Trang chủ » Tin văn và...

TIN BUỒN: NHÀ VĂN NGUYỄN LAM THỦY TẠ THẾ

TN và NQT
Thứ tư ngày 14 tháng 7 năm 2021 3:39 PM




Nhà văn Nguyễn Lam Thủy sinh năm 1955, hội viên Hội Nhà văn VN, hiện sống ở Hungary, là bác sỹ trong một bệnh viện lớn nhất ở thủ đô Hungary. Do bị bệnh tim, Ông tạ thế tại Hunggari.

Trang trannhuong.com xin chia buồn cùng gia quyến. Cầu mong anh linh Nguyễn Lam Thủy thanh thảnh ra đi

Xin đưa bài của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tiễn biệt bạn đồng nghiệp


Nhà văn Nguyễn Lam Thủy sinh năm 1955, hội viên Hội Nhà văn VN, hiện sống ở Hungary, là bác sỹ trong một bệnh viện lớn nhất ở thủ đô Hungary. Trong nhiều năm, anh Thủy lúc nào cũng giục tôi sang thăm Hungary. Anh nói : “ Mình sẽ lái xe đưa Thiều đi dọc dãy núi đẹp nhất nước Hung và nghỉ lại ở những trang trại của những người nông dân Hung”. Chuyến đi như thế là ước mơ của tôi. Nhưng cứ việc này đến việc khác không đi được. Khi có thể đi thì dại dịch virus Vũ Hán bùng ra và mọi chuyến đi như vậy đều phải chấm dứt.

Nhà văn Nguyễn Lam Thủy có bệnh tim. Mấy tháng trước, các bác sỹ khuyên anh vào viện phẫu thuật. Nhưng anh sợ bệnh viện cho dù anh là một bác sỹ. Điều anh sợ là nếu nằm viện nhiều ngày vợ con anh không thể mang đồ ăn do vợ anh nấu vào cho anh được vì đang đại dịch. Anh nói nếu ăn đồ ăn của Hung trong lúc có bệnh và nhiều ngày anh cũng sẽ chết.

Anh định cư ở Hungary hàng chục năm nay nhưng chỉ có ẩm thực Việt Nam mới làm cho anh cảm hứng. Những món ăn xứ người đã không tìm được cách xuyên thủng hàng rào ẩm thực của anh cho dù anh yêu đất nước Hungary như tổ quốc thứ 2 của mình. Anh sinh ra và lớn lên ở một vùng đất miền trung Việt Nam. Suốt tuổi thơ cho tới lúc anh sang Hungary học và định cư, những món ăn mẹ anh nấu ở một làng quê nghèo đói miền trung đã “thống trị” trong ký ức anh.

Cuộc phẫu thuật tim đã không thành công và anh đã rời bỏ gia đình và bạn bè đi về cõi vĩnh hằng. Tôi sẽ chẳng bao giờ được anh lái xe chạy qua những miền thôn dã Hungary rực rỡ nữa. Và lúc này, tôi biết anh đang sửa soạn để lên đường trở về với mẹ và quê hương. Đó là chuyến đi kỳ vĩ nhất đời anh mà anh từng nói đến.

Và lúc này, tôi không nói lời vĩnh biệt anh mà nói : bạn bè anh đang chờ đón anh trở về với mẹ.