nhất loạt đổ bộ lên phố Lý Nam Đế, bổ sung vào các cơ quan Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hãng phim Quân đội, Nhà xuất bản Quân đội, Phát thanh và Truyền hình Quân đội. Ngoài tình cũ nghĩa xưa, xuất hiện mối quan hệ mới mà ngôn ngữ ngày nay quen gọi là những đối tác. Anh Dương Duy Ngữ được cử về làm biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tôi và nhiều anh em làm việc ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Mỗi lần gặp nhau, anh Ngữ không quên bảo tôi, này, còn cái trường ca Biển tác phẩm ra trường, anh phải cố làm cho xong và gửi cho tôi đấy nhé. Đúng là có cái trường ca ấy thật, nhưng tôi mới viết xong một nửa. Tưởng cũng chỉ là câu nhắc cho vui thế thôi, không ngờ anh đeo bám tôi ghê quá. Suốt từ năm 1981 đến năm 1995, lúc mà tình hình Biển Đông chưa thành một vấn đề nóng như bây giờ. Khi ở số 4 Lý Nam Đế, hầu như tuần nào anh cũng sang với tôi.
Từ năm 1990 tôi chuyển sang báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, anh Ngữ không sang Tòa soạn mà sang nhà. Nhà anh ở phường Thanh Xuân Bắc, tôi ở Thanh Xuân Nam, cách nhau mặt đường Nguyễn Trãi. Có hôm anh sang chơi, thấy tôi trải chiếu nằm khểnh ngoài hè, vừa vào tới sân anh đã quát: – Ô cái ông này. Người ta đang chạy khướt để hoàn thành kế hoạch xuất bản mà ông đủng đỉnh ngắm trăng thế này có chết không cơ chứ. Tôi chồm dậy, – Ôi bác Ngữ, ngồi xuống, ngồi xuống, uống cốc nước đã nào. – Không uống, ông phải hứa viết cho xong đi đã. – Khổ quá, sống với nhau bao nhiêu năm, bác chưa hiểu tính tôi à? Tôi đang viết đây. Tôi vẫn quen làm thơ thầm trong đầu, nhào đi nhào lại mãi rồi mới viết ra giấy bác còn lạ gì. – Đâu, ông đọc cho tôi đoạn ông vừa viết xem nào. Tôi đọc một mạch hơn 20 câu. Anh Ngữ lúc này không cần tôi mời cũng sẽ sàng ngồi xuống. Được, được, đảo có lính cát non thành Tổ quốc, được, cứ thế nhé, mà phải nhanh lên đấy, tôi về đây.
Để trả món nợ với anh Ngữ, mỗi ngày cứ hết giờ hành chính, đạp xe ra khỏi tòa soạn là tôi “làm”. Có hôm say quá, tôi lạc vào làng Thượng Đình ngơ ngác không biết mình đang ở đâu. May gặp một người đứng tuổi, hỏi ra đường Nguyễn Trãi rồi đạp xe về nhà. Một lần khác, tôi đạp xe, cố ý nép sát vào bên phải, vừa đạp thong thả vừa “làm”, bỗng nghe đánh rầm, rồi cả người cả xe ngã vật xuống. Lúc tỉnh lại, tôi thấy một bánh xe xích lô đang đi lên người mình. Bác xích lô vội kéo tôi đứng dậy, em xin lỗi, em xin lỗi, bác đòi bao nhiêu tiền em cũng xin trả. Một người mặt đỏ gay, giọng đầy hơi bia, trên ghế có hai đứa con nhỏ, một cảnh tượng không còn gì để nói. Khi tôi về đến nhà, vợ tôi kêu toáng lên, anh đi đứng thế nào mà mặt mày bê bết máu thế kia?
Khi Trường ca Biển ra đời, tôi sang cám ơn nhà xuất bản và anh Dương Duy Ngữ. Buổi tối, anh Ngữ sang nhà tôi, tặng một chậu địa lan.
– Đây là quà tôi đã dành từ lâu để tặng bác giúp tôi hoàn thành kế hoạch. Hoa Mặc lan hiếm lắm đấy. Lá nó bình thường, hoa của nó thì từ cuống đến cánh hoa toàn một màu đen, nó muốn giấu mình đi, nó là thứ hoa của các nhà nho, hoa của sự khiêm nhường.
Tết năm đó, chậu lan cho 5 bông. Đúng như lời anh Ngữ, sắc thì như cố dấu mình đi, còn hương thì thanh khiết rất đặc biệt. Ngồi thưởng hoa tôi nghĩ cái ông Ngữ này, bỗ bã thế mà thật thâm thúy. Ông ấy muốn dặn dò mình đây. Từ đó, mỗi lần sang chơi, anh Ngữ say sưa kể về cái thú chơi hoa, về các loại lan, cách chăm sóc, loại thì kiêng cữ đỏng đảnh kén từ miếng bùn khô phơi nắng mấy lần, loại thì rất kỵ những thứ nước uế tạp, loại dại nắng, loại phải đặt trong bóng râm. Nghề chơi cũng lắm công phu. Tôi bảo chuyện hay thế sao bây giờ mới kể. Chuyện hoa lá ấy mà, kể lúc nào chả được, là tôi để bác dồn tâm cho cái Trường ca Biển đấy, giờ xong rồi mới kể. Nhà tôi các cụ chơi lan mấy đời rồi. Ấy là tôi còn để rơi rớt đi nhiều thứ đấy. Nếu bác muốn biết thêm thì đây, tất cả vốn liếng tôi viết vào đây cả rồi. Nói đoạn, anh mở cặp lấy ra một tập truyện ngắn. Người trồng địa lan vừa mới xuất xưởng. Rồi liên tiếp, trong một thời gian ngắn, anh cho in tập truyện ngắn Mặc Phúc Xuyên, Rước chữ tiểu thuyết Người giữ đình làng, truyện Làng Gồ. Anh ba lần được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Hóa ra từ lâu, sau những tập sách viết về cuộc chiến đấu của lính phòng không trong chiến tranh phá hoại của Mỹ, anh đã kịp chuyển “địa bàn tác chiến” sang lĩnh vực truyền thống văn hóa, bề dày của hồn cốt dân tộc. Truyện ngắn Rước chữ một mỹ tục tuyệt vời ở quê anh, coi chữ như thần như thánh, được đặt lên ngai để rước trong đám hội làng. Không biết còn nơi nào trên thế giới có một sự tôn vinh chữ thiêng liêng đến như thế nữa không?
Một người làm việc với chữ cẩn trọng tinh tế đến như thế, nhưng sống ở ngoài đời thì cứ tự nhiên nhi nhiên, bộc trực, thẳng thắn, ruột để ngoài da, gặp cái gì chướng là “nổ” ngay nên cũng dễ mất lòng. Và có lúc cũng bị oan và thiệt nữa. Mỗi lần như thế, anh lại sang tôi, chủ động nói trước. Tôi biết, bác không phải bận tâm gì cả, rồi vỗ đùi cười thật sảng khoái.
Vào cuối năm ngoái, nghe tin anh ốm vào viện, tôi gọi điện hỏi bệnh gì, anh bảo đại tràng. Tôi đi tìm mua thuốc đại tràng đưa cho chị Chín vợ anh, anh uống 10 ngày thấy đỡ, rồi chuyển sang uống lá nhọ nồi. Tôi gọi điện nghe giọng nói khỏe dần lên, đã mừng. Giáp Tết, lại nghe tin anh mệt, tôi tìm về quê vừa thăm vừa chúc Tết anh. Hơn 40 năm chưa về làng Phượng Cách, hỏi thăm đến trưa mới tìm ra. Căn nhà khác quá, hóa ra mới biết anh Ngữ đã xẻ một nửa sân và vườn cho chú em. Anh Ngữ lại đang ở Hà Nội. Tôi bước vào nhà, cung kính đứng trước bàn thờ, nhìn lên bức hoành phi có bốn chữ Hán sơn son thếp vàng viết theo lối thảo rất đẹp: Đức Tín Thiện Nhẫn. Gian bên cạnh là tấm ảnh đen trắng khổ lớn, ghi lại hình ảnh Bác Hồ đến thăm và chia thuốc lá cho khẩu đội cao xạ 37 ly, trong đó pháo thủ Dương Duy Ngữ đội mũ sắt trẻ măng. Đó là năm 1967 ở mặt trận Phòng không phía Nam Hà Nội. Kỷ niệm thiêng liêng này đã được anh viết thành một bài báo rất cảm động, còn điếu thuốc Bác cho vẫn được anh gìn giữ như một bảo vật.
Sáng hôm sau, tôi tìm sang Thanh Xuân Bắc. Anh Ngữ vui lắm, nhưng không ngồi dậy được. Tiếng vẫn rõ. Môi tươi. Đôi mắt váng vất những sợi buồn. Tôi nắm tay anh hồi lâu. – Anh Ngữ ơi, năm nay chậu Mặc lan cho 3 bông cao vút, khỏe mạnh và hương thơm kỳ lạ anh ạ. – Mừng cho bác. Nhớ chăm chút cẩn thận nhé.
Ôi, tôi đâu ngờ đó là câu nói cuối cùng mà tôi được nghe từ một người bạn tri kỷ: Mặc lan Dương Duy Ngữ
.Nguồn vanvn,net