Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÔI NUÔI LỢN Ỉ

Lê Bá Thự
Thứ bẩy ngày 7 tháng 4 năm 2018 7:51 AM

Hồi ức tuổi thơ “Tôi và làng tôi”
Kết quả hình ảnh cho Lợn ỉ


Như ta đã biết, để nuôi lợn người chăn nuôi phải có đủ cám và các loại rau làm thức ăn cho lợn. Những năm 50 của thế kỉ trước, làng tôi là một làng nghèo, đời sống khó khăn, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Ăn không đủ no nghĩa là thiếu gạo, mà thiếu gạo nghĩa là ít cám, ít cám nghĩa là khó nuôi lợn. Hồi đó, trong chăn nuôi, nhất là nuôi lợn, nhà nông phải tự mình xoay xở, không thể trông cậy vào bất kỳ sự hỗ trợ nào khác như bây giờ. Phải tự cung tự cấp.
Với khả năng rất khiêm tốn của mình, nhà tôi chỉ dám nuôi, thực tế chỉ có khả năng nuôi một con lợn. Chỉ một con lợn thôi mà có khi còn trầy trật, vì không đủ cám, vì thiếu rau bèo. Tôi còn nhớ, mùa hè năm 1954 bố tôi đi chợ Rỵ mua một con lợn ỉ, gọi là lợn giống, về nuôi. Nhà tôi (làng tôi cũng vậy) thường hay nuôi lợn ỉ, vì lợn ỉ dễ nuôi, chịu được kham khổ, chịu ẩm chịu nóng tốt, sức chống bệnh cao. Lông và da lợn ỉ màu đen tuyền, đầu nhỏ, chân ngắn, tai đứng, mặt nhăn, lưng võng, bụng phệ, đuôi thẳng. Thịt lợn ỉ thơm ngon hơn bất kỳ thịt loại lợn nuôi nào, điều này ai cũng biết. Tuy nhiên, ưu điểm này không phải là động cơ chính khiến bố mẹ tôi và dân làng tôi thích nuôi loài lợn này.
Chuồng lợn nhà tôi ở ngay cạnh bếp, rất tiện hàng ngày cho lợn ăn. Chuồng hình vuông, làm bằng những khúc luồng, nứa cưa đều, xếp chồng lên nhau, rộng chừng chín mét vuông. Bên trên là mái che, lợp tranh.
Bèo ván là một trong những loại thức ăn ưa chuộng của lợn ỉ. Tôi đã gây giống và nuôi hẳn một chuồng bèo ván rộng tới gần năm chục mét vuông, trong ao nhà tôi. Lợn ỉ không thích ăn bèo hoa dâu và bèo tây. Bèo tây vớt lên tôi ném vào chuồng, nếu thích hoặc quá đói thì lợn có thể ăn như ăn “rau sống”. Nhưng cái chính là để nó xéo, nó đạp nát bèo, cho bèo trộn lẫn với cứt lợn, tạo ra phân chuồng bón ruộng. Ngoài bèo ván thì thân cây chuối, rong, rau lang, khoai nước là những thứ nguyên liệu nhà tôi thường dùng để nấu cám lợn. Những thứ rau bèo này sau khi rửa sạch, thái nhỏ, trộn lẫn với cám, đem nấu chín, ta sẽ có được món thức ăn cho lợn mà dân quê vẫn quen gọi là “cám lợn”.
Nhà tôi thường cho lợn ăn vào lúc năm giờ chiều hàng ngày. Lợn ỉ là loài lợn rất khôn, thậm chí láu cá. Hễ gần đến giờ ăn là nó kêu inh tai nhức óc, như muốn thúc giục chủ nhà: “Giờ ăn đến rồi, giờ ăn đến rồi, mang ngay nồi cám ra đây, bụng ta đang đói tơi bời đây này, bằng không ta la, ta hét cho các người phải điếc tai, phải chối tai; nhanh lên, mau lên, mang ngay nồi cám ra đây cho ta…”. Ai cũng biết, lợn kêu đòi ăn chẳng khác gì một cuộc tra tấn chủ nhà. Chả thế mà tiếng lợn kêu đòi ăn đã đi vào thơ ca: “Đang khi lửa tắt cơm sôi/ Lợn kêu con khóc chồng đòi tòm tem”. Hễ phát hiện thấy tôi tay bê nồi cám lợn ra chuồng là con lợn im luôn, nó vẫy tai, nó ngoe nguẩy đuôi, miệng kêu ủn ỉn nhỏ nhẹ, nhìn tôi với con mắt trìu mến, dường như nó muốn thổ lộ: “Đa tạ cậu chủ đã rủ lòng thương tôi đang đói”. Tôi đổ nồi cám lợn vào máng, con lợn lao ngay vào ăn. Nó sục mõm vào máng cám, nó đớp, nó tợp từng miếng to, phát ra tiếng kêu “chốp, chốp”. Lợn bao giờ cũng ăn thành tiếng, hình như ăn như vậy nó mới thấy sướng, mới thấy ngon, mới khoái khẩu.
Hồi mới ra Hà Nội, tôi quen thói nhà quê, ăn thành tiếng, nhai chôm chốp, cắn đôm đốp, húp xì xụp. Nghĩa là tôi ăn bằng miệng, bằng tai, bằng mắt, và phải ăn như vậy thì “cường độ ngon” cùng cái sự sung sướng khi ăn của tôi nó mới đạt tột đỉnh. Nhưng chẳng bao lâu sau đó có người bảo tôi, dân quê chúng mày ăn uống kiểu lợn như vậy là “không văn minh” là “không lịch sự”. Đó là chưa kể, khi ăn cần phải mím môi, không được nhe răng làm người khác phát tởm. Tôi lấy làm xấu hổ vì cái sự quê mùa của mình. Từ đó tôi cố gắng tập ăn theo “chế độ không tiếng”, nghĩa là nhai, húp, cắn, xé, hết sức nhẹ nhàng, không để phát ra tiếng kêu, tiếng động hoặc bất kỳ một âm thanh nào khác. Đó mới gọi là “văn minh thành thị”, “Văn minh châu Âu”. Thú thực, ăn kiểu im re như vậy tôi không thú vị và không thích chút nào, vì ăn là phải tự do, ăn là phải thoải mái, ăn kiểu gì tuỳ thích, không bị hạn chế, không bị ràng buộc. Và theo tôi, ăn kiểu nhà quê vẫn thích hơn, sướng hơn, khoái khẩu hơn. Tuy nhiên, tôi phải học, phải bắt chước cho bằng được cái văn minh của dân thành thị, nhập gia tuỳ tục mà. Cho nên, tôi, bụng bảo dạ, mình phải chịu khó bắt chước cho nó quen dần. Và quả thực sau một thời gian “khổ luyện” tôi đã thành công. Bây giờ tôi là một “người thành thị” thứ thiệt rồi, tôi “văn minh châu Âu” thật sự rồi. Tôi ăn không tiếng, lúc ăn miệng tôi luôn luôn mím, không để hở bất kỳ chiếc răng nào. Nhiều hôm về nhà muộn, tôi ngồi ăn cơm một mình. Vợ tôi nằm ngủ trên đi văng kê ngay bên cạnh. Tôi ăn “không tiếng”, không tiếng nhai, không tiếng húp canh xì xụp, ngay cả gặm xương cũng “không tiếng” nốt… Cái không khí ăn theo kiểu “văn minh thành thị”, “văn minh châu Âu” bao trùm căn phòng. Vợ tôi nằm ngủ ngon lành, không hề bị quấy rầy, không hề bị làm phiền, tôi ăn xong lúc nào vợ tôi không biết… Tuy nhiên, gần đây, đọc báo tôi lại thấy hình như tôi có lý khi tôi từng “cổ xuý” cho việc “húp xì xụp”, ăn phát ra tiếng động: “Người Nhật cho rằng, ăn mì phải phát ra tiếng động. Họ có thể nâng cả bát mì lên để húp nước. Người Nhật sẽ hài lòng khi bạn húp mì xì xụp”. Báo chí người ta viết như vậy đấy nhá. Tôi không có bịa đâu.
Lại kể tiếp về con lợn ỉ của tôi. Dẫu nó hay quấy rầy, thậm chí chọc tức tôi, mỗi khi nó đòi ăn, nhưng tôi yêu con lợn ỉ hay ăn chóng lớn của tôi lắm. Tôi thích tiếng ủn ỉn giàu tình cảm phát ra từ cái mõm dài ngoẵng của nó, tôi thích cái tai, cái đuôi của nó phe phẩy, vẫy chào tôi mỗi khi tôi xuất hiện với nồi cám nóng hổi trong tay. Lợn khôn ngoan như thế mà không hiểu tại sao thiên hạ người ta lại cứ bảo “ngu như lợn”. Con lợn ỉ nhà tôi rất hồn nhiên, ăn no là lăn đùng ra ngủ, mặc trời nắng, mặc trời mưa, có đánh nó cũng bất cần, ngủ cái đã, cứ lăn ra ngủ như chết. Tôi rất thích ngắm con lợn ỉ của tôi khi nó đang ngủ say, trông rất dễ thương, nó nằm nghiêng, bụng phưỡn, hai mắt nhắm nghiền, ngáy khò khò, nghe như thổi bễ, hết mực vô tư, vô tâm và vô lo, chắc nó không nằm chiêm bao và nói mơ như tôi khi ngủ, vì ngoài việc ngáy to, nó không la hét, không giật mình, miệng nó không mấp máy, thân nó không cựa quậy, không động đậy. Đúng là “ngủ như lợn”. Sướng.
Nói chung lợn nhà tôi nuôi thường khoẻ mạnh, hay ăn chóng lớn. Dân làng tôi bảo rằng, nhà tôi nuôi lợn “mát tay”. Tuy nhiên không phải năm nào cũng thuận buồm xuôi gió đâu. Cả nhà lo ngay ngáy, chạy đôn chạy đáo, khi lợn có triệu chứng bị bệnh đóng dấu. Đêm mẹ tôi lo, thở dài thườn thượt, không ngủ được, chỉ sợ lợn chết bệnh, mất cả chì lẫn chài, trong khi cả nhà chỉ trông mong vào con lợn. Còn tôi thì “thương ná” con lợn yêu quý của tôi khi nhìn thấy da thịt nó đầy những vết đỏ hình dấu. Chắc nó đau lắm, nhức lắm, buốt lắm. Những khi lợn ốm, tôi chịu khó kiếm bèo ngon, thái rau ngon, nấu cám ngon tẩm bổ cho nó. Bê nồi cám lợn nóng hổi, thơm phức mùi cám mới và bèo ngon tôi nói nựng với con lợn ỉ đang ốm của tôi:
- Lợn ơi, mi gắng ăn đi nào, ăn đi cho chóng khỏi bệnh, ngày mai tau lại đi vớt bèo ngon, hái rau ngon, nấu cám ngon cho mi ăn, để mi tẩm bổ, mi chóng lớn, mi chóng tăng trọng, lợn nhé!
Dẫu bất đồng ngôn ngữ, nhưng lợn ỉ là loài lợn thông minh, cho nên hình như nó hiểu tôi. Nó miễn cưỡng tợp từng miếng cám, nhai qua loa rồi nuốt chửng, để chiều theo ý tôi. Tôi hài lòng với cái sự ngoan ngoãn vâng lời của nó. Tôi thương nó lắm.
Mẹ tôi mừng hết chỗ nói khi con lợn khỏi bệnh. Tài sản gia đình được bảo toàn. Mừng trong bụng, mẹ tôi lại sang nhà mấy bà hàng xóm ăn trầu, buôn chuyện, tiện thể khoe con lợn nhà tôi đã khoẻ hẳn. Đêm mẹ tôi lại ngủ ngon, không còn thở dài não nuột làm tôi lây buồn.
Mỗi lứa lợn ỉ nhà tôi nuôi phải mất sáu bảy tháng trời, cho trọng lượng khoảng 50 – 60kg lợn hơi. Tiền học của tôi và các khoản chi tiêu trong nhà trông cậy vào con lợn. Bán thóc để tiêu pha thì xót, nhất là nhà đang thiếu gạo ăn. Khi đủ cân, mẹ tôi đem bán con lợn cho lái lợn họ mổ thịt ngay tại nhà. Theo thông lệ, chẳng biết có từ bao giờ ở làng tôi, khi xẻ thịt tại nhà, người mổ lợn thường biếu chủ nhà một đĩa lòng lợn và toàn bộ nồi nước xuýt, sau khi chỉ múc một bát to làm tiết canh. Chủ nhà muốn ăn vài cân thịt thì phải bỏ tiền ra mua. Nhà tôi cần tiền cho nhiều khoản chi tiêu, cho nên mẹ tôi thường tiết kiệm (gọi là hà tiện cũng được), bán lợn “cả gói”, không mua một cân thịt nào. Cho nên, sau mỗi lứa lợn phải vất vả ngược xuôi chăm sóc như vừa kể, tôi cũng chỉ được ăn vài miếng lòng, cộng với bữa cơm được chan nước xuýt không hạn chế. Chỉ thế thôi.
Nói thực, tôi, ruột đau như cắt, khi đích mục sở thị con lợn ỉ yêu dấu của tôi bị người ta chọc tiết, máu chảy bắn tung toé. Không đau xót sao được khi chiều hôm qua nó còn gọi tôi cho nó ăn, nó còn vẫy tai, vẫy đuôi chào tôi, mừng tôi, cảm ơn tôi đã cho nó nồi cám ngon, chúng tôi vẫn còn là đôi bạn thân của nhau; chiều hôm qua ăn xong nó còn lăn đùng ra ngủ một cách vô tư, không hề nghĩ, không hề biết, hôm nay nó phải lìa đời giữa lúc nó đang hoàn toàn khoẻ mạnh, đang lên cân, đang tăng trọng. Tôi cám cảnh, tôi khóc, tôi thương nó lắm, cho dù nó chỉ là con lợn.
Bây giờ không mấy người nuôi lợn ỉ, vì lợn ỉ nhỏ con, năng suất thấp, mặc dầu thịt ngon.
Mấy lần đi du lịch vùng núi, lên Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, lên Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn…, dọc đường đi tôi thấy có nhiều người dân kẹp chú lợn nho nhỏ, xinh xinh trong nách, cuốc bộ trên đường. Hỏi ra thì được biết, đó chẳng phải là lợn giống, mà là lợn thịt. Họ kẹp lợn trong nách mang ra chợ bán. Thịt “lợn kẹp nách” thơm ngon, không béo ngậy, ăn không bị chán, đã trở thành thương hiệu tầm quốc gia, luôn luôn hiện diện trong bất kỳ nhà hàng ẩm thực nào ngoài Bắc, trong Nam. Dân sành điệu bây giờ chỉ chịu ăn thịt “lợn kẹp nách” mà thôi. Thịt lợn kẹp nách mà đựng trong mẹt thì càng ngon, càng “sinh thái”, càng “khuyến nhậu”.
Đọc báo tôi còn được biết, lợn ỉ Việt Nam nhỏ nhắn, thon thả, xinh xắn, tinh khôn, được các bà, các chị, thậm chí các bậc mệnh phụ người Anh, người Pháp và người Mỹ nuôi làm lợn cảnh, kết “bạn tâm giao”, chiều chiều dắt nhau đi dạo phố, ra công viên ngoạn cảnh, rong chơi rất tình cảm. Thế mới gọi là “văn minh” chứ nhỉ? Thế mới gọi là “oách” là “oai” cho các chú lợn ỉ Việt Nam được xuất dương. Tôi thấy mình cũng vui lây. Chưa hết, tôi còn được biết, ở Mỹ có chú lợn ỉ hiểu được hai thứ tiếng, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Cho nên, tôi đề nghị, từ nay trở đi, xin mọi người đừng có lộng ngôn: “đồ lợn” hoặc “ngu như lợn”. Nói như vậy là oan cho lợn và làm tôi bức xúc.