Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NĂM TÝ NÓI CHUYỆN CHUỘT VÀ CUỘC CHIẾN CHỐNG THAM NHŨNG

Nguyễn Duy
Thứ ba ngày 4 tháng 2 năm 2020 8:20 PM



Chuột tham nhũng. nguồn dantri.com.vn


Dù là con vật được đặt ở vị trí đầu tiên của 12 con giáp nhưng chuột chưa bao giờ lấy được tình cảm của con người, ngoại trừ loài chuột bạch trong phòng thí nghiệm. Điều đó không có gì là khó hiểu bởi chuột hội đủ các “thói hư tật xấu”. Hôi hám, bẩn thỉu, tinh ranh, đục khoét gặm nhấm đồ dùng, tàn hại hoa màu, nông sản. Tóm lại, trong con mắt dân gian, chuột là loài động vật đáng ghét. Chẳng thế mà Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà thơ lớn của nước ta ở thế kỷ XVI - đã thay lời dân lành, khắc họa chân dung loài gặm nhấm có hại này bằng một bài thơ chữ Hán. Ngay tựa đề bài thơ đã tỏ rõ thái độ của tác giả: Ghét chuột (Tăng thử). Ghét bởi chúng thật “bất nhân” (Thạc thử hồ bất nhân):

Gậm khoét thật thảm độc

Đồng ruộng trơ rơm khô

Kho đụn kiệt gạo thóc …

Phá hoại thật tàn khốc

Rình mò dưới lỗ hang

Thần dân đều căm tức!

(Bản dịch của Ngô Lập Chi)

Trong truyện cười “Quan huyện thanh liêm”, tiếng cười dân gian thâm thúy bật ra khi quan ông nổi tiếng “thanh liêm” mắng yêu quan bà: “Sao mà ngốc vậy! Lại đi bảo là tuổi Tý! Cứ bảo là tuổi Sửu có được không?”.

Chuyện là, dân làng nọ muốn đút lót quan huyện nhưng làm cách gì cũng bị quan gạt đi, bèn nghĩ kế đến gặp riêng quan bà để thuyết phục. Quan bà ban đầu chối đây đẩy nhưng sau nể dân làng quá bèn hiến kế: “Quan huyện nhà tôi tuổi "Tý". Dân làng đã có ý như vậy, thì hãy về đúc một con chuột bạc đến đây, rồi tôi cố nói giùm cho, họa may được chăng!”. Và thế là mấy hôm sau, một con chuột cống cực to bằng bạc, đặc ruột được dâng lên. Khi biết rõ sự tình, quan ông mắng quan bà ngốc vì sao lại nói tuổi Tý mà không là tuổi Sửu.

Tại sao dân gian lại gán cho quan tuổi Tý mà không phải là tuổi Tỵ, tuổi Dậu hay tuổi Mão dù những con vật này cũng đâu to tát lắm? Thì đây, người ta đang nói chuyện “thanh liêm”. Thế cho nên “Tỵ, Dậu, Mão” hay các con vật khác không tạo được sự kết nối trong suy tưởng để nâng độ thâm thúy của tiếng cười trào phúng của câu chuyện. Chọn “Tý - Chuột” vừa nhỏ bé trong thế đối lập với “Sửu - Trâu” vừa chuyển tải được hàm ý đục khoét, nhũng nhiễu của kẻ trưng biển thanh liêm nhưng lại tham lam vô độ. Tiếng cười trào phúng bật ra khi hình ảnh “Sửu” tương phản với “Tý” xuất hiện. Thì ra, “quan huyện thanh liêm” đích thị là một con chuột cống bự rúc trong hang (lẩn mặt) “chỉ đạo” quan bà thực hiện vai diễn “thanh liêm” cực kỳ tinh vi, khôn khéo.

Từ câu chuyện cười dân gian “Quan huyện thanh liêm” ta càng thấu hiểu hơn chất ngụ ngôn sâu sắc trong bài thơ “Ghét chuột” của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Chuột trong bài thơ là biểu tượng của bọn quan lại tham nhũng, đục khoét: “Gậm khoét thật thảm độc/Phá hoại thật tàn khốc” khiến “Thần nhân oán mãn phúc” (Thần dân đều căm tức). Và kết cục sẽ không tránh khỏi sự trừng phạt đích đáng:

Tất thụ thiên hạ lục.

Triều thị tứ nhĩ thi,

Ô diên khiết nhĩ nhục.

(Tất bị người xé xác

Thây phơi khắp thị thành

Thịt quạ diều rỉa bóc)

Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ, loài chuột cũng được dân gian dành cho sự quan tâm đặc biệt. Hàng chục câu thành ngữ, tục ngữ có liên quan đến chuột, ở đây chúng tôi chỉ chọn lựa những câu phù hợp với chủ đề của bài viết.

Khi chân tướng bị lộ, sự thật bị phơi bày bởi tác động của một biến cố nào đó, ta có câu “Cháy nhà ra mặt chuột”. Chuột nhờ tài luồn lách lẩn trốn trong hang hốc mà thoát chết nhưng bộ mặt thật thì đã bị lật tẩy cũng như những kẻ cơ hội, gian tham dù ranh ma xảo quyệt đến mấy cũng không thoát khỏi sự trừng phạt của công lý.

Khi một chủ trương, kế hoạch, việc làm khởi đầu rầm rộ, to tát, nhưng kết quả lại dở dang hoặc không tương xứng: “Đầu voi đuôi chuột”.

Hành vi lén lút, biểu hiện của việc làm ám muội thiếu đứng đắn:“Thì thụt như chuột ngày”.

Xấu xa nhưng lại tỏ ra là tốt, lên mặt dạy đời: “Chuột chù đeo đạc”. Tương tự, kẻ không biết gì lại tỏ ra ta đây tài giỏi: “Chuột chù nếm dấm”.

Che giấu bản chất xấu xa bằng cái mã tốt đẹp, hào nhoáng bên ngoài để khoe mẽ, đánh lừa thiên hạ: “Chuột đội vỏ trứng”. Tương tự: “Chuột chù lại có xạ hương”.

Những kẻ tâm địa gian xảo, xấu xa “Mắt dơi mày chuột”, những kẻ đểu cáng “Đầu dơi mặt chuột” thì hành vi luôn mờ ám, “Làm dơi làm chuột”. Có thể nói, góc nhìn của dân gian về loài chuột dù rất phong phú đa dạng nhưng quy tụ lại vẫn là lột tả bản chất của loài gặm nhấm gây hại cho con người. Vì thế, chuột trở thành biểu tượng cho cái xấu trong xã hội mà tiêu biểu nhất là thói gian xảo, đục khoét, tham nhũng.

Bởi thế, nói chuyện chuột trong văn hóa, văn học dân gian không thể không liên tưởng đến cuộc chiến chống tham những đang diễn biến phức tạp, cam go dù lò thiêu tham nhũng cuối năm vẫn rực cháy hiện nay.

Tham nhũng thời hiện đại ranh ma, quỷ quyệt, tinh vi gấp vạn lần “quan huyện thanh liêm” xưa. Quan tham bây giờ ai mà thèm nhận hối lộ bằng con chuột cống bạc? Phải là trăm ngàn tỉ tiền Việt, là hàng triệu đô la, là biệt thự khủng, xe hơi hàng hiệu. Thế lực của chúng nhung nhúc từ nhỏ đến to, cũng như chuột có chuột chù, chuột nhắt, chuột cống; bầy bầy lớp lớp trải khắp miền, khắp các lĩnh vực đời sống chính trị xã hội. Cuộc chiến này như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói: "Phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình (“Ném chuột vỡ chum” hay “Ném chuột còn ghê cũi bát”), làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định".

Đánh chuột đừng để vỡ bình nhưng cũng không phải vì sợ vỡ bình mà không dám đánh chuột. Không quyết liệt chống tham nhũng thì không thể làm trong sạch bộ máy, đất nước không thể phát triển cũng như loài chuột kia nếu không quyết diệt trừ, con người sẽ phải gánh hậu quả nặng nề mà chúng gây ra.

Diệt chuột hay quan tham, suy cho cùng đều chung mục đích “cho lớp dân tàn (Tận sử điêu sái dân) Cùng an hưởng hạnh phúc (Cộng hưởng thái bình phúc)” (Nguyễn Bỉnh Khiêm).