Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĂN CỖ LẤY PHẦN

Tạ Duy Anh
Thứ sáu ngày 6 tháng 4 năm 2018 8:07 AM




Kết quả hình ảnh cho ĂN CỖ QUÊ
Đôi khi phải sống rất lâu, phải chờ ông bà bố mẹ chết đi, phải thành bại trong đời, chúng ta mới thấy hết tấm lòng mênh mông, sâu thẳm của các đấng sinh thành.
Các bạn trẻ ngày nay sẽ cười ngất và có phần coi thường thói quen mỗi khi ai đó đi ăn cỗ lấy phần đem về. Thực tế thì chuyện lấy phần cũng đang mất dần, có chăng chỉ còn rớt lại ở những vùng sâu, vùng xa nào đó.
Nhưng cách nay vài chục năm, việc lấy phần đem về sau mỗi bữa cỗ ở nhà quê, xứng đáng là một “nét văn hóa” của vùng Bắc Bộ. Cái phần cỗ đó, nhất định phải có, thường xuyên là một nắm xôi hay nửa cái oản, mấy miếng thịt gà hoặc thịt lợn to bản thái mỏng, một quả chuối đã bắt đầu nẫu, mấy miếng gan hoặc dồi lợn... Tất cả được gói chung trong cái khăn vuông cũ kĩ (hoặc khăn mùi soa).
Nhiều người vẫn đơn giản nghĩ, vì bản tính tham (do đói khổ quá lâu) nên người ta phải tìm cách lấy phần đem về? Đói khổ trường kì sinh nhếch nhác thì khó cãi, nhưng chỉ nghĩ như vậy, chắc chắn là người thiếu hiểu biết. Bởi nếu gạt bỏ những dị nghị về đói và tham ấy đi, thì sẽ thấy hành động lấy phần cũng ẩn chứa trong đó nhiều nét đẹp đáng để chúng ta trân trọng và ngưỡng mộ.
Ở nhà quê xưa, ai là người thường xuyên được đi ăn cỗ mỗi khi làng có đám? Dĩ nhiên, phần lớn sẽ là những người cao tuổi và đàn ông được xếp ở bậc cao nhất? Đó là một thứ đặc quyền mặc định. Người đi ăn cỗ cũng là người đại diện cho gia đình, hiện diện trước họ mạc, làng xóm, để chia vui hoặc chia buồn, thể hiện tình làng nghĩa nước. Mặc dù được mời ăn, nhưng trong đa số trường hợp, được (hoặc phải) đi ăn cỗ chính là dịp để trả nợ… miệng! Trước mình mời người ta, thì nay người ta mời lại. Trước người ta mừng mình thế nào, thì nay phải mừng lại tương đương như vậy. Vì thế, người đi ăn cỗ luôn ý thức mình đang ăn vào phần của con cháu. (Nó phải ăn kham khổ để mình có tiền đi ăn cỗ). Cái ý nghĩ này sẽ ám ảnh mọi người trong mâm cỗ chứ chả riêng ai. Và để “nhẹ lòng” phần nào, họ tìm cách chia nhau thức ăn lấy phần cho con cháu.
Thường những thứ lấy phần đem về phải là những thứ ngon nhất, sạch nhất, có thể gói vào khăn được. Đôi khi ngay từ đầu bữa cỗ người ta đã thỏa thuận thứ sẽ chia phần, để không ai động đũa vào. Phải làm xong việc ấy, ngồi ăn mới ngon. Bởi mỗi người đều biết sự mong ngóng của những đứa con hoặc cháu, kiên nhẫn đứng ngoài ngõ chờ ông bà, bố mẹ đi ăn cỗ về, để được nhận quà. Cuộc chờ đợi có thể bắt đầu ngay từ lúc người lớn khăn áo tề chỉnh bước khỏi cửa. Và ánh mắt chúng sẽ sáng lên, long lanh trong niềm hạnh phúc vô bờ khi chia nhau những thứ mà người lớn lấy phần.
Hãy tưởng tượng cũng ánh mắt ấy, gương mặt thiên thần ấy, thay vì sáng bừng lên, sẽ lập tức tối sầm lại, tắt ngấm, y như ngọn đèn bị thổi thô bạo, khi trên tay ông bà, bố mẹ không có cái bọc gói trong khăn, đĩnh đạc ngoắc đến quá khuỷu?
Đôi khi phải sống rất lâu, phải chờ ông bà bố mẹ chết đi, phải thành bại trong đời, chúng ta mới thấy hết tấm lòng mênh mông, sâu thẳm của các đấng sinh thành.