Phải nói ngay rằng, lâu lắm rồi, trên văn đàn của chúng ta mới xuất hiện tiểu thuyết hoạt kê độc đáo như thế này. Nhân vật nhà văn, nhà báo không phải là hiếm trong các truyện ngắn, tiểu thuyết của chúng ta. Nhưng viết riêng về các nhà văn, nhà báo cùng giới văn chương thì với sức đọc hạn chế, tôi mới chỉ thấy trường ca “ Văn đàn bi tráng” của Nguyễn Vũ Tiềm, và bây giờ là tiểu thuyết của Trần Nhương. Văn đàn bi tráng là trường ca, cách phản ánh thế giới nhà văn tuân theo nguyên tắc thể loại. Còn tiểu thuyết“ Kim Kổ Kì Kuặc Kí” là một tiểu thuyết hoạt kê, đem trộn chuyện nay (kim) với chuyện xưa ( cổ); đem các nhân vật có thật ngoài đời có hư cấu (Nhương Tác Nghiệp, Phục Bạch Đầu) hoạt động cùng Trưởng Thượng áo tía, Kim Thánh Phán, Mao Tôn Úc là những nhân vật do Bão Vũ bịa ra, rồi Trần Nhương viết tiếp. Suốt 21 chương truyện luôn thấy cổ - kim, thực - bịa, đan xen. Các phương tiện hiện đại như “điện thoại di động Nokia” dùng cho nhân vật đi ngựa, đi xe kéo (tuyệt đối không có một xe đạp, xe máy hay ô tô). Rồi cái quán “ Tửu điếm văn nhân” của Nhương Tác Nghiệp thì rõ là hình ảnh cái trang trannhuong.com tấp nập khách khứa vào ra. Chuyện thả thơ ở văn Miếu, lại lẫn với chuyện bình thơ Trưởng Thượng ở quán Trần Nhương được thưởng rượu; chuyện nhà chùa đặt la liệt các “hòm công đức” thời nay đặt bên cạnh các lý trưởng, trương tuần ngày xưa… Nhà văn Kim Thánh Phán bị treo bút vì phạm húy, hành nghề viết thuê. Mao Tôn Úc bình thơ của Trưởng Thượng chỉ có mấy chữ “ Chi hồ giả dã” với sơ đồ có tứ Chi ( bốn chữ Chi) nhưng thiếu “phụ chi” nên sa vào cửa tử. Tuy vậy “chỉ nguyên văn bài thơ của lão Trưởng Thượng cũng đã không tiền khoáng hậu, thiên hạ vô địch, vượt xa cả Lí Bạch, Đỗ Phủ thời Thịnh Đường rồi”. Ban đầu được khen, nhưng sau phát hiện ra tính “xỏ lá”, nên Mao Tôn Úc bị truy nã…Đúng là “Kim Kổ Kì Kuặc”. Nhưng những chuyện kì quặc ấy thấp thoáng bóng dáng của đời sống thực của thế giới văn chương và thế giới hiện đại… Câu chuyện kì quặc, hoang đường gắn liền với hai nhà phê bình, nhà văn Kim Thánh Phán và Mao Tôn Úc vốn dòng dõi hai phê bình gia khét tiếng Trung Hoa là Kim Thánh Thán và Mao Tôn Cương. Cả hai ông nhà văn hậu duệ này không biết giời xui đất khiến thế nào lại chọn xứ Nam làm nơi lập ngôn, lập nghiệp. Cũng chỉ vì “tài” phẩm bình mà cả hai đều phạm điều cấm kị. Cái chuyện phạm ấy là tất nhiên, vì xứ này không chỉ có 108 điều của Đại kị, Trung kị, Tiểu kị, mà có đến “ hơn 16 triệu điều kị” ( Vô cực kị). Kim Thánh Phán phạm vào điều kị đáng tội chém, nhưng sau được giảm án. Thánh Phán đành sống mai danh ẩn tích, nghèo khổ ở kinh thành. Cả hai nhân vật này đều liên quan đến Nhương Tác Nghiệp, một nhà văn của triều đình tính tình khoáng đạt, thích tụ tập văn nhân để đàm đạo, bình phẩm văn chương và cũng có đến hai “cơ sở” đi về. Tuy vậy, Kim Thánh Phán thì nhờ tài viết thuê có của ăn của để, hết sức giúp Nhương Tác Nghiệp, trở thành bạn tâm phúc. Còn Mao Tôn Úc, cũng mang ơn Nhương Tác Nghiệp, được chủ quán cho ngựa, cho tiền nhưng sau lại đột ngột vào miền Trung, ăn ở với người Thượng, định lập làng Trung Quốc theo gương công chúa Tàu xưa lấy vua Mã Lai, rồi trở thành “ phẩm bình văn chương do thám. Phê bình văn chương mật thám, chỉ điểm” ( trang 224).
Có lẽ Nhương Tác Nghiệp là hình ảnh vừa giống lại vừa khác ông chủ trannhuong.com. Những lời lẽ cứng cỏi khi đấu khẩu với Trưởng Thượng và tay chân của ông ta. Sự nhanh trí khi vẽ chân dung Mao Tôn Úc thành “hình yêu quái” được giải thích là theo thuật “Siêu thực họa đồ” và “Trừu tượng họa đồ” : “ Tôn Úc là bình luận gia văn chương tài ba đời nay, có nhãn quan vượt khỏi khuôn khổ tầm thường, nên tôi họa mắt ra ngoài khuôn mặt là thế. Kẻ hành nghề phê bình văn chương phải tinh tường bao quát mọi điều trong kinh sách, mọi lẽ trong trời đất nên Mao phải có đủ mắt ngang, mắt dọc. Cũng như vậy, khứu giác của kẻ phê bình phải mẫn cảm với mọi mùi mẽ văn chương trên đời nên mũi của Mao phải cực lớn. Kẻ phẩm bình văn chương phải thẩm thấu được những ngôn từ tinh túy vi diệu nên Mao có một tai rất to. lại phải biết bỏ ngoài tai lời gièm pha đàm tiếu để giữ bản lĩnh nên Mao có một tai rất bé […] Phê bình văn chương không cần nói nhiều. Hơn người là ở sự đích đáng chứ không phải đa sự loạn ngôn. Với lại kẻ làm nghề phê bình văn chương chân thực thì đói, không mấy khi có ăn nên miệng chẳng cần lớn” ( tr. 24-25).
Dù tự nhận “ văn chương cứng cỏi nhưng tính khí cầm tinh con cáy” song Nhương Tác Nghiệp cũng khôn ngoan dùng nhu để thắng cương, vừa bênh vực bạn hữu, vừa bảo vệ mình, buộc Trưởng Thượng phải nhượng bộ : “Bẩm lão Trưởng Thượng, ngài là bậc văn nhân trác tuyệt cũng hiểu nỗi lòng kẻ sĩ. Họ đều lương thiện, nói viết thì phải có hàm ý sâu xa, lấy cái sự sáng của văn mà phục vụ thiên tử chứ không hề có lòng phản nghịch vả lại chúng tôi vốn bạch diện thư sinh chả làm nên công trạng gì. Khắp kẻ chợ đâu đâu cũng siêu thị, đăng –xinh, nhà nghỉ, bia ôm, chỉ còn cái quán nhỏ này mà Trưởng Thượng đóng cửa thì lân bang họ nhìn vào liệu có làm cho thiên tử mang tiếng là coi văn chương như tôm như tép, không biết chiêu hiền đãi sĩ” ( trang 60).
Điều nổi bật nhất của thiên truyện này chính là giọng văn giễu nhại, hóm hỉnh, hài hước. Ngôn ngữ nửa cổ, nửa kim. Thơ thì chữ Hán dịch qua chữ Việt. Nói về phê bình tâng bốc thì được gọi là “ bình phẩm văn chương theo trường phái “ Thổi ống đu đủ”. Các văn nhân ngại va chạm, biết điều thì viết “thi ca đậm màu chim hoa cá gái”. Viết nhăng cuội của Kim Thánh Phán được coi là việc “ biến giấy trắng thành giấy lộn”. Mà giấy lộn bán lại có giá hơn giấy trắng. (Nhân thể cũng nói thêm rằng “Tửu điếm văn nhân” cũng là một trong các lò cấp giấy lộn cho “hàng mã”). Phu nhân Nhương Tác nghiệp nghe tin chồng có bồ nhí thì “sôi sục”, nhưng sau lại rất bình tĩnh, lại “tháo khoán” với sự hiểu biết, rộng lượng : “Gẫm ra mấy ông nhà thơ nhà văn không có tí yêu đương là văn chương nhạt như canh không muối. Cái giống văn chương lạ đáo để, cứ phải đau đời, nếu không thì yêu đương nó mới hay” (trang 107). Chê các câu thơ thả ở Hội thơ có một số không tiêu biểu có chuyện : “Đúng giờ Ngọ thì hội thơ cũng vãn. Tao nhân mặc khách kéo nhau ra về. Ai nấy lại hẹn hò vào ngày này năm sau hội ngộ. Bỗng từ trời cao lộp độp như có mưa, hai người ngó ra thì thấy những câu thơ vừa thả lên trời rơi xuống đánh rụp. Trên thinh không văng vẳng tiếng của Ngọc Hoàng : “Ta trả về cho các ngươi, ta trả về cho các ngươi…” ( trang 110). Chuyện Mao Tôn Úc sa vào tổ quỷ, chuyện anh hàng mã Chu Lin nhờ có tiền thuê viết tiểu thuyết “Kiếp luân hồi” lại khéo chạy chọt, đút lót nên được “Giải thưởng văn chương Quốc gia và bội tinh công trạng”… đều đậm chất bịa tạc hài hước.
Bây giờ, giới lí luận phê bình của thế giới đã thừa nhận chức năng giải trí của văn học nghệ thuật. Có nghĩa rằng, bạn đọc đông đảo có quyền đến với văn học nghệ thuật chỉ với mục đích giải trí. Nghĩa là dẫu sáng tác kiểu gì, nhà văn cũng không thể quên văn chương phải đem đến niềm vui, sự sáng khoái cho người đọc. Tác giả Trần Nhương có viết trong “Mấy lời đầu truyện” rằng tiểu thuyết này “ nửa cổ nửa kim, cốt lấy vui làm chính”. Nhà văn Ma Văn Kháng trên bìa bốn của cuốn sách đánh giá cao: “Đọc Kim Kổ Kì Kuặc Kí” vừa tủm tỉm cười thú vị vừa sảng khoái sung sướng vì cái nhìn thông minh đầy chất trí tuệ với các kiểu tu từ chữ nghĩa biến huyền và cái ngồ ngộ đầy tình thân ái của nhà văn; thì ra hóm hỉnh hài hước là một trong những hình thức sống động, thực chất, đáng tin cậy để nhận thức cuộc sống, để thêm yêu cuộc đời của mỗi con người…”. Bạn đọc “Tin thì tin không tin thì thôi” ( Nguyễn Trọng Tạo). Tôi đã đọc cuốn này hơn ba lần, riêng tôi thì tôi tin.