Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

YẾU TỐ VIỆT CỔ TRONG NGÔN NGỮ THÁI

Trần Vân Hạc
Thứ tư ngày 25 tháng 8 năm 2010 6:11 PM

Tộc Thái là một trong 54 tộc người, trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, có tiếng nói và chữ viết rất gần với người Việt. Đặc biệt trong ngôn ngữ Thái hiện nay còn giữ được rất nhiều yếu tố của ngôn ngữ Việt cổ. Ngoài do sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong quá trình phát triển của những nhóm cư dân Việt Cổ phát triển lên thành người Kinh, thì chủ yếu là do tộc Thái với những yếu tố khách quan, giữ được nhiều tinh hoa của ngôn ngữ Việt cổ, phát triển hoàn thiện như bây giờ.
  Theo những nhà nghiên cứu chữ Việt cổ, dân tộc ta có chữ viết và hệ thống giáo dục phát triển từ thời Hùng Vương - (chữ khoa đẩu). Chữ Thái có nguồn gốc từ chữ khoa đẩu. Về mặt nhân chủng học, người Thái, Mường, Tày, Kinh... đều thuộc Mongoloid phương Nam. Đó là di duệ của người Việt cổ bản địa chủng Indonesian và cùng được chuyển hóa sang Mongoloid phương Nam. Cũng như tộc Kinh, tộc Thái là con cháu của Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ. Bởi “sự chuyển hóa từ Việt cổ (đa số Indonesian) sang Việt hiện đại (Mongoloid phương Nam) xảy ra khoảng sau 2600 năm TCN, khi nước Văn Lang thành lập. Tùy hàm lượng máu Mongoloid và sự phân bố địa lý mà người Việt chia ra tới 54 sắc tộc như hiện nay” - (Hà Văn Thùy). Do ở các vùng bán sơn địa, xa trung tâm đô hộ của giặc ngoại xâm, tộc Thái đã bảo tồn được ngôn ngữ Việt cổ trước sự tàn sát, đồng hóa dân tộc bao năm ròng của các thế lực thù địch. Trên cơ sở ngôn ngữ Việt cổ, ngôn ngữ Thái biến đổi hiện đại hóa như ngày nay phù hợp với tiến trình phát triển xã hội. 
“Địa danh cổ trên đất nước ta phân bố rất rộng, thuộc ngôn ngữ Lạc Việt. Yếu tố tiếng Thái còn tìm thấy khá đậm nét trong đấy. Ngôn ngữ Nam Á trong tiếng Việt cổ là có nguồn gốc chung từ rất xa từ văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, khi nông nghiệp còn thuộc loại hình nương rẫy. Cơ tầng ngôn ngữ Thái rất gần với ngôn ngữ Việt cổ. Cơ chế ngôn ngữ Thái rất gần với ngôn ngữ Việt cổ… Tiếng Thái chính là tiếng Việt cổ phát triển vào một giai đoạn lịch sử muộn. Mối quan hệ giữa chữ viết Đông Sơn và chữ Thái cổ được xem xét dưới quan điểm nhất quán này. Chữ Thái, bao gồm tất cả hệ thống từ Tây Bắc – Thanh Hóa – Nghệ An và chữ viết trên sách ở người Mường (Thanh Hóa). Sách Mường là bảo lưu chữ viết Đông Sơn và chữ Thái không có thay đổi lớn, như chữ Ai Cập tồn tại 3.000 năm không có thay đổi gì mấy.” – (Lê Trọng Khánh). Điều đó lý giải được lý do tại sao ở những vùng người Thái chưa bao giờ đặt chân đến, thì lại có rất nhiều tên địa danh, đơn vị hành chính… mang tên Thái và trong ngôn ngữ Thái mang nhiều yếu tố ngôn ngữ Việt cổ. Ở đây cần nói rõ, không gian địa danh ngôn ngữ Việt cổ vô cùng rộng lớn, chứ không bó hẹp trong địa bàn Việt Nam như bây giờ.
Trước hết trong lao động sản xuất, từ miền Bắc cho đến  miền nam Trung bộ có rất nhiều địa danh mang tên: “Pu”, “Pù” – (núi), “Na”, “nà” – ruộng, “Tà” – bến nước mà trong công trình: “Phát hiện hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình Khoa đẩu” của giáo sư Lê Trọng Khánh đã thống kê những địa danh đó kéo dài từ vùng Lưỡng Quảng, Hải Nam, đến Nam Á. “Chúng ta gặp rất phong phú ở vùng người Mường – Thái địa danh có thành tố “na”, “nà” (đồng ruộng).
Ở những vùng có sự giao thoa văn hóa như Hà Bắc và quanh đền Hùng lớp địa danh này khá dày đặc (Nà Lao, Nà Uy v.v…). Ở vùng người Việt Phú Thọ cũng nhiều nơi gọi ruộng là “na” như ở Tứ Xã, Sơn Vi, Do Nghĩa, Hà Thạch, Thuỵ Vân. Làng Cao Xá có những khu đồng như: Nà Pheo, Nà Giũa, Nà Đỏ v.v... Một tấm bia trên Đền Hùng có 50% số địa danh được ghi là “na” như Na Hưu, Na Dầu, Na Hoàng v.v. Ở khu di tích Đền Hùng có 3 quả núi thiêng, “tam sơn cấm địa”. Trong đó có núi Nỏn, cạnh núi Nghĩa Lĩnh đặt tên theo ngữ hệ Tày – Thái: Nỏn là út vì thế quả núi còn tên nôm thuần Việt một âm tiết là núi Út… Những điều này có thể lý giải được vì dọc bờ hữu ngạn sông Thao – (Nặm Tao) xa xưa là địa vực cư trú của người Tày Thái cổ. Những dòng họ Ma gốc Tày cũng như nhiều họ gốc Mường: Đinh, Quách, Bạch, Hà... là những nhóm cư dân Việt cổ phát triển lên thành người Việt hiện nay. “Các truyền thuyết về Ma Khê và Tản Viên ở vùng Đất Tổ cũng nói đến sự hội nhập của hai nhóm Việt – Mường và Tày – Thái ở Phú Thọ. Tản Viên chính là người Mường. Dù Tản Viên đã được thần thoại hoá đến hoang đường nhưng bóc bỏ lớp huyền thoại ta vẫn tìm được lõi sự thật lịch sử. Ông là con một bà người Mường có tên là Đinh Thị Đen quê ở chân núi Thu Tinh, làng Yên Sơn. Bà lấy chồng rồi về sống, sinh đẻ Tản Viên ở Động Lăng Xương, làng Trung Nghĩa bên bờ sông Đà thuộc Phú Thọ. Ông được dân gian tôn sùng thành một thần tượng cộng đồng, vừa là anh hùng trận mạc vừa là anh hùng văn hoá. Ông đánh giặc tài lại có công chống lại Thuỷ Tinh biểu tượng của thiên tai lũ lụt. Ông là người anh linh nghĩa cử khước từ ngôi báu, khuyên vua cha nhường ngôi cho Thục Phán để muôn dân thái bình. Thục Phán cũng là gốc Tày – Thái quản lĩnh miền rừng núi phía trên nước Lạc Việt của các Vua Hùng” – (Nguyễn Hữu Nhàn).
 Song ở những vùng các cư dân Tày, Thái, Mường chưa hề đặt chân đến cũng có rất nhiều địa danh “na”. Trên địa bàn Nhật Nam (thuộc Quảng Ngãi) có Nà Lau, Nà Klich, Nà Niêu (địa điểm Tỉnh ủy Quảng Ngãi họp quyết định đồng khởi Trà Bồng), và một điều rất lý thú người Chăm H’rê trong ngôn ngữ của họ cũng gọi “nà” là ruộng. Địa danh có thành tố “nà” vùng Chăm H’rê cũng phổ biến như ở vùng người Mường – Thái. Những từ chỉ phức hợp lúa nước có sự đồng nhất tương đối giữa các ngôn ngữ: Mường – Thái – Chăm H’rê và Việt (Khu IV cũ). Sử liệu này cho phép chúng ta nghĩ rằng từ Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và Lưỡng Việt rất phổ biến địa danh có thành tố “na” (ruộng) người Việt cổ trồng lúa nước rất sớm; và có một lớp ngôn ngữ thống nhất chỉ về phức hệ lúa nước. Và cư dân Nhật Nam là người Việt cổ; phía Nam của họ là cộng đồng người nói tiếng Malayo” – (Lê Trọng Khánh).
Chỉ xin trích dẫn một số ví dụ:  những từ như “mương”, “phai” chỉ những công trình dẫn thủy nhập điền cho đến nay vẫn phát âm đồng nhất. Có những từ đã biến âm đôi chút hoặc trở thành từ ghép Thái – Việt như “tông” – đồng, “đo đạc” – tạc, “đòn càn” - can, “mưa phùn”, “dao pha”, “cày” – tháy, “chạc” (dây thừng) – chược.   
Tên địa danh cũng có rất nhiều từ tương đồng hoặc còn giữ nguyên bản như: “Chiềng” là vị trí trung tâm ở một mường lớn, (Chiềng là thủ phủ của một mường, nhiều nơi phát triển thành thành phố lớn hoặc thủ đô của quốc gia) - (tất nhiên trong lịch sử người Thái, ngoài “Chiềng” mang ý nghĩa như trên là phổ biến, nó cũng có ngoại lệ như là: Chiềng Pấc là tên một mường phìa của Châu Mường Muổi, Chiềng Cang là tên một mường phìa của Châu Mường Mụa; trong sử sách, người Thái gọi nước Lào là Chiềng Đông, Chiềng Tòng). Nay còn có nhiều thành tố “Chiềng” ở cả những nơi người Thái chưa bao giờ đặt chân đến như: Hà Nội có Chiềng Lôi (Cổ Loa). Hà Tây: Chiềng Vậy (Hoài Đức). Phú Thọ: Gò Chiềng (Lâm Thao), Chiềng Ninh (Phù Ninh). Hà Nam: Chợ Viềng (Phủ Giầy). Sơn Tây: Chiềng Tăng. Vùng nông thôn miền Bắc còn không ít địa danh có từ Chiềng. Nhưng thưa dần vào phía Nam: Chiềng Giang (O Lâu) Quảng Trị… “Hiện tượng phân bố địa danh có từ Chiềng ở trên, không còn nghi ngờ sự thiên di của một bộ người Việt cổ làm lúa nước, ở vùng bực thềm sông Hồng lên phía tây với văn hóa lúa nước và văn hóa đồ đồng Đông Sơn.” - (Lê Trọng Khánh). 
Thành tố “Viềng” cũng rất phổ biến, “viềng” có nghĩa là thành luỹ quân sự, nơi bảo vệ “Chiềng” hoặc biên cương, đất nước. Trên viềng thường có các các vị trí quân sự giống như là lô cốt hay chòi canh gọi là “Che”. Ví dụ tại Viềng Lôi (thành Cổ Loa) có ba “che”, có tên là “Che noóc”, “Che tò” và “Che cuông” (tiếng Thái có nghĩa là “Che ngoài”, “Che nối tiếp” và “Che trong”).  (“Che”: tiếng Thái cũng có nghĩa là góc, mà các “Che” quân sự này cũng đặt tại các góc như các đồn tiền tiêu). Danh từ “Chiềng”, “Viềng” phát triển rộng khắp ở nhiều nước Đông Nam Á. Như vậy “vào một thời kỳ lịch sử xa xưa, cộng đồng người phân bố rất rộng từ miền Nam Trung Quốc (chủ yếu Lưỡng Việt) đến Nam Đông Dương nói một ngôn ngữ có yếu tố cơ bản thống nhất (từ chỉ: núi, sông)” – (Lê Trọng Khánh).
Trong mọi mặt đời sống sinh hoạt, cũng có rất nhiều từ còn giữ nguyên bản, tương đồng hoặc trở thành từ ghép. Trước hết “Vua Hùng” là phiên âm của một từ Việt cổ: Vua - Bua - Bô - Pô = (bố); Hùng - Khun = Cun = Thủ lĩnh. Vua Hùng = Bố của các thủ lĩnh = Thủ lĩnh tối cao. Danh hiệu Hùng Vương chỉ là một sự lắp ghép danh hiệu Bố cái đại vương (Bố cái = Vua lớn = Đại vương) để chỉ Vua Phùng Hưng sau này. Hoặc từ “Thục Phán” (tiếng Thái là Tục Pán) có nghĩa là chiếm đất, là mở mang bờ cõi…
Ta tạm chia những yếu tố Việt cổ trong ngôn ngữ Thái ra một số nhóm: nhóm phiên âm trực tiếp, nhóm này chỉ liệt kê các từ thông dụng và không có từ khác thay thế; nhóm nguyên nghĩa đi kèm nhau; nhóm cận nguyên âm và vần; nhóm phụ cận vần và các nhóm khác.
Trước hết là nhóm phiên âm trực tiếp, là nhóm những từ thông dụng, không có các từ khác thay thế: “bàn” (bạc) – ban, “bản” – bàn, “chọn” – chọn, “quen” – quẻn, “việc” – việc, “bể” (biển) – pể, “mương” – mương, “phai” – phai, “nàng” – nàng, “ngân” (tiền) – ngân, “an” – yên, “dệt” (vải) – dệt …
Những từ trong nhóm nguyên nghĩa đi kèm nhau (những từ này là từ ghép, một từ tiếng Thái với một từ Việt): “áo xống”, “béo múp”, “bừa phứa”, “chim chóc”, “chó má”, “đòn càn”, “hang thẳm”, “quát nạt”, “xin xỏ”, “xa lắc”, “súng ống”, “giá cả”, “mặt nạ”, “dao pha”, “tre pheo”, “chân thật”.…
Nhóm cận nguyên âm và vần, (gồm những từ có cách phát âm gần nhau về âm và vần): “Ánh” – xánh, “bánh” – pảnh, “bào” – pao, “bão” – pảo, “bắt” – pắt, “bè” - pe, “bóc” – pọc, “bón” – pòn, “bọt” – pọt, “bố” – pỏ, “bốc” – chốc, “chan” – chán, “cá” – pá, “lôi” – lối, “lo” – ló, “còng” – cỏng, “cây” – mạy, “gốc” – cốc, “han” – hán, “bắn” – bén, “nỏ” – nả, “bó” – pò, “bói” – pòi, “bón” – pòn, “bọt” – pọt, “bốc” – chốc, “gang” – khang, “bá” – pả, “vải” – phải, “mận” – mặn, “nhót” – lót, “bể” – biển, “chống” – chông, “đòi” – toi… 
Nhóm phụ cận vần và các nhóm khác (nhóm này không tính về thanh điệu, gần nhau về âm và vần): “bát” – pẹt, “bắt” – chặp, “bơi’ – loi, “buộc” – phục, “buông” – vang, “cạp” – cọp, “chấm” – chẳm, “lống” –puống, “chạc” – chược, “đáp” – chắp, “chẻ” – phả, “chích chòe” – chí chọe, “chốn” – chòn, “chủ” – chảu, “đập” – tặp, “cục” – cọc, “dê” – bè, “cửu – càu, “đường” – tang, “giường” – chong, “gắp” – cạp, “buộc” – phục, “buông” – vang, “chẻ” – phả, “đến” – ten, “kẹp” – nịp, “căng” – kếnh, (chim) “cuốc” – cu vắc, “chốn” – chòn, “cổ” – co, “lưng” – lằng, “coi” – moi. “cũ” – cảu…
Có thể liệt kê rất nhiều những từ, ngữ mang yếu tố Việt cổ trong ngôn ngữ Thái, bởi theo thống kê của các nhà nghiên cứu, có tới gần 30% vốn từ tiếng Việt cổ trong ngôn ngữ Thái. Nghiên cứu ngôn ngữ Thái ta sẽ tìm được phần nào ngôn ngữ Việt cổ, một dân tộc đa sắc tộc đã làm nên những trống đồng nổi tiếng và nền văn minh lúa nước và công nghiệp đá Hòa Bình phát triển sớm nhất thế giới, đó là sự thật mà khoa khảo cổ học thế giới chứng minh.  Chúng ta tự hào vì “Văn hóa Hòa Bình là văn hóa bản địa không hề chịu ảnh hưởng của bên ngoài, đưa tới Văn hóa Bắc Sơn”. Chính sự hình thành và phát triển nhà nước từ rất sớm, cùng nền văn minh lúa nước, công nghiệp đá, đúc đồng, làm giấy… và hệ thống giao thương rộng khắp với nhiều vùng lãnh thổ đã thúc đẩy quá trình phát triển chữ Việt cổ. Chúng ta vô cùng tự hào vì dân tộc ta là dân tộc duy nhất giữ gìn được con chữ của Bách Việt trước sự hủy diệt tàn bạo bao năm ròng của các thế lực thù địch, mà người Thái góp một phần không nhỏ. Đây cũng đang là một hướng tiếp cận của các nhà nghiên cứu chữ Việt cổ trong và ngoài nước và bước đầu đã thu được những thành công đáng khích lệ. Điều đó càng làm cho ta hiểu thêm về lịch sử dân tộc và tăng cường tình đoàn kết anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
 
 
Tài liệu tham khảo:
- “Phát hiện hệ thống chữ Việt cổ thuộc loại hình khoa đẩu” của Lê Trọng Khánh.
- “Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt” của Hà Văn Thùy
- “Yếu Tố Việt-Mường và Tày-Thái trong nền tảng Văn Hóa Đất Tổ của” Nguyễn Hữu Nhàn.
- Cùng sự giúp đỡ của các nhà sưu tầm nghiên cứu văn hóa Thái: Sầm Văn Bình và Cà Văn Chung.