Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HOA GẠO ĐÁY HỒ, HUYỀN THOẠI VỀ MỘT VÙNG ĐẤT THIÊNG

Đặng Văn Sinh
Thứ sáu ngày 14 tháng 2 năm 2020 2:17 PM




Kết quả hình ảnh cho Truyện Hoa gạo đáy hồ


 



Thật ra, “Hoa gạo đáy hồ”* còn hơn cả một huyền thoại, cho dù đó là một truyện ngắn viết về thân phận con người nếu hiểu theo nghĩa thông thường mà số đông bạn đọc mặc nhiên thừa nhận. Xét về góc độ huyền thoại, văn bản truyện được xác lập từ nhiều yếu tố, trong đó, bao hàm cả yếu tố siêu nhiên như một sản phẩm của quá trình hư cấu, tưởng tượng. Ở đó, mỗi phân đoạn đều được tác giả cài cắm những tín hiệu ngôn ngữ trong chuỗi liên kết các sự kiện, để cuối cùng, tạo thành một chỉnh thể thông qua sự cảm nhận bằng trực giác.

Nếu chỉ đọc thoáng theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, ta sẽ thấy kết cấu của “Hoa gạo đáy hồ” có vẻ như rối, rất khó phân định đâu là lời dẫn của người kể chuyện, đâu là ngôn ngữ nhân vật, cũng như sự logique của văn bản. Toàn bộ câu chuyện là một tập hợp ngôn từ mờ nhòe, hình ảnh mờ nhòe, thậm chí cả các khái niệm về thần thánh, về thế giới âm dương cũng bị đảo lộn chẳng tuân theo quy luật nào. Nhưng đó lại chính là quá trình lao động sáng tạo đúng nghĩa của người viết. Phải chăng, đây là sự thể nghiệm nhưng ít nhiều đã thành công của Nguyễn Hải Yến ngay từ truyện ngắn dự thi đầu tiên trên tạp chí “Nhà văn và Tác phẩm”.

Northrop Frye lý giải, huyền thoại như là “nền móng cấu trúc của văn học và phân tích tu từ của huyền thoại”. Theo nghĩa thông thưởng nhất, “huyền thoại là câu chuyện về một thần linh hay thực thể siêu nhiên nào khác, đôi khi nó liên quan đến một con người được phong thánh hoặc một kẻ trị vì có dòng dõi thiêng liêng...”. Cụ thể hơn, có khi huyền thoại xuất hiện trong văn học đơn giản như một câu chuyện được dội về mạnh mẽ; lại có khi chúng chỉ cung cấp một âm bồi có tính trang sức. Tuy nhiên, như trong nghĩa từ nguyên trong tiếng Hy Lạp, “mythos”(nghĩa là cốt truyện, truyện kể, trần thuật), huyền thoại là bản thân cấu trúc tự sự của tác phẩm văn chương.

“Hoa gạo đáy hồ” thuộc phạm trù này. Cho dù cố xâu chuỗi, phỏng đoán, gán ghép, người đọc cũng rất khó tìm ra được cái “lõi” của câu chuyện theo cách hiểu truyền thống của trường phái văn học hiện thực. Bố cục truyện hoàn toàn không tuân thủ các nguyên tắc về thời gian và không gian. Có thể khẳng định, thời gian trong “Hoa gạo đáy hồ” là thời gian phi tuyến tính, vận động theo chu trình diễn biến tâm lý hay hoàn cảnh nhân vật. Nó là một đại lượng ảo luôn biến động tùy thuộc vào cái thế giới được miêu tả. Chính vì thế, người đọc không thể biết mối tình về người kỹ sư xây dựng hi sinh trong vụ máy bay Mỹ thả bom xuống công trình thủy điện và chị Mai, người con gái ướp trà sương hương bưởi, với nhân vật người kể chuyện cũng gặp chính người đàn ông này trở về ngôi nhà cũ của mỉnh cạnh đê La Thành uống trà xuân bằng bộ ấm chén tử sa có lai lịch lạ kỳ. Chưa hết, câu chuyện còn được dẫn dắt đến mối tình đầy chất huyền thoại của anh lính Điện Biên với người con gái nghèo. Đôi vợ chồng ngâu này mỗi năm chỉ gặp nhau một lần vào ngày hội làng. Phải đọc kỹ ta mới vỡ lẽ, người chồng ấy chỉ là một hồn ma, tử trận nơi sa trường, nói rằng ở cùng đồng đội quen rồi, nhưng thực ra, nơi cư ngụ mấy chục năm của ông chỉ là một nghĩa trang liệt sĩ.

Cách tác giả viết những người từ bốn phương về dự hội làng đảo thực ra chỉ là nơi tụ họp của những hồn ma phiêu bạt sau khi có công trình thủy điện. Đập ngăn nước thành hồ Thác Bà. Làng bản, mồ mả tổ tiên và cả những ký ức về quê hương chìm sâu hơn năm mươi mét. Lòng hồ trở thành một nơi thiêng liêng, ẩn tàng những trầm tích văn hóa. Có lẽ, đây chính là nguyên nhân tác giả hình thành những huyền thoại chăng.

Có cảm giác, “Hoa gạo đáy hồ” còn phảng phất đâu đây một “giấc mộng kê vàng” thời hiện đại nhưng cấp độ dữ dội hơn bởi nhiều chi tiết, tình tiết so với chuyện chàng Trang Chu trên cây hòe ở quận Nam Kha. Đọc rồi, mà lòng bâng khuâng, man mác bởi nỗi buồn từ những trang văn. Buồn bởi nó là thế sự nhưng được ngưởi viết diễn đạt bằng bút pháp huyền ảo. Tiếp xúc với văn bản “Hoa gạo đáy hồ”, ở bất cứ trang nào, dòng nào ta cũng có cảm giác ngộp thở vì những câu văn được viết một cách ngẫu hứng nhưng lại thấm đẫm tình thần Liêu trai với hai mảng âm dương đan cài vào nhau, vô thủy vô chung. Thế giới huyền thoại của Nguyễn Hải Yến trong “Hoa gạo đáy hồ” có cái gì đó khá giống với nhận xét của Alvin A.Lee “Trong thế giới của huyền thoại, nhà văn tìm được một nhà kho trừu tượng mang tính văn chương thuần túy của những mô hình hư cấu và đề tài không chịu ảnh hưởng bởi những điển phạm về sự mô phỏng đáng tin những kinh nghiệm thông thường của con người. Huyền thoại cấp cho nhà văn một thế giới ẩn dụ tổng thể trong đó mọi thứ có thể là đồng thời là tất cả những thứ khác. Khi nhà văn rời khỏi việc sử dụng trực tiếp huyền thoại, những tác phẩm đậm hiện thực hơn sẽ xuất hiện”.

Nếu xem Làng đảo giữa một vùng sương khói mông lung trên mặt hồ thủy điện và không gian văn hóa lễ hội trong ký ức cộng đồng là mô hình huyền thoại tổng thể của “Hoa gạo đáy hồ”, thì câu chuyện của cặp vợ chồng già, mối tình của cô gái ướp trà sương với người kỹ sư xây dựng hay tiếng chuông chùa báo hiệu cây gạo đôi nở hoa vào lúc những con thuyền qua cổng làng vào dự hội là những tiểu huyền thoại. Huyền thoại của Nguyễn Hải Yến vận hành không theo bất cứ quy luật nào. Nó là hư cấu nhưng phản ánh một trí trí tuệ sắc sảo, một thế giới tưởng tượng không giới hạn.

Sử dụng bút pháp huyền ảo, đưa rất nhiều ma quỷ vào truyện nhưng huyền ảo của Nguyễn Hải Yến có khả năng ẩn dụ chiều sâu, đa tầng, khác hẳn với Bồ Tùng Linh hay huyền thoại Mỹ Latin. Với “Liêu trai chí dị”, Bồ Tùng Linh tuy thiên về thế giới ma quỷ, nhiều truyện đọc lên có cảm giác rùng rợn nhưng cách viết đơn điệu, ý tưởng lộ liễu, nếu đem đảo ngược hai chiều âm dương thì những chuyện ma ấy lại trở thành truyện người. Còn với huyền ảo Mỹ Latin thì đó là một khuynh hướng văn học được hình thành từ những đặc trưng văn hóa cộng đồng người nói tiếng Tây Ban Nha chỉ phù hợp với thơ, còn văn xuôi, ngay cả cuốn “Trăm năm cô đơn” được giải Nobel năm 1982 của Gabriel García Márquez cũng không ít người cho là huyền thoại “người có đuôi” được gán ghép một cách khiên cưỡng.

Đọc “Hoa gạo đáy hồ” không nên cố đi tìm một thứ hiện thực không hề có trong các tầng nghĩa văn bản. Nó là âm bản của một thế giới đã chìm sâu xuống lòng hồ thủy điện, là tiếng vọng mơ hồ của vùng văn hóa một đi không trở lại.

Đọc “Hoa gạo đáy hồ”, ta có cảm giác là Nguyễn Hải Yến đang âm thầm chuyển hệ thẩm mỹ như một phản xạ có điều kiện với hoàn cảnh xã hội và tâm lý đám đông từ lâu vốn đã rất thờ ơ với văn chương. Huyền thoại tự nó có sức mạnh nội tại làm cho con người xích lại gần nhau trong một dự án chung về tương lai dân tộc. Vì thế, toàn bộ văn bản cùng với những nhân vật có tên và không tên, toàn bộ các địa danh, thậm chí tất cả câu chữ cùng các biện pháp tu sức, các lớp từ, đều thấm đẫm tinh thần huyền thoại. Huyền thoại ở đây như là cứu cánh (mục đích cuối cùng), lại được diễn đạt dưới hình thức huyền ảo nên hiệu ứng của nó càng có sức mạnh lan tỏa.

Như trên đã nói, tất cả các nhân vật trong “Hoa gạo đáy hồ” đều là phiếm chỉ trừ chị Mai. Nhưng không chỉ có thế. Tất cả các đoạn văn, câu văn của truyện cũng lửng lơ, đứt nối. Cách kể của người viết thường không theo trình tự thời gian tuyến tính, hoặc là phần kết trước rồi mới đến phần đầu, hoặc cùng một đoạn lại có đến hai, ba tuyến nhân vật song hành giống như thủ pháp đồng hiện. Cấu trúc văn bản kiểu này rất dễ làm người đọc nhầm lẫn nhưng mặt khác, nó cũng là sự cần thiết trong tư duy sáng tạo của người cầm bút không chịu chấp nhận lối mòn của người đi trước.

Nói như vậy, có nghĩa là, trong một văn bản của Nguyễn Hải Yến có nhiều văn bản cùng xuất hiện. Ở “Hoa gạo đáy hồ”, người ta khó có thể chỉ ra đâu là trung tâm và đâu là ngoại vi theo lý thuyết văn học Hậu hiện đại, nhưng thực ra, truyện của nhà văn nữ này không thuộc khuynh hướng trên. Cấu trúc văn bản của Yến tuy nhiều lớp, nhiều tầng nhưng có mối liên kết khá bền vững xoay quanh cái trục huyền thoại là làng đảo giữa hồ như một thứ bồng lai tiên cảnh nửa thực nửa hư. Ở truyện này, tác giả đã xác lập cho mình một phong cách, thậm chí khuynh hướng riêng. Nói một cách hình ảnh, “Hoa gạo đáy hồ” được cả “thanh” lẫn “sắc”. Nó đẹp vì nó là huyền thoại, nhưng nó càng đẹp hơn bởi được viết bằng một thứ văn ma mị, nặng về âm tính có năng lực “thôi miên”, dẫn dụ người đọc, nhất là những kẻ đa cảm, đa tình.

Không gian truyện của Nguyễn Hải Yến được xác định như là sự hội nhập và chuyển hóa từ không gian thực vào không gian huyền thoại. Thế nên, không ít lần câu chuyện có xu hướng tách giãn trong cùng một trường đoạn nhưng tồn tại hai lớp văn bản chồng lấn nhau hoặc đan cài vào nhau tạo thành một phức hợp đa tầng, đa nghĩa. Chẳng hạn như, người dẫn chuyện vừa mới tìm vào tận Núi Ngọc, Thung Mây, nơi chị Mai ướp trà sương, thì, ngay sau đấy không lâu, cô đã trở về Hà Nội với tư cách chủ quán trong ngõ vắng gần đê La Thành mời người kỹ sư xây dựng đã chết từ mấy chục năm trước uống thứ trà xuân hương bưởi. Thật ra, ngôi nhà cổ trong ngõ vắng đầy không khí liêu trai ấy cũng là huyền thoại. Cặp đôi ấm tử sa cũng chỉ là ảo ảnh, nhưng nó tạo nên một không gian văn hóa lung linh, đầy sắc màu cổ tích. Cách bố cục truyện như thế phải nói là cao tay.

Truyện của Hải Yến không chỉ đọc bằng mắt mà phải đọc bằng tất cả giác quan, vì ngoài những hình thể hiển hiện mà con mắt trần tục có thể nhận biết, “Hoa gạo đáy hồ” còn là một thế giới tâm linh với những hồn ma đủ loại như không bao giờ siêu thoát thỉnh thoảng lại hiện về trong ký ức cộng đồng làng đảo. Trong truyện không chỉ có câu chữ mà còn là một công trình kiến trúc hay bức tranh thời Phục hưng với đầy đủ hình khối, đường nét sinh động. Nếu khi đọc, tâm hồn tĩnh lặng, vứt bỏ hết mọi tạp niệm, ta lại thấy nó giống bản nhạc trữ tình tiền chiến như “Thiên thai” hay “Suối mơ” qua những giai điệu “buồn tàn thu” của một thời tuổi hoa niên con người còn biết yêu cái đẹp.

Vẫn phải nhắc lại, rất khó tìm ra thứ logique phổ thông trong cấu trúc văn bản “Hoa gạo đáy hồ”. Nó là kết quả của quá trình chủ thể sáng tạo “nhập đồng” bởi nhiều yếu tố nghệ thuật hợp thành, trong đó, bao hàm cả hình tượng nhân vật, mô hình câu và cách sử dụng các lớp từ vựng. Văn “Hoa gạo đáy hồ” đẹp đến mức ám ảnh, còn kỹ xảo xây dựng tiểu cảnh được tác giả đặt cái tĩnh của tâm trạng trong mối tương quan với cái động của sóng nước mặt hồ vào lúc đêm về sáng làm người đọc khó mà phân biệt rạch ròi rằng đấy là cõi trần hay thế giới của những linh hồn. Với tư cách là người dẫn chuyện, ngay ở phần đầu, tác giả đã có cảm nhận khá tinh tế về đối tượng liên quan đến toàn bộ quá trình cần miêu tả: “Có tiếng sóng lóc bóc đâu đó vỗ vào bờ nghiêng vạt sỏi. Hình như có cả tiếng chuông chùa quẩn trong tiếng sóng, đập vô hồi vào bờ rồi loang ngược ra xa...”. Và đây là cảnh tác giả hóa thân thành nhân vật “tôi” thưởng trà ướp hương hoa bưởi với chị Mai, tức một hồn ma ở ngôi quán vắng vùng lòng hồ thủy điện: “Trong bập bùng ánh lửa, tôi nhìn thấy màu trà xanh mát hơi ngả sang vàng, trong veo như hồ xuân mà lòng chén là đáy hồ còn đọng nguyên một cánh hoa trôi về nghỉ trong đáy nước. Mùi có non thơm ngọt ngấm qua thành gốm vương trên những ngón tay”. Ở một đoạn khác, tác giả có lối so sánh khiến người đọc ngỡ ngàng: “Tôi nhìn theo tay chỉ. Đêm đã lên ngang mặt người. Không thể nhận ra ai khi người ấy chỉ còn là cái bóng mờ phía trước nhưng có một cái gì đó thúc giục tôi đứng lên, đi về phía bến sông”. Ngôn ngữ đối thoại của Hải Yến cũng được tỉnh lược đến mức tối đa cứ tưởng là rời rạc, nhưng thật ra, thế mới là huyền ảo. Bởi lẽ, không gian truyện là không gian được hình thành từ hai thế giới âm dương, cho dù có lúc âm dương giao hòa nhưng đâu đó vẫn có sự gián cách quy ước: “Cô ở đâu đến mà hỏi Thung Mây, Núi Ngọc”. “Con ở xa lắm. Bà có biết không bà?”. “Có biết! Tận trong sâu kia”. “Sao con ở đây mà không biết nhỉ-cô chủ quán ngạc nhiên - xa lắm bà?”. “Không xa nhưng khuất nẻo, không thuận đường...”. “Con nghe kể về một cô gái chuyên ướp trà hoa rừng...”. “À! Trà Trầm tím. Trà Quế hương. Đặc biệt là Trà xuân hương bưởi?”. Là truyện ngắn nhưng văn của “Hoa gạo đáy hồ” có những đoạn mềm mại, uyển chuyển như một bài thơ giầu nhạc điệu nhưng buồn đến nao lòng bởi không khí liêu trai: “Những lá thuyền mở ra nhường lối cho chúng tôi. Phía trước sừng sững một đỉnh đá vôi, màu trắng bạc lấp lánh dưới mặt trời. “Núi Bạc kia rồi! Em nhìn thấy vách núi rỗng hình cái cổng vòm chưa?” (...). Chúng tôi trôi qua lòng núi âm u hơi đá, ẩm và lạnh. Rồi làng đảo bất ngờ hiện ra trong tầm mắt, giữa trời nước trong veo. Hai cây gạo đôi rừng rực như hai ngọn đuốc, cao vượt hẳn lên cái nền xanh như ngọc của cây lá đương mùa”.

Có lẽ điếm nhấn cần được nhận diện thêm ở thiên truyện này là nơi cô gái, nhân vật chính, người có vai trò chắp nối tất cả các “tự sự”, tỉnh lại ở nghĩa trang liệt sĩ Thác Bà sau một giấc ngủ chiêm bao. Với cô lúc này, quá khứ và hiện tại chẳng thể phận định rạch ròi bởi trong tâm trạng không còn khái niệm thời gian. Tất cả dường như chỉ là ảo ảnh thoáng qua: “Thuyền thoát qua lòng núi âm âm hơi đá. Chỉ thấy trời xanh trong đáy nước. Ông ơi, làng Bạc đâu rồi? Cả cánh đồng Quân, Hợp Hòa, Phố Cát. Cả chùa Chẫu, cây gạo đôi bến sông và cả hội làng? Cô muốn tìm phải nhìn xuống. Tất cả ở dưới kia, sâu hơn năm mươi mét. Nhà cửa, thành quách, đền đài, những cánh đồng, những rừng lim hàng trăm năm tuổi, những chợ Ngọc, chợ Ngà...rồi Thác Ông, Thác Bà... Tất cả dưới đáy hồ cô ạ”. Rõ ràng, thời gian lúc này không còn là một đại lượng vật lý có thể đo đếm được. Nó đã chuyển hóa thành thời gian tâm lý như bản chất lễ hội làng đảo cũng chỉ là giả tưởng. Cho nên, nếu đọc đến đoạn dưới đây, sẽ không ít người tâm trạng xót thương, nuối tiếc như vừa mất lại vừa được một cái gì vô cùng quý giá: “Tôi run run quỳ xuống sạp thuyền nhìn hút xuống bầu trời trong đáy nước: “Nhưng ông ơi! Con mới về thăm hội Bạc hôm qua...Nhiều người lắm... Một vùng mênh mông lắm...”.

Là huyền thoại nên thiên truyện có một cái kết cũng hết sức huyền ảo. Nhân vật chính của chúng ta, một kiều nữ đa sự, đa đoan, trở về ngôi quán giữa lòng Hà Thành bắt đầu ướp mẻ trà xuân hoa bưởi đầu tiên của mùa thì “nghe đâu đó có tiếng thì thầm. Khi quay lại, thấy chị Mai và người ấy ngồi cạnh nhau bên bàn đối ẩm. Cùng rạng rỡ cười. Về thăm nhau đúng mùa hoa bưởi. Em có mời chúng tôi một chén trà sương?”…

Thiên truyện được đọc đến những chữ cuối cùng. Gấp cuốn tạp chí lại rồi mà lòng vẫn thấy xốn xang. Chả biết đó là thực hay mơ. Nếu là thực thì giữa lòng hồ thủy điện kia làm gì có cây gạo đôi nở hoa đúng vào ngày hội làng mỗi dịp xuân sang. Còn nếu là giấc mơ thì nghĩa trang liệt sỹ thủy điện Thác Bà còn đấy...

Chí Linh, xuân Canh Tý

Đ.V.S.

*Truyện ngắn của Nguyễn Hải Yến, tạp chí “Nhà văn và Tác phẩm” số 36 (thàng 7-8/2019), tr. 92