Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ MÔN HỌC LỊCH SỬ

Đắc Trung
Thứ năm ngày 19 tháng 5 năm 2022 11:08 AM


Là nhà quân sự, xuất thân giáo sư sử học, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm môn lịch sử. Phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Hội Khoa học lịch sử Việt Nam kỳ 3, khóa 3, năm 1996. Với tư cách là Chủ tịch danh dự, ông trăn trở: "Tôi rất băn khoăn và hơn thế là sự lo lắng. Đó là vì sao kiến thức lịch sử lại không phổ biến sâu rộng được trong quảng đại quần chúng như giới trẻ".
Việc Đại tướng băn khoăn rất đáng để mọi người suy ngẫm.

Bởi lịch sử gắn liền với "Đạo Làm người" và sự tồn vong của Đất nước.

Một dân tộc nếu đánh mất lịch sử hoặc hiểu sai lịch sử thì sẽ chẳng khác kẻ mất trí chìm sâu trong mê muội.

Tiền nhân dạy: "Dĩ sử vi giám". Hiểu lịch sử sẽ tránh được vết xe đổ. Không hiểu lịch sử, giống kẻ không biết đường lao đầu trong rừng rậm.

Muốn xác định một người hãy xem "Thẻ căn cước". Ở đấy ghi những điều cần thiết.

Nhưng muốn biết một dân tộc phải hiểu lịch sử và nền văn hóa của họ. Dù là một bộ tộc lạc hậu cũng có lịch cử và nền văn hóa. Không thế lực nào được quyền chà đạp và đồng hóa.

Với truyền thống của chính dân tộc mình, lại càng phải thấu hiểu và kiên quyết bảo vệ.

Từ năm 1942, trên số đầu tiên "Báo Độc Lập". Bác Hồ đã viết: "Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".

Có nghiên cứu lịch sử mới biết cội nguồn của chính mình, gia đình, dòng tộc, quê hương, Tổ quốc và nòi giống dân tộc mình. Mới biết giữ gìn, bảo vệ, phát huy truyền thống tốt đẹp. Mới có khả năng quyết tâm và dũng cảm để không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ thế lực nào, kẻ thù nào.

Nhất là trong xu thế "hòa nhập". Nếu không có sức mạnh truyền thống lịch sử dân tộc để tự vệ, sẽ rất dễ bị "hòa tan".

Quốc gia suy vong vì thế.

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết: "Con người nếu không biết lịch sử thì chẳng khác con trâu. Sẵn sàng kéo cày ở bất cứ ruộng nào và do ai điều khiển. Miễn là được cho ăn".

Lịch sử quan trọng là thế.

Vậy mà hiện nay một số bạn đề xuất bỏ môn Lịch sử, hoặc coi Lịch sử là môn học tự chọn, kết hợp với môn khác chứ không phải môn học chính trong nhà trường.

Lẽ nào các bạn muốn chống lại tư tưởng của Bác Hồ? Đi ngược nguyện vọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Lẽ nào các bạn muốn xóa bỏ truyền thống lịch sử của Dân tộc mà trải qua hàng nghìn năm cha ông chúng ta phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu mới có?

Lẽ nào các bạn muốn người Việt Nam chúng ta "giống kẻ không biết đường lao đầu trong rừng rậm" để rồi "đi vào vết xe đổ"?

Lẽ nào các bạn muốn biến Người Việt Nam "chẳng khác con trâu. Sẵn sàng kéo cày ở bất cứ ruộng nào và do ai điều khiển. Miễn là được cho ăn"?

Lẽ nào các bạn muốn Tổ quốc Việt Nam suy vong?


Tôi trân trọng đề nghị những Trí thức chân chính, những Công dân Việt Nam chân chính hãy lên tiếng trao đổi về việc này. Trên tinh thần thân ái, văn hóa, xây dựng và trách nhiệm. Tránh nặng nề gay gắt. Tiền nhân đã dạy: "Nói phải củ cải cũng nghe".

Môn lịch sử đã được định hình trải qua nhiều thế hệ và đã được thử thách. Như chữ Quốc ngữ. Việc cải cách hoặc thay đổi không đơn giản. Bởi thế cần rất thận trọng.

Tôi trân trọng đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ hãy lắng nghe ý nguyện của Nhân dân.

Rồi sáng suốt quyết định việc đại sự này.