Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÙNG QUÊ SÀNH NGHỀ NÓI LÁI

Vương Trọng
Chủ nhật ngày 7 tháng 3 năm 2021 10:30 AM
Nói lái là trò chơi chữ dân gian quen thuộc của người Việt Nam, từ bắc chí nam, không mấy ai không hiểu cách nói đầu tiên là tiền đâu, hiện đại là hại điện...Tuy vậy, những người thích nói lái không phải chia đều cho mọi vùng quê, và theo ý kiến của nhiều người, vùng Nghệ Tĩnh trò chơi này được " phổ cập toàn dân" và là nơi có nhiều người khá "sành nghề".
Chúng ta biết rằng, cách nói lái của người miền Bắc khác miền Trung và miền Nam, nhưng đã là người sành nói lái thì thành thạo cách sử dụng của mọi miền, hơn nữa họ còn biết thêm các trò hoán vị chữ và dấu khi cần thiết để diễn đạt được nội dung theo ý muốn. Ví như hai chữ Đèo Ngang, người miền Bắc lái là ngàng đeo, người miền Trung lái là đàng ngheo, nhưng họ liền hoán vị dấu để có được đang nghèo! Nói về tính phổ cập của trò nói lái trong cuộc sống hàng ngày ở vùng Nghệ Tĩnh, người ta thường kể câu chuyện xẩy ra trong một "đám cưới đời sống mới" cách đây hơn nửa thế kỷ. Một ông già được mời dự một đám cưới đời sống mới, nghĩa là chỉ có trà thuốc, trong khi ông già cứ đinh ninh đã là đám cưới thì phải có ăn cỗ. Uống nước mãi vẫn chưa thấy được "ngồi mâm", ông già đã bực thì cô tiếp tân lại tới rót nước vào chén ông và nói lịch sự:"Mời ông xơi trà ạ". Ông già đón lấy chén nước: " Ừ, trà, trà tận trưa"! Nếu người vùng khác thì chỉ nghĩ ông nói rằng sẽ uống trà cho đến trưa, nhưng là người Nghệ Tĩnh thì ai cũng hiểu là ông đang dùng nói lái để phản ứng lại. Trà tận trưa nghĩa là Trừa tận tra, tức là chừa đến tận già, không bao giờ còn đi dự kiểu đám cưới như thế này nữa!
Một người đàn bà bị chồng đánh vì tội đi chợ mua sắm các thứ về làm giỗ bố chồng không đàng hoàng, vừa chạy ra đường thì gặp một người hỏi thăm rằng có thấy con ngựa con của ông ta chạy qua đây không, tức thì chị ta nổi cáu bằng một bài "ngoại ngữ":
"Bị nưa cố giỏ chông chà
Mua bông mươi đà mục chột mành re
Chà người tông, đạ người tấp
Cho bưa thanh cạ
Chạng ra đày
Ai biết ngọn cưa ở đâu mà ông hỏi?"
( Bữa ni có giỗ cha chồng. Mua ba mươi đồng một chục mè ranh. Chồng người ta đập người ta. Cho ba thanh cựa. Chạy ra đàng. Ai biết ngựa con ở đâu mà ông hỏi?)
Do ý thức nói lái thường trực ở mọi người, nên nói năng, viết lách và đặc biệt là đặt tên con cái cũng phải cân nhắc chuyện này. Nguyễn Bá là một họ lớn cuả vùng mà cả họ, con trai không ai dám đặt tên là Nhàn vì Nguyễn Bá Nhàn là Nguyễn Bán Nhà là điều phải tránh. Các cô gái người Bắc làm dâu xứ Nghệ nói rằng, tiếng Nghệ dù khó nhưng chỉ cần chung sống với chồng vài năm là những từ cơ bản có thể hiểu được, còn chuyện nói lái thì dù sống ở quê chồng hàng chục năm vẫn còn ngơ ngác. Chị Hải, người Bắc Ninh, lấy anh Sơn người Nghệ An và chị đã về ở quê chồng dạy học trong nhiều năm trời. Một kỳ nghỉ hè chị đem đứa con trai kháu khỉnh, có tên là Hướng về thăm ông bà ngoại. Trong buổi trò chuyện với bố mẹ và bà con hàng xóm nghe tin chị về sang thăm, chị kể chuyện xuất xứ về cái tên của đứa con trai. Khi chị sinh con, anh Sơn, chồng chị đang công tác ở nước ngoài nên chị đã tự đặt tên con để làm giấy khai sinh. Chị thấy đàn ông tên Huy có nhiều người tài, nên đặt tên con là Nguyễn Đình Huy. Giấy khai sinh con làm xong chưa được một tháng thì chồng về phép, biết chuyện, anh bất bình:
- Sao mình lại đặt tên con thế này, không sợ làng xóm chê cười cho à?
Chị thản nhiên:
- Có gì thế anh? Em thấy tên Huy cũng hay, hơn nữa không chạm tên những bậc cao niên trong họ tộc...
- Không phải chuyện ấy, mà là thế này...
Rôi anh cặn kẽ giải thích cho chị. Đó là chuyện nói lái. Bố đã tên là Sơn, mà con tên Huy, thế thì Sơn Huy thành Suy Hơn. Gia đình nào cũng muốn thịnh vượng, phát đạt, chứ ai muốn suy bao giờ, mà ở đây lại là suy hơn! Đó là kết hợp với tên bố, còn kết hợp với tên mẹ thì Hải Huy thành Huỷ Hai, tức là cả mẹ con đều khó tồn tại...
Chị nghe anh giải thích mà thấy "khủng khiếp" cho việc chọn tên con của mình. Một lúc sau, chị nói:
- Thế thì anh đặt tên con đi, tên gì cũng được nhưng em muốn con chúng ta có vần H như tên em.
Anh Sơn ngồi trầm ngâm một lúc, rồi nói:
- Anh nghĩ ra rồi, tên con là Hướng, vừa có vần H theo yêu cầu của em, vừa có ý nghĩa: Sơn Hướng là Sướng Hơn! Đó là kết hợp với tên anh, còn với tên em thì Hải Hướng là Hưởng Hái, tức là chúng ta hưởng thành quả lao động của chúng mình gặt hái được!
Sau khi nghe con gái kể chuyện bố chị Hải thốt lên:
- Làm sao người ta lại nghĩ được sâu xa như thế! Con nhớ từ lần sau, đừng tự tiện đặt tên cháu nữa nhé!
- Không dám nữa đâu bố ạ, vì "nghề nói lái", con còn dốt lắm!
Hồi kháng chiến chống Pháp, xã tôi có dựng một vở kịch kể chuyện một cô dân quân bắt tù binh Pháp, phần lớn thời gian là cuộc nói chuyện giữa cô gái với tên tù binh qua lời một người phiên dịch. Trong xã có một thanh niên da trắng, râu quai nón, to cao, đóng lính Pháp thật giống, nhưng khốn nỗi cả xã không ai biết tiếng Pháp (những người biết thì đã đi xa), thì phải để tên tù binh nói tiếng thế nào đây? May có người nghĩ ra một cách rất hữu hiệu là cho tên lính nói lái một số câu sao cho có những âm giống như tiếng Pháp. Thế là, sau khi nghe cô gái hỏi :
- Anh đến nước tôi từ khi nào?
thì tên tù bình trả lời:
- Mon nghít đơ ca xanh, ri măng quýt xơ măng công soa.
Và được phiên dịch:
- Tôi chỉ đến đất nước này một thời gian ngắn thì bị bắt!
Những người quê bắc tản cư sống ở xã tôi khen diễn viên nói tiếng Tây hay lăm, còn những người sành nói lái thì ôm bụng cười, vì cái câu trên kia có nghĩa là:"Mít ngon đánh cả xơ, răng mi quăng xơ mít qua sông?"!
Ở vùng quê Nghệ Tĩnh, có khi chuyện nói lái không dừng lại trong ngôn ngữ hàng ngày, mà còn theo vào các buổi họp cơ quan. Lần ấy, ông Nguyễn Tài Đại, trưởng ty gíao dục Nghệ An họp mặt với một số giáo viên để bàn chuyện chuyển một số giáo viên lên dạy ở các huyện miền núi. Sau khi trình bày xong xuôi, ông Đại gói lại bằng một câu nói lái:
- Tóm lại, vấn đề xung phong thì do các thầy cô quyết định, chứ thực tế là "Ty cần đi Tân Kỳ".
Lúc đó Tân Kỳ là một huyện miền núi mới được thành lập nên cần nhiều giáo viên, đó là yêu cầu của ty giáo dục.
Trong số giáo viên phát biểu đáp lời trưởng ty hôm đó, có một người kết thúc bằng vế đối: " Ai động đến ông Đại". Đem sắp lại:
Ty cần đi Tân Kỳ
Ai động đến ông Đại.
Ý vế đối nói rằng, ai đi Tân Kỳ thì đi chứ ông Nguyễn Tài Đại là trưởng ty thì không ai động đến. Vế đối này làm cho mọi người cười ran, ông Đại cười thật to và nói đùa rằng:" Chỉ khi nào Tân Kỳ trở thành thủ phủ của Nghệ An, ty giáo dục chuyển về đó, thì ông mới bị "động đến"!
Đó là chuyện nói lái trên quê hương Xứ Nghệ. Nhưng người Nghệ không chỉ thực thi nói lái trên quê hương mình, mà đi đến đâu cũng mang theo trò này, giống như Nguyễn Công Trứ từng nói về thơ:” Trời đất cho ta một cái tà/ Dắt lưng dành để tháng ngày chơi”. Trong thực tế tỷ lệ người Nghệ trong các cơ quan Vụ, Viện, báo chí...là rất đáng kể, điển hình là tạp chí Văn nghệ Quân đội, một thời được mệnh danh là “ Văn đội Quân Nghệ”! Và ở đấy có lắm Đồ Nghệ thích chơi chữ nói chung và Nói lái nói riêng.
Đồ Nghệ Xuân Thiều rất khoái câu nói lái mà Đồ Nghệ Vương Trọng tặng mình: " Chả lo gì, chỉ lo già", vì rất đúng với hoàn cảnh của mình. Kinh tế sung túc, con cái trưởng thành, làm ăn phát đạt...chỉ có cái già cứ xồng xộc kéo đến, làm cho đầu tóc lơ phơ vài sợi, chân tay chậm chạp. Vì khoái câu nói lái trên kia, nên trong một bài báo, Xuân Thiều đem nó ra làm vế thách đối và trong một thời gian ngắn, nhận được khá nhiều vế đối, và vế đối hay nhất cũng của một tác giả xứ Nghệ! Trước khi trình vế đối của mình, tác giả đó viêt:" Đối với các bác giàu có, chỉ muốn hưởng thụ thì " Chả lo gì, chỉ lo già", còn chúng em nghèo khổ, quanh năm thiếu thốn thì " Nỏ cần chi, chỉ cần no", nên em đối:
Chả lo gì, chỉ lo già
Nỏ cần chi, chỉ cần no.
Đồ Nghệ Nguyễn Trọng Oánh xem vế đối gật gù:" Gía như giải quyết được vấn đề trắc bằng, thì đây là một vế đối tuyệt tác!"
Lại như lần cơ quan liên hoan mừng nhà văn Hồ Phương được phong quân hàm thiếu tướng. Khi được phong cấp tướng, nhà văn Hồ Phương được nhận tiêu chuẩn nhà mới nên nhường lại căn hộ cũ của mình cho một sĩ quan cấp tá. Nhân chuyện này, Đồ Nghệ Vương Trọng bèn nêu một vế thách đối: " Nhà cấp tướng nhường cấp tá". Không những Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh, mà Phạm Ngọc Cảnh, Nam Hà, Anh Ngọc, Lê Thành Nghị, Doãn Trung...là các "đồ Nghệ" rất sành câu đối và nói lái, vắt óc suy nghĩ mà trong gần một năm trời vẫn chưa có vế đối nào được chấp nhận. Bản thân đồ Nghệ Vương Trọng cũng bí. Đúng là "Xuất đối dị, đối đối nan..." như các cụ ta ngày xưa đã nói. Thế là tết nguyên đán năm đó, nhà Vương Trọng đốt pháo mừng xuân (dạo đó chưa cấm đốt pháo), không may một quả pháo đùng văng ra nổ làm vỡ bình hoa đào. Thế là Vương trọng thốt lên: "Pháo Bình Đà phá bình đào" rồi.!Không ngờ, đó là một vế đối khá chuẩn:
Nhà cấp tướng nhường cấp tá
Pháo Bình Đà phá bình đào.
Các bạn lưu ý rằng, trước đây Bình Đà ( Hà Tây) là địa phương làm pháo nổi tiếng nhất nước.
Thì ra "nghề nói lái" cũng lắm công phu, và muốn sành được không phải chuyện dễ, phải không các bạn?
Vương Trọng