Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Luận về QUYỀN LỰC - QUYỀN MƯU

Đắc Trung
Thứ tư ngày 3 tháng 3 năm 2021 10:42 AM



II- QUYỀN MƯU

 

Theo ngữ nghĩa gốc Hán tự "quyền" là quả cân. Muốn biết một vật nặng bao nhiêu phải treo hoặc đặt vật đó lên rồi xê dịch quả cân đến vị trí chuẩn xác. "Mưu" bắt nguồn từ chữ "Mẫu". "Mẫu" là mẹ. Để duy trì cuộc sống bản thân, con cái và gia đình người mẹ phải hết sức năng động ứng phó với mọi điều kiện cả tự nhiên và xã hội. “Quyền mưu” chính là khả năng ứng biến để đảm bảo sự cân bằng và phát triển theo cái đích đã xác định. Cái đích đã xác định ấy là “mưu lược”. “Quyền mưu” là bộ phận của “mưu lược”. “Mưu” là kế tức thời. “Lược” là sách lâu dài. “Mưu” động. “Lược” tĩnh. Quyền mưu thuộc phạm trù năng lực tư duy và hành động của con người, bao gồm:

1. Mục đích quyền mưu:

- Thiện.

- Ác.

- Cả thiện và ác.

Mục đích quyền mưu thiện gắn với sự quang minh, chính đại. Dù ban đầu có phải chịu biết bao gian khổ, vất vả, đau đớn, nhưng nhất định thắng. Dẫu có thất bại nhất thời cũng không nhục.

Mục đích quyền mưu ác gắn với những thủ đoạn thấp hèn thì dù nhất thời chiến thắng cũng không vinh và nhất định sẽ thất bại. (Ở đời thắng đâu đã là vinh và bại đâu đã là nhục. Vinh, nhục là ở mục đích quyền mưu).

Mục đích quyền mưu cả thiện và ác thì phần thiện sẽ thắng, sẽ vinh. Phần ác sẽ bại, sẽ nhục.

Bởi thế đánh giá quyền mưu trước hết phải xem xét mục đích quyền mưu.

2. Cấu tạo quyền mưu:

Quyền mưu gồm bốn yếu tố cấu thành:

- Chủ thể quyền mưu: là đối tượng phát ra quyền mưu, hoặc quyết định việc thực hiện quyền mưu để đạt mục đích đã định. Nói cách khác chủ thể quyền mưu gồm hai khái niệm: tác giả quyền mưungười quyết định việc sử dụng quyền mưu. Có thể vừa là tác giả vừa là người quyết định. Có thể chỉ là tác giả nhưng không được quyền quyết định. Chính vì thế đã ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả quyền mưu.

Thời Chiến Quốc nước Tần cử tướng Vương Hột đem đại binh tấn công nước Triệu. Quân Triệu do tướng Liêm Pha chỉ huy nghênh chiến. Thế giặc như lũ bão, quân Triệu thua liên tiếp bị truy đuổi đến tận Trường Bình. Lão tướng Liêm Pha, người đã dạn dầy trận mạc vẫn bình tĩnh. Ông phân tích tình hình: thế giặc mạnh, nhưng chúng đã vào sâu lãnh thổ nước Triệu, việc cung ứng hậu cần sẽ rất khó khăn, không thể duy trì chiến đấu lâu dài. Ông lập tức chủ trương phòng ngự chiến lược: không đánh, ẩn giấu lực lượng, thực hiện vườn không nhà trống, luỹ cao, hào sâu, dựa vào địa thế rừng rậm, núi non hiểm trở để cố thủ bảo toàn, củng cố và tăng cường binh lực đợi thời cơ phản công. Quân Tần đánh không được, rút lui cũng không xong, lương thực cạn, tinh thần chiến đấu cả tướng sĩ đều suy giảm, Vương Hột biết chắc sẽ nếm đòn thất bại liền trình báo lên vua Tần. Là người am hiểu chiến trận, vua Tần biết Liêm Pha là danh tướng nhiều quyền mưu, nếu không diệt hoặc không loại được Liêm Pha thì khó tránh khỏi thảm bại. Nắm biết tình hình nội bộ triều chính nước Triệu, hiểu rõ tư chất vua quan nước Triệu, ông ta liền sai người bí mật mang vàng bạc, châu báu mua chuộc hối lộ các cận thần đồng thời cử gián điệp giả nhà buôn sang Triệu tung tin rằng "Liêm Pha già yếu rồi, nhát gan không dám đánh Tần chỉ mong cầu an hưởng lộc thôi. Nước Tần rất sợ tướng trẻ nước Triệu là Triệu Quát thống lĩnh quân đội". Vua Triệu Hiến Vương vốn không biết gì về binh thư chiến trận, nhưng rất muốn tỏ ra mình đầy quyền lực, lại vốn không hài lòng việc án binh bất động của Liêm Pha, nay nghe tin ấy liền cử người đến Trường Bình truyền lệnh cho Liêm Pha phải xuất chiến ngay. Liêm Pha cho rằng thời cơ chưa chín, phiêu lưu là chết, ông "bất tuân lệnh vua”. Nhà vua càng tức giận, lại nghe mấy cận thần đã bị nước Tần mua chuộc kích vào lập tức cách chức Liêm Pha bổ nhiệm Triệu Quát thay thế. Vậy là vua Triệu đã trúng kế của vua Tần. Không chỉ có vậy, vua Tần còn bí mật rút Vương Hột về cử Bạch Khởi, một lão tướng đã dạn dầy trận mạc đích thân chỉ huy đánh Trường Bình mà quân Triệu không hề biết. Triệu Quát là tướng bất tài, không có kinh nghiệm nhưng rất tự phụ. Vừa tiếp nhiệm ông ta liền thay đổi chiến lược, bỏ phòng ngự, xuất kích mù quáng, kết quả bị quân Tần dồn vào thế vây hãm trùng trùng điệp điệp. Cuộc chiến diễn ra rất nhanh. Triệu Quát tử trận, hầu hết quân Triệu bị tiêu diệt, những người bị bắt đều bị chôn sống.

Trận Trường Bình hai tác giả quyền mưu là lão tướng Liêm Pha và tướng trẻ bất tài Triệu Quát với hai chủ trương chiến lược khác nhau. Người quyết định sử dụng quyền mưu lại là ông vua hồ đồ cậy quyền lực là Triệu Hiến Vương. Ông ta bỏ mưu cao, chọn kế thấp. Kết quả chịu thảm bại nhục nhã. Đó là bài học sâu sắc cho hậu thế, đặc biệt với những kẻ bất tài nhưng đứng đầu quyền lực.

- Khách thể quyền mưu: là đối tượng chủ thể quyền mưu hướng tới. Đồng thời là nơi tung ra quyền mưu, hoặc quyết định quyền mưu đáp trả đối phương để đạt mục đích của mình. Cũng gồm hai khái niệm: tác giả quyền mưungười quyết định sử dụng quyền mưu.

- Trường thể quyền mưu: là môi trường gồm cả các yếu tố chủ quan, khách quan, cả tự nhiên, xã hội như chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, văn hoá, cả năng lực, tính cách từng con người và quan hệ cá nhân, cả địa điểm, thời gian, thời tiết, cho tới cả những súc vật...v.v... có liên quan, ảnh hưởng hoặc có thể lợi dụng để thực hiện quyền mưu.

Thời Chiến Quốc, năm 340 trCN Ngụy Huệ Vương phát động cuộc chiến đánh nước Hàn. Nước Hàn cầu cứu nước Tề. Nhiều cuộc tranh luận gay gắt diễn ra trong triều đình nước Tề: có cứu Hàn không? Cứu cách nào? Châu Kỵ chủ trương không cứu. Điền Kỵ đòi phải cứu ngay. Tôn Tẫn vừa không tán thành không cứu, cũng không tán thành cứu ngay, mà chủ trương chậm lại rồi sẽ cứu. Ông cho rằng nếu quân đội của hai nước Hàn - Ngụy đều chưa bị tổn thất nặng, mà nước Tề xuất binh cứu Hàn thì có nghĩa Tề sẽ thay Hàn chịu sự tấn công của Ngụy, trên thực tế là nghe theo sự chỉ huy của Hàn. Nhưng nếu không cứu, thì sau khi tiêu diệt được Hàn nhất định Ngụy sẽ tấn công Tề. Do đó chi bằng, "cứ thong thả, bí mật kết thân với Hàn, rồi đợi cả hai cùng suy yếu mới chọn thời cơ xuất quân". Tề Uy Vương cho là phải liền bổ nhiệm Điền Kỵ làm tướng, Tôn Tẫn làm quân sư thực hiện kế sách. Tôn Tẫn phân tích tình thế lúc đó, cho rằng quân đội tinh nhuệ của Ngụy hầu hết đã được điều sang tác chiến ở Hàn, trong nước chỉ còn lại lực lượng yếu để phòng thủ. Bởi thế cứu Hàn nhưng ông không chủ trương xuất quân sang Hàn, mà thẳng sang Ngụy nhằm thành Đại Lương tấn công, chiếm giữ các đường giao thông quan trọng, tập kích vào hậu phương, quân Ngụy tất phải rút khỏi Hàn cấp tốc về cứu nguy nước mình. Bằng cách ấy vừa giải vây cho Hàn, vừa đánh bại được quân Ngụy. Quả đúng như dự đoán của Tôn Tẫn, khi được tin quân Tề vượt biên giới tiến đánh Đại Lương, Ngụy Huệ Vương vội vã rút đại binh khỏi nước Hàn quay về. Ông ta cử Thái tử Thân làm Thượng tướng quân, Bàng Quyên làm tướng dồn hết binh lực nghênh chiến hòng một trận quyết tử với quân Tề. Tôn Tẫn biết rằng Thái tử Thân không quen dùng binh, còn Bàng Quyên thì kiêu ngạo tự phụ, tính tình nôn nóng muốn đánh nhanh, thắng nhanh. Đó là nhược điểm cần khai thác, ông lập tức cho quân giả vờ rút lui nhử địch tiến sâu vào địa hình đã chọn sẵn, mặt khác tạo tâm lý chủ quan của đối phương bằng mưu "giảm bếp". Bàng Quyên thấy rằng trên trận địa quân Tề ngày thứ nhất số bếp đủ nấu cho mười vạn người ăn, ngày thứ hai giảm xuống chỉ còn đủ nấu cho năm vạn, ngày thứ ba lại ít hơn nữa và cho rằng quân Tề khiếp sợ bỏ trốn khiến hắn càng chủ quan khinh địch, liền ra lệnh vứt bỏ xe chở nặng và để tất cả bộ binh ở lại, dẫn quân tinh nhuệ trang bị nhẹ ngày đêm vượt đường đuổi theo truy kích quân Tề. Tôn Tẫn tính toán hành trình của quân Ngụy, biết rằng tối hôm đó chúng sẽ tới Mã Lăng. Địa thế ở đây hiểm trở, cây rừng rậm rạp, lối đi chật hẹp, ông bố trí một vạn binh sĩ giỏi bắn cung nỏ mai phục sẵn. Tôn Tẫn còn cho khắc lên những thân cây lớn dòng chữ: "Bàng Quyên chết ở đây". Quả nhiên đêm ấy quân của Bàng Quyên tới Mã Lăng. Chờ chúng lọt vào đúng ổ phục kích. Bàng Quyên sai lính đốt đuốc soi cho rõ hàng chữ Tôn Tẫn “tuyên án” mình, gầm lên giận giữ. Đúng lúc ấy hàng vạn mũi tên của quân Tề bắn tới. Quân Ngụy đại loạn liều chết bỏ chạy. Bàng Quyên tự biết "trí cùng, binh bại" không thể thắng nổi Tôn Tẫn liền rút gươm tự sát.

Hoặc trận đánh nổi tiếng dùng "trâu lửa" xuất kỳ chiến thắng của Điền Đan được các nhà binh lược mọi thời đại hết sức ca tụng, coi là mẫu mực của quyền mưu và trí sáng tạo. Điền Đan làm Tướng quốc nước Tề thời Chiến Quốc. Năm 284 trCN nước Yên tấn công đánh nước Tề. Thế giặc như thác lũ khiến quân Tề vô cùng nguy khốn. Hầu hết các thành quận bị quân Yên chiếm, đại quân tinh nhuệ của Tề bị tổn thất nặng nề chỉ còn một bộ phận tàn binh do Điền Đan chỉ huy chạy được tới Tức Mặc cố thủ. Tức Mặc có tường thành kiên cố, lương thảo dự trữ đầy đủ, tuy vậy so với địch tương quan lực lượng quá chênh lệch. Điền Đan hiểu rằng chỉ có thể dùng mưu lược mới không bị tiêu diệt. Một mặt ông kêu gọi quân dân đoàn kết, khích lệ ý chí chiến đấu, dùng kế phản gián khoét sâu mâu thuẫn trong triều đình nước Yên khiến nhà vua nghi ngờ rồi phế truất Nhạc Nghi, một lão tướng lỗi lạc thay thế bằng Kỵ Kiếp một kẻ bất tài thống lĩnh quân đội. Kỵ Kiếp vốn kiêu ngạo, chủ quan cho rằng quân Tề không còn sức chiến đấu nên cắm trại vây thành, buông lỏng kỷ luật, lơ là mất cảnh giác, say sưa chè chén đợi Điền Đan kéo cờ trắng đầu hàng. Điền đan cho rằng thời cơ phản công đã chín. Ông trưng tập mấy ngàn con trâu, trên lưng buộc vải cùng với chất dễ cháy, hai sừng cột chặt binh khí nhọn, sắc, đuôi trâu quấn giẻ đã tẩm ướt dầu mỡ. Đồng thời tuyển chọn năm ngàn binh sĩ khoẻ mạnh, tinh nhuệ, dũng cảm. Một đêm trời đã khuya. Theo hiệu lệnh thống nhất. Lửa đốt lên. Hàng ngàn con trâu bỗng trở thành những cây đuốc lao ra khỏi thành tạo thế trận "hoả ngưu" điên cuồng từ mọi phía xông vào doanh trại quân địch. Bám sát theo "đàn trâu lửa" ấy là những binh sĩ thiện chiến gươm giáo sáng loà tả xung hữu đột. Quân Yên không hề phòng bị kinh hoàng náo loạn, chết như rạ, mất hết tinh thần và khả năng chống cự. Cuộc giao chiến diễn ra rất nhanh và toàn bộ quân Yên bị tiêu diệt. Chủ soái Kỵ Kiếp cũng bị quân của Điền Đan giết chết.

Hai trận chiến trên thực chất là những cuộc đối đầu về trường thể quyền mưu giữa Bàng Quyên và Tôn Tẫn, giữa Điền Đan và Kỵ Kiếp. Kết quả Bàng Quyên và Kỵ Kiếp thảm bại do thấp thua về đẳng cấp trường thể quyền mưu so với Tôn Tẫn và Điền Đan..

- Bản thể quyền mưu: là đẳng cấp, năng lực tư duy và hành động của chủ thể và khách thể quyền mưu trong cuộc đấu tranh giành chiến thắng.

Nhân loại đã xuất hiện những mưu lược gia lỗi lạc và mỗi người có những đặc điểm riêng về bản thể quyền mưu. Khương Tử Nha (đời Chu Văn Vương) lấy duy vật luận và biện chứng pháp làm cơ sở tư duy, lấy lòng dân và yếu tố con người làm nền tảng quyền mưu "nhân bất hiền, bất tài, bất hoà thì không thể lo việc lớn". Tào Quệ (đời Lê Trang Công) đặt chữ "Tín" với dân là hàng đầu. Giữ nước hay dựng nước thoát ly dân đều thất bại. Rất coi trọng sĩ khí. Lâm trận bên nào dũng cảm sẽ thắng. Không phiêu lưu, mạo hiểm. Coi "nhẫn" là sức mạnh, nôn nóng xử lý theo cảm tính sẽ thất bại. Đặc biệt Tôn Tử, bản thể quyền mưu được đúc kết trên cơ sở thống nhất giữa tính quy luật khách quan và tính năng động chủ quan thể hiện rất cô đọng trong mười sáu kế binh pháp nổi tiếng: dấu ý đồ thật đưa ý đồ giả để lừa đối phương; nhằm chỗ yếu của địch mà đánh; mượn tay người khác diệt đối thủ của mình; dùng tĩnh chống động, gần chống xa; chờ địch mệt mỏi mới đánh; biết chớp thời cơ giành thắng lợi; dương đông kích tây để nghi binh; lợi dụng mâu thuẫn kẻ thù để làm chúng suy yếu; nhử địch để "điệu hổ ly sơn"; biết mình biết người trăm trận không thua; bất bại để tất thắng; đánh bằng tâm trước khi đánh bằng quân; đánh vào lòng trước khi đánh vào thành; viễn giao cận công; rung cây dọa khỉ; mỹ nhân kế; khổ nhục kế; gián điệp kế... Hoặc Tôn Tẫn, hậu duệ của Tôn Tử, mưu lược gia lừng danh thời Chiến Quốc. Cơ sở trong tư tưởng quyền mưu của ông trong "Tôn Tử binh pháp" cũng dựa trên sự thống nhất của tính quy luật khách quan với tính năng động sáng tạo chủ quan của con người. Ông đặc biệt nhấn mạnh "Quý thế", "Tri đạo" và "Dụng pháp". "Quý thế" là phải nghiên cứu tình thế chiến tranh lấy đó làm cơ sở quyết định quyền mưu. Phải coi trọng vai trò con người, coi trọng nhân tố chính trị và tinh thần, phải trù bị đầy đủ vật chất, phải có lý do chính đáng để được dân chúng ủng hộ. "Tri đạo" là phải hiểu biết quy luật vận động của chiến tranh. Quy luật chiến tranh cũng như quy luật tự nhiên. Ở đời phàm sự vật gì có thể nhận thức được không thứ nào không chế phục được. Nhận thức và nắm vững quy luật vận động của chiến tranh thì có thể chủ động biến khó thành dễ, biến hung thành cát, biến bại thành thắng. "Dụng pháp" là phải nắm vững phương pháp chiến tranh. Ông cho rằng sự biến hoá tình hình chiến cuộc là vô cùng vô tận và cách đánh thích hợp với mọi tình huống cũng vô cùng vô tận. Đòi hỏi phải luôn chủ động sáng tạo mới giành thắng lợi, thụ động sẽ thất bại... vân... vân... Những tổng kết ấy luôn vô giá cho mọi thời đại, cho những ai quan tâm tới bản thể quyền mưu.

Trong bốn yếu tố đó, bản thể quyền mưu quan trọng hơn cả. Song quyết định thắng bại nhiều khi lại phụ thuộc ở chủ thể quyền mưu. Chiến tranh Ngô - Việt thời Xuân Thu là một điển hình. Đó là cuộc đối đầu giữa Việt vương Câu Tiễn có Phạm Lãi mưu thần và Ngô vương Phù Sai do Ngũ Viên phò tá. Năm 497 trCN Câu Tiễn chủ trương xuất quân đánh Ngô. Phạm Lãi can ngăn, cho rằng thời cơ chưa chín. Nhưng Câu Tiễn không nghe. Kết cục đại bại trong trận Phù Tiêu. Quân Việt bị dồn vào thế tuyệt vọng. Câu Tiễn hối hận đã không nghe Phạm Lãi và hỏi ông: "Bây giờ phải làm sao đây?". Phạm Lãi đáp: "Chỉ một cách là cầu hoà". Câu Tiễn cử Văn Chủng sang Ngô thương thuyết. Mưu thần Ngũ Viên kiên quyết chủ trương tiêu diệt nước Việt, nhưng Phù Sai không nghe, chấp nhận cầu hoà buộc nước Việt phải cống nạp rất nặng và bắt Việt vương Câu Tiễn cùng Phạm Lãi phải sang sống như nô lệ ở nước Ngô làm con tin. Phạm Lãi khuyên Câu Tiễn "nhẫn" chịu "khổ nhục" để tính "kế" lâu dài. Ba năm sau Phù Sai cho rằng Câu Tiễn và Phạm Lãi đã hoàn toàn thối chí nên thả về nước. Câu Tiễn nghe Phạm Lãi, một mặt vẫn cống nạp đầy đủ, nhún nhường giả vờ thần phục Ngô vương, song bí mật chấn hưng đất nước, củng cố quân đội. Đồng thời dùng nhiều cách khoét sâu mâu thuẫn nội bộ triều Ngô làm Ngô suy yếu và bằng chính sách ngoại giao với các nước khác cô lập nước Ngô. Mưu thần Ngũ Viên thấy rõ mối đe dọa này liền lập kế hoạch tấn công nước Việt. Câu Tiễn muốn xuất binh nghênh chiến, nhưng Phạm Lãi can ngăn bởi thực lực Việt so với Ngô còn yếu không thể chống chọi được ông kiến nghị sai sứ cầu hoà. Câu Tiễn nghe theo. Ngô vương Phù Sai vốn coi thường nước Việt, mặt khác rất muốn tập trung binh lực đánh Trung Nguyên nên chấp nhận, mặc dầu Ngũ Viên tìm mọi cách vạch trần mưu đồ của nước Việt khuyên Phù Sai phải “diệt ngay nước Việt mới trừ được mối họa trong tâm trong bụng”. Nhưng Phù Sai vẫn không nghe. Nước Việt lại có thêm thời gian để củng cố tăng cường binh lực. Năm 482 trCN Phù Sai dẫn đại binh tinh nhuệ đi Hoàng Trì chỉ để lại Thái tử Hữu còn trẻ và các binh lính già yếu ở lại giữ Cô Tô. Quân Ngô xuất phát không lâu, Câu Tiễn định khởi binh đánh Ngô, nhưng Phạm Lãi khuyên: đợi Phù Sai tới Hoàng Trì cách xa nước Ngô mới tổ chức tấn công. Câu Tiễn nghe theo. Chỉ mười mấy ngày quân Việt đã chiếm Cô Tô bắt sống Thái tử Hữu. Trước tình thế ấy buộc Ngô vương Phù Sai phải cầu hoà. Phạm Lãi thấy rằng quân chủ lực của Ngô còn rất mạnh chưa bị tổn thất nên kiến nghị với Việt vương Câu Tiễn cho hoà. Cả hai cùng tận dụng thời gian tăng cường lực lượng. Năm 478 trCN nước Ngô lâm cảnh thiên tai hạn hán rất nặng, kho tàng trống rỗng, dân tình đói khổ, Phạm Lãi thấy thời cơ đến đề xuất tấn công. Câu Tiễn đồng ý. Quân Ngô đại bại. Quân Việt chiến thắng, tiến thẳng chiếm Cô Tô. Phù Sai lại xin cầu hoà. Câu Tiễn lưỡng lự. Phạm Lãi kiên quyết không hoà. Câu Tiễn nghe theo, xuất binh phản công. Phù Sai tuyệt vọng tự sát. Nước Ngô hoàn toàn thất bại.

Mấu chốt cuộc chiến tranh Ngô - Việt là tư tưởng chiến lược của hai mưu thần Phạm Lãi và Ngũ Viên. Bản thể quyền mưu hai người này đều cân sức cân tài khó phân hơn kém. Song sự thắng bại lại phụ thuộc ở đẳng cấp quyền mưu của hai chủ thể quyền mưu là Việt vương Câu Tiễn và Ngô vương Phù Sai. Họ giống nhau là đều không thuộc loại hùng tài đại lược. Nhưng khác nhau ở thái độ đối với mưu thần. Câu Tiễn khiêm tốn biết nghe Phạm Lãi nên thắng. Phù Sai do kiêu ngạo, tự phụ bỏ ngoài tai mọi can gián của Ngũ Viên mà chuốc thảm bại.

Mới biết người đứng đầu với tư cách chủ thể quyền mưu có vai trò quyết định thế nào.

Phương tiện thực hiện quyền mưu: Ngôn ngữ và hành vi.

Phương thức thực hiện quyền mưu:

- Dùng ngôn ngữ.

- Dùng hành vi.

- Kết hợp cả ngôn ngữ và hành vi.

Năm 1812, Hoàng đế Napoleon kéo 60 vạn quân tràn vào nước Nga thế mạnh như vũ bão, trong khi quân Nga dưới sự chỉ huy của thống soái Cutudop chỉ có 21 vạn binh sĩ. Từ thủ đô Xanh Petecbua, Nga hoàng Alexsandre đệ nhất lệnh cho Cutudop phải bảo toàn quân đội và giữ bằng được Maxcova. Đối đầu với kẻ thù mạnh hơn hẳn mình lúc này sẽ mất quân đội. Quân đội mất thì Maxcova cũng mất. "Không cho địch thắng để đợi thời cơ thắng địch". Mất Maxcova nhưng không mất nước Nga. Cutudop đã vận dụng "Binh phápTôn Tử" "Tướng tại ngoại quân mệnh hữu sở bất thụ” (Tướng ngoài mặt trận có thể bất tuân lệnh vua). Ông chỉ tổ chức trận đánh lớn tại Borodino (7-9-1812) gây tổn thất nặng nề cho đối phương rồi bí mật đưa đại quân rút lui để bảo toàn lực lượng. Đồng thời sơ tán hết dân, bỏ ngỏ và đốt cháy thành Maxcova. Ngày 15-9-1812 Napoleon chiếm thành phố không người, không lương thực, thực phẩm, không chất đốt, không lửa, không nước... cũng không biết quân chủ lực của Nga ở đâu để tấn công. Mùa đông ập đến, tuyết phủ dầy khắp nơi. Giá lạnh khủng khiếp. Quân sĩ đói rét phải ăn cả thịt ngựa chiến. Dịch bệnh lan tràn. Napoleon biết đã mắc mưu Cutudop liền vội vã tổ chức tháo chạy. Đến tháng 12 - 1812 hầu hết đại binh của Napoleon bị tiêu diệt. Vị Hoàng đế lừng lẫy danh tiếng ấy buộc phải tuyên bố thất bại. Mộng bá vương làm chủ thế giới của ông ta tan tành mây khói.

Đây là cuộc đấu về quyền mưu của hai danh tướng lỗi lạc thế giới. Chủ thể quyền mưu là Napoleon và khách thể quyền mưu là Cutudop. Kết quả Napoleon đại bại. Vì sao? Vì:

Mục đích quyền mưu của Napoleon là phi nghĩa.

Mục đích quyền mưu của Cutudop là chính nghĩa.

Cả hai cùng triệt để sử dụng phương tiệnphương thức để thực hiện quyền mưu: ngôn ngữ, hành vi và kết hợp cả ngôn ngữ và hành vi. Napoleon khích lệ quân sĩ xông lên bằng những khẩu hiệu huênh hoang. Nhưng vì bản chất cuộc chiến tranh xâm lược do ông ta phát động là phi nghĩa nên ngôn từ có hùng hồn đến đâu cũng không thuyết phục được khối óc, trái tim binh lính. Bởi thế chủ yếu ông ta phải dùng mệnh lệnh và kỷ luật quân sự. Lý tưởng chiến đấu không có thì dù tổ chức có chặt chẽ đến đâu cũng chẳng thể tạo ra sức mạnh. Cho nên quân số gấp ba lần đối phương, được trang bị đầy đủ mà vẫn bị thất bại.

Quân Nga do Cutudop chỉ huy thì khác. Tướng sĩ đoàn kết gắn bó trên cơ sở lý tưởng cao đẹp, chiến đấu vì chính nghĩa, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Lòng yêu nước của cả dân tộc được phát động làm hậu thuẫn tạo thành sức mạnh phi thường. Cho nên quân số chỉ bằng một phần ba, trang bị thô sơ mà vẫn chiến thắng.

Đó là Cutudop đã chiến thắng Napoleon bằng mục đích quyền mưu và tài tình kết hợp cả phương tiệnphương thức thực hiện quyền mưu.

Cả hai đối thủ cùng triệt để tận dụng những yếu tố thuận lợi của trường thể quyền mưu nhằm thực hiện mục đích của mình. Napoleon dựa vào sức mạnh quân sự áp đảo đối phương tiến nhanh, đánh nhanh quyết giành thế chủ động chiến trường hòng đè bẹp quân Nga trong thời gian ngắn. Nhưng ông ta đã phạm sai lầm lớn là đánh giá thấp đối phương, đặc biệt Cutudop, một thiên tài quân sự, dày dạn kinh nghiệm đã từng nổi tiếng qua nhiều trận thắng lừng lẫy như công phá pháo đài Izmail, chiến dịch lớn ở Matsin, Slobozia... Napoleon cũng không đánh giá hết lòng yêu nước nồng nàn, sức mạnh vĩ đại của nhân dân Nga và sự thần thông biến hoá khôn lường của chiến tranh du kích do người Nga thực hiện. Đặc biệt ông ta càng không lường tới yếu tố bất lợi về thời tiết khắc nghiệt ở Nga.

Cutudop khác. Ông đánh giá đúng sức mạnh quân sự của đối phương hơn hẳn mình nên khôn khéo tránh không đối đầu. Sau trận Borodino mang ý nghĩa chiến thuật ông cho đại binh bí mật rút lui nhằm bảo toàn lực lượng thực hiện "bất bại đợi thời cơ giành tất thắng" (Tôn Tử). Ông kêu gọi lòng yêu nước chống xâm lược của toàn dân tộc. Ông phát động chiến tranh nhân dân bắt kẻ địch phải bị động đánh theo cách đánh của ông. Ông tận dụng thời tiết khắc nghiệt mùa đông thực hiện "vườn không, nhà trống" nhử địch vào Maxcova đã bỏ hoang dồn chúng vào thế hoàn toàn khó khăn, tuyệt vọng buộc Napoleon phải tháo chạy.

Đó là Cutudop đã thắng Napoleon về trường thể quyền mưubản thể quyền mưu.

Chiến tranh Nga - Pháp năm 1812 Cutudop thắng Napoleon bởi đẳng cấp quyền mưu ông hơn hẳn đối phương.

5. Hình thức quyền mưu.

Gồm: mẹo, mưu, thủ đoạnkết hợp các hình thức ấy.

Mẹo: là khả năng ứng xử, đối phó kịp thời nhằm đạt mục đích tốt nhất và nhanh nhất.

Thời Chiến Quốc, Ngũ Tử Tư bị vua nước Sở truy sát. Cáo trạng và hình ông dán khắp nơi. Khi chạy đến biên giới nước Ngô ông bị bắt. Viên quan coi cửa ải đích thân áp giải Ngũ Tử Tư về triều. Để thoát thân, Ngũ Tử Tư liền nghĩ ra một mẹo. Ông hỏi: "Ngươi có biết vì sao nhà vua truy sát ta không?". "Thông cáo viết ông âm mưu làm phản". Ngũ Tử Tư lắc đầu: "Không phải. Vì nhà vua muốn đoạt viên ngọc quý gia truyền của ta. Nhưng rất tiếc viên ngọc đó ta đã đánh mất trên đường chạy trốn. Nếu ngươi bắt ta nộp nhà vua, ta sẽ tâu, trước khi vào thành ngươi cướp ngọc quý của ta nuốt vào bụng. Chắc chắn nhà vua sẽ cho người mổ bụng ngươi ngay để lấy ngọc. Chi bằng...”. Sợ toát mồ hôi, tên quan tháo gông cho Ngũ Tử Tư, tự đánh thâm tím mặt mũi rồi hối thúc ông chạy sang nước Ngô.

Cũng thời Chiến Quốc, Tô Tần mưu lược gia nổi tiếng, tác giả "Kế hợp tung" chủ trương liên minh sáu nước chống Tần, có nhiều công lớn được vua Tề rất tin cậy trọng dụng. Cũng chính vì thế mà ông bị bọn gian thần ghen ghét đố kỵ và có kẻ đã hãm hại ông. Vua Tề giận lắm rất muốn tìm ra thủ phạm. Biết không thể qua khỏi, trước lúc lâm chung Tô Tần nói với vua Tề: "Đại vương hãy ra thông cáo kể mấy tội của hạ thần và kêu gọi ai có công giết Tô Tần đến nhận ban thưởng". Quả nhiên bằng mẹo ấy thủ phạm háo hức tới "nhận thưởng" liền bị bắt và bị xử tử.

Quách Tử Nghi có nhiều công lớn, đặc biệt dẹp "loạn An Lộc Sơn" được vua Đường Đại Tông phong Tể tướng, rất quý trọng và gả công chúa Thăng Bình cho Quách Noãn là con trai Tử Nghi.

Nhân mừng thọ cha, Quách Noãn cùng vợ về làm lễ. Nhưng Thăng Bình cậy là công chúa không chịu quỳ lạy bố chồng khiến Quách Noãn vô cùng phẫn nộ. Họ cãi nhau. Quách Noãn nói rằng bất hiếu với bố chồng thì Thăng Bình chỉ là đồ bỏ đi. Rằng sở dĩ Hoàng đế có được thiên hạ là nhờ Quách Tử Nghi. Rằng... Do nóng nảy không kiềm chế được Quách Noãn can tội phạm thượng, theo luật phải chu di tam tộc. Công chúa chạy về Hoàng cung tâu với vua. Quách Tử Nghi sợ toát mồ hôi. Làm sao cứu được ba họ đây? Trong đầu bỗng nảy ra một mẹo. Lập tức ông sai trói Quách Noãn rồi đích thân áp giải con vào cung, khấu đầu xin nhà vua trừng trị tội không biết dạy con. Cảm động trước tấm lòng chân thành của vị lão tướng. Hơn nữa Quách Noãn dù sao cũng là phò mã. Vả lại, tính kiêu ngạo của công chúa Thăng Bình ai cũng biết, nhà vua đỡ Tử Nghi dậy, cười nói: "Vợ chồng trẻ chúng nó cãi nhau là chuyện thường. Mình già rồi chấp làm gì. Lời bọn trẻ ở khuê phòng ta coi như không biết là được". Quách Tử Nghi rạp mình cám ơn Hoàng đế.

Dưới triều Minh, đời vua Thế Tông, Hải Thụy là vị quan nổi tiếng cương trực. Hồ Tôn Hiến là Tổng đốc có chỗ dựa là Tể tướng Nghiêm Trung nên rất lộng hành ức hiếp lương dân. Con trai hắn là Hồ Công Tử cậy thế bố vô cùng tàn bạo. Hải Thụy giận lắm. Một hôm Hồ Công Tử đi qua Thuận An. Trạm dịch không bày tiệc khoản đãi. Hồ Công Tử bèn sai tay chân treo ngược quan trạm lên đánh đòn rất đau, rồi có gì quý giá vơ vét hết. Được tin Hải Thụy liền nghĩ ra một mẹo. Ông sai lính bắt trói Hồ Công Tử và bọn lâu la đánh cho thê thảm, rồi viết bức thư gửi cùng người và tang vật tới phủ Hồ Tôn Hiến. Thư viết rằng có một tên côn đồ dám mạo danh Hồ Công Tử cùng lũ tay sai vô cớ đánh quan trạm, cướp của, nay giải đến để quý phủ trị tội. Hồ Tôn Hiến biết Hải Thụy cố ý xỉ nhục cha con hắn, uất lắm mà không làm gì được đành nuốt bồ hòn làm ngọt.

Yến Tử, Tể tướng nước Tề phụng mệnh đi sứ nước Sở. Người nước Sở thấy ông nhỏ bé, tướng mạo quê mùa định làm nhục ông và cũng là làm nhục nước Tề. Bên cạnh cửa lớn đóng chặt họ xây thêm một cửa nhỏ cử mấy viên quan đứng đấy nghênh tiếp. Yến Tử không đi qua, nói: "Chỉ có người đi sứ nước chó mới qua cửa dành cho chó chui lọt này. Còn ta đi sứ nước Sở chứ đâu phải nước chó". Biết không thể đối phó, họ đành phải mở cổng lớn mời ông qua. Khi vào gặp Sở Vương, Sở Vương nói: "Nước Tề không chọn được ai khác đi sứ hay sao?". Ý muốn nói sao lại chọn người còi cọc như Yến Tử. Yến Tử dõng dạc đáp: "Nước Tề chúng tôi cử sứ giả đi là có phân biệt. Người đức tài đi đến nước có đức tài. Người không đức tài đi đến nước không có đức tài. Thần tài hèn đức mọn nên đi sứ nước Sở". Sở Vương và các đại thần đều im lặng cúi đầu.

Nhờ mẹo mà Ngũ Tử Tư thoát chết, Tô Tần trả thù được kẻ đã ám hại mình, Quách Tử Nghi cứu được ba họ khỏi chu di, Hải Thụy dạy cho cha con Hồ Tôn Hiến bài học nhớ đời và Yến Tử không để vua quan nước Sở hạ nhục được mình, mà trái lại.

Mưu: phương thức quyền mưu tổng hợp ở trình độ cao, mục đích lớn, phạm vi rộng, ảnh hưởng sâu và không nhất thiết đạt kết quả ngay. Có hai loại chủ yếu: mưu lượcmưu kế.

Mưu lược: nhằm thực hiện mục đích chiến lược, lâu dài.

Mưu kế: là kèm cả kế sách hoặc kế hoạch thực hiện.

Thời Chiến Quốc, Tư Mã Hy làm Tướng quốc nước Trung Sơn, túc trí đa mưu rất được vua tin dùng. Nhưng người thiếp mà vua sủng ái lại không ưa ông, luôn rỉ tai vua mọi lời gièm pha. Để lâu bất lợi. Làm sao giữ được mình, bình yên xã tắc, mà không gieo thù gây oán cho ai? Sau nhiều đêm suy nghĩ Tư Mã Hy đã có được mưu kế. Nhân một buổi tiệc vui, ông mời nhiều quan khách tới dự, trong đó có sứ giả nước Triệu. Triệu là quốc gia lớn, lâu nay Trung Sơn phải triều cống. Sứ giả nước Triệu say mê ngắm các vũ nữ múa không ngớt khen ngợi. Tư Mã Hy thì thầm "khoe": Trung Sơn có một mỹ nhân tên là Âm Giản hiện là tỳ thiếp của vua, sắc đẹp nghiêng thành, ca múa tuyệt hảo... Trúng "kế" của Tư Mã Hy, sứ giả về tâu với vua Triệu. Vốn háo sắc, vua Triệu liền cho sứ giả đưa văn thư sang yêu cầu vua Trung Sơn cho "mượn" nàng Âm Giản. Vua Trung Sơn tiến thoái lưỡng nan. Để Âm Giản đi thì mất, thì tiếc, mà không cho vua Triệu “mượn” thì khó tránh khỏi nạn binh đao. Họp triều thần không ai nghĩ ra được đối sách gì khiến nhà vua vô cùng hoang mang lo lắng. Theo mưu đã tính, Tư Mã Hy xin gặp riêng vua hiến kế: khuyên Bệ hạ phong ngay Âm Giản làm Vuơng hậu. Âm Giản làm Vương hậu rồi thì phép bang giao khiến Triệu vương không thể "mượn", Bệ hạ sẽ từ chối được. Nhà vua cho là phải, liền lấy cớ tránh xung đột với nước Triệu giữ yên trăm họ để vận động đương kim Hoàng hậu hãy vì giang sơn xã tắc mà từ ngôi, nhường cho Âm Giản và triều thần cũng vì lẽ đó mà một lòng tuân thủ. Ngoài nhà vua và Âm Giản không ai biết đó là mưu kế của Tư Mã Hy. Bởi thế ông tránh được thù oán, hiềm khích, vua lại càng tin dùng. Còn Âm Giản thì vô cùng ân hận về những lời gièm pha của mình trước đây đối với Tư Mã Hy, hết lòng ngưỡng mộ và biết ơn ông.

Đời Minh Thành Tổ (triều Minh) có ba quan đại triều trung thần là Dương Vinh, Dương Sĩ Kỳ và Dương Phổ. Dương Vinh trí tuệ hơn người, nhiều mưu kế, giỏi quyết đoán. Cả ba rất được Thái hậu tin. Khi ấy vua còn là ấu chúa do tên hoạn quan Vương Chấn phò tá. Hắn là tên gian thần đầy tham vọng và nhiều thủ đoạn. Đối thủ ngăn cản Vương Chấn và phe cánh của hắn là ba vị quan họ Dương. Bởi thế hắn luôn tìm cách loại bỏ. Một hôm Vương Chấn gặp Dương Sĩ Kỳ ngỏ ý thăm dò: "Công việc triều đình đều dựa vào ba vị tiên sinh. Nay ba vị đều tuổi cao sức yếu, rồi đây không biết sẽ thế nào?". Ý bóng gió của Vương Chấn là ba vị hạ đài đi. Dương Sĩ Kỳ vốn bộc trực nói luôn: "Lão thần còn tận tụy đến khi chết". Vương Chấn cười nhạt. Hắn lại đến gặp Dương Vinh nói đại ý như đã nói với Dương Sĩ Kỳ. Dương Vinh cười đáp: "Sĩ Kỳ đại nhân nói vui vậy thôi, chứ lớp người chúng ta già rồi, không còn mấy sức lực nữa, rất cần rời vũ đài và chọn người phụng sự Hoàng đế". Vương Chấn gật gù: "Đại nhân nghĩ thế là phải lắm". Hắn tỏ ra đắc ý. Hôm sau Dương Vinh gặp Dương Sĩ Kỳ và Dương Phổ giải thích rõ ý của mình rằng: "Bè lũ Vương Chấn rất hận "tam Dương" chúng ta. Trước sau chúng cũng bày mưu lật đổ hoặc hãm hại. Còn chúng ta thực sự tuổi đã cao, sức đã yếu không thể kéo dài mãi việc phò tá xã tắc được, trước sau cũng phải giao lại cho lớp trẻ. Lúc này nếu ta không lựa chọn ngay những người tin cậy, khi hết thời cơ, bè lũ Vương Chấn đưa người của chúng vào thì quốc gia đại loạn. Tới lúc đó "tam Dương" chúng ta chỉ còn biết bó tay chịu trói, chờ chết thôi". Hai vị Dương Sĩ Kỳ và Dương Phổ đều cho là phải. Họ thống nhất chọn ba quan trung thần còn trẻ là Tào Nại, Miêu Trung và Trần Tuần. Cả ba đều đã trải qua thử thách rèn luyện có thể đương đầu với bọn Vương Chấn. Ba vị cùng dâng sớ lên Thái hậu và được Thái hậu chuẩn y.

Mưu kế ấy là đòn bất ngờ giáng thẳng vào bè lũ Vương Chấn. Thất bại mà chúng phải chịu.

Năm 14 tuổi, Khang Hy tỏ ra người có tư chất, trực tiếp điều hành triều chính. Ngao Bái lần lữa không chịu giao đại quyền, thậm chí lên triều hắn mặc Hoàng bào để tỏ rõ uy thế và đối lập với mọi người. Khang Hy nhỏ tuổi nhưng thông minh, chí lớn. Ông lập mưu kế giết Ngao Bái trừ hậu họa. Nhà vua tìm chọn mấy chục thiếu niên vào cung ngày đêm luyện tập võ nghệ và vui chơi. Ngao Bái không để tâm, cho rằng vua còn trẻ con nên thích trẻ con vào cho có bạn mà thôi và càng tỏ ra coi thường Hoàng đế.

Một hôm Ngao Bái vào cung. Khang Hy cười đùa vui vẻ, rồi hô một tiếng, tất cả những "võ sĩ tý hon" quây lại, đè Ngao Bái xuống, trói chặt. Ngao Bái tưởng Hoàng đế đùa với hắn nên cũng cười vui vẻ không phản ứng gì. Đến khi Hoàng đế cho triệu các đại thần vào công bố tội trạng của Ngao Bái rồi nhốt ngục tử tù bấy giờ hắn mới bừng tỉnh thì đã muộn.

Lưu Bang khi còn trẻ hàn vi lêu lổng, trên ba mươi tuổi mới làm chức quan nhỏ là Đình trưởng phụ trách dẫn một số phạm nhân tới Thiểm Tây xây mộ Tần Thuỷ Hoàng. Không chịu nổi ngược đãi nhiều người bỏ trốn. Sợ mắc tội chết, Lưu Bang tha cho tù nhân tự do bỏ đi, còn mình cũng sẽ liệu nơi ẩn náu. Mấy người tâm phúc xin theo. Họ uống rượu, ăn thề rồi tìm đường về hướng Đại Hồ. Một người đi trước thăm dò, quay về nói có một con rắn trắng nằm ngang đường, phải đi lối khác thôi. Đang ngà ngà say, Lưu Bang xách kiếm đi. Lát sau về nói đã chặt rắn trắng làm đôi vứt xuống khe núi rồi. Thế là tất cả kéo nhau đi.

Mấy ngày sau xôn xao tin đồn rằng có một bà lão đến chỗ ấy khóc. Hỏi sao khóc? Bà lão nói: "Con trai tôi là hậu duệ của Bạch Đế hoá thành rắn trắng nằm ngang đường bị con trai của Rồng Xích Đế chém chết". Câu chuyện cứ thế được đồn thổi và Lưu Bang bỗng nhiên trở thành "Chân Long Thiên tử" con Rồng, được huyền thoại hoá như "người nhà Trời". Bởi thế khi ông phất cờ tụ nghĩa trai tráng khắp thiên hạ ùn ùn kéo đến đầu quân. Không ai biết chuyện rắn trắng, chuyện bà lão khóc con có thật, hay đó chỉ là mưu lược của Lưu Bang?

Ở nước ta năm 1418 Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh có mưu lược gia Nguyễn Trãi phò tá. Nguyễn Trãi lấy mỡ viết vào lá cây tám chữ: "Lê Lợi vi quân. Nguyễn Trãi vi thần" rải dọc ven suối. Kiến bâu vào ăn mỡ, đục thủng lá cây theo nét chữ. Trời mưa cuốn những lá cây mang dòng chữ «sấm truyền» ấy đi khắp thiên hạ. Dân chúng coi đây là mệnh Trời, trai tráng kéo đến Lam Sơn tụ nghĩa ngày càng đông.

Nhờ mưu (cả mưu kếmưu lược) mà Tư Mã Hy bảo vệ được mình, giữ yên xã tắc, Dương Vinh phá tan ý đồ thâm độc của bè lũ Vương Chấn, Khang Hy diệt được tên đại gian thần Ngao Bái, Lưu Bang, Lê Lợi thâu phục được lòng dân thành công đại nghiệp.

Thủ đoạn: là phương thức sảo trá, bịp bợm, nham hiểm, bất chấp đạo lý nhằm thực hiện mục đích ích kỷ, phi nghĩa, thường thích ứng với những kẻ tà tâm, bản chất gian hùng đạo tặc.

Thời Chiến Quốc nước Ngụy có Phạm Thư, thông minh, chí lớn, đọc nhiều, hiểu rộng, thiên văn địa lý, binh thư chiến sách, kinh dịch, bát quái không gì không nghiên cứu, nhưng nhà nghèo phải làm môn khách (giúp việc) cho quan đại phu Tu Giả. Có lần Tu Giả sang Tề cho Phạm Thư theo. Nhờ phong độ và tài hùng biện Phạm Thư rất được Tề Vương quý trọng, tặng nhiều vật quý và muốn giữ Phạm Thư lại bổ nhiệm làm quan to, nhưng Phạm Thư từ chối. Về nước, Tu Giả ghen ghét đố kỵ đã dùng thủ đoạn xấu xa bẩm báo ngay với Ngụy Vương vu cáo Phạm Thư nhận hối lộ và thông đồng với ngoại bang mưu làm phản. Ngụy Vương tức giận sai đánh Phạm Thư gãy xương sừơn, bẻ hết răng, bó vào chiếu ném xuống thùng phân.

Thời Tam Quốc, Tào Tháo một lần đem quân đi đánh trận, thời gian phải kéo dài trong khi lương thực đã cạn. Nếu chuyện này binh sĩ biết sẽ hoang mang bỏ trốn. Vương Cấu đảm trách hậu cần rất lo lắng tấu trình Tào Tháo. Tháo bảo Vương Cấu dùng đấu nhỏ thay đấu lớn để phân chia. Cấu nói: "Nếu binh sĩ biết được họ sẽ giết tôi". Tào Tháo đáp: "Cứ theo lệnh thi hành.Trách nhiệm ta gánh". Cấu làm theo. Quả nhiên việc vỡ lở, quân sĩ căm phẫn kéo đến dinh Tào Tháo. Tháo cho triệu Vương Cấu tới: "Ngươi một lòng phò ta, ta biết. Nay để yên lòng quân sĩ ta mượn của ngươi một thứ". "Thừa tướng muốn mượn thứ gì của tôi ạ?". "Thủ cấp của ngươi". Rồi không để Cấu nói thêm, Tháo gọi lính chặt đầu Vương Cấu bêu trên cọc, dưới dán tờ thông cáo: "Vương Cấu cố tình làm đấu nhỏ ăn bớt lương thực. Theo quân pháp xử chém". Quân sĩ tiêu tan nỗi bất bình, nhiều người còn hối hận vì đã hiểu lầm Thừa tướng.

Bằng thủ đoạn đê tiện Tu Giả và Tào Tháo đã sát hại cả những người tâm phúc vì quyền lợi ích kỷ của mình.

Phân tích để thấy từng khái niệm là thế, nhưng thực tế cuộc sống đòi hỏi người ta phải biết vận dụng, kết hợp một cách đúng đắn, sáng tạo các loại hình thức quyền mưu để đạt hiệu quả cao nhất.

*
* *

Nền văn minh Trung Hoa hơn 5000 năm cực kỳ rực rỡ. Trong nền văn minh vĩ đại ấy đặc biệt có dòng "Văn hoá mưu lược", sản sinh ra các bậc đế vương tinh bang tế thế như: Tần Thuỷ Hoàng, Lưu Bang, Hán Võ Đế, Đường Thái Tông, Võ Tắc Thiên, Triệu Khuông Dẫn, Hốt Tất Liệt, Chu Nguyên Chương, Khang Hy, Càn Long… Cùng các nhà đại mưu lược như: Khương Tử Nha, Y Zoãn, Thương Ưởng, Quản Trọng, Lý Tư, Ngũ Tử Tư, Tiêu Hà, Trương Lương, Hàn Tín, Phạm Tăng, Gia Cát Lượng… và các nhà binh pháp lỗi lạc như: Tư Mã Tương Như, Tôn Tử, Tôn Tẫn… Người Trung Quốc coi lý luận về quyền lực và quyền mưu là một ngành khoa học và chuyên sâu nghiên cứu từ thời nhà Tần. Dòng văn hoá mưu lược bao trùm mọi lĩnh vực: quân sự, chính trị, ngoại giao, bang thương... Đặc biệt khoa học "quyền mưu" vô cùng quan trọng, bởi nó liên quan và chi phối tới các loại mưu lược khác. "Quyền mưu" là nội dung cơ bản về quyền lực.

Ý nghĩa và vai trò của khoa học về "Quyền lực và quyền mưu" là thế, bởi vậy rất cần được nhận thức đúng, được đầu tư xứng đáng, được nghiên cứu nghiêm túc, đầy đủ và sâu sắc, nhất là những ai có liên quan hoặc đang nắm trong tay đầy quyền lực. Có quyền lực phải có quyền mưu, nếu không chẳng khác "Kỵ sĩ mù cưỡi ngựa mù" không những làm hỏng sự nghiệp của mình mà còn phá tan đại nghiệp quốc gia mà nhà đại mưu lược Tôn Tẫn đã cảnh báo từ mấy nghìn năm trước.