Hội viên hội Nhà Văn Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội dự đại hội lần thứ tám hội Nhà Văn Việt Nam đều được chính quyền thành phố Hồ Chí Minh trợ cấp tiền vé máy bay đi về, hai triệu bốn mươi tư ngàn đồng nhân đôi là bốn triệu tám mươi tám ngàn động (2044000đ x 2 = 4 088 000 đ). Lại thêm một triệu tiền tiêu vặt nữa. Chưa bao giờ chính quyền lại ưu ái các nhà văn như vậy! Nhận tiền trước ngày khai mạc đại hội đến cả chục ngày nên ai muốn đi lúc nào, muốn đi bằng phương tiện gì thì đi. Gần một trăm nhà văn ở thành phố Hồ Chí Minh lai kinh họp mặt văn chương phần đông đều đi máy bay. Riêng người vừa thắp hương tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh đằng đẵng ba mươi năm vừa qua bằng trường ca Chiến tranh chín khúc tưởng niệm, nhà thơ Nguyễn Thái Sơn lại ngồi xe lửa đủng đỉnh thượng kinh. Đến Phủ Lý, nhà thơ rời xe lửa, đeo ba lô xăm xăm ra cánh đồng đến trước mộ bố mẹ thắp hương kính viếng đấng sinh thành rồi nhà thơ mới lững thững quay lại Phủ Lý đón ô tô về Hà Nội.
Tôi và nhà văn Trần Hoài Dương đi chuyến bay sáng ngày 2.8.2010. Đến cửa đợi ra máy bay tôi lại gặp nhà thơ Lê Hoàng Anh ở thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Khôi Vũ, nhà thơ Đàm Chu Văn ở Đồng Nai. Vừa ra khỏi cửa sân bay Nội Bài, Hà Nội, chúng tôi thấy một thanh niên cầm tấm bảng trắng, chữ xanh: Hội Nhà Văn Việt Nam chào đón các nhà văn về dự đại hội VIII. Anh là lái xe của văn phòng Hội đi đón chúng tôi. Anh nói rằng nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng đi chuyến máy bay này nên phải đợi anh Sáng nữa. Tôi gọi điện thoại bỏ túi của anh Sáng nhiều lần đều không liên lạc được! Chắc anh Sáng tắt điện thoại! Người khách cuối cùng của chuyến bay đã ra cửa vẫn không thấy anh Sáng đâu! Anh lái xe đành báo cáo sự việc về văn phòng Hội rồi ra bãi để ô tô đánh xe vào đón chúng tôi đưa về khách sạn Kim Liên. Cả một khu rộng lớn trước đây là khu nhà ở của chuyên gia Liên Xô được cải tạo, nâng cấp thành một tổ hợp khách sạn, nhà hàng hiện đại với chín nhà khách ba sao, nhiều nhà hàng, nhiều sân ten nit và bể bơi. Đoàn nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ được bố trí ở đây. Tôi và nhà văn Trần Hoài Dương ở một phòng trên tầng ba nhà số Bốn, cạnh đường Đào Duy Anh. Cô dọn phòng cho biết giá thuê phòng một ngày đêm là sáu trăm ngàn đồng (600 000 đ)!
Chỉ có hai bữa trưa hai ngày đại hội ăn ngay ở nơi họp, bếp ăn của học viện Chính trị Hành chính quốc gia. Còn lại đều ăn ở tổ hợp nhà hàng khách sạn Kim Liên. Bữa sáng một tô phở, một li cà phê sữa. Bữa trưa và tối có bia. Món ăn nấu không ngon nhưng khá nhiều, ăn xong, thịt cá vẫn còn dư. Ăn sáng xong, đoàn nhà văn ở khách sạn Kim Liên lên ba ô tô ca, có xe du lịch của cảnh sát bật đèn xanh đỏ nhấp nháy, hú còi rền rĩ gấp gáp đi trước dẫn đường, đến ngã tư gặp đèn đỏ vẫn thẳng tiến! Thấy rõ một sự o bế và long trọng hóa đối với các nhà văn! Vì sao có sự o bế và long trọng hóa đó? Chính là vì thời gian vừa rồi một số nhà văn đã bộc lộ được khí phách và tư thế kẻ sĩ khi có tiếng nói thẳng thắn và mạnh mẽ về những vấn đề của vận mệnh đất nước, của số phận nhân nhân dân, tạo ra được dư luận xã hội rộng rãi đồng tình, hưởng ứng.
Tiếc rằng đại hội với hơn sáu trăm nhà văn đã không nối tiếp và phát huy được khí phách kẻ sĩ và tư cách nhà văn trước những vấn đề khẩn thiết đang đặt ra với nhân dân, với đất nước. Nhà khoa học là trí tuệ của nhân dân. Nhà văn là tâm hồn, là lương tâm của nhân dân. Không nói tiếng nói của nhân dân, của thời đại, đâu phải là nhà văn! Biên giới, biển, đảo đã và đang bị nước ngoài lấn chiếm, thôn tính! Suốt nhiều năm qua, người dân Việt Nam làm ăn trên biển đảo Việt Nam bị kẻ cướp biển cướp đảo bắt bớ, giết hại! Còn tấc lòng với dân, với nước, không người Việt Nam nào có thể làm ngơ, im lặng. Diễn đàn đại hội nhà văn là nơi đích đáng nhất để nhà văn nói tiếng nói của nhân dân khẳng định độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của đất đai biển trời Việt Nam! Thế mà một ông ngồi trên ghế đoàn chủ tịch đại hội Nhà Văn đã đứng trên diễn đàn long trọng của các nhà văn tự khoe rằng tác phẩm của ông phải đo bằng thước nhưng lại lớn tiếng phản đối đại hội lên tiếng bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ không đúng chỗ! Đất đai xương máu của tổ tiên để lại không giữ được vẹn toàn, để mất mát hao hụt là nỗi đau, nỗi nhục lớn, là sự nhức nhối của mọi trái tim Việt Nam! Còn chút lòng yêu nước phải nhận lấy nỗi đau, nỗi nhục ấy mà nhắc nhau, bảo nhau ở mọi nơi, mọi lúc không thể để mất mát như vậy được! Sự nhức nhối ấy phải được nói ra ở mọi lúc, mọi nơi!
Lại nhớ hôm Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh gặp gỡ và đãi tiệc tiễn các nhà văn ra Hà Nội họp đại hội. Tại cuộc gặp gỡ trước bữa tiệc, một nhà văn, tôi không nhớ tên, băn khoăn: Đại hội nhà văn có nên nói tiếng nói về những vấn đề của đất nước như chủ quyền của ta ở biển đông đang bị đe dọa? Nhà văn đảng viên Lê Thành Chơn nói theo đảng, gạt đi: Đó là việc của bộ Ngoại giao! Nhà thơ Thái Thăng Long liền đứng lên gay gắt: Nhà văn không thể thờ ơ trước sự mất còn của đất nước! Bộ Ngoại giao có tiếng nói của bộ Ngoại giao! Nhà văn có tiếng nói của nhà văn! Tình hình biển Đông như vậy, bộ Ngoại giao có nói được gì đâu! Thay mặt Thành ủy, trong ý kiến nói với các nhà văn, Phó bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua nhắc đến vấn đề biển Đông và nói: Chúng ta không nên làm gì ảnh hưởng đến tình hữu nghị Việt - Trung! Sau đó trong bữa tiệc, khi Phó bí thư thường trực Thành ủy cầm li bia đến bàn tôi cụng li với mọi người, tôi đứng lên cụng li với ông và nói: Tình hữu nghị gì cũng không thể cao hơn tính mạng nhân dân và đất đai Tổ quốc được, anh Đua ạ! Trung Quốc mang tình hữu nghị ra để trói tay chúng ta! Chẳng lẽ ta cứ để cho họ trói tay rồi họ muốn làm gì thì làm à? Phó bí thư thường trực Thành ủy vẫn cười vui nhưng không nói gì!
Nhà văn đích thực còn là nhà văn hóa, nhà hoạt động xã hội. Phát hiện, đề xuất và giải quyết những vấn đề của cuộc sống đặt ra bằng tác phẩm văn chương, nhà văn còn đóng góp cho cuộc sống bằng tiếng nói xã hội của nhà văn. Trước đại hội Nhà Văn ít ngày, nhà thơ Bùi Minh Quốc có gửi qua email cho tôi bản dự thảo Tuyên bố của hội Nhà Văn Việt Nam về tình hình đất nước và trách nhiệm nhà văn với cách đặt vấn đề: Chúng tôi, các hội viên hội Nhà Văn Việt Nam kí tên dưới đây cùng nhất trí đề nghị đại hội lần thứ tám hội Nhà Văn Việt Nam ra một bản tuyên bố về tình hình đất nước và trách nhiệm nhà văn. Nếu đại hội không đạt được đồng thuận đa số, đây sẽ là tuyên bố của những nhà văn đã kí tên. Đọc dự thảo, tôi hòan tòan tán thành. Cá nhân nhà văn hoặc một nhóm nhà văn cần có tiếng nói xã hội trước những vấn đề của đất nước. Tôi đề nghị nhà thơ Bùi Minh Quốc viết lại dự thảo có tầm nhìn khái quát, tòan diện hiện tình đất nước, có tầm văn hóa cao hơn, có hồn hơn và hẹn gặp nhau ở đại hội để kí tên. Ra Hà Nội, tôi đến nhà khách số 10 phố Chu Văn An, Hà Nội, tìm gặp anh Bùi Minh Quốc thì anh Bùi Minh Quốc lại đưa ra bản Đề án họat động của Hội Nhà Văn tự nuôi tự quản, không nhận trợ cấp từ tiền thuế của dân, đã có chữ kí của hơn chục nhà văn. Việc này cũng rất nên làm nhưng đây chỉ là việc nội bộ của hội Nhà Văn, lúc nào làm cũng được, không nhất thiết phải làm dịp đại hội cập rập, gấp gáp quá nhiều việc. Còn Tiếng nói chính trị của các nhà văn cần phải vang lên trong Đại hội Nhà Văn. Tiếng nói chính trị đó là Tuyên bố của các nhà văn trước những vấn đề lớn đang đặt ra với đất nước! Có được Tuyên bố như vậy các nhà văn mới nói được tiếng nói của nhân dân, mới thực hiện được điều gửi gắm của nhân dân, mới để lại dấu ấn trong đời sống đất nước của tổ chức Nhà Văn! Nhưng bản dự thảo Tuyên bố đó, anh Bùi Minh Quốc đã gác lại, không hòan thiện để đưa ra lấy ý kiến các nhà văn! Kết quả là với thời gian eo hẹp, gấp gáp, đại hội Nhà Văn chỉ làm tạm được một việc bầu ban lãnh đạo mới của Hội! Các việc khác đều diễn ra quá cập rập! Đến việc tối quan trọng là bàn bạc sửa đổi điều lệ Hội còn đang thảo luận dở dang cũng phải bỏ lửng lại để làm thủ tục gói ghém kết thúc đại hội! Bản tham luận viết sẵn của anh Quốc cũng không thể đọc trọn vẹn! Bản Đề án họat động của hội Nhà Văn tự nuôi tự quản của anh Quốc không được đưa ra trước đại hội!
Những diễn biến ở đại hội Nhà Văn Việt Nam lần thứ tám cho thấy:
Với những người tổ chức điều hành đại hội đã quá lo đối phó với những diễn biến ngòai kịch bản, quá lo đối phó với những ý kiến khác biệt, trái chiều với chính thống làm cho không khí đại hội trở nên căng thẳng. Những nhà văn ngồi trong hội trường khi đứng lên phát biểu ý kiến đều có nhân viên văn phòng Hội đưa micro đến. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đứng lên nói, không ai đưa micro cho anh! Đến khi anh có được chiếc micro trong tay thì micro tịt! Nhà thơ Nguyễn Hoa ngồi trên đòan chủ tịch có cô con gái là cô Hoa Lâm, nhân viên văn phòng Hội cầm micro đứng ngay cạnh nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Tôi liền bảo cô Hoa Lâm đưa chiếc micro cô đang cầm cho nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Hoa Lâm miễn cưỡng phải đưa micro tốt cho nhà thơ thì một anh chàng rất trẻ cũng làm công việc như Hoa Lâm chạy đến gạt tay Hoa Lâm, không để Hoa Lâm đưa micro cho nhà thơ Trần Mạnh Hảo! Nhà thơ Trần Mạnh Hảo buộc phải lên sân khấu đi ngang qua đòan chủ tịch, đến chiếm lĩnh micro trên diễn đàn! Nhưng anh vừa nói được mấy câu thì micro trên diễn đàn cũng tịt! Không khí đại hội nhà văn trở nên không bình thường, ấm ức, dồn nén từ đó!
Với các nhà văn thì có qúa nhiều điều cần nói, cần đề xuất, muốn đòi hỏi nên ai lên diễn đàn cũng muốn nói được những điều day dứt, bận tâm! Còn người ngồi nghe dưới hội trường thì luôn trong trạng thái sốt ruột nên chỉ nghe vài phút họ đã rào rào vỗ tay xua đuổi người đang nói trên diễn đàn! Có những tham luận lí sự dông dài, vô bổ nhưng cũng nhiều tham luận nêu những vấn đề thiết thực, cần thiết với tổ chức hội Nhà Văn nhưng không tham luận nào được đọc trót lọt, trọn vẹn! Đây là một ứng xử rất không đẹp, không văn hóa của những người làm văn hóa! Ứng xử này diễn ra trong suốt đại hội và đòan chủ tịch đông đảo ngồi kín hai dãy bàn dài hòan tòan không có một động thái can thiệp, mang lại một ứng xử văn hóa cho đại hội nhà văn! Có phải vì cách ứng xử của đòan chủ tịch với nhà văn Bùi Minh Quốc, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã nêu một tấm gương và các nhà văn cũng theo cách đó mà ứng xử với người đứng trên diễn đàn? Có phải vì biết trước điều này mà nhiều nhà văn có tuổi hội cao, có sức viết mạnh, có nhiều tâm trạng với nghề nghiệp nhưng cũng xa lánh đại hội nghề nghiệp của mình? Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, nhà văn Bùi Bình Thi, nhà văn Nguyễn Đình Chính . . . đều đang có mặt ở Hà Nội nhưng không đến đại hội! Nhà văn Nhật Tuấn đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng có gốc gác lâu đời ở Hà Nội dịp này cũng không về Hà Nội!
Những xung đột tư tưởng, xung đột chính kiến dẫn đến lộn xộn trong đại hội Nhà Văn lần này làm cho đại hội Nhà Văn diễn ra không tròn trịa theo kịch bản vạch sẵn, không êm thấm như những đại hội trước. Đó chính là sự báo hiệu những chuyển biến trong tư tưởng các nhà văn, báo hiệu những vận động trong nhận thức xã hội, báo hiệu những bùng nổ mang tính cách mạng sẽ đến. Với sự mẫn cảm của nhà văn, tác phẩm văn học đích thực thường có tính dự báo xã hội. Đại hội của những người mẫn cảm không thể không mang tính dự báo!
Dù còn có những nhà văn thờ ơ nhưng đại hội nhà văn vẫn là dịp vô cùng quí hiếm, là một niềm vui, một sự kiện đáng nhớ đối với hầu hết nhà văn. Đó là dịp để các nhà văn sống xa Hà Nội, sống xa trái tim đất nước được trở về với nỗi nhớ của mình. Đó là dịp để các nhà văn từ lâu vẫn nghe tên, nghe tiếng của nhau, vẫn đọc của nhau được đến với nhau, gặp gỡ nhau. Là trưởng ban văn xuôi lâu năm ở báo Văn Nghệ, nhà văn Trần Hòai Dương từng chứng kiến bước chập chững vào nghề của nhiều nhà văn, từng có những kỉ niệm vui buồn với hầu hết các nhà văn đã thành danh. Cuộc đời xô đẩy, nhà văn Trần Hòai Dương phải xa Hà Nội, xa tờ báo của hội Nhà Văn và đây chính là dịp quí để nhà văn trở về với kỉ niệm cuộc đời, kỉ niệm văn chương. Ở đại hội nhà văn lần này, nhà văn Trần Hòai Dương được hết nhà văn này đến nhà văn khác kéo ra chụp ảnh và nhà văn Trần Hòai Dương đã chụp ảnh kỉ niệm với trên một trăm nhà văn. Cũng trong dịp này tôi được gặp lại hầu hết những người bạn lính ở các quân khu, quân chủng, binh chủng trong tòan quân được Tổng cục Chính trị triệu tập về lớp Viết văn quân đội và cử đi học khóa một trường Viết Văn Nguyễn Du ngay sau khi kết thúc cuộc chiến tranh chống Mĩ. Ngày ấy tất cả chúng tôi đều còn trai trẻ, gày guộc, khắc khổ, da còn xanh màu lá rừng và tái màu sốt rét, gia tài chỉ có chiếc ba lô bụi bặm, hầu hết đều chưa vơ. Nay tất cả đều đã là ông nội, ông ngọai! Ban chấp hành hội Nhà Văn Việt Nam khóa này có mười lăm người thì có tới bảy người xuất thân từ lớp viết văn quân đội ngày ấy. Đó là các nhà văn, nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Đào Thắng, Nguyễn Hoa, Bùi Đình Kính, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy. Nhà văn Phạm Hoa vốn là lính lái xe trên con đường lửa Trường Sơn nay là đại tá, cục phó cục Tuyên Giáo, Tổng cục Chính trị, vừa thấy tôi bên hành lang đại hội nhà văn, đại tá Phạm Hoa nói ngay: Tập kí sự Trường Sa của anh viết có hồn, đọc thích lắm đã được xét đưa vào giải thưởng của bộ Quốc phòng nhưng lại phải lọai ra khỏi giải thưởng vì những bài viết vừa rồi của anh trên mạng! Tiếc quá!
Đại hội nhà văn vừa kết thúc thì nhà văn Minh Chuyên, đạo diễn phim truyền hình ở đài Truyền hình trung ương rủ tôi về Thái Bình quê anh. Cùng lúc Minh Chuyên đang thực hiện dở dang ba bộ phim truyền hình. Phim về Trần Thủ Độ. Phim về Trung tâm khoa học nhiệt đới Việt - Nga. Phim về người bị nạn chất độc da cam. Chỉ có Minh Chuyên và anh lái xe trên chiếc ô tô du lịch bốn chỗ ngồi về Thái Bình quay thêm một số cảnh cho phim Trần Thủ Độ nên Minh Chuyên rủ tôi và nhà văn Nguyễn Khoa Đăng đi chơi với anh. Nguyễn Khoa Đăng về thăm quê cha đất tổ Thái Bình. Tôi về thăm lại mảnh đất khởi đầu tình cảm thân thiết của tôi và Minh Chuyên.
Ngày ấy tôi là thiếu tá, biên kịch ở xưởng Phim Quân đội, Minh Chuyên là phóng viên báo Thái Bình. Cuộc sống lúc đó vô cùng khó khăn! Không ai sống nổi bằng đồng lương! Ai cũng phải tìm cách làm thêm để có thêm thu nhập. Làm biên kịch ở xưởng Phim Quân đội, một năm hai kịch bản, nếu không phải đi xa khai thác tư liệu thì cũng có một khoảng thời gian rảnh rỗi! Thời gian rảnh đó tôi đi làm phim lịch sử truyền thống cho các địa phương, các đơn vị. Trong một lần gặp nhà báo Minh Chuyên ở Hà Nội, tôi nói với Minh Chuyên rằng hiện nay các nơi đang có nhu cầu làm phim lịch sử truyền thống về địa phương, đơn vị của họ. Với công việc phóng viên báo tỉnh có mối quan hệ rộng rãi với các đơn vị trong tỉnh, Minh Chuyên móc nối xem nơi nào có nhu cầu làm phim lịch sử truyền thống thì nhận rồi tôi và Minh Chuyên sẽ thực hiện. Và Vũ Thư mảnh đất mùa xuân là kịch bản phim video đầu tiên Minh Chuyên viết đã mở ra cho Minh Chuyên con đường làm phim video, đưa Minh Chuyên về đài Truyền hình Trung ương, trở thành đạo diễn phim truyền hình nổi tiếng, đọat nhiều huy chương vàng trong nước và nhiều giải thưởng quốc tế về phim truyền hình. Từ ngày tôi về Thái Bình, về huyện Vũ Thư làm phim cùng Minh Chuyên đến nay đã hơn hai mươi năm! Thái Bình từ một thị xã nghèo nàn đã trở thành một thành phố khang trang, duyên dáng giữa vựa lúa châu thổ sông Hồng.
Về Thái Bình có hai người tôi rất muốn gặp là họa sĩ Ngô Công Chuẩn và nhà văn Bùi Công Bính thì cả hai đều là bạn của Minh Chuyên. Tôi và Ngô Công Chuẩn cùng là lính Thông tin, cùng được bộ tư lệnh Thông tin phát hiện có năng kiếu vẽ, cùng được đi học lớp vẽ và cùng cắp giá vẽ xuống đơn vị thông tin trong rừng núi Kì Sơn, Hòa Bình vẽ tranh, cùng có tranh triển lãm ở nhà triển lãm của hội Mỹ thuật Việt Nam, phố Hàng Ngang, Hà Nội. Tôi bắt đầu đến với thế giới nghệ thuật bằng cây bút vẽ sau mới chuyển sang viết còn Ngô Công Chuẩn thì chuyển sang làm tượng. Minh Chuyên đưa tôi đến nhà Chuẩn ở ngay mặt tiền con đường mới thênh thang của thành phố Thái Bình. Mảnh sân rộng rãi trước nhà ngổn ngang tượng đá, tượng gỗ và những khối đá lớn, nguyên liệu để tạc tượng. Chuẩn đi vắng. Con trai Chuẩn đang đục đôi câu đối thờ trên tấm gỗ mít theo đặt hàng của khách. Nhìn ảnh Chuẩn, nhìn chân dung Chuẩn do họa sĩ Văn Đa vẽ treo trên tường, nhìn tác phẩm của Chuẩn bày kín từ trong nhà ra ngòai sân, nhìn cơ ngơi nhà Chuẩn trên hai trăm năm mươi mét vuông đất giữa thành phố Thái Bình, tôi mừng cho Chuẩn.
Khóa I trường Viết Văn Nguyễn Du kết thúc cuối năm 1981 đến nay đã hai mươi chín năm. Hai mươi chín năm mới gặp lại mà tôi thấy nhà văn đàn anh Bùi Công Bính như không thay đổi bao nhiêu. Ngày ấy anh Bính đã hơi hói thì nay vẫn thế! Trán hơi hói nhưng tóc vẫn xanh. Bây giờ trông anh Bính lại có vẻ vượng hơn, đẹp hơn, thư thả, nhàn nhã hơn.
Ba năm học trường Viết Văn Nguyễn Du, đám lính chúng tôi, hai mươi hai anh, ở Vân Hồ Ba. Buổi sáng mỗi anh một xe đạp, đạp xe đi vòng hai cạnh công viên Thống Nhất, phố Nguyễn Đình Chiểu, phố Trần Nhân Tông, đi dọc suốt phố Khâm Thiên, băng qua ngã tư Ô Chợ Dừa vào đường La Thành, đến trường đại học Văn Hóa. Trường Viết Văn Nguyễn Du là một dãy nhà vách đất mái lá ở góc trong cùng của trường đại học Văn Hóa. Đầu ngòai dãy nhà có con đường đất đôn cao từ cổng trường vào là khô ráo. Còn lại ba mặt của dãy nhà lá quanh năm lênh láng nước, bèo tấm, bèo cái sinh sôi và rác rưởi lều phều! Hai gian đầu dãy nhà là lớp học của chúng tôi. Những gian còn lại là phòng ở của hai mươi hai nhà văn học viên dân sự, hai người một gian. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cùng hai con gái nhỏ bốn, năm tuổi, cũng phải ở chung một phòng với nhà thơ Nguyễn Thị Đạo Tĩnh. Gian phòng của những nhà văn trẻ chưa vợ Hào Vũ, Trúc Phương, Tùng Linh, Ngô Xuân Hội . . . thường xuyên khóa! Nếu họ có nhà thì cánh cửa liếp cũng thường xuyên khép kín! Từ trong gian nhà khép kín đó, thỉnh thoảng lại có tiếng con gái eo éo cất lên! Anh Bính ở chung phòng với nhà thơ Trần Anh Trang và cánh cửa phòng thường xuyên mở. Chín chắn, chững chạc, lại có bề dày văn chương, anh Bính được cử làm lớp phó. Từ khi tôi còn là học trò cấp ba, anh Bính đã có sách được xuất bản, có kịch bản sân khấu được đòan Ca kịch Liên khu Năm dàn dựng và mang đi lưu diễn khắp miền Bắc. Ngày ấy sách xuất bản đều do nhà xuất bản in ấn, phát hành, đều là sản phẩm văn hóa của nhà nước, sách có tính chuyên nghiệp rất cao và được phát hành tòan quốc. Được xuất bản một tập sách rất khó và là một sự kiện rất quan trọng đối với người viết, kể cả với những người viết tên tuổi. Từ năm 1960, anh Bính đã có tập thơ được xuất bản ở nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc.
Vào đời làm thầy giáo, cho đến bây giờ cốt cách mô phạm, cốt cách người thầy vẫn thấy rõ ở anh Bính. Mực thước. Từ tốn. Nói năng nhỏ nhẹ. Gương mặt sáng sủa, hiền từ và nghiêm trang. Làm thầy. Làm thư kí tòa sọan tờ báo của đảng bộ tỉnh Hà Giang. Làm biên tập tạp chí Văn Nghệ Việt Bắc. Là một trong vài người ít ỏi ban đầu tạo dựng lên hội Văn nghệ tỉnh Thái Bình. Con người như vậy, gánh vác như vậy nhưng cho đến khi về học trường Viết Văn Nguyễn Du anh Bính vẫn chưa là đảng viên Cộng sản! Chi bộ khoa Viết Văn nhận thấy nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của chi bộ là phải phát triển thêm cho đảng một đảng viên ưu tú. Mọi việc làm để phát triển đảng với nhà văn Bùi Công Bính đã hòan tất chỉ còn làm lễ kết nạp thì ông chủ tịch hội Văn Nghệ Thái Bình có công văn gửi chi bộ khoa Viết Văn trường Nguyễn Du: Đồng chí Bùi Công Bính là người của chúng tôi, chúng tôi đã tận tình giúp đỡ cả chục năm nay và chuẩn bị kết nạp đảng cho đồng chí Bính thì đồng chí Bính đi học! Nay các đồng chí kết nạp đảng cho đồng chí Bính thì đồng chí Bính sẽ chê trách chúng tôi là thiếu quan tâm, thiếu tình nghĩa! Học xong đồng chí Bính lại về với chúng tôi. Chúng tôi còn phải có trách nhiệm lâu dài cả về đời sống vật chất và tinh thần với đồng chí Bính! Vì thế chúng tôi đề nghị các đồng chí chuyển hồ sơ của đồng chí Bính về cho chúng tôi, chúng tôi sẽ làm lễ kết nạp đảng cho đồng chí Bính ngay và chúng tôi sẽ giới thiệu chuyển sinh hoạt đảng của đồng chí Bính lên chi bộ các đồng chí! Chi bộ khoa Viết Văn trường Nguyễn Du đành phải dừng việc kết nạp đảng cho nhà văn Bùi Công Bính! Còn buổi lễ kết nạp đảng cho nhà văn Bùi Công Bính ở chi bộ hội Văn Nghệ Thái Bình cho đến nay vẫn chưa có và không bao giờ có!
Chưa hết! Ngày ấy có nghị định của bộ Tài chính, cán bộ trong thời gian nghỉ làm việc đi học chỉ được nhận tám mươi phần trăm lương! Đám lính chúng tôi đều là sĩ quan, được giữ nguyên lương theo quân hàm. Các nhà văn dân sự ở các hội văn học nghệ thuật địa phương đều hưởng lương hành chính sự vụ rất thấp! Một trăm phần trăm lương đã sống nheo nhóc, thiếu thốn, phải cày cuốc trên trang giấy chống đỡ cuộc sống! Đi học không còn thời gian viết thêm mà chỉ còn tám mươi phần trăm lương thì sống làm sao! Trường viết văn Nguyễn Du và bộ Văn hóa Thông tin trực tiếp sang làm việc với bộ Tài chính đề nghị cho các nhà văn đi học được giữ nguyên lương và bộ Tài chính đã có văn bản chấp nhận. Từ văn bản đó, hội Văn nghệ các tỉnh có nhà văn đi học trường Viết Văn Nguyễn Du đều chuyển nguyên lương của nhà văn về trường. Riêng hội Văn Nghệ Thái Bình vẫn chỉ cho nhà văn Bùi Công Bính nhận tám mươi phần trăm lương!
Có tác phẩm văn chương được cơ quan xuất bản nhà nước xuất bản từ năm mới ngoài hai mươi tuổi. Từ đó nhà văn Bùi Công Bính trở thành người làm văn chương chuyên nghiệp, chỉ chuyên tâm sáng tác và biên tập văn chương và anh đã được nhận nhiều giải thưởng văn chương. Nhưng đến nay cánh cửa hội Nhà Văn Việt Nam cũng giống như cánh cửa chi bộ đảng Cộng sản ở hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình vẫn đóng chặt với anh Bính!
Ngồi trên ô tô từ Hà Nội về Thái Bình nhà văn Minh Chuyên kể rằng anh Bính đã có đơn xin vào hội Nhà Văn Việt Nam từ hơn chục năm trước nhưng cứ chìm trong im lặng! Vừa rồi anh Bính lại phải làm lại hồ sơ xin vào hội. Minh Chuyên mang hộ anh Bính hồ sơ đó đến hội Nhà Văn Việt Nam đưa cho ông cán bộ phụ trách công tác hội viên. Thấy ông cán bộ hội hờ hững để hồ sơ của anh Bính giữa đống giấy tờ ngổn ngang, Minh Chuyên lo lắng nhắc ông để hồ sơ như vậy quên đi rồi thất lạc mất! Ông trợn mắt, quát: Còn gần ngàn đơn xin vào hội kia kìa! Đơn mới đưa cứ để đấy đã, còn lâu mới xét!
Đơn xin vào hội Nhà Văn Việt Nam của nhà văn Bùi Công Bính còn lâu mới xét nhưng ở Thái Bình có ông quan cấp tỉnh khá to, đã về hưu, tuổi xấp xỉ bảy mươi, mới làm thơ nghiệp dư mấy năm nay thế mà vừa được kết nạp vào hội Nhà Văn Việt Nam! Làm quan khá to nên kinh tế của ông cũng rủng rỉnh và thơ con cóc theo đó cũng rủng rỉnh nhảy ra! Ông liền bỏ tiền ra in liên tiếp mấy tập thơ rồi khuân thơ về Hà Nội! Biếu thơ và quà cáp, đãi đằng khắp các cửa nghe đâu hết ba mươi triệu đồng!
Với những nhà văn như thế tất phải diễn ra đại hội nhà văn như đã diễn ra!
Ảnh: Trái sang: Minh Chuyên, Nguyễn Khoa Đăng, Phạm Đình Trọng, Bùi Công Bính