Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THẦY TRÒ CHÚNG TÔI THỜI ẤY...

Đắc Trung
Thứ sáu ngày 19 tháng 11 năm 2021 10:08 AM



Nhân "Ngày Nhà giáo Việt Nam" 20/11

1

Ý Yên vốn rất nghèo. "Bốn tổng dân đen người cũ kỹ. Ba mùa đồng trắng nước trong veo...". Đời sống chỉ trông vào hạt thóc củ khoai. Tháng ba ngày tám giáp hạt, mất mùa tất cả liêu xiêu vì đói.

Nghèo. Nhưng Ý Yên là Đất học.

Từ triều Hậu Lý nền giáo dục quốc gia được xác lập, hệ thống trường học hình thành từ Kinh đô Thăng Long đến các phủ huyện. Ngoài trường do nhà nước phong kiến quản lý, đáp ứng nhu cầu hiếu học của người dân nhiều vị đỗ Đại khoa nhưng không ra làm quan, hoặc từ quan về quê lập ra.

Ở Ý Yên nổi tiếng là trường của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị.

Hoàng giáp Phạm Văn Nghị người làng Tam Đăng (nay thuộc xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, Nam Định). Triều nhà Nguyễn, đời vua Tự Đức ông được bổ nhiệm làm tri phủ Lý Nhân. Gặp năm mưa bão đê quai bị vỡ, nhà cửa, ruộng đồng, cây cối ngập trong nước. Thấy mình có tội khi nhìn lương dân đói khổ, Phạm Văn Nghị dâng tấu tự nhận trách nhiệm và xin từ chức. Nhà vua xét do mưa quá to, bão quá lớn đê không thể chịu nổi mà vỡ chứ không phải lỗi tại quan tri phủ thiếu chăm sóc, đôn đốc nên cho miễn tội và rút ông về làm quan Biên tu trong Quốc Sử quán. Lòng vẫn băn khoăn day dứt về trách nhiệm của mình cùng mặc cảm tội lỗi với dân, ông tạ ơn vua và vẫn quyết cáo quan về quê mở trường dạy học góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước. Môn sinh tìm đến rất đông có lúc tới hàng nghìn. Năm 1858 giặc Pháp tấn công đánh chiếm Đà Nẵng ngông cuồng xâm lược nước ta, Hoàng giáp Phạm Văn Nghị dâng "Trà Sơn kháng sớ" thỉnh cầu vua quyết tâm chống giặc cứu nước, đồng thời chiêu mộ đội quân nghĩa dũng gần 400 người (chủ yếu các môn sinh của ông) do đích thân ông dẫn đầu vào Kinh đô Huế tham gia đánh Pháp. Nhưng vua Tự Đức chủ hòa, sợ giặc, không chấp nhận. Phạm Văn Nghị dẫn quân trở ra Bắc lập phòng tuyến tại vùng Núi Già (thuộc xã Yên Bình, huyện Ý Yên, Nam Định ngày nay) tổ chức kháng chiến.

Hoàng giáp Phạm Văn Nghị là tấm gương cao trọng về nhân cách, đạo đức. Là trí sĩ ái quốc. Người dám nhận trách nhiệm kiên quyết từ chức khi thấy mình có lỗi với dân. Người mở đường cho phong trào Nam Tiến trong sự nghiệp giữ nước của dân tộc.

Học trò của ông nhiều người vang danh thiên hạ như Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Hoàng giáp Trần Bích San. Hoặc các trí sĩ lớn: Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Nguyễn Cao... sau này đều là những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Ba Đình chống thực dân Pháp.

Trường của Hoàng giáp Phạm Văn Nghị góp phần mở mang dân trí cho vùng Đất học Ý Yên, đào tạo không ít nhân tài.

Dưới triều Nguyễn, Ý Yên là huyện có số lượng đông nhất những người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ cập đệ. Có "Làng khoa bảng" như Tam Đăng (Yên Thắng), La Ngạn (Yên Đồng), Thượng Đồng (Yên Tiến)... Riêng gia đình Hoàng giáp Phạm Văn Nghị một người con đậu Phó bảng và ba đậu Cử nhân. Gia đình Cử nhân Đỗ Huy Cảnh con cả đậu Phó bảng, cháu nội đậu Hoàng giáp... Không ít gia đình cha con, anh em, ông cháu cùng đỗ Tú tài, Cử nhân.

Năm cụ Phạm Văn Nghị qua đời, lễ tang rất bình dị nhưng tôn nghiêm. Nhiều chức sắc trong vùng đến viếng, áo quần xênh sang, mang theo lễ vật và những trướng đối làm sẵn. Bỗng có một ông già người làng Thượng Đồng dáng vẻ nghèo khó nhưng cốt cách tĩnh tại đường hoàng, không có lễ vật gì, chỉ xin một nén hương vào viếng. Nhiều người tỏ vẻ coi thường. Cúi đầu vái xong ba vái, ông già ứng khẩu đọc đôi câu đối:

"Tích yên nghĩa lỗ nhân, can Độc Bộ ba đào câu nộ sắc.

Kim dã nghiêm sương hàn lộ, Hoa Lư thảo thụ đới sầu nhan".

Dịch là:

"Xưa nghèo nghĩa buồm nhân, cửa Độc Bộ cồn lên sóng giận.

Nay sương giá băng đông, chốn Hoa Lư ảm đạm cây sầu".

Câu đối hay quá, chỉnh quá, ý tứ cao đạo mà sâu sắc, có cả tâm sự và thế sự, tình người và tình đời khiến quan khách đều im lặng tỏ vẻ kính phục trân trọng mời ông già ngồi. Nhưng ông chỉ cúi đầu đáp lễ rồi lặng lẽ ra đi.

Đó là đặc trưng cốt cách người Ý Yên.

Rất hiếu học, giàu tài trí, nhưng khiêm nhường. Mục đích học không phải để ra làm quan mưu vinh thân phì gia vênh vang với thiên hạ. Mà học cốt để hiểu đạo, hiểu đời mà sống cho có nhân có nghĩa làm "Người tử tế". Học, đi thi, đỗ, hoặc không đỗ lại quay về vừa làm vừa học. Rồi lại đi thi và vẫn vừa làm vừa học. Đặt việc học là nghiệp, là đạo, say mê và tôn thờ. Coi sự học là vô cùng, đời đời nối nhau kế tiếp không bao giờ nản, không bao giờ ngưng nghỉ.

Tấm gương ông già người Thượng Đồng chính là sản phẩm của Ý Yên - Đất học. Người người hiếu học, nhà nhà hiếu học, làng làng hiếu học, cả huyện hiếu học... Bởi thế:

Ra ngõ gặp nhân tài.

2

Chúng tôi là học sinh khóa đầu tiên, Trường phổ thông Cấp 3 đầu tiên của huyện Ý Yên. Vì vậy, với chúng tôi hầu như cái gì cũng... "đầu tiên".

Đầu tiên Nhà nước cấp cho khu đất thuộc thị trấn Lâm cùng với số kinh phí hạn hẹp. Được chính quyền tạo điều kiện, thầy trò cùng nhau tự làm lấy lớp, lấy trường mà học. Tất cả đều trọ nhờ nhà dân. Đồng bào tốt vô cùng, vốn là dân Đất học nên coi việc xây dựng trường như việc của mình, hết lòng giúp đỡ.

Lấy đơn vị lớp mà phân việc. Bộ phận đào đất đắp nền, san sân. Bộ phận cuốc bộ ra Cầu Tào vận chuyển vật liệu về. Phương tiện không có, chủ yếu khiêng, vác trên vai ròng rã hàng chục cây số. Gỗ bạch đàn, phi lao làm cột, làm xà. Tre, luồng làm đòn tay, rui mè. Tường đắp đất cao chừng mét rưỡi, phía trên đan nứa, ngoài trát bùn trộn với rơm làm vách. Mái lợp lá cọ. Đơn giản thế thôi. Cốt sao mưa không giột, bão gió không đổ. Bảng, bàn ghế toàn bằng gỗ tạp đóng rất sơ sài. Kê hai rãy song song, lối đi ở giữa, sĩ số mỗi lớp hơn năm chục. Ba lớp 8 và một lớp 9 (từ trường Lê Hồng Phong, Nam Định chuyển về).

Học sinh chủ yếu quê hai huyện Ý Yên và Vụ Bản. Tuổi đời chênh lệch. Có cậu còn trẻ măng, có anh đã rủng rỉnh vợ con. Đủ thành phần gia đình. Đa số trung nông và không ít con phú nông, địa chủ. Thầy, cô giáo cũng tứ xứ: Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định, người Bắc, người miền Nam tập kết được phân công về đây. Cũng xuất thân đủ tầng lớp: công chức, tư sản, phú nông, địa chủ...

Tuy nhiên ở môi trường này hầu như không có sự phân biệt hay mặc cảm về thành phần giai cấp. Mọi người sống với nhau chan hòa, cả thầy và trò rất thương yêu gắn bó, tận tình giúp nhau cả học tập cũng như cuộc sống. Ứng xử với nhau bằng Đạo đức và Văn hóa.

Theo học thời ấy vất vả khó khăn lắm. Trường cách nhà hàng chục cây số. Không đi về trong ngày được, phải ở nhờ nhà dân. Chiều chủ nhật đòn gánh trên vai, đầu đeo lương thực, một phần gạo hai phần bột khoai lang, vài chai nước cua mặn chát, lọ muối vừng. Đầu kia đeo bó củi rào, hoặc cuộn nùn rơm, chai dầu hỏa. Tính toán sao đủ dùng cho một tuần. Quần áo nâu bạc phếch, đầu đội mũ lá, chân đi dép lốp quai dây cao su đã mòn vẹt gần hết gót, túi sách may bằng vải thô khoác chéo người tất tưởi cuốc bộ đi... Thường chiều muộn mới đến nhà trọ. Tranh thủ quẩy thùng ra giếng gánh nước về đổ bể, quét dọn sân hè, tắm gội cho mấy đứa trẻ... Nghĩa là coi chủ nhà như người thân, coi nội trợ như bổn phận của mình... Nhờ thế dân thương cũng coi chúng tôi như ruột thịt, cần gì rất sẵn sàng giúp để chúng tôi toàn tâm toàn ý lo việc học hành.

Các thầy, cô giáo chẳng quản nắng mưa, đêm tối thường xuyên đến tận nơi chúng tôi trọ, thăm hỏi cảm ơn chủ nhà, chỉ bảo, động viên chúng tôi từ việc lớn đến việc nhỏ.

Được trưởng thành như ngày nay, cùng với việc biết ơn các thầy, cô giáo, biết ơn nhà trường, chúng tôi không thể quên tấm lòng nhân ái mà bà con cô bác xã Yên Xá đã dành cho.

Do điều kiện thiếu thốn nên cách học của chúng tôi cũng rất đơn giản. Một miếng gỗ mỏng hình chữ nhật kẹp vào nách, sách vở bút mực trong túi vải đeo bên mình, bất kể chỗ nào cũng có thể biến thành "góc học tập" được. Ban đêm có thêm chiếc đèn dầu và chiếc quạt để thắp sáng và đập muỗi. Đói quá thì rủ nhau ra cánh đồng làng Tống Xá hái trộm rau khoai lang luộc chấm nước cua ăn vã. Cốt đánh lừa dạ dày. Khó nhất là thiếu sách giáo khoa. Cả lớp chỉ có mấy bộ, lớp trưởng phải lên lịch, tính theo giờ để các tổ chuyền nhau sử dụng.

Hoàn cảnh là thế, nhưng hầu như tất cả chúng tôi đều rất chịu khó chăm chỉ học hành và tu dưỡng đạo đức. Không chỉ vì tương lai của bản thân mà còn mong đền đáp công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ, công dạy dỗ của các thầy cô giáo, cùng tấm lòng của bà con cô bác đã thương yêu giúp đỡ, giao trách nhiệm và kỳ vọng ở chúng tôi.

Phác họa đôi nét để các bạn trẻ dễ hình dung từ 60 năm trước các thầy, cô giáo và những "sĩ tử" Trường Cấp 3 Ý Yên thời chúng tôi đã sống và học tập thế nào.

Chúng tôi luôn ý thức rằng là Người Ý Yên, là dân Đất học, là con cháu thầy giáo Phạm Văn Nghị thì bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, nghèo đói đến đâu cũng luôn nuôi chí lớn, hiếu học, học giỏi để thấu đạo hiểu đời làm "Người tử tế" sống có ích cho bản thân, cho gia đình, cho quê hương, cho xã hội và Quốc gia Dân tộc.

3

Khóa tôi có bạn Thiều Văn Quang.

Quang người Thanh Hóa, da trắng, mũi thẳng, rất thư sinh, trầm tính, ít nói, lúc nào cũng đăm chiêu đượm nỗi buồn sâu kín. Quang là con địa chủ, ở quê bị chèn ép trù úm quá cậu ta trốn ra Ý Yên xin học, chỉ thỉnh thoảng gia đình mới bí mật gửi tiếp tế cho nên cuộc sống rất khó khăn. Quang giỏi âm nhạc, chơi đàn Violon thật điêu luyện. Quang giữ cây đàn của mình như báu vật. Vậy mà năm sau do thiếu thốn khó khăn quá Quang phải rớt nước mắt bán cây đàn của mình. Thầy giáo Bảo, quê Nghệ An, dạy Nga văn, mua cây đàn ấy. Thầy mua bằng tấm lòng nhân ái, chỉ là cái cớ để giúp Quang có tiền ăn học nên vẫn để đàn cho Quang thường xuyên luyện tập.

Cùng lớp có Phạm Ngọc Thạch.

Thạch quê làng Mụa, xã Yên Dương, cách trường chỉ hơn ba cây số nên hàng ngày vẫn đi về không phải trọ. Đó là quê và nhà của bố mẹ nuôi chứ ông bà thân sinh ra Thạch làm công nhân Nhà máy Dệt Nam Định. Cải cách ruộng đất bố mẹ nuôi bị quy thành phần địa chủ. Khốn khó đói khổ vô cùng. Bố mẹ đẻ khuyên con ra thành phố ở với mình, nhưng Thạch không chịu, vẫn sống ở làng Mụa, ngày ngày ngoài giờ học đi mót lúa, đào khoai, bắt cua, câu cá chăm sóc bố mẹ nuôi tuổi đã già sức đã yếu. Lòng hiếu nghĩa của Thạch khiến anh em chúng tôi rất nể trọng. Thương cảm trước cảnh ngộ của Thiều Văn Quang, Thạch rủ Quang về ở nhà mình. Ngại phiền bạn, Quang đắn đo, nhưng thấy bạn quá chân tình, Quang đồng ý. Đôi bạn ấy gắn nhau như hình với bóng. Chúng tôi mừng cho cả hai và coi đó là tấm gương về tình bằng hữu để học tập.

Học dở lớp 9 Phạm Ngọc Thạch tình nguyện đi bộ đội. Quang tận tình chăm sóc cha mẹ nuôi thay Thạch. Đời sống khó khăn lắm, nhưng chúng tôi biết Quang rất kiên nhẫn vượt qua phần lo cho mình, phần tận tâm chăm sóc hai cụ già hoàn thành ủy thác tin cậy của bạn.

Cuối năm lớp 10 chúng tôi chia thành từng nhóm, buổi tối ra trường cụm nhau quanh mấy ngọn đèn dầu cùng học chuẩn bị cho thi tốt nghiệp và thi đại học. Phải thức khuya, học nhiều, mỗi chúng tôi đều mang theo một nắm cơm độn khoai chỉ bằng quả cam để bồi dưỡng khi đói. Ba buổi liền không thấy Thiều Văn Quang. Hôm ấy, một bạn nói lúc tối Quang có đến. Vậy cậu ấy đi đâu?

Đã khuya, chúng tôi chia nhau đi tìm. Ngoài cánh đồng làng Tống Xá thấy le lói ánh đèn. Không phải mùa thu hoạch, các lều coi dưa đều bỏ hoang, vậy có ai ra đấy? Chúng tôi tìm đến. Tới gần qua ánh sáng yếu ớt thấy một người ngồi bó gối và nhận ra Thiều Văn Quang. Quang bất ngờ khi thấy chúng tôi. Thì ra do không có nắm cơm ăn khuya, ngại phiền các bạn, Quang trốn ra cái lều coi dưa bỏ hoang này ngồi học. Quang gày quá, mắt thâm quầng, da tái xám vì đói. Nhìn cậu ấy mà chúng tôi không cầm nổi nước mắt. Tôi đặt vào tay Quang nắm cơm, ép mãi Quang mới nhẩn nha cắn từng miếng nhỏ, hai hàng lệ cháy dài xuống má. Chúng tôi ôm lấy Quang òa khóc. Thương bạn vô cùng.

Thời ấy nghĩa tình của chúng tôi là thế, chia ngọt sẻ bùi, đắng cay chua xót cùng gánh chịu, sả thân vì nhau vượt khó khăn. Tiền nhân dạy: "Khi sa cơ mới hiểu tình bầu bạn. Lúc hoạn nạn mới thấu nghĩa tâm giao" quả là sâu sắc.

Suy cho cùng thì ý nghĩa cuộc đời là TÌNH NGƯỜI. Đó là nền móng cho mọi quan hệ. Mất là mất tất cả.

Chúng tôi luôn tâm niệm điều đó, sống, làm việc theo điều đó và vì điều đó. Nhận thức về triết lý nhân sinh này được hình thành từ thực tế của những năm học Trường Cấp 3 Ý Yên.

4

Ngày mới thành lập, Ban giám hiệu chỉ mình thầy Nguyễn Công Sơn làm Hiệu trưởng (sau này thầy làm Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh) và vẫn thường xuyên đứng lớp dạy Vật lý. Tính tình thầy vui vẻ, sởi lởi, chân thành, phong cách rất giản dị, áo sơ mi trắng luôn bỏ trong quần ka-ki màu sáng, hầu như chẳng bao giờ là nhưng gọn ghẽ, chân đi đôi dép lốp đã mòn vẹt gần hết gót, đặc biệt thầy thường cắp chiếc cặp da căng phồng chứa đầy giáo án, tài liệu kể cả dụng cụ thí nghiệm. Lúc nào cũng thấy thầy tất bật, vội vã, tận tâm tận tụy với công viêc. Thầy ở cùng gia đình gồm mẹ già ngoài 70 tuổi, cô giáo Hồng, vợ thầy dạy Cấp 2 rất hiền hậu và ba con nhỏ. Đông đúc thế nhưng cũng chỉ sống trong hai gian nhà tre mái lợp lá gồi, vách thưng bằng liếp nứa, sát bếp ăn tập thể và cùng dãy với phòng các giáo viên khác.

Tôi nhớ ngày ấy khóa chúng tôi có thầy Sơn dạy Vật lý; thầy Sinh, thầy Cối, thầy Tiến, thầy Tuệ dạy Toán; thầy Hiếu, cô Vi dạy Sinh vật; cô Tuyết dạy Địa lý; thầy Hùng dạy Lịch sử; thầy Cảnh, thầy Sắc dạy Ngữ văn; thầy Bảo dạy tiếng Nga, thầy Thoại, cô Quê dạy Hóa...

Các thầy, các cô dù đã thâm niên hay mới tốt nghiệp Đại học ra trường được phân công về đây, người nào cũng đạo mạo, sáng sủa về ngoại hình; trung thực chân tình về phẩm chất; lịch lãm chừng mực về phong cách; vững vàng về kiến thức; nhiệt huyết khi giảng dạy; gần gũi hòa đồng trong giao tiếp...

Tuy nhiên với tôi ấn tượng sâu sắc nhất là thầy Văn Tân Sắc.

Thầy Sắc người gốc Huế, dáng cao, gày, mái tóc xoăn tự nhiên xõa xuống trán, rất nghệ sĩ, vui tính, luôn niềm nở tươi cười, cốt cách xuề xòa dễ gần đặc biệt đa cảm hay xúc động và giàu lòng nhân ái. Chúng tôi không bao giờ quên giờ Văn giọng thầy truyền cảm đầy âm hưởng nghe man mác mênh mang: "Em ơi Ba Lan mùa tuyết tan. Đường bạch dương sương trắng nắng tràn...", hoặc "Huế ơi, quê mẹ của ta ơi. Nhớ tự ngày xưa thuở chín mười. Gió núi hưu hưu chiều lặng lặng. Mưa nguồn chớp biển nắng xa khơi...". Bằng cách phân tích bình giảng rất độc đáo của mình thầy thổi vào tâm hồn chúng tôi luồng gió mát, đốt lên ngọn lửa dữ dội trong mỗi trái tim chúng tôi tình yêu quê hương, đất nước, con người, yêu văn hóa nghệ thuật, yêu cuộc sống... Với tôi, say văn chương, hiến dâng trọn cuộc đời cho văn chương để trở thành nhà văn, nhà báo như ngày nay một phần không nhỏ nhờ ảnh hưởng nhiệt huyết từ thầy. Tôi học giỏi môn Văn (cả ba năm cấp 3 đều tổng kết điểm 5) nên được thầy Sắc rất quý.

Nhưng thầy Văn Tân Sắc với tôi còn mối quan hệ thân tình đặc biệt khác.

Tôi là con gia đình địa chủ. Mặc dù trước đó năm năm đã được xuống thành phần trung nông. Nhưng thành kiến giai cấp và mặc cảm xã hội còn nặng nề lắm. Không thể quên được những tháng ngày đói, khổ và nhục. Nhân cách bị xúc phạm thô bạo và tổn thương sâu sắc, tôi luôn phải gồng sức nhẫn nhịn chịu đựng nuôi quyết tâm phải khẳng định mình bằng thực tiễn cuộc sống và lấy khẩu hiệu: "Học hay là chết?" làm phương châm phấn đấu. Dầu vậy cũng không khỏi có lúc chán nản, bi quan. Tôi đã từng trút lòng mình vào những vần thơ chua chát:

"Bây giờ biết lái vào đâu.

Giữa biển mênh mông sóng bạc đầu.

Buông hết thôi về đâu cũng mặc..."

Trong hoàn cảnh ấy, giữa tâm trạng ấy, sau khi nghe tôi tâm sự thầy Văn Tân Sắc ôm chặt tôi vào lòng nước mắt tràn mi và nhận tôi làm em nuôi, nhận song thân tôi là cha mẹ nuôi. Từ đấy thứ bảy nào anh em chúng tôi cũng về thăm nhà. Ăn cơm độn khoai với muối vừng, rau luộc, cà muối nhưng tình cảm vô cùng đầm ấm hạnh phúc. Tôi nhớ những câu thơ anh làm tặng mẹ:

"Mỗi tuần

Cứ chiều thứ bảy

Con lại về thăm mẹ

Nắng ngả đầu non

Mẹ ngồi tựa cửa ngóng con...".

Đạo đức, tấm lòng nhân từ của người thầy giáo mà như anh trai ruột thịt của mình đã thực sự cảm hóa tôi. Càng giúp tôi củng cố thêm nhận thức cốt lõi ý nghĩa cuộc đời là TÌNH NGƯỜI. Để mất là mất tất cả. Triết lý nhân sinh ấy theo suốt cuộc đời tôi, nhất là những năm chiến tranh chống Mỹ lăn lộn trên nhiều chiến trường, cận kề sống chết, đã ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới quan sáng tác của tôi thấm đậm trong từng tác phẩm, đặc biệt gần đây nhất là cuốn: "TỪ MỘT CUỘC ĐỜI SUY NGẪM VỀ ĐẠO LÀM NGƯỜI" (660 trang, NXB Hà Nội ấn hành).

Nhận thức ấy cũng được khơi nguồn từ những năm theo học Trường Cấp 3 Ý Yên, từ những người thầy như thầy Nguyễn Công Sơn, thầy Văn Tân Sắc...

Cuối năm 1964 thầy Văn Tân Sắc "Đi B".

Sau này khi làm báo, viết văn mỗi chuyến vào thực tế chiến trường miền Nam tôi đều muốn tìm gặp thầy Văn Tấn Sắc. Có lần biết anh làm Bí thư huyện ủy Phước Long, địa bàn vô cùng ác liệt, anh lại mới bị thương, nhưng khó khăn quá tôi không thể thực hiện được ước nguyện của mình. Đành chịu. Mãi sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng anh em mới gặp được nhau. Từ đấy thầy trò, anh em chúng tôi không ngừng liên lạc với nhau. Dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Cấp 3 Ý Yên, cùng với nhiều thầy cô khác, anh từ Bình Phước bay ra dự. Kết thúc, tôi giữ anh ở Hà Nội với gia đình tôi hai tuần lễ, đưa anh đi kiểm tra sức khỏe, cùng anh du ngoạn vài nơi, đặc biệt anh em ngồi với nhau cả buổi cả ngày thỏa lòng tri âm tri kỷ. Đó cũng là dịp các bạn đồng môn với tôi như Vũ Văn Hóa, Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Văn Hiện... có điều kiện tới thăm. Thầy trò xum họp đầm ấm vui vẻ.

Chúng tôi càng thấu hiểu thế nào là "Đạo sư phụ". Đó là đạo dạy cách cư xử giữa thầy đối với trò và trò đối với thầy.

Khi mối quan hệ thầy trò đã đã đạt đến "Đạo" thì mãi mãi không bao giờ thay đổi. Dù gần nhau hay xa nhau. Khi còn sống cũng như khi đã qua đời.

5

Cảm ơn số phận đã cho chúng tôi được sinh ra trong vùng quê Ý Yên nghèo về kinh tế, nhưng rất giàu truyền thống hiếu học.

Cảm ơn những bậc tiền bối luôn là tấm gương sáng như thầy giáo Phạm Văn Nghị mà chúng tôi thường tự hào so sánh với Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm... những "Vạn thế sư biểu" nghĩa là người thầy chuẩn mực của muôn đời.

Trong các cấp học: Cấp 1, Cấp 2, Cấp 3 và Đại học, thì Cấp 3 có vai trò quyết định thành bại đại nghiệp một đời người, thậm chí hàng thế hệ ảnh hưởng sự tồn vong của quốc gia dân tộc.

Bởi học sinh cấp 3 đang độ tuổi giao thời giữa vị thành niên và trưởng thành. Vì vậy những gì tiếp thu được trong ba năm học ở đây vô cùng quan trọng trong việc chuyển dần nhận thức từ tự phát sang tự giác, từ cảm tính sang lý tính, từ tư duy bản năng sang tư duy khoa học. Điều đó ảnh hưởng và chi phối sâu sắc đến định hướng cuộc đời, hình thành nhân cách, đạo đức, mục đích lý tưởng và lựa chọn lối sống.

Ba năm học Trường Cấp 3 Ý Yên được hòa mình trong môi trường rất trong sạch và tốt đẹp. Quan hệ giữa thầy với thầy, thầy với trò; giữa trò với thầy, trò với trò; giữa thầy trò với bà con cô bác trong vùng quanh nhà trường và với cộng đồng xã hội... là quan hệ "THẬT". Đó là điều cơ bản. Nhờ điều cơ bản ấy mà thầy dạy thật và trò học thật. Dạy thật và học thật nên kiến thức thật và tất nhiên là bằng cấp thật. Điều cơ bản ấy đã góp phần giúp cả thầy và trò định hình nên nhân cách thật. Nhân cách thật tạo nên con người thật, TÌNH NGƯỜI thật. Con người thật và TÌNH NGƯỜI thật đã làm nên sức mạnh giúp thế hệ học sinh Khóa I chúng tôi vượt qua và chiến thắng mọi thử thách khốc liệt của bom đạn chiến tranh, vượt qua và chiến thắng mọi cám dỗ của quyền lực và tiền bạc phi nghĩa bởi mặt trái cơ chế thị trường.

Nhờ thế, hầu như học sinh Khóa I chúng tôi không ai "chết" về nhân cách.

Đó chính là thành tựu lớn nhất, quan trọng nhất, cơ bản nhất mà Trường Cấp 3 Ý Yên đã mang lại cho chúng tôi.

Đó cũng chính là dấu ấn, là ký ức, là ân nghĩa sâu nặng nhất mà mỗi học sinh Khóa I Trường Cấp 3 Ý Yên luôn trân trọng lưu giữ trong trái tim khối óc của mình suốt cuộc đời.

Chúng tôi mãi mãi biết ơn, mang ơn Trường phổ thông Cấp 3 Ý Yên.

Ảnh: tác giả năm 75 tuổi.