Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHÁC THẢO CHÂN DUNG NHÀ VĂN HÓA THÁI DOÃN HIỂU

Lê Quốc Hán
Chủ nhật ngày 14 tháng 1 năm 2018 8:55 AM
Kết quả hình ảnh cho thái doãn hiểu

Tôi ăn trên cỏ
Tôi chơi trên cỏ
Tôi đùa trên cỏ
Cỏ nuôi trọn đời
Một mai từ biệt
Cỏ nằm trên tôi

Thái Doãn Hiểu

Hôm nay đúng hai năm âm lịch ngày nhà văn hóa Thái Doãn Hiểu vào cõi cực lạc, tôi xin giới thiệu đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp ông để các bạn chia sẻ.
Thái Doãn Hiểu sinh ngày 20 tháng 9 năm 1943 trong một gia đình nhà nho trí thức thanh bạch tại làng Quán Nội, xã Thịnh Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Ông đã từng tham gia Thanh niên xung phong trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tốt nghiệp xuất sắc khoa văn (khóa 10) trường Đại học Sư phạm Vinh rồi trở thành giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Tp Hồ Chí Minh. Nhưng sự cống hiến đáng quý nhất của ông là hơn một vạn trang sách để lại cho hậu thế.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Trần Nhuận Minh gọi ônh là "Nhà biên khảo lớn", còn thi sĩ - nhạc sĩ tài hoa Nguyễn Trọng Tạo gọi ông là "người lưu danh cho thi ca". Về biên khảo, các trước tác "Giai thoại kẻ sĩ Việt Nam", "Giai thoại nhà văn Việt Nam", "Giai thoại nhà văn thế giới", "Lời vàng", "Cảo thơm" (Foklore Việt Nam - phần Ca dao & Dân ca), cuốn nào cũng xấp xỉ nghìn trang. Về thi ca, các tuyển tập "Thơ tình bốn phương " rồi "Một nghìn năm thơ tứ tuyệt Việt Nam" lần lượt xuất hiện khiến độc giả choáng ngợp vì tầm vóc to lớn và giá trị chân thực của chúng. Nhưng có lẽ trước tác mà ông tâm huyết dành trọn đời mình biên soạn là bộ "Thi nhân Việt Nam hiện đại" gồm 1500 trang khắc họa 150 gương mặt thi nhân Việt Nam xuất hiện sau 1945. Tiếc thay vì nhiều lý do (chủ yếu là kinh phí) nên cuốn này chưa ấn hành được. Năm 2013, trong một lần đến chơi tư dinh vợ chồng ông ở Sài Gòn, chúng tôi đã được xem bản thảo bộ sách đồ sộ này (gồm 10 cuốn). Ngoài ra ông còn viết tiểu thuyết ("Âm vang tiềm thức"), làm thơ ("Tâm cảm"), nhưng có lẽ thú vị nhất là cuốn "Thật - Giả" mà ông gọi là "Luận văn tiến sĩ triết học với đề tài BÀN VỀ CHÂN LÝ".
Ông mất ngày 5 tháng 1 năm 2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh, để lại lòng tiếc thương cho biết bao người.
Khi ông mất, tôi đã viết về ông với đoạn kết: " Anh như con hạc về trời, thanh thản chốn cực lạc. Nhưng hình ảnh Anh, tinh hoa Anh vẫn ở lại mãi mãi với những người yêu văn hóa, yêu cái đẹp mà em may mắn là một trong số đó".

Thành Vinh, 3 giờ sáng 26.11 Đinh Dậu