Tiểu sử Tổng Thống Obama
BARACK OBAMA
Tổng Thống Thứ 44 Hoa Kỳ
Barack Hussein Obama II - 1961
(sinh ngày 4 tháng 8 năm 1961) là Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện tiểu bang Illinois. Ông là người được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên cho kỳ bầu cử tổng thống năm 2008, trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên được một chính đảng quan trọng tại Hoa Kỳ chọn lựa cho cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Columbia, và trường Luật Đại học Harvard, Obama nhận công việc của một chuyên viên tổ chức cộng đồng và luật sư tập sự chuyên ngành luật nhân quyền, trước khi đắc cử vào Thượng viện Tiểu bang Ilinois và phục vụ tại đây từ năm 1997 đến 2004. Sau thất bại khi tranh cử vào Viện Dân biểu Hoa Kỳ trong năm 2000, Obama tuyên bố chiến dịch tranh cử cho Thượng viện vào tháng 1 năm 2003. Sau chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử sơ bộ trong tháng 3 năm 2004, ông được mời đọc diễn văn tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ vào tháng 7 năm 2004. Tháng 11 năm 2004, Obama đắc cử vào Thượng viện Hoa Kỳ với 70% phiếu bầu.[1]
Là thành viên khối thiểu số trong Quốc hội kỳ 109, Obama đồng đệ trình các dự luật kiểm soát vũ khí quy ước, và nâng cao trách nhiệm công luận trong việc sử dụng ngân sách liên bang. Ông cũng mở các cuộc viếng thăm chính thức đến Đông Âu, Trung Đông, và châu Phi. Trong Quốc hội kỳ 110 hiện nay, Obama bảo trợ các dự luật liên quan đến các vấn đề trong lĩnh vực vận động hành lang, gian lận bầu cử, biến đổi khí hậu, khủng bố hạt nhân, và chăm sóc quân nhân hồi hương. Khi tham gia tranh cử tổng thống vào tháng 1 năm 2007, Obama tập chú vào các vấn đề như triệt thoái binh sĩ Mỹ khỏi Iraq, gia tăng khả năng độc lập năng lượng, hạn chế ảnh hưởng vận động hành lang, và phát triển chương trình chăm sóc sức khỏe phổ quát, xem chúng là các ưu tiên quốc gia.
Theo Văn phòng Lịch sử Thượng viện Hoa Kỳ, ông là thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi thứ năm trong lịch sử Mỹ và là người Mỹ gốc Phi duy nhất đang phục vụ trong Thượng viện.[2]
Từ năm 2002, Obama đã chỉ trích Chiến tranh Iraq lúc ấy đang trong giai đoạn chuẩn bị, khi tuyên bố trong phỏng vấn trên truyền hình rằng, nếu ông có ghế trong Quốc hội, ông sẽ bỏ phiếu chống Nghị quyết Iraq.[3]
Thiếu thời
Obama chào đời ngày 4 tháng 8 năm 1961 tại Trung tâm Y khoa Kapionlani ở Honolulu, Hawaii,[4] là con trai của Barack Obama, Sr., một công dân Kenya da đen, và Ann Dunham, một phụ nữ da trắng đến từ Wichita, Kansas. Hai người gặp nhau khi đang theo học tại Đại học Haiwaii, Manoa,[5] nhưng lại sống ly thân khi cậu bé mới lên hai, cuối cùng ly dị nhau.[6] Cha của Obama trở về Kenya, chỉ gặp con mình một lần duy nhất trước khi mất vì tai nạn xe hơi năm 1982.[7] Sau đó Dunham kết hôn với một công dân Indonesia, năm 1967 gia đình dọn đến Jakarta, Obama nhập học các trường ở đây cho đến 10 tuổi, rồi trở về Honolulu sống với ông bà ngoại, học tại Trường Punahou từ lớp năm (năm 1971) cho đến khi tốt nghiệp trung học năm 1979.[8] Năm 1972, mẹ của Obama trở lại Hawaii trong vài năm rồi quay về Indonesia để làm việc. Năm 1995, bà mất vì bệnh ung thư buồng trứng.[9]
Obama đến Los Angeles, học tại trường Cao đẳng Occidental trong hai năm,[10] rồi sang Thành phố New York, theo học tại Đại học Columbia, môn khoa học chính trị chuyên ngành quan hệ quốc tế.[11] Obama tốt nghiệp Đại học Columbia năm 1983 với văn bằng cử nhân, rồi đến làm việc tại Tập đoàn Doanh nghiệp Quốc tế và Nhóm Nghiên cứu Quyền lợi Công cộng New York.[12][13]
Sau bốn năm sống ở Thành phố New York, Obama dọn đến Chicago, trở thành chuyên viên tổ chức cộng đồng trong ba năm từ tháng 6 năm 1985 đến tháng 5 năm 1988 trong cương vị giám đốc cho Đề án Phát triển Cộng đồng, một tổ chức cộng đồng lúc đầu bao gồm 8 giáo xứ Công giáo ở vùng Đại Roseland.[12][14] Trong ba năm làm việc cho tổ chức tôn giáo này, số nhân viên của Obama từ 1 người tăng lên 13, ngân quỹ từ 70 000 USD lên 400 000 USD, với thành quả là thiết lập một chương trình huấn nghiệp, một chương trình dự bị đại học, và một tổ chức bảo vệ quyền của người thuê nhà tại Altgeld Gardens.[15] Obama cũng phụ trách việc tư vấn và hướng dẫn cho một học viện tổ chức cộng đồng có tên Gamaliel Foundation.[16] Đến giữa thập niên 1980, lần đầu tiên Obama đến thăm Âu châu trong ba tuần, kế đến là Kenya trong năm tuần, tại đây lần đầu ông có cơ hội gặp những người họ hàng.[17]
Cuối năm 1988, Obama nhập học Trường Luật Đại học Harvard, cuối năm thứ nhất, dựa trên thành tích học tập và một cuộc thi viết, Obama được chọn làm biên tập viên cho Tạp chí Luật Harvard.[18] Đến năm thứ hai, ông đắc cử chức chủ tịch tạp chí, một vị trí thiện nguyện trọn thời gian với chức năng chủ bút điều hành một ban biên tập 80 người.[19] Sự kiện một người da đen đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Tạp chí Luật Harvard đã thu hút sự chú ý của báo giới.[19] Năm 1991, Obama tốt nghiệp hạng giỏi (magna cum laude) với học vị Tiến sĩ luật (J.D.), trở về Chicago và làm việc tại các công ty luật Sidley & Austin (1989), và Hopkins & Sutter (1990).[18][20]
"Cha mẹ tôi không chỉ chia sẻ với nhau tình yêu trong mơ, mà còn chia sẻ với nhau niềm tin vào các cơ hội rộng mở trên đất nước này. Họ cho tôi cái tên châu Phi, Barack, nghĩa là người được chúc phúc, vì họ tin rằng ở nước Mỹ bao dung, tên của bạn không thể là rào cản đến thành công. Họ tưởng tượng rằng tôi sẽ đến những trường học tốt nhất mặc dù họ không giàu, bởi vì ở nước Mỹ hào phóng, bạn không cần phải giàu mới có thể đạt được những ước mơ."
Barack Obama, Diễn văn tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2004.[21]
Nhờ nổi tiếng từ sự kiện là người da đen đầu tiên đắc cử chủ tịch Tạp chí Luật Harvard, Obama được mời gọi cho các hợp đồng viết sách về quan hệ chủng tộc.[22] Muốn tuyển dụng Obama vào ban giáo sư, Trường Luật Đại học Chicago dành cho ông một học bổng và một văn phòng để viết sách.[22] Không thể hoàn tất cuốn sách trong vòng một năm như dự định vì muốn thêm vào những hồi ức cá nhân, Obama và vợ đến Bali để tập trung cho công việc. Đến giữa năm 1995, cuốn sách được xuất bản dưới tựa đề Dreams from My Father.[22]
Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1992, Obama điều hành Đề án Bầu phiếu Illinois, với sự cộng tác của 10 đến 700 thiện nguyện viên nhắm vào mục tiêu vận động từ 150 000 đến 400 000 cử tri người Mỹ gốc Phi trong tiểu bang đăng ký đi bầu. Đề án này khiến Crain’s Chicago Business ghi tên Obama vào danh sách “Bốn mươi nhân vật U 40 có thế lực nhất” năm 1993.[23][24]
Sau đó, Obama dành 12 năm để dạy luật hiến pháp tại Trường Luật Đại học Chicago, bốn năm đầu (1992-1996) là giảng viên, tám năm sau (1996-2004) là giảng viên trưởng.[25]
Năm 1993, Obama gia nhập công ty luật Davis, Miner, Barnhill & Galland, làm việc trong chuyên ngành luật dân sự và phát triển kinh tế cộng đồng, cho đến năm 2004.[12][26]
Nghị trường Tiểu bang, 1997-2004
Obama đắc cử vào Thượng viện Illinois năm 1996, thế chỗ của Alice Palmer để đại diện cho Hạt 13 của thành phố Chicago.[27] Obama giành được sự ủng hộ lưỡng đảng cho các dự luật chấn hưng đạo đức và cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe.[28] Ông cũng đứng ra bảo trợ luật tăng mức tín dụng cho công nhân lợi tức thấp, thương thảo cho kế hoạch cải tổ phúc lợi, và vận động cho đề án tăng các khoản trợ cấp cho việc chăm sóc trẻ em.[29] Năm 2001, trong cương vị đồng chủ tịch ủy ban lưỡng đảng về nguyên tắc hành chính, Obama ủng hộ bộ qui định của Thống đốc Cộng hòa Ryan về việc trả tiền góp cho các khoản vay nợ, cũng như bộ qui định về thế chấp bất động sản nhằm ngăn chặn việc tịch thu nhà trả góp trước thời hạn.[30] Trong năm 2003, Obama bảo trợ và lãnh đạo cuộc vận động thông qua luật giám sát việc phân loại hồ sơ theo chủng tộc bằng cách yêu cầu cảnh sát tường trình chủng tộc của người lái xe khi bị bắt giữ, và một đạo luật khác đã biến Illinois thành tiểu bang đầu tiên buộc phải ghi hình các cuộc thẩm vấn nghi can trọng án.[29][31]
Năm 1998, Obama tái đắc cử vào Thượng viện Illinois, và đắc cử lần thứ ba năm 2002.[32] Trong năm 2000, ông thất bại khi ra tranh cử vào Viện Dân biểu Hoa Kỳ, đối đầu với Dân biểu đương nhiệm Bobby Rush với cách biệt một chống hai.[33][34]
Tháng 1 năm 2003, Obama trở thành chủ tịch Ủy ban Y tế và Dân sinh Thượng viện Illinois khi các nghị viên Đảng Dân chủ giành được thế đa số sau mười năm chờ đợi.[35] Trong chiến dịch tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ năm 2004, đại diện cảnh sát tuyên dương Obama vì sự cộng tác tích cực trong việc ban hành luật cải cách án tử hình.[36] Obama từ nhiệm khỏi Thượng viện Illinois sau khi đắc cử vào Thượng viện Hoa Kỳ tháng 10 năm 2004.[37]
Chiến dịch Tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ
Đến giữa năm 2002, Obama bắt đầu tính đến khả năng tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ, ông tuyển dụng nhà chiến lược David Axelrod và tuyên bố tranh cử vào tháng 1 năm 2003.[38] Việc hai thượng nghị sĩ đương nhiệm, Peter Fitzgerald thuộc Đảng Cộng hòa, và Carol Moseley thuộc Đảng Dân chủ quyết định không tham gia cuộc đua đã thu hút đến 15 ứng viên thuộc hai đảng tranh phiếu ở vòng bầu cử sơ bộ.[39] Vị thế của Obama được củng cố bởi hình ảnh của Thị trưởng Chicago Harold Washington đã quá cố, và sự ủng hộ của con gái cố Thượng Nghị sĩ Paul Simon.[40] Trong kỳ bầu cử sơ bộ, Obama nhận được 52% phiếu bầu, dẫn trước đối thủ kế cận với tỷ lệ 29%.[41]
Đối thủ của Obama trong kỳ tổng tuyển cử, ứng viên Đảng Cộng hòa, Jack Ryan, rút lui khỏi cuộc đua vào tháng 6 năm 2004.[42]
Tháng 8 năm 2004, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng trước ngày bầu cử, Alan Keyes chấp nhận sự đề cử của Đảng Cộng hòa tại Illinois để thay thế Ryan.[43] Là cư dân lâu năm ở Maryland, Keyes trở thành cư dân Illinois khi nhận sự đề cử.[44] Trong kỳ bầu cử tháng 11 năm 2004, Obama nhận đươc 70% phiếu bầu, trong khi Keyes chỉ có được 27%. Đây là sự cách biệt lớn nhất trong một kỳ bầu cử cấp tiểu bang trong lịch sử Illinois.[45]
Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ 2004
Tháng 7 năm 2004, Obama viết và đọc bài một diễn văn quan trọng tại Đại hội Đảng Dân chủ năm 2004 tại Boston, Massachusetts.[46] Sau khi thuật lại những trải nghiệm của ông ngoại mình như là một cựu chiến binh Thế chiến thứ hai và là người đang thụ hưởng những trợ cấp từ các chương trình New Deal’s FHA và G.I. Bill, Obama nói tiếp:
“Không một người dân nào mong đợi chính phủ giải quyết mọi khó khăn của họ. Nhưng họ cảm nhận được, từ trong sâu thẳm của đáy lòng, cần có một sự thay đổi dựa theo những ưu tiên hợp lý, để có thể bảo đảm rằng mọi đứa trẻ tại Mỹ đều có sự khởi đầu tốt cho cuộc đời chúng, và cánh cửa cơ hội luôn rộng mở cho mọi người. Họ biết rằng chúng ta có thể làm tốt hơn. Và họ muốn chúng ta phải làm thế.”
Khi tra vấn về cung cách tiến hành cuộc chiến Iraq của chính phủ Bush, Obama nói:
“Khi chúng ta gởi những người trẻ tuổi vào chỗ hiểm nghèo, chúng ta bị buộc vào một nghĩa vụ thiêng liêng, ấy là không được ngụy tạo những con số, cũng không được che giấu sự thật về lý do sai phái họ đi, nhưng phải chăm sóc gia đình họ khi họ vắng mặt, hỗ trợ những người lính khi họ trở về, và đừng bao giờ tham chiến khi không đủ lực để chiến thắng, gìn giữ hòa bình, và giành được sự tôn trọng của thế giới.”
Obama mạnh mẽ đả kích tư tưởng bè phái trong các cuộc bầu cử và thúc giục người dân Mỹ tìm kiếm sự hiệp nhất trong sự đa dạng, ông nói, “Không có một nước Mỹ cấp tiến, cũng không có một nước Mỹ bảo thủ; chỉ có một Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.”[47] Bài diễn từ được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đã giúp kiến tạo hình ảnh của Obama như là một chính khách tầm cỡ quốc gia, và là điều kiện thuận lợi cho chiến dịch tranh cử vào Thượng viện của ông.[48]
Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ, 2005 đến nay
Ngày 4 tháng 1 năm 2005, Obama tuyên thệ nhậm chức.[49] Dù chỉ là một cư dân mới của Washington, ông đã kịp tuyển dụng một nhóm cố vấn vững chãi và có chuyên môn cao nhằm mở rộng các chủ đề vượt quá yêu cầu dành cho một tân nghị sĩ như ông.[50] Ông thuê Pete Rouse, 30 tuổi, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về chính trị liên bang và là cựu chánh văn phòng của Lãnh tụ Đảng Dân chủ tại Thượng viện, cho vị trí chánh văn phòng của ông, và Karen Kornbluh, một kinh tế gia, từng là phó chánh văn phòng cho Bộ trưởng Ngân khố Robert Rubin phụ trách về chính sách.[51] Ông cũng tuyển dụng Samantha Power, một tác giả về nhân quyền và nạn diệt chủng, Anthony Lake, và Susan Rice, từng phục vụ trong chính phủ Clinton trong cương vị cố vấn đối ngoại.[52]
Trong lịch sử của Thượng viện Hoa Kỳ, Obama là thượng nghị sĩ người Mỹ gốc Phi thứ năm, và là người thứ ba được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu.[53] Hiện ông là người da đen duy nhất phục vụ ở Thượng viện[54] Dựa trên những phân tích bỏ phiếu ở Thượng viện từ năm 2005-2007, CQ Weekly, một tập san không đảng phái, xếp loại Obama là “Đảng viên Dân chủ trung kiên”, còn tờ National Journal gọi ông là thượng nghị sĩ có khuynh hướng cấp tiến nhất.[55][56] Nhưng Obama tỏ ý nghi ngời về phương pháp khảo sát của những tờ báo trên, gọi đó là lề thói của “nền chính trị già nua” phân biệt các lập trường chính trị ra “bảo thủ” hoặc “cấp tiến” nhằm tạo ra các định kiến và ngăn cản nỗ lực giải quyết các vấn nạn của đất nước.[57]
Làm luật
Kiên định với lập trường bảo vệ môi trường, Obama bỏ phiếu ủng hộ Đạo luật Chính sách Năng lượng năm 2005. Obama tích cực vận động ở Thượng viện cho kế hoạch cải tổ những quy định nhập cư và an ninh biên giới. Năm 2005, ông đồng bảo trợ Dự luật An ninh Mỹ Quốc và Nhập cư trong Trật tự đệ trình bởi Thượng Nghị sĩ John McCain (Cộng hòa-Arizona).[59] Về sau, ông thêm ba tu chính án vào Đạo luật Cải tổ Di dân Toàn diện, được Thượng viện thông qua vào tháng 5 năm 2006, nhưng không giành được đa số phiếu ở Viện Dân biểu.[60] Tháng 9 năm 2006, Obama ủng hộ một dự luật liên quan – Đạo luật Hàng rào An ninh - cho phép xây dựng hàng rào và các thiết bị an ninh khác dọc theo biên giới Mỹ-Mexico,[61] được Tổng thống Bush ký ban hành vào tháng 10 năm 2006, gọi đó là “một bước tiến quan trọng hướng về nỗ lực cải tổ chính sách di dân.” [62]
Hợp tác với hai thượng nghị sĩ Cộng hòa, Richard Lugar từ Indiana và Tom Coburn từ Oklahoma, Obama đệ trình thành công hai dự luật mang tên ông. Dự luật “Lugar-Obama” mở rộng khái niệm giảm thiểu vũ khí nguy hại đến các loại vũ khí quy ước như hỏa tiễn cầm tay và mìn cá nhân.[63] Đạo luật Minh bạch Coburn-Obama cho phép thiết lập công cụ tìm kiếm www.USAspending.gov, bắt đầu hoạt động từ tháng 12 năm 2007 dưới sự điều hành của Văn phòng Ngân sách và Quản trị.[64] Sau khi cư dân bang Illinois than phiền về tình trạng ô nhiễm nước thải gây ra bởi một nhà máy hạt nhân trong vùng, Obama bảo trợ một đạo luật buộc chủ nhà máy tường trình với giới hữu trách tiểu bang và địa phương nguy cơ rò rỉ phóng xạ.[65] Tháng 12 năm 2006, Tổng thống Bush ký ban hành Đạo luật xúc tiến Dân chủ, An ninh, Cứu tế tại Cộng hòa Dân chủ Congo, đánh dấu nỗ lực đầu tiên của chính quyền liên bang được khởi xướng bởi Obama.[66]
Các Ủy ban
Trong năm 2006, Obama có chân trong các ủy ban Thượng viện như Ngoại giao, Môi trường và Tiện ích công, và Cựu Chiến binh.[67] Tháng 1 năm 2007, ông rời Ủy ban Môi trường và Tiện ích công, nhận nhiệm vụ ở Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Hưu trí, và Ủy ban Nội chính và Chính quyền.[68] Ông cũng là Chủ tịch Tiểu ban Thượng viện về Âu châu.[69]
Là thành viên Ủy ban Ngoại giao Thượng viện, Obama mở các cuộc viếng thăm chính thức đến Đông Âu, Trung Đông, và Phi châu. Tháng 8 năm 2005, ông đến Nga, Ukraine, và Azerbaijan. Chuyến đi tập chú vào chiến lược kiểm soát nguồn cung cấp vũ khí quy ước, vũ khí sinh học, và vũ khí hủy diệt hàng loạt như là biện pháp ban đầu chống các cuộc tấn công khủng bố.[70] Sau những lần thăm binh sĩ Mỹ trú đóng ở Kuwait và Iraq trong tháng 1 năm 2006, Obama đến Jordan, Israel, và lãnh thổ Palestine. Trong một lần gặp gỡ sinh viên Palestine hai tuần lễ trước khi Hamas thắng cuộc bầu cử, Obama đã cảnh báo, “Hoa Kỳ sẽ không bao giờ công nhận các ứng viên Hamas thắng cử trừ khi họ từ bỏ lập trường xóa bỏ quốc gia Israel.”[71] Tháng 8 năm 2006, ông đến thăm Nam Phi, Kenya, Djibouti, Ethiopia, và Chad. Khi diễn thuyết tại Đại học Nairobi, ông đề cập đến nạn tham nhũng và sự bất hòa giữa các chủng tộc,[72] khơi dậy những tranh cãi trong vòng giới lãnh đạo Kenya, một số người xem nhận xét của ông là thiếu chính xác và không công bằng, trong khi những người khác bênh vực ông.[73]
Tranh cử Tổng thống năm 2008
Tháng 2 năm 2007, đứng trước tòa nhà Old State Capitol tại Springfield, Illinois, Obama tuyên bố chính thức tham gia cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2008.[74] Điểm lại quá trình hoạt động của mình tại Illinois trong hàm ý liên kết với hình ảnh của Abraham Lincoln khi đọc bài diễn văn Ngôi nhà bị chia cắt năm 1858 tại chính địa điểm này,[75] Obama nói, “Đó là lý do, ngay dưới bóng tòa nhà Old State Capitol, nơi Lincoln đã một lần kêu gọi sự hòa giải và đoàn kết cho ngôi nhà bị chia cắt, nơi những niềm hi vọng và những giấc mơ được mọi người cùng chia sẻ vẫn còn sống động, hôm nay tôi đứng trước quí vị để thông báo quyết định ra tranh cử Tổng thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.”
Nói chuyện tại một buổi họp của Ủy ban Dân chủ Toàn quốc một tuần trước khi tuyên bố tranh cử, Obama kêu gọi chấm dứt cung cách vận động tiêu cực (tập chú vào các yếu điểm của đối phương thay vì trình bày lập trường và chính sách của mình).[76] Trong các cuộc vận động tranh cử, Obama thường nhấn mạnh đến lập trường chấm dứt chiến tranh Iraq, gia tăng khả năng độc lập về năng lượng, và chế độ chăm sóc sức khỏe phổ quát, xem đó là ba ưu tiên hàng đầu của ông.[77]
Tổng số tiền thu được từ những khoản đóng góp ít hơn 200 USD đạt con số kỷ lục 16,4 triệu USD.[78] Chỉ trong tháng đầu tiên năm 2008, những người ủng hộ gởi cho quỹ vận động tranh cử của Obama 36,8 triệu USD, chưa từng có ứng viên nào làm được điều này trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ.[79]
Tháng 10 năm 2007, chỉ hai tháng trước cuộc bầu cử sơ bộ tại Iowa và New Hampshire, các cuộc thăm dò trên toàn quốc cho thấy đang bị dẫn trước bởi Hillary Clinton, Obama lên tiếng cáo buộc đối thủ số một của mình là thiếu sự minh bạch trong chính kiến. Khi đang vận động tranh cử tại Iowa, Obama nói với tờ Washington Post rằng ứng cử viên Đảng Dân chủ cần phải thu hút sự ủng hộ rộng lớn hơn cho cuộc tổng tuyển cử thay vì chỉ tập chú vào việc giành sự ủng hộ từ cử tri Đảng Cộng hòa và các cử tri độc lập như cách Clinton đang làm. Trong bữa tiệc gây quỹ tại Iowa trong tháng 11 năm 2007, Obama mở rộng quan điểm này, phát biểu rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ “biến toàn thể đất nước thành một phe đa số mới” nhằm tìm ra giải pháp thích hợp cho các vấn nạn đã tồn tại từ lâu.
Đến ngày Thứ Ba trọng đại, Obama dẫn trước Clinton với cách biệt 20 phiếu cử tri đoàn.[80] Trong hai tháng đầu năm 2008, ông quyên góp được 90 triệu USD trong khi Clinton chỉ huy động được 45 triệu USD.[81] Sau ngày Thứ Ba trọng đại, Obama chiến thắng trong 11 cuộc bầu cử sơ bộ và các cuộc bầu phiếu kín.[82] Trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở Vermont, Texas, Ohio, và Rhode Island vào ngày 4 tháng 3, phiếu bầu hầu như được chia đều cho hai ứng viên. Nhưng những ngày cuối tháng 3 được đánh dấu bởi những chiến thắng của Obama tại Wyoming và Mississippi.[83]
Tháng 3 năm 2008, bùng nổ những tranh cãi liên quan đến Jeremiah Wright, mục sư của Obama trong suốt 20 năm.[84] Sau khi ABC News tung ra những clip về những bài thuyết giáo của Wright bị cáo buộc là có định kiến về chủng tộc và chính trị,[84][85] Obama chỉ trích và chấm dứt mối quan hệ của Wright với cuộc vận động tranh cử.[86] Liên quan đến cuộc tranh cãi, Obama đã đọc một diễn từ tựa đề “Một sự Hiệp nhất Hoàn hảo hơn",[87] mạnh mẽ chỉ trích Wright, người mà ông cho là “đã trình bày một thế giới quan trái ngược với tính cách và lập trường của tôi.”[88] Ngày 31 tháng 5 năm 2008, sau khi Michael Pfleger, một linh mục Công giáo, được mời đến thuyết giáo tại Nhà thờ Trinity, lên tiếng chế giễu Hillary Clinton, Obama quyết định rút tên khỏi giáo đoàn này.[89][90][91]
Trong các cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra vào tháng 4, 5, và 6 ở Pennsylvania, North Carolina, Indiana, West Virginia, Kentucky, Oregon, Puerto Rico, Montana, và South Dakota, Obama chỉ thành công ở North Carolina, Oregon, và Montana, trong khi Clinton giành được sự ủng hộ của các tiểu bang còn lại. Tuy nhiên, Obama vẫn tiếp tục dẫn trước Clinton theo số phiếu cộng dồn của cử tri đoàn; hơn nữa Obama giành nhiều phiếu hơn Clinton trong siêu cử tri đoàn.[92] Đến ngày 3 tháng 6, với tổng số phiếu được kiểm, Obama vượt qua ngưỡng 2118 phiếu cử tri đoàn để được xem là ứng viên cho Đảng Dân chủ.[93] Ngay trong ngày, tại St. Paul, Minnesota, ông đọc diễn văn tuyên bố chiến thắng.[94]
Ngày 23 tháng 8 năm 2008, Obama chọn Thượng Nghị sĩ Joe Biden (đại diện bang Delaware) vào liên danh tranh cử của ông cho chức vụ Phó Tổng thống.[95] Tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ ở Denver, Colorado, đối thủ cũ của Obama, Hillary Clinton, đọc diễn văn mạnh mẽ ủng hộ ông.[96][97]
Ngày 28 tháng 8, diễn thuyết trước 84000 người ủng hộ tụ họp về vận động trường Invesco Field ở Denver, Obama chấp nhận sự đề cử của đảng và trình bày chi tiết các chính sách của ông.[98][99]
Đời tư
Obama gặp người vợ tương lai của mình, Michelle Robinson, năm 1988 khi nhận một công việc mùa hè cho công ty luật Sidley & Austin ở Chicago.[100] Là cố vấn cho Obama tại công ty, Robinson cùng làm việc với Obama trong các hoạt động xã hội theo nhóm. Đến cuối hè, họ bắt đầu hẹn hò, đính hôn năm 1991 và kết hôn vào tháng 10 năm 1992.[101] Con gái đầu của hai người, Malia Ann, chào đời năm 1999,[102] kế đó là Natasha (“Sasha”) năm 2001.[103]
Năm 2005, gia đình Obama dọn đến ngôi nhà mới trị giá 1,6 triệu USD ở Kenwood. [104] Tháng 12 năm 2007, Tạp chí Money ước tính tài sản của gia đình Obama là 1,3 triệu.[105] Khoản hoàn trả thuế năm 2007 cho thấy lợi tức của họ là 4,2 triệu USD, tăng từ khoảng 1 triệu USD năm 2006, và 1,6 triệu USD năm 2005, hầu hết là nhờ vào tiền bán sách.[106]
Obama có bảy anh chị em cùng cha khác mẹ, sáu trong số họ còn sống, và một em gái cùng mẹ khác cha, Maya Soetoro-Ng,[107] Soetoro-Ng kết hôn với một người Canada gốc Hoa.[108]
Obama thích chơi bóng rổ, thời trung học từng là thành viên đội bóng rổ liên trường.[109] Ông thuận tay trái, nhưng lại thích sử dụng tay phải trong một số động tác chơi bóng.[110] Trước khi tuyên bố tranh cử, Obama bắt đầu bỏ thuốc lá, ông nói với tờ Chicago Tribune, "Trong vài năm qua, từng hồi từng lúc tôi đã bỏ thuốc. Vợ tôi kiên quyết yêu cầu tôi bỏ thuốc, nếu không tôi sẽ không chịu đựng nổi áp lực của chiến dịch tranh cử."[111]
Một chủ đề trong bài diễn văn quan trọng đọc tại Đại hội Toàn Quốc Đảng Dân chủ năm 2004, cũng là tựa đề một quyển sách xuất bản năm 2006 của Obama, The Audacity of Hope, được truyền cảm hứng bởi quản nhiệm nhà thờ của ông, Mục sư Jeremiah Wright. Trong chương 6 tựa đề “Đức tin”, Obama viết ông “không được nuôi dưỡng trong một gia đình có niềm tin tôn giáo”; nhưng mẹ ông, khi đến với tôn giáo, trở thành “người sùng tín nhất mà tôi từng biết”. Obama miêu tả người cha gốc Kenya của mình dù “được giáo dưỡng trong Hồi giáo” lại là “một người vô thần”, và người cha kế gốc Indonesia là “người xem tôn giáo là điều chẳng mang lại lợi ích cụ thể nào”.
Cuốn sách cũng thuật lại sự kiện Obama, lúc ấy ở tuổi hai mươi, khi đang làm việc cho một nhà thờ địa phương trong cương vị một nhân viên tổ chức cộng đồng, đã nhận ra rằng “sức mạnh của truyền thống tôn giáo trong cộng đồng người Mỹ gốc Phi có thể kích hoạt các thay đổi trong xã hội.” Obama viết: “Từ những nhận thức này – niềm tin tôn giáo không đòi hỏi tôi phải từ bỏ ý thức phê phán, chấm dứt các nỗ lực tranh đấu cho sự công bằng xã hội và kinh tế, hay rút lui khỏi thế giới mà tôi hiểu biết và yêu quí – tôi đã đến Nhà thờ Trinity United Church of Christ (thuộc giáo phái Tự trị Giáo đoàn) để chịu lễ báp têm.“[112][113]
Tác phẩm
*Dreams from My Father
Tác phẩm đầu tay của Obama, Dreams from My Father: A Story of Race and Inheritance (Những Giấc mơ từ Cha tôi: Câu chuyện về Chủng tộc và Di sản), xuất bản trước khi ông bước vào các chức vụ dân cử. Trong tác phẩm này, Obama thuật lại thời thơ ấu ở Honolulu và Jakarta, những năm đại học ở Los Angeles và Thành phố New York trong thập niên 1980. Những chương chót được dành để miêu tả chuyến viếng thăm thứ nhất của ông đến Kenya, chuyến đi nối kết với dòng tộc và di sản thuộc chủng tộc Luo. Trong phần dẫn nhập của ấn bản năm 2004, Obama viết rằng ông hy vọng câu chuyện của dòng tộc ông, “theo một cách nào đó sẽ nói lên tình trạng phân hóa chủng tộc được xem là đặc thù của trải nghiệm Mỹ Quốc.”[114] Trong một bài điểm sách năm 1995, tiểu thuyết gia Paul Watkins nhận xét rằng tác phẩm này “đã miêu tả cách thuyết phục hiện tượng những người thuộc về hai thế giới khác nhau, và vì vậy, không có một chỗ để đi về.”[115] Ấn bản sách đọc của tác phẩm đã mang về cho Obama Giải Grammy cho Album đọc Hay nhất năm 2006.[116]
*The Audacity of Hope
Tác phẩm thứ hai của Obama, The Audacity of Hope: Thoughts on Reclaiming the American Dream (Sự Dạn dĩ của Hy vọng: Tản mạn về Quyền Giành lại Giấc mơ Mỹ Quốc), không lâu sau khi xuất bản trong tháng 10 năm 2006 được đưa vào bản liệt kê sách bán chạy nhất của tờ New York Times.[117] Nó được đặt tên theo tựa đề một bài thuyết giảng của Jeremiah Wright, trước đây là mục sư của Obama.[118] Theo tờ Chicago Tribune, chính những đám đông tụ tập tại những buổi ký tặng sách đã ảnh hưởng đến quyết định tranh cử tổng thống của Obama.[119] Cựu ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ Gary Hart nhận xét rằng quyển sách tự thuật này đã thể hiện một “con người còn khá trẻ tuổi nhưng đã già dặn, một đầu óc sắc sảo quan sát các điều kiện sống của con người, một nhân vật sở hữu lòng kiên định và kỹ năng sáng tác, sẽ lóe sáng đến tầm vĩ nhân.”[120] Cây bút chuyên điểm sách Michael Tomasky viết rằng tác phẩm nầy không phải là “phương thuốc với những sáng kiến táo bạo sẽ dẫn dắt Đảng Dân chủ ra khỏi hoang mạc,” nhưng nó chỉ cho thấy tiềm năng của Obama “kiến tạo một nền chính trị mới theo khuynh hướng cấp tiến mà vẫn bám rễ trong truyền thống dân sự, có sức thuyết phục đối với quảng đại quần chúng."[121] Tháng 2 năm 2008, Obama giành một Giải Grammy cho ấn bản sách đọc của quyển “Audacity”.[116] Các ấn bản ngoại ngữ của tác phẩm này cũng đã được phát hành tại Ý, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Đan Mạch, và Hi Lạp.[122]
Hình ảnh
Cả những người ủng hộ lẫn chỉ trích đều xem hình ảnh của Obama như là một nhân cách trung tính mà bất cứ ai cũng có thể lồng vào đó quá khứ và khát vọng của mình. Những câu chuyện của Obama về nguồn gốc gia đình củng cố thêm nữa điều mà một bài viết đăng trên tạp chí New Yorker tháng 5 năm 2004 miêu tả là hình ảnh chung cho mọi người. Trong quyển Dreams from My Fathers, ông gắn kết lịch sử gia đình họ ngoại với tổ tiên là người Mỹ Bản địa (người da đỏ) và là họ hàng xa với Jefferson Davis, tổng thống liên bang miền nam trong cuộc Nội chiến Mỹ.[123] Còn khi nói chuyện trước một cử tọa người Do Thái trong cuộc đua vào Thượng viện Hoa Kỳ năm 2004, Obama tìm thấy sự tương đồng trong nguồn gốc ngôn ngữ giữa cái tên Barack bắt nguồn từ Đông Phi với tên Baruch, trong tiếng Hebrew nghĩa là “người được chúc phúc”. Tháng 10 năm 2006, khi xuất hiện trong chương trình truyền hình The Oprah Winfrey Show, Obama khoe khoang tính đa dạng trong đại gia đình của ông: “Michelle sẽ bảo cho các bạn biết, khi họp mặt vào dịp Giáng sinh hoặc Lễ Tạ ơn, thì đây đúng là một Liên Hiệp Quốc thu nhỏ. Tôi có những người họ hàng trông giống như Bernie Mac (diễn viên và danh hài người Mỹ gốc Phi), trong khi những người khác trông giống như Margaret Thatcher. Ở đây chúng tôi có tất cả.”[124]
Cha là người Kenya, mẹ người Mỹ da trắng, lớn lên ở Honolulu và Jakarta, theo học tại những viện đại học tinh hoa của nước Mỹ (thuộc Ivy League), những trải nghiệm ban đầu của Obama khác biệt đáng kể với thế hệ chính khách Mỹ gốc Phi khởi nghiệp chính trị của mình trong thập niên 1960 bằng cách tham gia các cuộc đấu tranh của Phong trào Dân quyền Mỹ.[125]
Khi tranh cử vào Quốc hội Hoa Kỳ năm 2000, Obama bị hai đối thủ chỉ trích là ông không “cắm rễ” đủ sâu tại các khu dân cư của người da đen ở Chicago để có thể hiểu được các mối quan tâm của cử tri. Bày tỏ sự kinh ngạc về những tra vấn liệu ông có "đủ đen" không, trong một lần nói chuyện với Hiệp hội Nhà báo Da đen vào tháng 8 năm 2007, Obama nhận xét rằng vấn đề không phải là ngoại diện hoặc thành tích của ông về những sự việc liên quan đến cử tri da đen, nhưng là “đầu óc chúng ta vẫn còn dính chặt vào ý tưởng rằng bất cứ ai tìm kiếm sự ủng hộ từ những người anh em da trắng đều bị coi là đang làm một điều sai trái.”[126]
Mang âm hưởng từ bài Diễn văn Nhậm chức của John F. Kennedy, Obama thừa nhận hình ảnh trẻ trung của mình trong một lần diễn thuyết cho chiến dịch tranh cử tổng thống vào tháng 10 năm 2007, “Tôi không thể có mặt ở đây nếu ngọn đuốc không được chuyền tay cho thế hệ trẻ”.[127]
Tháng 10 năm 2005, một bài viết trên tạp chí New Statesman xuất bản tại Luân Đôn xếp Obama vào danh sách “10 nhân vật có khả năng thay đổi thế giới”. Năm 2005 và năm 2007, tạp chí TIME gọi ông là một trong những “nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới”.
Điểm nổi bật trong hình ảnh chính trị của Obama là niềm tin rằng các hoạt động và lời kêu gọi cải cách chính trị của Obama luôn đi đôi với những cân nhắc khôn ngoan của một chính khách để có thể đưa ra những quyết sách có lợi nhất. Tháng 7 năm 2008, trong một bài viết đăng trên tờ The New Yorker, Ryan Lizza nhận xét, “dù đang vận động cải cách một quy trình chính trị què quặt, (Obama) luôn tuân thủ luật chơi của chính trường, dù có thể ông không thích chúng.”[128]
"Tối nay, chúng ta cùng tụ họp tại đây để khẳng định sự vĩ đại của quốc gia này – không phải do chiều cao của những tòa nhà chọc trời, cũng không phải bởi sức mạnh quân sự, hoặc tầm vóc của nền kinh tế chúng ta. Niềm kiêu hãnh của chúng ta lập nền trên một tiền đề hết sức đơn giản, được tóm tắt trong bản tuyên ngôn hơn hai trăm năm trước: “Chúng ta tin rằng chân lý này là đầy trọn, ấy là mọi người được tạo dựng trong bình đẳng, Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta những quyền bất khả nhượng, trong đó có quyền được sống, tự do, và mưu cầu hạnh phúc.” Đó là tính cách thật của nước Mỹ - niềm tin vào những giấc mơ giản dị, và lòng kiên định tin vào các phép lạ nhỏ nhoi."
Barack Obama, Diễn văn tại Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2004.[21]
Theo Thomas Patterson từ Trung tâm Báo chí, Chính trị và Chính sách công Shoreinstein, các phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của Obama trong các cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ, mặc dù ông xem đây là điều bất thường và đáng tranh luận, “Obama nhận được sự ủng hộ tích cực của báo chí hơn bất kỳ ứng viên nào trong vòng 7, 8 đợt bầu cử Tổng thống gần đây của nước Mỹ. Điều này có được bởi Obama là một nhân vật mới với những câu chuyện thú vị…Khi bàn về các bước đi và tương lai của nước Mỹ, người ta thường chỉ trích chính quyền George W. Bush và các chính sách của Bush. Và họ cho rằng đây là thời điểm của sự thay đổi. Nhiều phóng viên chia sẻ quan điểm này và họ phản ánh trong bài viết của mình.” Trong khi đó, cũng theo nhận xét của Patterson, Hillary Clinton không giành được sự ưu ái của cánh nhà báo như Obama đã làm, “Một trong những lý do thất bại của Hillary là đã không biết cách làm việc tốt với báo giới. Bà không thích báo giới cho lắm, và có quan hệ theo hướng thù nghịch với báo giới.”[129]
Theo hai cuộc khảo sát thực hiện trong tháng 7 năm 2008, mặc dù là tín hữu Cơ Đốc, nhiều người vẫn nghĩ rằng Obama là người Hồi giáo hoặc được giáo dưỡng trong niềm tin Hồi giáo (12% theo Pew Research Center, và 26% theo Newsweek).[130] Khi được hỏi về điều này trong một chương trình truyền hình của CNN Larry King, Obama trả lời, “…Tôi chưa bao giờ được giáo dưỡng trong một gia đình Hồi giáo.”[131]
Trong một lần nói chuyện với Sarah Pulliam và Ted Olsen của tạp chí Christianity Today, Obama khẳng định, “Tôi tin vào sự chết cứu chuộc và sự sống lại của Chúa Giê-xu Cơ Đốc. Tôi tin rằng đức tin ấy là lối đi dẫn tôi đến sự tẩy sạch tội lỗi và được hưởng sự sống đời đời. Nhưng quan trọng hơn, tôi tin vào hình mẫu mà Chúa Giê-xu đã thiết lập bằng cách cho người đói ăn, chữa lành người bệnh tật, và luôn luôn xem những người thấp hèn hơn hết là trọng hơn những kẻ quyền thế… Tôi là thành viên của một nhà thờ trong gần 20 năm, và tôi chưa bao giờ thực hành Hồi giáo. Tôi tôn trọng tôn giáo ấy, nhưng đó không phải là tôn giáo của tôi.”[132]
Nguồn: http://vi.wikipedia.org