Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THỜI ĐẠI NÀO CÓ CHÈO CỦA THỜI ĐẠI ẤY

Nguyễn Hiếu
Chủ nhật ngày 29 tháng 5 năm 2022 11:11 AM



Dân tộc nào với tính cách và hoàn cảnh kinh tế xã hội ra sao sẽ đẻ ra loại hình nghệ thuật phù hợp với dân tộc ấy. Đế chế Hi lạp sản sinh ra bi kịch cổ đại Hi lạp, thời thịnh trị phong kiến Trung Quốc hình thành nên Kinh kịch còn dân tộc Việt với nền kinh tế lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi để sản sinh ra nghệ thuật chèo, cụ thể hơn, lễ hội mùa xuân tạo ra chèo sân đình.

Cho đến nay không chỉ ở quê hương sản sinh ra chèo là Việt Nam tự hào về thể loại kịch truyền thống đặc thù này mà trên thế giới nhiều nhà chuyên môn cũng nghiêng mình khâm phục phong cách đặc trưng kết cấu trong kịch bản, phương pháp tượng trưng đến phong cách diễn xuất của sân khấu chèo. Một trong những đại biểu lớn của sân khấu thế giới hiện đại ngả mũ thán phục nghệ thuật chèo là nhà viết kịch và lý luận lớn người Đức Béc tôn Brest. Béc tôn Bret là cha đẻ ra trường phái kịch lý trí và tỉnh táo mà cốt lõi trong trường phái của ông là người diễn viên phải tạo ra độ giãn cách để nhìn nhận và chủ động xử lý tính cách nhân vật, và nắm bắt được cốt chuyện của kịch bản. Từ mục tiêu nghệ thuật như vậy Béc tôn Brest rất phản đối lối diễn như thật, đắm mình, hoá thân vào nhân vật như đạo diễn và nhà lý luận sân khấu lừng danh người Nga Xtanilapxki chủ trương. Chính vì tôn trọng phương pháp giãn cách tính táo và lý trí nên Béc tôn Brest coi chèo cổ điền Việt nam là mẫu mực của phương pháp này.

Đặc trưng nhất của nghệ thuật chèo ngoài yếu tố giãn cách thì yếu tố tự sự trong kết cấu, các thủ pháp ứơc lệ và tượng trưng trong diễn xuất cũng mang lại những đặc thù riêng khác hẳn kịch của phương tây. Ở chèo cốt chuyện kịch không xa lạ với khán giả, thậm chí có khán giả còn thuộc, khác hẳn kết cấu kịch cần tạo ra mâu thuẫn, phát triển và giải quyết mâu thuẫn.. Người diễn viễn chèo thực hiện giãn cách để tạo ra khoảng cách giữa diễn viên và nhân vật ngay khi mở màn với câu nói kinh điển “tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ “. Trong khi diễn, chỉ cần cái xoè quạt, gập quạt đã biểu hiện thời gian hàng năm, thậm chí một đời người đã qua. Người diễn viên chèo chỉ cần đi mấy bước, nhẩy một lần là đã qua trăm núi nghìn sông. Còn chiếc chiếu chèo rải ra trên sân đình là tiêu biểu cả thế giới với đất, trời, núi, rừng, sông, biển.

Tất cả những thủ pháp đặc trưng và thành nguyên tắc của nghệ thuật chèo thực ra là sự mô phỏng và phản ảnh đời sống nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ với nền kinh tế lúa nước. Gần đây, nông thôn nước ta trừ những vùng xa xôi hẻo lánh đa phần đều được đô thị hoá hay rất gần với đô thị và chịu ảnh hưởng ít nhiều của lối sống đô thị. Kinh tế nước ta gần nửa thế kỉ nay đang chuyển hoá từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp và thị trường. Trong hoàn cảnh xã hội và kinh tế như vậy liệu nghệ thuật chèo có phù hợp và hấp dẫn được khán giả đang cầm trong tay chiếc điện thoại thông minh có khả năng biết và liên hệ với cả thế giới không ?

Theo cá nhân tôi. Mặc dù hoàn cảnh xã hội, nền tảng kinh tế thay đổi thì chèo vẫn có điều kiện tồn tại và hấp dẫn với khán giả nước ta hiện nay. Bởi lẽ các tầng lớp khán giả dù ở trình độ nào vẫn mang tâm hồn và tính cách dân tộc Việt Nam. Nhưng để phù hợp và hấp dẫn khán giả đương đại thì chèo cần những điều kiện gì, có nên thay đổi hay chuyển hoá ra sao không ?

Cách đây gần hai tháng Nhà hát chèo Việt Nam có tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề “phát huy nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại “. Hai luồng dư luận trái chiều đã tạo ra sự tranh luận khá căng thẳng. Đại diện cho luồng dư luận chèo cần thay đổi để phù hợp với xã hội hiện này là Đại tá NSND Quốc Trượng Giám đốc Nhà hát chèo Quân đội. Ông cho rằng ngành chèo cần biết chắt lọc tinh hoa chứ không nên quá cứng nhắc, cần thoát ra vỏ bọc an toàn để đi vào thể hiện đề tài đương đại. Cả một khối kim cương nghệ thuật chèo chúng ta nên xử dụng một lượng làm thành mũi khoan sắc bén, mở ra con đường “tấn công”vào đề tài tươi mới chứ đừng cứ mãi cố thủ. Ông còn hài hước dẫn chứng “anh bộ đội hoả tốc chuẩn bị ra trận còn nói ” tôi ra đây có phải xưng tên không nhỉ ?” là không hợp lý. Tiến sĩ Trần Đình Ngôn một trong những nhân vật gạo cội của sân khấu chèo đại diện cho luồng dư luận phải giữ nguyên chất của nghệ thuật chèo thì bức xúc “tôi đã kìm nén rất lâu không muốn nói , nhưng nếu không nói thì cái cảnh “gieo vừng ra ngô “sẽ tiếp tục tái diễn trên sân khấu chèo …Là người gắn bó cả đời với chèo tôi khẳng định nhiều vở diễn đang đi ngược lại nghệ thuật chèo truyền thống”

Hai luồng dư luận tranh luận về chèo không phải hiện tượng mới mà cách đây hơn 30 năm khi Nhà hát chèo Hà Nội công diễn vở “Nàng Si ta “ do NSND Doàn Hoàng Giang đạo diễn. Mặc dù vở diễn đã tạo ra sức hút lớn đối với khán giả trong cả nước dạo đó nhưng vẫn không ít người trong làng chèo đã phê phán Đạo diễn Doãn Hoàng Giang là phá chèo trong khi rất nhiều người bênh vực ông với những ghi nhận về các đổi mới trong khi đạo diễn một vở chèo .

Người viết bài này không nghiêng về luồng dư luận nào mà chỉ đưa ra một nguyên lý kinh điển. Hoàn cảnh xã hội nào sẽ sản sinh ra nghệ thuật đó. Vì vậy thời đại nào cũng cần có chèo của thời đại đó.

Cần đi đến một ghi nhận nghệ thuật chèo với những đặc trưng của nó là một trong hòn ngọc nghệ thuật đầy giá trị của cha ông mà chúng ta phải giữ gìn và phát huy cho hôm nay và mai sau.

Nhưng giữ gìn và phát huy như thế nào ?

Vừa qua tôi được xem vở bi kịch Ăng ti gôn của Xophoc –Hi Lạp viết cách đây hơn 2000 năm do sân khấu Lựctem trình diễn. Dưới bàn tay của đạo diễn Trần Lực vở kịch đã được diễn trong phong cách chèo và đã tạo được sức hút lớn đối với khán giả .

Nghệ thuật chèo được đạo diễn xử dụng ở vở diễn Ăng ti gôn là chiếu chèo sân đình. Bằng sự tiết giản- ước lệ cao nhất, mọi diễn biến của vở kịch được thể hiện trên tấm vải bạt khi vào trò được các diễn viên- vai diễn mở ra, khi kết thúc thì cuốn lại. Cũng trên chiếu diễn là một dàn nhạc có duy nhất một nhạc sĩ- nhạc công là NSUT Nguyễn Thanh Nam trong suốt vở diễn, các nhạc cụ thuần Việt như sáo, nhị, đàn bầu đã kết hợp với đàn oóc điện tử đã được diễn tấu phù hoạ thực sự ăn khớp với tâm trạng nhân vật và tình huống kịch. Ngoài xử dụng thành thạo các nhạc cụ, Nguyễn Thành Nam còn thực hiện cả chức năng tiếng đế đặc trưng trong chèo truyền thống. Kịch Hi Lạp cổ đại đa phần thuộc thể loại bi kịch mang chất bi tráng rất gần với tuồng. Chính vì thế ngoài dàn nhạc chèo một người, trên sân khấu còn có cả trống đại cất lên để thể hiện chất bi hùng. Bản diễn Ăng ti gôn của Lựcteam mặc dù được thể hiện bằng phong cách chèo là chính có thêm những nét tuồng nhưng đạo diễn Trần Lực tỏ ra rất tôn trọng hình thức của bi kịch Hi lạp khi ông vẫn giữ nguyên dàn đồng ca kinh điển.

Dàn đồng ca có thể nói là một trong những sáng tạo chủ đạo của kịch cổ đại Hi Lạp. Về mặt nào đấy, có những nét tương đồng với tiếng đế trong chèo. Nó giữ vai trò phát biểu chính kiến của tác giả, phụ hoạ tâm trạng nhân vật, đôi khi còn giữ vai trò dẫn dắt chuyện kịch. Ở ta dàn đồng ca được dùng đầu tiên là trong kịch bản “Kiều “ được cố NSND Anh Tú dựng cho nhà hát năm 2016, sau đó đến kịch bản “Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát múa rối Việt nam năm 2019 , và kịch bản “ Nguyễn Cầm ca “ của nhà hát cải lương Việt Nam ra mắt đầu năm 2022. Nhưng nếu ở ba vở trên dàn đồng ca có nhiều biến tấu tuỳ thuộc vào cảnh diễn như khi là du khách chơi xuân, dàn kĩ nữ trong lầu xanh, quân sĩ Hồ tôn Hiến, Từ Hải thậm chí cả đàn chim lợn…Còn ở Ăng ti gôn”, đạo diễn Trần Lực rất trung thành với dàn đồng ca của bi kịch cổ Hi lạp khi ông định hình dàn đồng ca là năm người lính của vua Creon trong suốt vở diễn.

Ở Ăng Ti gôn của Lựcteam đạo diễn đã xử dụng gián cách ở mức độ cao nhất. Sự gián cách này không chỉ ở sự đơn giản hoá, ước lệ một cách hợp lý trang trí, đạo cụ, phông màn mà còn ở cách ra vào của các diễn viên. Trong buổi giao lưu sau đêm diễn diễn viên Ngọc Trâm thủ vai Ăng ti gôn khi trả lời khán giả đã cho biết. “Với phong cách của chèo sân đình, nên khi vào diễn, tôi diễn hết mình để nhập vai , khi hết trường đoạn tôi ra ngồi bên lề sàn diễn vừa để chiêm nghiệm bạn diễn, để theo dõi cốt chuyện và cũng để tính toán một cách tỉnh táo mình diễn đoạn tiếp theo như thế nào”. Còn đạo diễn Trần Lực thì nhấn mạnh. “Hai loại hình sân khấu truyền thống tiêu biểu của nước ta là chèo và tuồng có một phương pháp kể tích chuyện rất hay mà cá nhân tôi rất khâm phục, chính vì vậy cả năm vở diễn của Lựcteam tôi dàn dựng đều có sự học tập và ảnh hưởng của chèo và tuồng, nhưng phải nói đến “Ăng ti gôn” thì dấu ấn này đậm đặc và trở thành phương pháp quán xuyến toàn bộ vở diễn”.

Đạo diễn Trần Lực chủ soái của Lựcteam được đào tạo nghề ở Bun ga ri nhưng ông đã tìm ra cách đi riêng cho sân khấu của mình là sáng tạo và cách tân dựa trên vốn nghệ thuật quý giá của dân tộc. Phải chăng cách đi độc đáo này của Trần Lực là kết quả của sự hấp thụ và kế tiếp từ cha ông, Giáo sư –NSND Trần Bảng, một trong những nhân vật gạo cội của sân khấu chèo cổ điển thế hệ vàng còn sót lại.

Từ cách kế thừa nghệ thuật chèo của Trần Lực, chúng ta nhận ra chèo là một kho tàng nghệ thuật lớn, phong phú của cha ông. Việc khai thác và tiếp thu kho tàng này còn tuỳ thuộc vào tài năng của những người làm sân khấu hiện nay để làm sao cho thể loại nghệ thuật này tồn tại và phát huy được.

Quỳnh Mai 3/5/2022

NGUYỄN HIẾU