Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUỒN NĂNG LƯỢNG MỚI TỪ "NHẶT NẮNG GIEO MÙA"*

Nguyễn Tiến Hải
Chủ nhật ngày 26 tháng 11 năm 2017 5:02 PM



Điềm đạm, kín đáo, kiệm lời, giản dị, bao dung, dễ cảm thông chia sẻ…là những nét tích cách nổi bật của nhà thơ Lê Văn Vọng. Gần ba mươi năm qua, kể từ ngày biết anh, tôi luôn kính trọng, quý mến anh bởi những nét tính cách nổi bật ấy. Được thường xuyên đọc thơ anh, lại đã từng biên tập hai tập thơ của anh, tôi càng yêu quý anh hơn bởi niềm đam mê sáng tạo không ngưng nghỉ, bởi những bài thơ, tập thơ để lại ấn tượng sâu đậm, khi thì day dứt, khi thì ngọt lịm trong tôi. Tập thơ mới “Nhặt nắng gieo mùa” tiếp tục mang đến cho tôi niềm trâ quý. Chưa cần bàn kỹ nội dung, ở cái tuổi “Thất thập cổ lai hy” mà vẫn bền bỉ “nhặt nắng” để “gieo mùa”, với tôi đã là niềm, cảm phục lớn lao rồi.

Nén dồn một không gian rộng lớn, từ Bắc vào Nam, từ trong nước đến xa tít trời Âu…nén dồn một thời gian dài, từ trong chiến tranh đến hòa bình, đổi mới, tập thơ “Nhặt nắng gieo mùa” đã cô đọng nhất những gì cần cô đọng. Nhiều bài thơ, thay vì nhấn nhá, giãi bày, tác giả chỉ gợi lên đôi điều để người đọc cùng suy ngẫm. Ngay cả những bài cần kể, tả, tác giả cũng chỉ kể tả một đôi nét đặc trưng nhất, ấy vậy mà “hồn cốt” bài thơ vẫn hiện lên sinh động, lung linh, ví như một bức tranh ký họa chân dung, chỉ cần đôi nét thoáng đạt nhưng thần thái người được vẽ đã hiện hết lên rồi….

Nội dung trong “Nhặt nắng gieo mùa” rất phong phú với những mảng chính: viết về các miền quê; viết về gia đình, người thân; viết về bạn bè, đồng đội; viết về những người lao động bình thường; viết về lẽ đời, về các sự vật in dấu bao kỷ niệm buồn vui…

Trong những bài thơ viết về các miền quê, tôi đặc biệt thích thú hai bài “Có một Sa Pa” và “Một thoáng Mộc Châu”. Hơn cả một bức tranh bằng thơ chắt lọc mà sống động, giản dị mà kiêu sa, bài “ Có một Sa pa” đã níu hồn người đọc bởi sự cảm nhận, cách cảm nhận độc đáo, thú vị của nhà thơ. Sau những câu thơ khái quát “Có một Sa pa nép trong kẽ lá/ Mái nhà thờ lóp ngóp hiện trong mây/ Những thửa ruộng xếp hàng lên đỉnh núi/ Nắng sớm không xua được biển sương dầy”, là những câu thơ đặc tả bất ngờ, sinh động nhờ sự phát hiện và nghệ thuật sử dụng ngôn từ tinh tế. “ Váy thổ cẩm cứ sàng theo nhịp bước/ Để lạc hồi bao ánh mắt miền xuôi”, “ Măng thì đắng mà nụ cười em ngọt vậy/ Khách đường xa đắm đuối chẳng muốn về”, “ Rượu thì ấm, cái nhìn em cũng ấm/ Đất và trời nghiêng ngả nỗi riêng chung”…Những chi tiết : Váy sàng, cười ngọt, nhìn ấm…là những chi tiết không trộn lẫn. Tôi thực sự thích thú những chi tiết ấy. Đúng như tên của bài thơ-“ Có một Sa pa”, nhà thơ Lê Văn Vọng đã có một Sa pa của riêng mình.

Với bài “Một thoáng Mộc Châu”, đúng là một thoáng, chỉ một thoáng thôi nhưng một thoáng ấy in vào lòng người đọc sao đậm sâu đến thế ! Đến Mộc Châu đúng vào thời điểm “ Chè cuối vụ, mận thì chưa tới”, cái thời điểm ngỡ như thiêu thiếu, văng vắng sự đón chào của thiên nhiên, đặc sản…để “Tôi hụt hẫng còn em tiếc nuối”. Nhưng, bù lại là “Sương chiều đan áo tím cho đồi”- Một cảnh sắc tuyệt vời thu gọn trong một câu thơ chỉ có sáu từ. Thế là đủ. Đủ để tác giả phải níu lòng, phải thốt lên “ Hẹn một mùa xuân khác, Mộc Châu ơi !”. Đồng thời với việc mô tả một cảnh sắc tuyệt vời, hình ảnh “ Sương chiều đan áo tím” còn gợi lên nhiều ý nghĩa sâu xa về sự thủy chung của tình người, tình đất nơi đây… Bởi thế “Hẹn một mùa xuân khác, Mộc Châu ơi!” là điều không thể khác. Trong mỗi cuộc đời, ai chẳng đã từng mất ăn mất ngủ vì “một thoáng mãi không quên”, với tác giả, có lẽ “Một thoáng Mộc Châu” cũng là một thoáng như thế.


Sau chiến tranh, người cựu chiến binh là đối tượng phản ánh của nhiều loại hình nghệ thuật. Với thơ, hình ảnh người cựu chiến binh đã quá quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc, viết không cũ, không trùng lặp, tìm tòi khai thác những khía cạnh mới thật khó. Vậy nhưng, nhà thơ Lê Văn Vọng đã làm được điều đó, và “Người kể chuyện” là một ví dụ điển hình.

Tiếc nuối, bâng khuâng, một chút xa xót là tâm trạng của tôi sau khi đọc bài thơ” Người kể chuyện”. Bài thơ như một truyện cực ngắn mà người cựu chiến binh già là nhân vật chính. Chiều chiều ông ngồi trên chiếc ghế đá trong công viên kể về cuộc đời mình-pho truyện sống chiến tranh. Ngày nối ngày, những câu chuyện của ông cuốn hút bao người…Nhưng rồi, một tuần trôi qua, những ngày tiếp nối trôi qua, người ta mong đợi ông. Không thấy! Chiếc ghế ông từng ngồi đầy lá vàng rơi… “Lá rụng đầy chiếc ghế đá bỏ không/ Những ánh mắt trĩu niềm xúc động/ Và tất cả không ai muốn nhìn nhận/ Ông già kể chuyện chiến tranh đã ra đi mãi mãi”. Không ồn ào, dữ dội, chẳng trầm bổng, cao trào, bài thơ tự nhiên nhẹ nhàng, dìu dịu như cảnh sắc mùa thu mà lắng đọng biết bao. Trên đất nước đằng đẵng chiến tranh này có biết bao nhiêu ông già-pho truyện sống chiến tranh như vậy. Sự liên tưởng ấy cứ xoáy vào tôi khi đọc bài thơ này. Thêm nữa, sự xuất hiện và ra đi tự nhiên, nhẹ nhàng của “Người kể chuyện” cũng tự nhiên, nhẹ nhàng như người lính vào trận rồi trở về cuộc sống mưu sinh…cũng là một sự liên tưởng thao thiết trong tôi. Lặng lẽ, khiêm nhường-hình ảnh “Người kẻ chuyện” trong bài thơ đẹp quá!

Đã từng nhiều năm trực tiếp chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, Đại tá, thương binh, nhà thơ Lê Văn Vọng vô cùng thấm thía sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào đồng chí và ý nghĩa lớn lao của hòa bình, độc lập, tự do. Tuy nhiên, hòa bình, độc lập, tự do đâu phải nhất nhất đồng nghĩa với hạnh phúc. Nhiều cảnh đời, phận người còn lận đận, trớ trêu, gian nan lắm! Luôn luôn thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ với những cảnh đời, phận người này cũng là một nét đặc sắc trong thơ Lê Văn Vọng. Trong “Nhặt nắng gieo mùa” ta gặp lại sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ đó ở các bài thơ “Tiếng rao”, “Quà quê”, “Người đánh cá”, “Làng tôi”, “Mẹ nghèo tôi gặp”…Trong thời buổi kinh tế thị trường, của cải, bạc tiền có lúc có nơi được tôn vinh quá mức, hiện tượng vô cảm có chiều hướng gia tăng…thì, những bài thơ nồng ấm tấm lòng nhân hậu, dào dạt yêu thương này càng có ý nghĩa biết bao. “…Tảo tần kiếm đồng bạc lẻ/ Bữa ăn đắp đổi ngày qua/ Chậu than lúc hồng lúc lụi/ Mỏng manh mưa nắng tuổi già…”(Mẹ nghèo tôi gặp). Hình ảnh người mẹ nghèo ngồi bên hè phố hiện lên từ những vần thơ dung dị, mộc mạc ấy cứ day dứt trong tôi….

Ở mảng đề tài nào ta cũng dễ nhận thấy sự nhạy cảm, tinh tế, tấm lòng nhân hậu, giàu tình yêu thương của nhà thơ đối với cuộc đời, con người.

Mở đầu bài thơ “Thưa cha” là hai câu thơ miêu tả cái rét đầu đông đang tràn về Hà Nội. Cứ ngỡ cái “giá lạnh” sẽ được miêu tả thêm cho “thật lạnh”, thì đột nhiên tác giả liên tưởng “Con bỗng thấy lòng mình đau nhói/ Nơi cha nằm tê tái góc cồn quê”. Ồ, hóa ra cái lạnh đầu đông Hà Nội chỉ là gợi cho cái lạnh lòng sâu thẳm về cha. Chỉ là gợi lên sự đau nhói của lòng con về cuộc đời hy sinh thầm lặng của đời người.

Chắt lọc, kiệm lời, thậm chí giản thiểu đến mức tối đa ngôn ngữ phản ánh là một trong những nét nổi bật trong thơ Lê Văn Vọng. Bài thơ “Thưa cha” là một điển hình của nét nổi bật đó. Với đất nước, hình ảnh người cha được hiện lên qua hai câu thơ ngắn gọn “Những tháng ngày cha miền ngược dân công/ Sốt rét trọc đầu xa trời gần đất”. Tương tự, hình ảnh người cha hiện lên qua những câu thơ dung dị “Gió bấc về làm con nhớ ổ rơm/ Cha nằm úp thìa cho con đỡ rét”… Thật ấn tượng về thân phận một con người! Nhưng, khó quên hơn, ấn tượng hơn có lẽ chính là lời người cha dặn “ Cây sợ gió là cây không lên thẳng/ Người sợ người những câu nói sau lưng”

Lòng vả như lòng sung, đọc bài thơ “ Thưa cha” tôi càng nghĩ và càng nhớ về cha tôi da diết. Cảm giác lạnh giá về thiên nhiên không còn nữa, chỉ còn cảm giác lạnh giá về kiếp người…Bởi thế, tôi cứ thấy lòng nghèn nghẹn, cay cay…

Có một bài thơ tổng hợp, khái quát các trạng thái cảm xúc về những miền quê, về người thân, bạn bè, đồng đội, về chiến tranh, hòa bình…trong “Nhặt nắng gieo mùa”, đó là bài “Đêm đất Mũi”

Không chỉ vậy, “Đêm đất Mũi” còn là một trong số ít những bài thơ dồn nén nhiều sự trăn trở nhất của tập thơ. Nói “dồn nén” bởi sự trăn trở đã được tích tụ quá lâu rồi chứ không phải một sớm một chiều hay đột nhiên xuất hiện. Đây cũng là sự trăn trở của bao người; bởi thế, nó thấm vào lòng người đọc một cách tự nhiên, nhẹ nhàng mà sâu đậm. “ Một thời làm bão làm giông/ Một thời tan tác người không còn gì/Một thời đồng đội ra đi/ Cứ trôi tuồn tuột như về hư không…”. Xót xa quá! Hiện thực mười mươi, xin đừng lẩn tránh. Khi lời thơ đang trĩu xuống, lòng người đang trĩu xuống, thì, bỗng ngời lên những tia nắng ấm, dẫu còn dè dặt, mỏng manh “ May mà dân vẫn còn kia/ May mà cái sụ cắt chia đã liền/ May mà đất nước bình yên/ Sóng êm ả sóng, rừng êm ả rừng/ May mà người biết sống chung/ Nương theo lẽ biển lẽ đồng mà lên…”. Sâu sắc quá! Những điều ngỡ như thường tình, tự nhiên những vẫn phải “May mà…”. Vì sao? Vì chiến tranh là điều phi lý, vì cắt chia là điều đau đớn khôn cùng, vì lãng quên là sự bội bạc, vô ơn. Chưa thật chắc chắn với những tia nắng ấm “May mà”, cuối bài thơ, tác giả thêm một lời cầu nguyện “Gục đầu xuống biển cầu mong/ Cho người bớt phận long đong kiếp người”.

Tôi đã từng đến Đất Mũi đôi lần. Cũng xa xót, nôn nao nhớ về đồng đội, cũng day dứt, trở trăn trước nỗi đau do chiến tranh để lại, nhưng vẫn chưa nảy được tứ thơ nào. Xin cảm ơn nhà thơ Lê Văn Vọng đã bày tỏ cảm xúc của lòng mình, đồng thời đã nói hộ tôi và nói hộ bao người.

Không sa đà kể, tả, không say sưa diễn giải, không ham mỹ từ, không ôm đồm chi tiết…từng bài thơ và cả tập thơ “Nhặt nắng gieo mùa” là tinh lọc dung dị, là sự nén dồn sâu đằm nhưng lại hết sức gần giũ, tự nhiên. Phải chăng vì thế, nên khi đọc song từng bài thơ tôi lại thêm cảm giác khát khao làm nhiều điều có ích. Và, khi đọc xong cả tập thơ, tôi như được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới để lao động sáng tạo, để càng yêu thương và có trách nhiệm với cuộc đời này hơn.


Hà Nội Tháng 10-2017

Nhà văn Nguyễn Tiến Hải


* Thơ Lê Văn Vọng, nhà xuất bản

Hội nhà văn 2017