Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"ĐẠO" CỦA NGƯỜI LÀM VUA

Đắc Trung
Thứ hai ngày 3 tháng 2 năm 2020 8:21 AM





Đạo của bậc vua sáng là làm sao mọi thần dân hết lòng lo lắng vì xã tắc, nhà vua từ đó mà quyết đoán công việc, nhờ thế cái khôn ngoan của nhà vua không bao giờ cạn. Những người hiền trổ hết tài năng của mình, nhà vua nhân đó mà sử dụng họ, nhờ thế tài năng của nhà vua không bao giờ thiếu. Công việc tốt thì vua được tiếng giỏi, có sai lầm thì bầy tôi chịu, nhờ thế nhà vua không bao giờ hết cái danh. Nhà vua không giỏi mà làm thầy những người giỏi, không khôn ngoan mà làm chuẩn mực cho sự khôn ngoan. Nhà vua phải thực lòng khiêm tốn, chân thành cầu thị, biết bỏ điều riêng tư, coi xã tắc làm trọng, lấy phép công làm chuẩn thì dân sẽ được an, nước sẽ thịnh. Vua độc tài, coi quyền lực thuộc sở hữu của mình, bất chấp pháp luật, quần thần bị khóa hết mồm, ai nói trái ý bắt "xử lý", ai bất tuân hoặc kháng quyết trả thù bằng mọi thủ đoạn tàn bạo thì sự sụp đổ tất không tránh khỏi. Nhà vua rộng lòng nhân ái, biết tôn trọng và nghe can gián sẽ bớt sai lầm thì nước cường, dân phú. Chu Văn Vương nói: "Chỉ người nhân nghĩa một lòng vì xã tắc và hết mực thương dân mới có đủ tâm đức để tiếp thu những lời can gián ngay thẳng". Lão Tử dạy: "Vua hiền lấy tâm của dân làm tâm của mình". Khổng Tử viết: "Người nắm rường cột xã tắc, cần phải biết tôn trọng cả sự bất bình, phẫn nộ của người khác đối với mình". Sách "Luận ngữ" ghi: "Vua Chu Vũ Vương có lần ngửa mặt kêu: "Nếu mình trẫm gây ra tội thì xin Trời phạt mình trẫm thôi. Nếu muôn dân gây ra tội cũng xin Trời phạt mình trẫm, bởi tội của muôn dân là do lỗi từ trẫm"...". Lịch sử chứng minh bất kể triều đại nào, nếu nhà vua không đặt giang sơn xã tắc lên trên hết, chỉ lo ngai vàng của mình; không chọn quân sư giỏi để nghe khuyên nhủ những việc nên làm; không tìm gián quan thẳng thắn cương trực để can ngăn những điều cần tránh thì không chỉ tự chuốc lấy thất bại, mà quốc gia suy vong tất khó tránh khỏi. Sách binh thư "Lục thao" của đại mưu lược gia Khương Tử Nha (Trung Quốc) viết: "Nhìn đồng ruộng thấy cỏ dại át lúa. Nhìn dân chúng thấy kẻ tà át người ngay. Nhìn quan lại thấy trên dưới bất hòa, bạo ngược tàn tệ. Nhìn pháp luật thấy đồi bại, hình phạt rối loạn. Nhìn nhà vua thấy chuyên quyền, độc ác. Đó là dự báo mất nước vậy".

Trong bối cảnh lịch sử đầy biến động. Đại họa vô cớ có thể giáng xuống bất cứ lúc nào. Mỗi người đều lo kế để tồn tại. Triều nhà Thanh, trung thần Lưu Dung chủ trương không nói gì, hoặc nói nhưng không ai hiểu gì để khỏi bị vin cớ kết tội. Gian thần Hòa Thân lại bằng mọi cách không để người khác nhận ra bản chất thật của mình, giống con kỳ nhông luôn đổi màu.

Ở đời, nếu tất cả đều nhắm mắt thì không biết ai mù. Mọi người đều im lặng thì chẳng rõ ai câm. Xã tắc rất cần những thần dân dũng cảm, mở to mắt để nhìn và cất cao giọng để nói, bất chấp cả an nguy tính mạng. Tuy nhiên lời khuyên ít khi được đón nhận một cách xứng đáng bởi người cần thường không muốn nghe.

Con hổ khống chế được con chó, bắt chó phục tùng, là hổ nhờ có nanh nhọn và vuốt sắc. Nếu hổ bỏ nanh vuốt và trao cho chó, thì ngược lại chó sẽ khống chế hổ. Không ai ngồi trên ghế quyền lực mãi được, trước sau cũng phải nghỉ. Làm nhiều điều bất nhân thất đức khi thất thế không còn "nanh vuốt" quả báo giáng xuống thê thảm thì dù ân hận cũng đã muộn. Đang thượng phong phải nghĩ ngay đến hạ mạt. Nhà vua biết bỏ điều riêng tư mà làm theo phép công. Lấy phép công thi hành với bầy tôi thì bầy tôi không thể dối trá, kỷ cương xã tắc có tôn ti trên dưới, quân sư hết lòng khuyên nhủ, gián quan dũng cảm can ngăn. Biển Thước trị bệnh lấy dao chích vào xương. Bậc thánh nhân cứu nguy cho xã tắc bằng việc trung chứ không bằng lời nịnh. Chích vào xương thì đau. Nghe lời trung thì cái tai khó chịu. Người bệnh muốn khỏi phải biết chịu đau. Vua sáng muốn xã tắc yên ổn, quốc gia hưng thịnh phải biết nghe lời chối tai khó chịu. Bị bệnh không chịu đau thì bỏ mất cái tài của Biển Thước. Nhà vua không chịu nghe điều chối tai khó chịu thì bỏ mất thánh ý của trung thần. Một đất nước bên trong không có những đại thần kiên quyết giữ nghiêm pháp luật, không có người dám can gián giúp đỡ quân vương sửa chữa lỗi lầm, trong khi bên ngoài luôn có hiểm họa thì sự diệt vong rất khó tránh khỏi.

Lịch sử có những vua do mù quáng nghe lời xiểm nịnh mà giết oan trung thần. Hồ Quý Ly thua, giặc Minh chiếm nước ta, Giản Định đế Trần Quỹ tập hợp lực lượng chống nhà Minh. Quân Minh mạnh, Trần Quỹ bỏ chạy. Nhờ có Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân và nhiều tướng giỏi giúp mới lập được địa bàn từ Nghệ An trở vào, rồi tấn công ra Đông Quan. Khi đuổi giặc tới Cổ Lộng, Giản Định đế định thừa thắng đánh ra lấy Đông Quan, nhưng tướng Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, những người dạn dày trận mạc can ngăn, muốn chờ quân các lộ về hội đủ mới có thể thắng giặc. Một số kẻ gian nịnh xu thời gièm pha, nhà vua nông nổi nghe theo, đem giết hai tướng tài là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Quân tướng nhà Trần bất bình vì thấy vua giết trung thần có công lớn, chán nản bỏ ngũ hàng loạt. Con Đặng Tất là Đặng Dung, con Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị uất hận đem quân vào Thanh Hóa rước Trần Quý Khoáng vào La Sơn tôn lên ngôi, hiệu là Trùng Quang.

Hầu hết những người dám can gián nhà vua là kẻ sĩ tài giỏi, trung với nước hiếu với dân và nhiều mưu lược, nhưng không may gặp phải vua hôn ám, hung bạo mà chịu chết thảm, hoặc bất mãn từ quan để giữ gìn nhân cách.

Một nước muốn trở nên hùng cường cần phải có bậc minh vương xứng tầm ĐỨC - TÀI, đặt sự tồn vong và hưng thịnh quốc gia trên hết, lấy "Dân là gốc", dùng quyền lực được dân giao để quản lý, điều hành đất nước theo đúng pháp luật; không độc tài, tôn trọng lằng nghe quân sư và gián quan; mọi ứng xử phải đàng hoàng quang minh chính đại, thần dân tâm phục khẩu phục tin tưởng thì mới quy tụ đoàn kết tạo nên sức mạnh giữ nước và dựng nước. Đồng thời cũng cần phải có những quân sư và gián quan tài giỏi, dũng cảm sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh dám khuyên vua làm việc đúng, ngăn cản, phản đối khi vua làm điều sai. Trong bang giao với các nước phải vững vàng trên lập trường vì lợi ích Quốc gia, giàu bản lĩnh, khôn ngoan, kiên quyết không chịu hèn, không chịu nhục, không chịu lệ thuộc bất kỳ điều kiện nào.

Lịch sử nước nhà đã có những bậc minh vương: Lý Nam Đế, Lý Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Quang Trung Nguyễn Huệ... Đó chính là những người biết "ĐẠO" làm vua.

MONG SAO NƯỚC ĐẠI VIỆT TA LẠI CÓ ĐƯỢC NHỮNG VỊ VUA NHƯ THẾ THÌ THẬT LÀ HỒNG PHÚC.