Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GHI CHÉP CỦA VƯƠNG TRÍ NHÀN VỀ NGUYỄN KHẮC PHỤC

Vương Trí Nhàn
Thứ năm ngày 11 tháng 1 năm 2018 8:53 AM



TNc: Ghi chép của nhà văn Vương Trí Nhàn công bố trên blog của ông. Chúng tôi coi đây là những tư liệu về một thời bàn bè văn chương...

Về Nguyễn Khắc Phục

Vũ: Tôi gặp ai đó một lần thôi, tôi có thể biết ai có tài không Tôi gặp thằng Phục trước, rồi đọc Hoa cúc biển sau. Gặp đã thấy được. Đọc Hoa cúc biển thì thấy ít có tài hơn.

Nó là một người có tài thật, dù những cái nó viết hiện nay còn ngổn ngang chưa đâu vào đâu .Cái Biển và bãi lầy cũng không thật ghê đâu! Nhưng mình vẫn tin là nó làm được.

- Đó là một người cẩn thận chứ không phải không đâu. Nó đến nhà tôi nó lấy quần áo của tôi mặc, vì nó biết rằng tôi có thể xoay quần áo người khác. Chứ không phải làm liều. Nếu biết tôi không xoay được thì nó sẽ không lấy. Gặp thằng Chu thường thấy nó ra vẻ lễ phép bưng nước cẩn thận, nhưng người ta không tin, và Chu không thế thật. Còn Phục, nếu mọi người ăn cơm ở một nhà, nó tìm cách xoay cho thằng kia phiếu gạo... Nó gửi tiền cho những thằng bạn nghèo... Bề trong, nó nhút nhát và rất sợ mất lòng mọi người.

Chu hay nói lếu láo về Đảng, về Trung uơng, về ông Đồng... Còn Phục, không bao giờ Phục nói về những cái ấy cả. Nó vẫn thấy thiêng liêng lắm.

- Tôi là một thằng làm thơ, tôi hay vứt thơ mỗi chỗ một tí. Thằng Phục cũng vậy. nó vứt cái nó viết mỗi chỗ một tí. Đang ngủ, nó xin tôi điếu thuốc, và dậy viết được một truyện vừa - viết không ráp gì hết. Hôm qua lên, nó giao cho tôi tất cả bản thảo, và dặn là phải giữ cẩn thận.

Đọc văn Nguyễn Khắc Phục có thể cảm thấy không hay, nhưng không bao giờ cảm thấy nó có những đoạn xoen xoét ra, như trong văn thằng Chu.

Ng Khải nói về Phục:

-- Tôi cũng chưa đọc những cái khác. Nhưng mà vừa rồi đọc cái Cô kỹ sư nông hoá của nó, thì thấy nó viết ẩu quá, cẩu thả quá. Nó cãi lại do mình sợ. Khải cười chỉ bảo truyện này có lẽ quá cải lương. Nói cho xong thôi , chứ trong bụng nghĩ đến cải lương cũng không được.

Nhàn: có chất người như Triệu Bôn, có chất người như Đỗ Chu. Ở lớp người lớn tuổi, có những người như ông Từ Bích Hoàng, Phú Bằng, và những người như Ng Khải, ở mỗi bên, tôi thấy họ thiếu cái của bên kia. Những tài năng lớn, dường như là phải bao gồm cả 2 mặt đó.

Tài là một chuyện, nhưng cuộc sống cũng là một chuyện. Biết thu góp cuộc sống cho mình là quan trọng lắm.

Nguyễn Minh Châu: Thì đấy chính là tài chứ còn gì nữa?

Nhàn: Tôi thấy chán bạn bè, vì loanh quanh nó cũng chỉ nói được những chuyện về tình yêu, gia đình là cùng. Mà ở ngoài thì người ta cứ đánh nhau. Chúng nó chẳng biết gì, nhiều khi nó lại phải hỏi mình một số điểm.

Nguyễn Minh Châu: Cuộc sống mà vào đến các ông ấy, thì vang động của nó đã đuối rồi trầm rồi, chẳng còn gì. Các ông ấy cũng đi thành rãnh thành hào mà mặt cứ đóng váng cả lên.

Nhàn: Hôm nọ, tôi gặp một tay, cái loại học trên tôi hai lớp, hồi đi học là cán bộ chấp hành đoàn mà tôi là học sinh. Bây giờ khoảng 30-31 Tôi gặp tay ấy buổi sáng đi trên đường, ăn mặc rất chững chạc, mặt nhìn thấy tự tin, da đen bóng lên, cổ áo quân hàm đại uý. Cái loại này nó đánh nhau thật, nó vào sinh ra tử thật. Hơn cả anh hùng, nó còn nặn ra cả những anh hùng nữa. Những tay này đúng là cột trụ của chế độ chứ còn gì nữa? Tôi thấy mình cần gặp những người như vậy.

Đánh giá từng người

Nguyễn Minh Châu:Tôi vẫn thích 2 thằng Đỗ Chu và thằng Vũ. Hai thằng ấy nó có cái gì là nói ra rả, nói đến nơi đến chốn. Cái loại như Bằng Việt chóng cạn lắm.

Xuân Quỳnh: Cả hai ông Vũ và Bằng có phần được đề cao hơn là chính ông ấy vốn có.

Ông Bằng ngày càng làm cho bạn bè khó chịu. Khi phải chịu đựng ông ấy, ông ấy thô bỉ lắm, trước mặt người lạ mà cứ nói vợ mình khâu vá thế nọ thế này, thế mà không biết ngượng. Ông ấy cứ lừa lừa mọi người đến chơi, rồi mang kể chuyện mình, y như lừa lừa ỉa bậy ra một chuyện ấy.

Bằng Việt: (kể chuyện vợ) Tôi phải đi học chính trị thì bà ấy ở sơ tán về. Suốt đời bà ấy toàn chuyện không may.

Xuân Quỳnh: Và cái không may nhất là lấy ông.

Bằng: Không, cái may nhất là được tôi chứ.

Nhàn: Cái thằng Bằng này, nó có làm sao, cũng không được thương. Vì thương lần ấy rồi, lần khác nó vẫn thế.

Thơ Bằng Việt bao giờ cũng tổng hợp, tổng hợp ngay trong một bài. Có biến chuyển tư tưởng trong từng bài một. Nhưng từ bài nọ bài kia rất ít biến đổi.

Nghe bảo ông Bằng Việt vào trong kia lại tâm sự với ông Xuân Hoàng. Quỳnh bình luận hai cái loa tâm sự với nhau thì còn gì nữa.



Nhàn: Tôi không gần được bà Ý Nhi.

Xuân Quỳnh: Đó lại là người mẫu của ông Bằng.

Nhàn: Tôi không sâu sắc được như Bằng Việt.

Vũ Quần Phương: Bằng Việt không sâu sắc, nó chỉ tham bác rộng thôi.

Nhàn: Bây giờ đây, cứ hết chuyện thì mọi người lại lôi Bằng Việt ra mà nói. Dẫu quan niệm của người nọ người kia có khác, nhưng tất cả đều thống nhất khi nói xấu Bằng Việt.

Có một nhân vật viết từ lâu rồi là Bùi Bình Thi một người dễ vui, dễ buồn, ai nói thế nào cũng nói theo. Có thời gian 2 này viết một truyện, đi Lào về viết liên tiếp, tên truyện viết ra toàn những ở rừng lào với đội du kích Khăm Muộn.

Khải: Tôi bảo nó sửa mà nó không sửa, lại làm mặt giận.

Lại nghe ông ấy nói ông ấy làm một tập cho xuất bản Thanh niên. Mình bảo: Cứ từ từ, kinh nghiệm cho biết rằng nên cẩn thận khi ra tập sách đầu. Chưa thấy người nào ra tập đầu luôm nhuôm mà sau ngóc đầu lên được.

Rồi sẽ đến lúc, mà vấn đề thanh niên cũng là vấn đề tri thức. Người ta cắt nghĩa là trong xã hội hiện đại thanh niên là người nắm những trí thức mới nhất. Ở ta cũng bắt đầu có tình trạng ấy. Hiện nay, bộ đội khác học sinh.

Tôi nghĩ ừ, có một chủ đề: Văn nghệ và tri thức. Văn nghệ là tri thức, nhưng nó lại là bản năng, nó nảy sinh với một vẻ gì khó hiểu, như từ đất mà thành nhựa cây.

- Đọc thơ Bằng Việt mấy năm trước với mấy năm nay, đại khái là như nhau.

Đọc thơ Xuân Quỳnh mấy năm nay, có biến chuyển gì? Chỗ nào là chỗ đổi mới?

Xuân Quỳnh: Năm 1969 , tôi vụt ra được cái phần Gió lào cát trắng, nó là những suy nghĩ từ trước mà vụt ra.

Hình như những điều mà Xuân Quỳnh nói được trong Gió lào cát trắng, Lưu Quang Vũ cứ tán mãi ra, thành một cái mạch chủ yếu trong tập Trước biển và những ngọn gió

Xuân Quỳnh : Tôi thấy bây giờ làm cái gì phải làm cẩn thận, không có dịp làm lại nữa. Đến nơi nào đó lần đầu mà cứ nghĩ là lần cuối vì chắc không có dịp đến lại. Đọc sách không có dịp đọc lại. Ngay cả bạn bè, chỉ có mất đi mà không có thêm.

Bây giờ quý nhất là thời giờ. Có thể cho mọi người mọi điều, nhưng không thể cho thời giờ được.

Vũ Quần Phương: Những điều ông Nhàn viết do chỉ quanh quẩn trong bọn mình, nó đúng với bọn mình, nhưng không đúng với tất cả đâu.

Từ chỗ cả bọn ồn ào nói lên tiếng nói của mình, ở người nào cũng có đủ mọi yếu tố: vừa tin yêu, vừa phủ nhận, vừa say sưa, vừa quyết tâm
Giờ đây thơ trẻ đã phân hoá hẳn.
Bằng Việt đi vào sự phục vụ cung đình một cách bắt buộc nhưng vẫn là cung đình.
Lưu Quang Vũ lại từ bỏ cái ngọt ngào xưa, đi đến những cái quyết liệt.
Xuân Quỳnh đi sâu vào những chuyện cá nhân mình mà qua đó, nghe vang vọng những điều của xã hội nói chung.

Những bài thơ về sau, sự phát triển của mọi người hiện nay, giúp ta nhìn lại mỗi người trong những năm trước đây, thấy một cách đầy đủ chỗ yếu chỗ mạnh của họ.

Để đến được những suy nghĩ như Bằng Việt, một người thanh niên thường phải qua một chặng đường khó khăn. Nhưng từ Bằng Việt vượt lên những bước mới rất khó khăn.



Lại nói về Lưu Quang Vũ (tập Trước biển và những ngọn gió)

Vũ Quần Phương: Nghe đọc mấy bài của Vũ mình thấy có những câu vô trách nhiệm “Viên đạn hôm nay trong bao xe, mai rơi vào ngực ai”

Còn nếu Vũ nói: cái cùm lạnh, những đàn đom đóm lập loè, thì là nghe hóng Vũ không có quyền nói.

Nhàn: Vũ chỉ là người tàng hình giỏi, biến mình vào tất cả các bài thơ cũng một ý đó mà nhân lên. Chính là Vũ lại rất ít xao động.

Ông Châu bênh: Người ta có thể sống vạ vật, và có thể nói những điều lớn lao.
Tôi nghĩ có lý! Nhưng tôi còn xem xem có đúng là Vũ thế không đã.

Vũ Quần Phương: Sự vạ vật của Vũ có cần thiết không, có phải chỉ là vạ vật bề từ bên trong không hay là vạ vật vì lười biếng, ngại khổ vì những cớ bên ngoài

Nhàn: ông Vũ chính là một người vô chính phủ. Ông ấy phá đi, nhưng ông ấy chẳng xây gì cả, hay là cái xây của ông ấy rất mơ hồ, rất không tưởng.

Xuân Quỳnh: Chính tôi đã bảo Vũ nó chẳng rõ gì cả. Mình có phản động thì cũng phải rõ ra là phản động thì mới được.

Vũ Quần Phương: Đúng, Vũ trong đời sống chỉ biết cái tốt cái đẹp một cách mơ hồ, nó muốn làm thơ vươn tới cái đó, nhưng nó lại muốn đi tới một cách dễ nhất. Ông ấy muốn mua một cách rẻ hơn người khác.

Nhàn: Con đường ấy, con đường dễ dãi nhất, bao giờ cũng là con đường xa. Trong đời sống, có những con đường gian khổ, mình phải đi vào, cắn răng mà đi, nhưng đó lại là con đường ngắn nhất.

Vũ Quần Phương: Nhưng dẫu sao, phải nhận lối làm thơ của Vũ nó được nhiều, và nó có cái vẻ cụ thể của nó.

Nhàn: Kinh nghiệm của các ông lớp trước, chỉ là kinh nghiệm kéo dài.

Với lại ở Vũ, nó có nhiều câu như bắt được, chứ không phải nghĩ sẵn. Phải chuẩn bị cho mình sao để bắt được nhiều những câu như thế. Nó cũng là cái tài đấy.

Bằng Việt: Nó ở sự liên tưởng....

Vũ Quần Phương: Có thể người ta lấp lại những điều định nói, nhưng tàng hình cho khéo. Như bà Xuân Quỳnh, mấy bài gần đây của bà ấy (Cơn mưa không phải của mình, Mặt đất...)

Nhàn: Những bài ấy không hay. Tôi ngờ rằng một ý nghĩ của bà ấy đã khác đi, mà bà ấy vẫn làm theo kiểu cũ.

Phương: Bà ấy hay chạy theo tứ. Bây giờ có thể làm lối thơ nhật ký chẳng hạn, thơ gặp đâu viết đấy.

Nhàn: Lối thơ có tứ, như một vòng tròn khép kín cho nên Xuân Quỳnh không thể viết đài được. Hai bài thơ tình của bà ấy mới rồi viết dài được vì nó không còn tứ nữa. Nó băng đi như đại lộ.

Bằng Việt: Bây giờ tôi nghĩ lại rồi. Định nghĩa về thơ hiện đại nhất: thơ là tổ hợp của những từ, những cách biểu hiện theo một hướng nhất định. Hãy để cho thơ dàn dụa ra.Trước kia, tôi cứ phải đi chắp từng câu một, tốn công, mà người ta lại bảo mình không có thực tế. Phải học ông Chế cách kéo dài, muốn thế phải có những liên tưởng tiếp nối và tương phản.

Nhàn: Tôi lại thấy ông Bằng cứ đi vào lối cũ, có khi lại hơn.

Phương: Mỗi người phải gánh lấy nhược điểm của mình rồi biến nó thành một chỗ mạnh mà mình.

Phương nói tiếp với tôi: trong bọn mình, có những người có khả năng suy nghĩ một cách bản năng, ví dụ như Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ. Bằng thì khác, Bằng chớ làm như họ mà chết.



Xuân Quỳnh kể: Bằng Việt vừa “làm“ xong tập Lương tâm cho nxb Thanh Niên. Tôi bảo ông ấy là: Nếu ông không phải đưa, người ta không giục, thì ông đừng đưa... Cứ kéo dài mãi cái kiểu cũ, vô duyên rồi.

Bây giờ người ta bắt đầu in bọn trẻ bằng tên rồi. Ông Phạm Hổ bảo bài thơ tặng Duật (của ông Bằng) cũng không ra sao, nhưng vì là của ông Bằng Việt thì đăng cho ông ấy thôi.

Bằng Việt trẻ con lắm. Người ta chê ông ấy thì ông ấy đi chê lại, rồi không đọc thơ cho họ nghe. Ông chỉ đọc cho người nào có những bài thơ kém hơn của ông ấy thôi.

Phục kể:


 

-- Tôi nói thực với ông, tôi ngoài này hưởng lương 105 một tháng. Lúc nhận giấy đi B, đến lúc lên học có hai ngày thôi. Nhưng tôi đã đi là đi. Tôi hay bảo thằng Điệp. Mình đi B là mình tốt hơn các ông khác rồi. Mấy hôm tôi sắp đi, ông Chế Lan Viên cứ gọi đến chơi. Tôi không đến. Hôm nọ ông ấy vừa gặp tôi đã cho một câu “Thằng con mình vừa đi B ra xong vẫn khoẻ lắm”. Tức là đi B không sao cả, không có gì phải lo. Thế sao ông ấy không đi đi. Ông ấy gọi tôi hẹn đến thì một là lại nói chuyện, rồi đăng cho tôi cái gì đó, rồi phủ dụ, rồi gửi thư -- tôi không đến. Ông ấy lại gửi thư qua những đứa khác. Tôi không nhận. Tôi bảo tôi không vào đấy. Tôi biết thừa rằng tôi không nhận thì đã có những đứa khác nhận rồi.
Nhàn: Tại sao không thấy ông nào ra tiễn bọn này nhỉ.
Khắc Phục: Tại vì các ông ấy ngượng đấy.
Nh: Bãi lầy là chuyện đọc được, nhưng tôi chỉ không hiểu ông viết thế để làm gì thôi.
Ph: (đọc đoạn hai người dân chài) Anh có thể tốt nhưng anh không rõ ràng. Như thế không được, không có bản lĩnh
Nh: Ông đi, ông nghĩ về chúng tôi thế nào?
Ph: Tôi thương các ông ở lại. Vào trong kia khổ thì đáng khổ. Ở đây thì chúng ta không đáng khổ mà cứ làm khổ nhau mãi thôi.
Nh: Sao mà tôi chán các thứ văn chương hiện nay vậy. Tôi không thể đọc được những Mẫn và tôi những Gia đình má Bảy. Đi mà viết như thế thì đi làm gì. Ở ngoài này viết cũng được.
Ph:Tôi cũng công nhận là bây giờ phải đi, đi thì mới có vàng bảo đảm cho những điều anh viết. Tôi nói với thằng Lâm rồi đấy, mày có thể bỏ Hà Nội đi, mày xuống cảng, mày làm gì đấy cũng được. Nó chỉ sợ đi không được về. Tôi nghĩ cần gì về. Còn thằng Vũ cũng thế. Nó có thể xin đi được đấy, nhưng nó không đi. Phải công nhận nó sống không được đẹp lắm. Gia đình có phần níu mình, tôi mà phải sống như thế, tôi không chịu được.
Tôi nghĩ nói chuyện với Phục tốt nhất là nói về đi và học, chẳng ai nói say sưa như thế, chẳng ai ham hiểu biết như thế (Phục khẽ bảo cái này chỉ có tôi với ông biết với nhau, ông đừng nói với những đứa khác, nói ra nó chửi cho mình!)
Phục được nhận là một người rất ham đọc, đọc các sách về địa chất, về khảo cổ. Viết về biển, cứ ngồi chiếu bản đồ rồi tưởng tượng ra ( Ph:” Tôi chỉ đi với tàu của tôi, rồi tôi nghĩ ra thôi. Nhưng các ông ấy vẫn bảo tôi đừng viết, viết lộ những đường đi trên biển”)
Phục luôn luôn nói: Bây giờ tôi đi, tôi chỉ buồn là tôi còn biết ít quá, còn nhiều thứ cần biết quá. Phải sống cho tích cực.
Phục là một người gần như không chịu bất cứ một sự ràng buộc nào. Ở Hải Phòng vẫn luôn luôn lên Hà Nội, luôn luôn có mặt trong các câu chuyện văn học chung quanh Hà Nội. Nhưng lại nhanh chóng chuồn, “tao không chịu được”.
Ngay ở tàu, Phục cũng là một người đi ở nhiều tàu, làm ở nhiều nơi, không bị một ràng buộc nào cả.
Đi B phen này, Phục chỉ ước sẽ được phân công làm tình báo ở nột nơi nào đó, nghiên cứu nó, rồi viết gửi ra.
Những ngày ở Quảng Bá, tự nhiên Phục nghĩ ra là sẽ viết truyện thiếu nhi. Nhờ Lưu Quang Vũ mượn hộ một ít sách lịch sử: Ngoại thương Việt Nam, Binh chế Việt Nam qua các thời đại. Rất say mê, hay kể lại những chi tiết có thể dùng được.
Về văn học nước ngoài, đọc tiếng Pháp. Camus, Eluard là những thứ mà Nguyễn Khắc Phục thích nhất.
Nhàn: Lúc này tôi chưa hiểu sao phương Tây coi Maiakovski là một người cách tân vĩ đại của thế kỷ này không biết.
Phục nghĩ một ít lâu, rồi trả lời: Có lẽ đó là vì Maia cho ta thấy tất cả tính chất tàn bạo của cách mạng vô sản.
Đến chỗ này thì tôi không chịu. Và trong tôi mơ hồ nảy sinh một cảm giác khác về con người Phục.
-- Phục cũng là một người muốn viết bằng tất cả kiến thức sẵn có của những người trước mình.
Nhưng sơ sơ đã thấy có những phần chắp vá, giả tạo.
-- Về mặt bạn bè, Nguyễn Khắc Phục là người thế nào? Cũng nhố nhăng láo kiêu như Đỗ Chu, nhưng có phần biết điều hơn. “Tôi rất ghét người khác bao dung mình, những người khác là ông bầu của mình. Mình có thể bị thiệt với bạn cũng được.”
Nói chung là Phục có cái gì không thuần nhất.Và đến với mọi người nhanh thì Phục cũng là một người bỏ chạy rất nhanh.
Mấy năm 1967, 68, Phục thân với Thi Hoàng. Những ngày gần đây, kêu Thi Hoàng: “Tôi chán nó lắm. Nó chẳng đọc gì cả. Nó cứ chê mọi thứ, thì sống làm sao được “.
Hồi mới đầu hay gặp Lâm Quang Ngọc, Bùi Bình Thi. Về sau Phục chịu không sao nói chuyện được với họ.
Tôi thường tự hỏi tại sao Lưu Quang Vũ thân với Nguyễn Khắc Phục. Vũ vốn khinh bạc, nhưng có thể chiều chuộng Phục, đến thăm Phục rất nhiều. Phục cũng vậy, về đến Hà Nội là về nhà Lưu Quang Vũ.
Tại sao, hay chỉ là vì hai cặp có tài (Lưu Quang Vũ + Nguyễn Khắc Phục = Đỗ Chu + Phạm Tiến Duật)
Ngày Phục đi, Vũ làm thơ tặng, Vũ ra tiễn và khóc.
Trông Vũ khóc thảm thiết, tôi ngờ rằng chính là Vũ khóc cho Vũ nữa.
Hai người có những phần gần nhau, rất đặc biệt. Hơn nữa, đó là hai khả năng của một kiểu tài năng. Vũ thừa biết rằng mình mà dám đi, thì mình còn làm được nhiều thứ hơn tất cả những người khác. Vũ bạc nhược nên không làm được mà thôi. Một người nghệ sĩ cũ khóc vì sự không hợp thời của mình, mà không sao thay đổi được. Vũ khóc cho chính Vũ, đúng vậy. Phục cũng phải nhận: Mỗi đứa đã có một phần của nhau rồi.
Phục ra đi, Vũ như mất một chỗ dựa về tinh thần của mình. Trong chúng tôi, có thể nhiều người hiểu Phục, nhưng không ai thông cảm và yêu, tin Lưu Quang Vũ như Nguyễn Khắc Phục.
Nhiều lúc tôi cũng lạ cho anh em bạn của tôi. Lưu Quang Vũ ở bộ đội về. Phạm Tiến Duật thì lăn lộn ở 559, Nguyễn Khắc Phục ở Hải Phòng lên. Nhưng cả hai người ấy, về Hà Nội là ríu rít với Lưu Quang Vũ. Tại sao? Phải đó là ý thức về người nghệ sĩ, lòng họ còn hướng về cái đẹp.
Có cảm tưởng như tôi không vào được với Lưu Quang Vũ và Nguyễn Khắc Phục. Tại sao thế? Tôi cũng không hiểu lắm.
Thật bất ngờ, người giúp tôi mở khóa trong trường hợp này lại là Xuân Quỳnh.
Nhớ một lần tôi hỏi Phục có chú ý gì đến bà Quỳnh không? Phục gạt phắt đi không, tôi không chú ý gì cả
Trong lần nói chuyện tay ba, không biết lúc nào đó, Nguyễn Khắc Phục nhận xét: tôi thích cái bài thơ viết cho mình và các cô gái khác của bà đấy. Còn bài Trời trở rét thì yếu quá, bài ấy để cho bọn con gái 17, 18 nó làm thì hợp hơn.
Nghe vậy, Xuân Quỳnh hơi đỏ mặt lên, nói cái gì đại ý thơ tình bây giờ cũng chỉ vơ vẩn thôi. Rồi khi Phục đi khỏi, Quỳnh nói với tôi:
- Ông ấy thì chả yêu ai cả, suốt đời không yêu ai đâu.
Lại như ở Phục có cái phần tùy tiện và thực dụng nữa. Có buổi Phục cứ nói thao thao về bãi lầy, về nhưng chỗ còn đóng váng trong lòng người. Phục nói rất mạnh mẽ về người nọ người kia. Nhưng cuối buổi, bỗng Phục bảo làm sao gặp được bà Trang nhỉ. Hay là ông gọi điện hộ tôi với... Để làm gì, để hỏi bài. Lúc xuống nhà dưới, Phục đi lùng sục vào các phòng chào người nọ, người kia. Tự nhiên tôi phải bảo cái lối xã giao giả tạo này chính là cái phần bãi lầy trong con người ông đấy. Ông có yêu quý ai đâu mà ông cứ làm .
Vẫn về Phục - Xuân Quỳnh:
-- Tay này cũng giống như tay Đỗ Chu, lạnh lắm, không thân với ai đâu, sau này cũng bằng ông Khải thôi, hoặc có thể hơn thế một tí.
Cái này thì tôi biết rồi. Như là Xuân Quỳnh nghĩ mình là một thứ tiêu chuẩn của cuộc sống. Ai muốn yêu cuộc sống thì phải yêu mình.
Nhưng về sau, tôi phải chịu Quỳnh nói là phải.
Nhàn: Có lần ngồi trong thư viện, nghĩ về Phục, tôi giật mình chợt nhận ra mình không hiểu bạn. Tôi buồn.
Xuân Quỳnh: Ông không việc gì mà buồn cả, người như thế không bạn được. Như khi nghe ông ấy nói chuyện, Vũ nó khóc mà ông ấy không cảm động gì cả, ông ấy lại còn cười. “Tôi tiếc là tôi không khóc được” Người như thế thì lạnh quá. Hay đối với ông Nhàn chẳng hạn, thấy bạn mình không hiểu thì phải nói ngay, chứ mang ra giễu thì là thế nào?
Phục có bài thơ Tưởng tượng về một tình yêu. Xuân Quỳnh: Thơ hay đấy. Nhàn: Điều lạ là thơ Vũ bây giờ có hơi thơ Phục rất rõ. Xuân Quỳnh: Nhưng mà Phục nó trí thức hơn chứ. Hoàng Hưng: Ông Vũ khi viết chỉ nghe ông Phục bịa ra những chuyện về biển. Như người thuỷ thủ chết thì mang vứt xuống biển. Làm gì có. Chính thơ Vũ về biển không bắt trúng chất về biển.
Trong một buổi tào lao khác
Nhàn: Phục nó có câu hay quá “Sẽ có ngày mọi người nói hết ra mọi chuyện” .Không biết của nó hay của ai không biết.
Vũ: Của nó thôi, chứ Phục là thằng không thèm trích của người khác đâu.
Huân: Phục là người sống khôn hơn ông Chu. ông Chu dại, có gì nói ngay ra mồm. Ông Phục thì biết lấy lòng mọi người, nói cái gì cũng đo đắn, rất sợ mọi người hiểu nhầm về mình (Chính Phục cũng rất ít khi về nhà, cũng ngại gia đình chăm sóc, mẹ chăm sóc... không thích đâu! ) Nhưng khôn thế, trước sau rồi cũng lộ. Đối với con gái, Phục cũng ngạo mạn. Tưởng là người ta yêu mình, và mình chinh phục được người ta. Phục hay nói chuyện với cô Chiến một người cũng rất ngang - ngồi trong lớp, hai người cứ viết thư cho nhau, toàn xé phong bì ra viết thư, viết vào các đoạn chéo của phong bì, thế mới vui.
Hoàng Hưng: Nhưng Phục cũng hay cà khịa với mọi người, hay gây sự với mọi người, làm cho mọi người không bằng lòng... Phục rất thông minh, đọc chữ cũng hiểu ít thôi, nhưng đoán ra được nhiều. Nhưng cũng lại điệu, thích dùng chữ Pháp một cách không cần thiết.
Tôi hay kêu Vũ trong quan hệ với Lâm: Không thể có lối chơi không bình đẳng như thế được. Ai lại cứ một người nói, một người nghe; một người viết rất nhiều, một người không viết gì hết; mà đi đâu, ở Hà Nội hay đi các tỉnh khác, cũng đi với nhau.
Phục tán thành: Giá kể chúng mình ai cũng làm được những điều tử tế thì hay biết mấy.
Nhưng Phục lại có một người bạn kiểu Lâm là Trần Thông. Việc gì Phục cũng nhờ Trần Thông, khi ăn uống, khi chơi bời, rồi có lúc lại mặc kệ. “Trần Thông đang ăn cơm ở nhà mình nhưng mình bỏ đi chơi đấy chứ!”
Đấy cũng lại là một trường hợp, một lý do gần nhau của Phục và Vũ.
Nguồn blog vuong tri nhan

Ảnh: Trần Nhương và Nguyễn Khắc Phục trong chuyến thăm Mông Cổ