Trang chủ » Tin văn và...

Về bài cuả giáo sư Nguyễn Hụệ Chi (*)

Nguyễn Văn Thọ
Thứ bẩy ngày 24 tháng 1 năm 2009 10:15 AM
 
Kính thưa giáo sư Nguyễn Huệ Chi!
Tên tôi là Nguyễn Văn Thọ. Sinh năm 1948 tại Đà thôn, Quỳnh Khê, Quỳnh Phụ (xưa là tổng Sơn đồng) Tỉnh  Thái Bình.
Thưa giáo sư, tôi là một người nhà quê. Cha tôi sinh ở Thái Bình thì tất nhiên cha tôi cũng là người nhà quê. Như vậy tôi gốc gác đúng 100 % là Người nhà quê.
Trước hết tôi đồng cảm và chia sẻ với ông, khi ông tỏ thái độ bức xúc, trước các việc như: Vặt hoa anh đào trong cuộc triển lãm hoa anh đào của Nhật tại Hà Nội; việc phá nát cuộc chơi Đường phố hoa bên Bờ Hồ cách đây dăm ngày…Sự việc vì ba quả quất rụng cũng làm tổn thương trái tim tôi. Tôi nghĩ, những việc xảy ra ấy, không chỉ hai chúng ta bất bình và đau đớn. Và, những ai nghĩ xa hơn, càng buồn, phẫn nộ, khi giáo sư so sánh việc Ba quả quất rụng thì bị trả giá bằng ba cái tát còn các việc khác lớn hơn: “cũng chẳng ai phải nhận một hai lời cảnh cáo chứ đừng nói đến tát”
Những vụ việc ấy đúng như ông viết, nó làm “Cái thanh lịch có tiếng cũng như truyền thống tôn trọng văn hóa của người Hà Nội đã đi đâu hết cả?”(N.H.C)
Đây là một câu hỏi nhức nhối cho tất cả những ai yêu Hà Nội. Nhưng sự suy thoái ấy ở Hà Nội không chỉ mới hôm nay, kính thưa giáo sư!
Tôi trộm nghĩ, nếu ai chịu quan sát Hà Nội từ những năm trước năm 1954, thì sự xuống cấp, tha hoá của một vùng sống có truyền thống thanh lịch không chỉ gần đây. Theo thời gian và từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều thói quen, cách ứng xử của một Hà Nội thanh lịch, đã, đang bị xuống cấp ngày một nghiêm trọng, để hôm nay xảy ra những việc, không còn manh mún và nhỏ nữa, cho giáo sư và nhiều người như tôi, một kẻ quê mùa, đau lòng.
Kính thưa giáo sư Nguyễn Huệ Chi!
Nhưng xin giáo sư đừng vì cả giận mà đụng đến Kẻ quê, Người nhà quê, khi dùng cụm từ Nhà quê hoá lại gắn với việc Hà Nội mở rộng như bài viết của giáo sư. Chúng tôi, không phải người Hà Nội gốc, lên Hà Nội sinh sống không tới nỗi thô lậu mà hành xử Thô lỗ như giáo sư hạ bút. Tôi bầy tỏ thái độ trong thư này, không thay mặt ai cả, chỉ với tư cách cá nhân Nguyễn Văn Thọ, gốc gác là nông dân, là người nhà quê lên Hà Nội theo cha. Nhất là khi giáo sư cho rằng, những hành vi Vô văn hoá, hạ cấp (mà nhiều người căm phẫn) bởi vì mở rộng Hà Nội, nên Nhà quê hoá, mà sinh ra các hành vi vô văn hoá đã nêu.
Xin giáo sư hãy quá bộ lần nữa về các vùng nhà quê chúng tôi, về các vùng vừa sát nhập vào Hà Nội, tham gia các buổi hội làng, lễ, giỗ xem lại Người nhà quê chúng tôi có Bẻ hoa chung làm của riêng ( như triển lãm của Nhật), phá Phố hoa Bờ Hồ như ở Hà Nội không? Tôi nghĩ rằng việc xảy ra có nguyên do không phải như ông nói, không phải thuộc bản chất quê mùa của riêng chúng tôi. Sự việc xấu đã xảy ra, theo cá nhân tôi, chỉ là thói quen tư hữu, chiếm hữu của con người Việt nói chung đã có duyên sinh sôi trong sự quản lí đám đông của Hà Nội ta quá kém, để nó bùng phát ngày một trầm trọng, không khống chế được nó mà thôi. Tôi cạn nghĩ rằng, thói xấu này không chỉ của người nhà quê, ở các vùng thuần nông, mà cả có ngay trong các phường hội thủ công của 36 phố phường xưa nay, cũng chẳng thiếu. Đất nước này vốn là một đất nước đâu đã thoát thai thành một nước có nền công nghiệp tiên tiến và phát triển, để  đa phần con người của xã hội có những thói quen, nếp sống không vì cái tham muốn tư riêng mà xâm phạm tới lợi ích cộng đồng, nếp sống của Con người đô thị tiên tiến? Nên việc đổ lỗi xảy ra ở Hà Nội gần đây của giáo sư cho người Nhà quê chúng tôi là có nên chăng?
Nhân đây tôi cũng xin nói với giáo sư rằng, một trong những điều tự hào của người Hà Nội bấy nay, trong nội hàm Văn hoá Thăng Long, là các công trình văn hoá vật thể và phi vật thể, có gốc gác sâu xa không phải  chỉ do văn hoá 36 phố phường tạo nên, mà nó là sự hội tụ tinh hoa của Văn hoá Việt. Sự kết tinh tạo dựng nên Tự hào Hà Nội có sự đóng góp của Người nhà quê chúng tôi. Xin ví dụ như: quần thể Văn hoá hồ Gươm tồn tại tới hôm nay chính do Nguyễn Siêu quy tập. Nguyễn Siêu thì chắc hẳn giáo sư biết rõ, ông là người Làng Lủ, thuộc Hà Đông cũ, chứ không phải người 36 phố phường,v.v... Điểm lại lịch sử của nhiều ngôi chuà và các công trình văn hoá cổ tại Hà Nội, đại đa phần cũng đều do bàn tay của các nghệ nhân, mà gốc gác của họ xuất phát từ Người nhà quê chúng tôi. Còn nói cho rạch ròi, cụm từ Văn hoá gốc của Hà Nội hôm nay, Thăng Long ngàn năm xưa, truy xét tới cùng, cũng xuất phát điểm là thứ Văn hoá làng xã, bao gồm của các Phường hội thủ công tạo dựng. Do vậy, chắc hẳn, sự tinh thuý cũng như nhược điểm, không hơn Văn hoá làng xã thuần nông chúng tôi là bao nhiêu. Cho nên sự kết luận cuối cùng của giáo sư, khi gắn các sự kiện đau lòng phi văn hoá  là Quê mùa bởi đám người quê tràn vào Hà Nội, do việc nhập  Hà Nội rộng ra, là có nên chăng? Tôi cũng bầy tỏ rằng, cá nhân tôi cũng không tán thành việc mở rộng Hà Nội quá lớn ( khi mà trình độ quản lí đô thị của chúng ta còn quá yếu kém v.v…) song tôi không thấy việc ấy có liên quan một cách sâu xa và trực tiếp tới các hành vi xấu đã nêu.
Tôi viết lá thư ngỏ này kính gửi tới giáo sư, muốn bầy tỏ ý kiến trước thềm năm mới, mong mọi việc không hay qua đi trong năm cũ và, đặc biệt không hàm ý thiếu sự kính trọng giáo sư bấy nay. Xin giáo sư hiểu, sự cần thẳng thắn trao đổi của cá nhân tôi, khi phải bầy tỏ công khai một vấn đề tưởng nhỏ trong một bài viết ngắn của giáo sư trên trannhuong.com.
Nhân dịp này, xin kính chúc giáo sư mạnh khoẻ, một năm mới an khang.
Kính bút
Nguyễn Văn Thọ