Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHÚNG TÔI KHÔNG THỂ CHẾT

Đắc Trung
Thứ tư ngày 17 tháng 2 năm 2021 6:33 PM




(Ghi tại mặt trận theo lời kể của NÔNG VĂN (THANH) PHIAO trong cuộc chiến chống giặc Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc 17-2- 1979 trong pháo đài Đồng Đăng) *

Cách Hữu Nghị quan khoảng 3 cây số có một pháo đài rất kiên cố. Tường dày 2m, 3 tầng, mỗi tầng ngăn thành 4 ô vuông thông nhau. Đó là công trình quân sự bằng bê tông cốt thép. Toàn bộ pháo đài đặt sâu trong lòng đất trên đồi cao. Nhìn từ xa chỉ thấy cây cỏ bao phủ. Đến tận nơi mới phát hiện hai cửa hầm. Vị trí phòng ngự này rất quan trọng bởi nó án ngữ đầu mối giao thông cả đường bộ và đường sắt chạy sang Trung Quốc. Tầng thứ nhất do 2 tiểu đội thuộc F3 chốt giữ và tầng thứ 2 do Đồn công an vũ trang C5 chúng tôi đảm nhiệm.

5h30 ngày 17-2-1979, pháo các cỡ đặt từ đất Trung Quốc điên cuồng nã đạn sang pháo đài và nhiều nơi thuộc khu vực đồn chúng tôi phụ trách. Lập tức cả đơn vị triển khai đội hình chiến đấu. 7 giờ, bọn xâm lược tập trung 1 sư đoàn có xe tăng dẫn đầu hùng hổ vượt qua mốc 16 tràn vào lãnh thổ nước ta. Chúng chia làm 2 mũi. Mũi thứ nhất có 6 xe tăng thọc sâu tấn công từ bên trái và phía sau. Mũi thứ 2 theo đường 1B đánh vào bên phải. Xe tăng tiến tới đâu, bộ binh đông như kiến tiến theo tới đấy. Đương đầu với đội quân khổng lồ ấy chúng tôi chỉ có ngót 100 tay súng. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Bọn xâm lược quyết chiếm pháo đài nhưng lần nào cũng bị chúng tôi đánh bật. Suốt từ sáng sớm ngày 17-2 đến hết ngày 22-2, địch không thể nào xoay chuyển được tình thế. 6 ngày đêm đánh nhau liên tục, khắp nơi ngổn ngang xác giặc, mặt đất bị cày xới, khói bụi mù mịt. Mùi khét của thuốc đạn, của nhà cửa và cây cối cháy, mùi hôi thối tanh tưởi của xác chết xông lên rất khó chịu.

Sáng sớm ngày 23-2-1979, địch tăng cường xe tăng và quân tiếp viện. Sau gần 1 giờ tập trung nhiều cỡ pháo nã đạn cấp tập xuống pháo đài và trận địa, từng đoàn xe tăng và nấp sau là bộ binh địch ào ạt tràn lên theo tiếng kèn trận hối hả và dưới sự thúc ép của những tên chỉ huy tàn ác, hèn nhát đứng ở phía sau sẵn sàng bắn chết bất kì tên lính nào chậm chạp. Suốt tuần lễ chiến đấu ở tình thế bất lợi, chúng tôi vẫn rất vững vàng đợi địch đến thật gần mới nổ súng. Cánh trái chỉ còn tôi, Bái, Kết và Phong. Chiến hào bị đạn xuyên từ xe tăng phá hủy, nhiều đoạn đất đá lấp đầy. Trước mặt, cách tôi độ trăm mét, một chiếc tăng bò lên. Tới gần mô đá nó chững lại. Nắp xe bật mở, một tên chui ra đứng bên tháp pháo vung tay hò hét kêu gào bọn bộ binh xung phong. Rê nòng khẩu trung liên, lấy điểm xạ thật chính xác, tôi xiết cò. Tên chỉ huy hung hãn lộn cổ xuống. Nòng pháo trên xe xoay về phía tôi. Tôi luồn hào di chuyển rồi tới tấp nã đạn vào bọn bộ binh cùng với AK và thủ pháo của Bái, Kết, Phong. Địch chết nằm la liệt. Những tên đi sau vẫn bị chỉ huy thúc ép đạp qua xác đồng bọn xông lên. Một quả pháo nổ giữa đội hình, cả 3 đồng chí Kết, Phong, Bái đều bị thương. Tôi chưa kịp nhào tới cứu thì 2 quả pháo khác lại nổ trúng chỗ đó. Đất đá tung lên phủ kín. Khói vừa tan đã thấy 5 tên giặc nhảy vào chiến hào cách tôi 3, 4m. Không cần ngắm, tôi kẹp trung liên vào nách xiết cò. Tất cả chết tại chỗ. Xung quanh địch tràn lên đông như kiến. Chúng đã chiếm được nóc pháo đài, đặt đại liên quay về phía tôi. Hết đạn, còn quả thủ pháo cuối cùng cầm trong tay, nếu chúng xông đến, tôi sẽ giật chốt an toàn và ít ra cũng dăm bảy thằng cũng phải chết. Tôi là người cuối cùng vào được đường hầm an toàn. Địch chiếm pháo đài, lúc đó khoảng hơn 5 giờ chiều. Đường hầm tối quá, không nhìn thấy gì, 2 đồng chí đã vào trước ôm lấy tôi, sờ khắp người không thấy bị thương vội kéo đi. Mới bước được mấy mét địch đã xông tới cửa nhưng không đứa nào dám vào, chỉ quăng lựu đạn và xả súng máy bắn xuống. Lực lượng ta còn rất ít. Trong pháo đài ngoài chúng tôi còn khoảng 50 đồng bào. Hầu hết là đàn bà trẻ em từ dưới thị trấn Đồng Đăng chạy lên tránh đạn pháo từ sớm ngày 17/2. Nhiều người ra chiến đấu cùng chúng tôi và hy sinh anh dũng. Thức ăn nước uống dự trữ sắp hết. Trong pháo đài tối om và ngột ngạt vì hơi người, ầm ĩ tiếng trẻ con khóc lặng đi vì khát nước, khát sữa. Mùi máu tanh, mùi phân, mùi nước giải hôi thối nồng nặc. Mệt quá, khát quá tôi ngồi dựa lưng vào góc tường, đầu choáng, người ớn lạnh và buồn nôn. Bỗng “Ầm! Ầm!” 2 tiếng nổ nối nhau. Pháo đài rung chuyển. Tiếp đó hàng chục, hàng trăm tiếng nổ chói tai. Hơi khói cay sè, đen đặc cuồn cuộn ùa vào. Tiếng kêu nhốn nháo: "Địch giật bộc phá lấp cửa hầm rồi!". "Địch thả lựu đạn cay các đồng chí ơi! Ai có khăn ướt thì đậy ngay lên mặt đi". Nước uống còn không có, đào đâu ra khăn ướt. Tiếng trẻ con sặc sụa rồi chết lặng. Mấy đồng chí thương binh rú lên, nấc nấc rồi lịm. Tôi bò sờ soạng tìm lỗ thông hơi để thở nhưng từ ngoài địch nhét lựu đạn cay vào nổ choang choác. Qua ánh lửa thấy đàn bà trẻ em nằm la liệt, co quắp, giãy giụa. Một thứ khói gì rất lạ ộc vào họng cháy bỏng. Địch phun hơi độc hoá học, tôi thoáng nghĩ rồi ngất lịm. Tỉnh dậy tức thở quá. Tiếng nổ vẫn ầm ầm. Máu ựa ra từ miệng, từ mũi, từ tai. Tôi bò đi trong đống xác nằm co quắp. Một người còn sống. Qua giọng nói thều thào, yếu ớt tôi nhận ra Hùng. Hùng bị thương vào đùi máu ra nhiều nên rất mệt. Tiếp đó tôi tìm được mấy đồng chí nữa còn sống. Đó là Hà Văn Chiết, Bùi Duy Thanh, Nguyễn Đoan Hạnh, Trần Cường, Nguyễn Văn Năm, Phạm Văn Chiến... nằm gục trong góc tường ẩm ướt. Rồi mệt quá, tôi lại lịm đi. Tỉnh dậy thấy xung quanh im ắng một cách ghê sợ. Cảm giác chết chóc, lạnh lẽo khiến tôi rùng mình. Không khí loãng ra, dễ thở hơn. Lúc này là ban ngày hay ban đêm? Chúng tôi đã nằm trong pháo đài bao lâu rồi. "Có ai còn sống không?". "Còn...Còn...". Ba bốn người lên tiếng và bò lại gần nhau. Đồng chí Chiến là bí thư chi Đoàn chủ trì cuộc họp. Chúng tôi thống nhất phải vượt ra. Nhưng ra bằng cách nào? Tôi nghĩ tới đường thông hơi xây bằng gạch nối từ tầng cuối cùng của pháo đài (đường kính 60 cm dài khoảng hơn 30 mét) xuyên trong lòng đất tới một lô cốt bên sườn đồi. Không chỉ đường thông hơi mà lô cốt này cũng đã bị phá hủy đất đá lấp kín. Chúng tôi quyết định đào thông và chui ra bằng lối đó. Chỉ một người chui vào được, dùng mũi xẻng chọc ngược lên cho đất tơi ra, đùn qua dưới bụng, dùng chân đạp xuống để những người khác dùng tay cào xuóng nền pháo đài. Tối như bưng. Ngột ngạt rất khó thở. Tôi đào. Cánh tay nhức buốt. Đầu đau nhói như có ai dùng dùi xoáy vào. Vẫn cố. Tới khi tay không giữ nổi cán xẻng nữa, gục xuống ngất đi. Không biết anh em đã chui vào kéo tôi ra lúc nào. Tỉnh dậy khát quá. Lưỡi cứng lại, khô rát, muốn nói mà không nói được. Tôi bò tới góc tường, ở đấy hơi người, hơi xác chết bốc lên đọng lại chỉ đủ làm cho mặt ngoài của tường ẩm lạnh. Tôi cố há to miệng, thè lưỡi liếm những hạt nước li ti đó. Thật ra nước cũng chẳng đủ ướt đầu lưỡi nhưng dù sao nó cũng man mát làm cơn khát phần nào dịu lại. Tự nhiên cái sáng kiến ấy của tôi được anh em coi như một phát minh. Thế là lần lượt cứ sau một đợt chui vào ống moi đất, chui ra chúng tôi lại bò tới chỗ này đặt lưõi vào tường “uống khan” như thế. Xác đồng đội và đồng bào bị kẻ thù giết hại đã lên mùi, chúng tôi phải chuyển những thi thể đang phân hủy ấy lên tầng thứ nhất của pháo đài. Nỗi đau đớn, thương xót đồng bào đồng chí, lòng căm hờn đến cực độ trước hành động tàn ác của bọn xâm lược khiến chúng tôi lặng đi, răng nghiến chặt, càng hun đúc trong lòng quyết tâm sắt đá: phải sống, để tiếp tục chiến đấu. Sức mỗi lúc một kiệt. 5 đồng chí gục xuống không gượng dậy được chỉ nằm thoi thóp thở. Còn lại 8 người: tôi, Chiết, Chanh, Hạnh, Cường, Năm, Dũng và Hùng. Hùng bị thương không chui vào đường ống được nhưng anh rất hăng hái, vui vẻ động viên chúng tôi. Hùng mới 22 tuổi, quê Hà Bắc. Khát khô cổ, giọng nói chỉ thều thào nhưng đôi khi Hùng vẫn hát cả một đoạn quan họ Bắc Ninh cho chúng tôi nghe. Bỗng Chiết gọi: "Phiao ơi, đường ống thông rồi. Ra thôi!". Tôi choàng dậy. Đường ống thông thật rồi. Bây giờ nên thế nào? Địch còn bao vây kín, phải bí mật mà ra, phải lợi dụng bóng đêm lừa chúng mà thoát. Tôi bàn để tôi và Hùng ra sau cùng, 6 đồng chí cứ ra trước, đông dễ lộ. Phải nghe ngóng, thận trọng. Sau khi Chiết, Chanh, Hạnh, Cường, Năm và Dũng ra được rồi, tôi và Hùng mới ra. Chân trái đau Hùng bò rất khó khăn, tôi cứ phải từ phía sau đẩy anh nhoài từng tí: “Cố lên Hùng ơi! Cố lên sắp sống trở về rồi!”. Tôi thì thào động viên Hùng. Hùng thở ì ạch, tôi biết anh mệt và đau lắm. Bỗng Hùng khẽ kêu lên: "Đây rồi!". Cùng lúc đó một luồng không khí mát lạnh ngọt ngào ùa vào mũi, sướng quá. Tôi dạng 2 chân vào thành cống để Hùng đạp chân phải vào đầu rướn người chui lên. "Cố! Cố tý nữa! Được rồi". Chúng tôi bò xuống chân đồi. Lúc ấy độ 12 giờ đêm. Lạnh, khát, chúng tôi há miệng hớp những hạt sương li ti đọng trên ngọn cỏ, mắt nhìn khắp mọi phía, tai chăm chú nghe ngóng. Đó đây bập bùng đôi ba đống lửa cháy nơi bọn địch đang tụ tập giết lợn, mổ trâu và tranh nhau các thứ vừa cướp được. Chúng tôi bò ngoằn ngoèo tránh xác những tên giặc nằm ngổn ngang. Mùi tanh hôi xốc lên, buồn nôn quá. Thì ra bọn giặc không những dã man với đồng bào ta mà ngay đối với đồng đội, chúng cũng chẳng thương xót gì. Bao nhiêu tư trang trong người những tên xấu số bị chúng moi hết. Đêm yên tĩnh. Đôi khi dội lên vài tràng đại liên vu vơ hoặc mấy quả đạn pháo cỡ nhỏ. Tới một dòng suối, uống thoả thích bõ những ngày khát cháy họng, rồi lại bò. Gần sáng rồi, phải rẽ theo hướng núi đá tìm chỗ lánh tạm. Khỏi cầu Pá Mật, tới rừng tre thưa, tôi kiếm cho Hùng cây gậy thật chắc vừa để chống vừa làm vũ khí. Qua chân đồi gặp một mảnh vườn nhỏ còn mấy bụi sắn, nhổ lên được 4 củ. Chúng tôi lau sạch đất dùng răng bóc vỏ rồi nhai liền. Chao ôi, sao mà ngon mà ngọt vậy, ăn đến đâu tỉnh táo và khỏe ra đến đấy. Đến một khe đá, trên có nhiều bụi cây rậm rạp chúng tôi nằm đó nghỉ. Mặt trời nhợt nhạt ốm yếu nhô lên và sương mù tan dần. Tôi băng lại vết thương cho Hùng. Đạn xuyên qua đùi, mất nhiều máu da Hùng tái xanh và mệt mỏi lắm. Đặt Hùng nằm lọt vào giữa khe đá, tôi đứng dậy vén lá cây quan sát. Từ trên cao có thể nhìn rất rộng, rất xa. Địch đông nghịt 2 bên đường 1B và lố nhố trên các đỉnh cao xung quanh. Đêm xuống, chúng tôi lại dìu nhau đi. Vượt qua đường 1B xuống khu ruộng bậc thang. Hùng đau quá không đi nổi. Hai đứa ngã lộn nhào từ trên cao hàng mét xuống. Hùng ôm chân quằn quại. Bỗng thấy 1, 2 rồi 3 bóng đen đi tới. Nín thở nằm ép vào mô đất. Nghe tiếng chúng nói. Biết là tụi thám báo. Một tên xuýt đạp trúng đầu tôi. Tay tôi cầm sẵn lựu đạn, Hùng nắm chắc cây gậy. May trời tối địch không phát hiện. Chúng tôi lại bò và lại ngã. Hùng ôm lấy tôi: "Phiao ơi, Hùng không đi nổi đâu. Dắt díu nhau thế này cả 2 cùng chết. Phiao nhường cho Hùng quả lựu đạn, mình sẽ nằm lại đây, đợi sáng nếu bọn địch phát hiện, Hùng sẽ thí mạng cùng chúng nó. Còn Phiao cố tìm về đơn vị nói với các đồng chí trả thù cho anh em và đồng bào đã hy sinh". Tôi ôm Hùng nghẹn ngào: "Phiao không bỏ Hùng đâu. Nhất định thế. Cố lên Hùng ơi, ôm lấy cổ để Phiao cõng". Giằng co mãi Hùng mới chịu để tôi dìu đi. Độ 2 giờ sau chúng tôi gặp một lối mòn. Lối mòn đó dẫn vào một bãi cỏ rộng, nhấp nhô những bụi cây sim, cây mua. Tới gần giữa bãi chúng tôi nghe tiếng người và thấy nhiều bóng đen cựa quậy. Cách chúng tôi chỉ hơn 2m, có 3 tên địch đang nằm ngửa. Phát hiện ra chúng tôi, một tên vùng dậy vớ lấy súng quát lớn: "Xuẩy (Ai)?". Lộ rồi, tiến thoái lưỡng nan. Tôi nhảy chồm đến, đập quả lựu đạn vào đầu nó. Nó kêu rống lên. Xung quanh tôi tất cả rùng rùng chuyển động. Tiếng kêu hốt hoảng lan đi. Những loạt súng nổ dài. Địch báo động, chạy tán loạn như đèn cù. Lợi dụng lúc nhốn nháo đó tôi vớ lấy chiếc mũ lưỡi trai của địch đội lên đầu và trà trộn vào đám hỗn quân ấy. Bắn loạn xạ một lúc, bọn chúng chửi bới nhau ầm ĩ rồi lại nằm lăn ra ngủ. Tôi cũng chọn một chỗ gần bụi cây nằm xuống. Độ hơn 1 giờ sau khi chúng đã ngủ say như chết tôi mới lặng lẽ lẻn đi, chỉ tiếc không xoáy được khẩu súng nào vì khi ngủ chúng nó ôm chặt quá. Tôi quay lại tìm Hùng nhưng không thấy Hùng đâu. Bò hết bụi cây này sang bụi cây khác vẫn không thấy. Có lẽ Hùng bị nó bắt rồi chăng? Hay Hùng đã hy sinh? Liệu Hùng có thoát được không. Tôi vừa lo, vừa thương, nước mắt rưng rưng. Tôi bò về phía dãy núi đá phía tây. Tới nơi thì trời sáng hẳn. Thấy phía trước có ngôi nhà lá, tôi bò đến, may ra kiếm cái gì ăn được. Đói và mệt quá. Cửa khoá, chủ nhà chắc đã chạy đi lánh nạn. Định nâng cửa lách vào nhưng đắn đo lại thôi. Người Nùng chúng tôi coi ăn cắp rất xấu. Kỉ luật bộ đội cũng cấm không được lấy của dân. Tôi bò qua gian chuồng trâu bỏ trống thấy có 3 ngọn mía đã héo quắt. Đói quá, thèm quá tôi nhặt, lau sạch đưa lên miệng nhai. Bỗng có bóng người. Tôi giật mình nhìn xuống thấy 3 tên lính Trung Quốc đang vẫy tay ra hiệu bắt sống tôi. Thì ra nó nhìn thấy và theo dõi tôi từ lâu. Vứt vội ngọn mía, vớ hòn đá ném tới rồi co chân chạy theo khe đá ngược lên núi. Địch tưởng lựu đạn nằm gục mặt xuống. Khi tôi chạy được một quãng chúng mới hò nhau đuổi. Chúng không bắn mà định bắt sống. Vốn dân miền núi tôi chạy nhanh như sóc rồi mất hút vào cái hang nhỏ. Địch trèo lên tới nơi nhưng không thấy tôi. Ngay lúc đó từng loạt đại liên từ quả núi bên cạnh nhằm 3 tên địch bắn tới. Chúng hốt hoảng kêu nhau tháo chạy. Tôi mừng quá. Đoán chắc có quân ta ở gần, tôi luồn tới cái hang khác và đêm ấy cứ theo hướng quả núi có tiếng súng quân ta mà đi. Độ 11 giờ khuya, nấp trong bụi cây tôi nghe có người nói tiếng Việt rồi mấy bóng đen hiện ra. Họ khiêng cáng vật gì. "Có phải bộ đội ta đấy không?". "Bộ đội ta đây. Đồng chí là ai?". "Tôi là công an trên pháo đài Đồng Đăng về đây". "Pháo đài Đồng Đăng à? Thật không? Nghe nói bọn chúng phun hơi độc vào giết hết anh em và đồng bào ta rồi cơ mà?". "Đúng. Chúng nó muốn giết nhưng chúng tôi không chịu chết". Họ xúm đến bắt tay tôi. Thì ra anh em đi cáng tử sĩ của ta về chôn cất. Lòng tôi bỗng thấy ngùi ngùi khi nhớ tới các đồng chí của tôi, tới gần 50 đồng bào bị bọn xâm lược giết hại. Tôi nhớ 6 đồng chí ra trước và nhớ Hùng. Các bạn còn sống không? Một nỗi buồn thương bao trùm. Căm thù nung nấu trong lòng. Chúng tôi thề quyết chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và trả thù cho đồng chí đồng bào mình.

*/ Bài này đã đăng ngay trong những ngày chiến đấu ác liệt (2/1979). Nay tôi đăng lại trên "FB" của mình để các bạn, nhất là các bạn trẻ hay những ai dù đang nắm giữ chức vụ gì nhưng chưa từng qua thử thách chiến tranh hãy hình dung sự ác liệt và tàn bạo của kẻ thù để rồi suy ngẫm về người bạn "16 chữ vàng", "4 tốt"...

Ảnh: Người bên phải ảnh là Nông Văn Phiao bên PTT Nguyễn Duy Trinh và tác giả