Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN BINH TRẠM

Châu la Việt
Thứ tư ngày 22 tháng 11 năm 2017 2:19 PM



(Tổ Quốc) - Trong một buổi giao lưu văn học với các sỹ quan quân đội, các anh hỏi danh xưng nào mà tôi yêu thích nhất, tôi trả lời ngay là danh xưng “nhà văn binh trạm”. Bởi trước tôi, đã từng có những nhà văn, nhà thơ xuất thân từ binh trạm, gắn bó với binh trạm, trở thành những nhà văn nhà thơ “ binh trạm” nổi tiếng như các anh Phạm Tiến Duật, Trần Nhương, Phạm Trung Nhân...
...Mùa mưa năm 1970, từ một tiểu đoàn pháo cao xạ chiến đấu ở Bản Ban, tôi được gọi về ban Tuyên huấn Binh trạm 11. Ở đây đã sẵn có hai anh là Ngô Xuân Thông, trợ lý câu lạc bộ và Phạm Trung Nhân, trợ lý tuyên truyền. Thoạt đầu tôi được phiên chế về đội văn nghệ của binh trạm (BT), ngày ấy là gọi là đội Tuyên văn, để ra Hà Nội tập huấn xây dựng chương trình biểu diễn... Nhưng chưa kịp lên đường, thì có quyết định BT tách hai, thành lập một binh trạm mới là binh trạm 13 lên tuyến trước, thuộc nước bạn Lào. Anh Xuân Thông ở lại BT11, hậu cứ ở Mường Xén, bên này biên giới, còn anh Trung Nhân và chúng tôi được đưa về BT13, đi sâu vào nước bạn Lào 200 km, mờ mịt đạn bom. Anh Trung Nhân vẫn là trợ lý tuyên truyền, còn tôi được giao nhiệm vụ làm thơ, viết kịch cho đội Tuyên văn biểu diễn, với những diễn viên như Hữu Chính, Thu Hòe, Thu Minh, Kim Tuyến, Quang Văn, Ngọc Thìn, Việt Bắc. Đức Long, Thu Lan... rút về từ những đơn vị pháo, công binh, thanh niên xung phong, kho hàng... năm tháng sống cùng lửa đạn chứ chưa một lần đứng dưới ánh đèn sân khấu...
So với chúng tôi, anh Trung Nhân không những hơn về tuổi đời, tuổi quân, cấp bậc, mà còn về uy thế, tên tuổi. Anh là con một, sinh ra trong một gia đình nền nếp gia giáo, rất khá giả ở đất Cảng. Bố anh có một ngôi nhà thuộc loại cổ nhất của Hải Phòng. Anh nhập ngũ từ năm 1962 (trong khi năm 1969 chúng tôi mới lên đường). Anh từng là một lái xe dạn dày của đại đội 51, thuộc lòng từng cung đường, từng trọng điểm, từng vách núi... của những tuyến đường sang nước bạn Lào. Anh còn là một nhà văn, người duy nhất ở binh trạm chúng tôi được gọi là nhà văn vì từng có tác phẩm in ở tạp chí Văn nghệ Quân đội (ngày ấy danh xưng nhà văn là sang trọng lắm, oách lắm, không chỉ trong quân đội mà còn ở bên ngoài). Uy thế anh như thế, nên nói thực các thủ trưởng binh trạm nâng niu lắm, quý trọng anh lắm, cứ luôn sợ một ngày nhỡ Tổng cục hay TW điều ra Hà Nội thì... nguy, làm thế nào mà BT xa xôi ác liệt này có thể tìm ra được một người thứ hai như anh?.
Những điều này đã làm chúng tôi hết sức “thần tượng” anh. Dù trước ngày nhập ngũ tôi cũng từng có thơ có văn in trên báo. Dù tôi cũng xuất thân trong một gia đình nghệ sỹ nổi tiếng ở Hà Nội. Nhưng có bõ bèn gì so với tài năng và uy thế của anh, người rất trẻ mà đã đeo quân hàm chuẩn úy, trong khi chúng tôi chỉ là binh nhất, binh nhì, người rất trẻ mà đã có những trang viết in ở tạp chí Văn nghệ Quân đội, những trang viết nơi mặt trận, có vằng vặc ánh trăng soi trong lửa đạn mịt mùng chứ không phải dưới những ngọn đèn dầu mơ mộng nơi hậu phương...
Anh Trung Nhân kể: Ngày ấy mình vẫn còn lái xe ở C51, rồi vì học hết phổ thông (ngày ấy lính tốt nhiệp phổ thông còn hiếm), nên được chuyển về làm thống kê ở đơn vị, thống kê xăng dầu, thống kê kế hoạch... Bởi vừa sẵn giấy bút, cũng lại yêu thích thơ văn, nên thi thoảng mình cũng viết tin bài gửi về bản tin Tổng cục Hậu cần hay báo Quân đội nhân dân. Thế mà lại nên chuyện. Năm 1968, mình bỗng được đơn vị cử ra Hà Nội dự lớp viết văn đầu tiên của Tổng cục Hậu cần. Thày dạy viết văn là các ông Đỗ Gia Hựu, Vũ Sắc, Đại Đồng. Nhiều cây viết của Tổng cục ngày ấy như Trần Nhương, Phạm Thị Thanh Thủy, Phạm Hoa, Trần Duy Mạnh, Xuân Mai... cũng về sự trại. Sau trại ấy, mình có truyện ngắn đầu tiên là “Chuyến hàng tới đích” được giới thiệu ở tạp chí VNQĐ. Có lẽ từ đây, Binh trạm 11 đã rút mình về cơ quan tuyên huấn, giao nhiệm vụ chuyên xuống các đơn vị viết tin bài cho bản tin của binh trạm và cho các báo chí TW mà mình cộng tác... Ở Binh trạm mình được các anh em yêu quý gọi là nhà văn, còn trên Tổng cục (Hậu cần) mình được các anh ấy xếp vào lực lượng viết của vận tải (Cục vận tải quân sự) lúc ấy đang có các anh Phạm Tiến Duật, Trần Nhương, chị Phạm Thị Thanh Thủy. Lực lượng này cũng được coi đáng kể, sánh với lực lượng viết các quân binh chủng khác...
Chiêu một ngụm trà thơm, anh đưa tặng chúng tôi một một tờ báo Quân đội nhân dân có bài viết mới nhất của anh: Một bài viết ở mục “gương người tốt việc tốt” về môt chiến sỹ đại đội xe 52 là Lê Văn Học đã thông minh và dũng cảm dùng chính xe ô tô của mình để lao qua bãi bom của địch, phá bom từ trường, mở đường cho xe ta băng qua tiến về phía trước, mặc anh bị mảnh bom cắm đầy mình và có thể hy sinh.
Bài báo ký tên Phạm Trung Nhân sáng ngời...
*
Cũng chính bài báo ấy đã giúp tôi. Số là thời gian ngắn sau, đội Tuyên văn của chúng tôi ra Hà Nội, cùng các đội tuyên văn các BT trên các tuyến vận tải quân sự trên cả nước tập huấn văn nghệ, xây dựng chương trình biểu diễn mới chuẩn bị cho mùa khô sắp tới (là mùa vận chuyển). Từ bài báo của anh Trung Nhân, với sự giúp đỡ của thày Lưu Quang Thuận- một tác giả sân khấu nổi tiếng và là thân sinh của anh Lưu Quang Vũ- nhà thơ trẻ đang rất được yêu mến bấy giờ, tôi đã viết vở kịch ngắn Trọng điểm, được đạo diễn Doãn Hoàng Giang dàn dựng cho các đội văn nghệ các binh trạm biểu diễn. Kết quả này của tôi, đương nhiên có 50% từ bài báo của anh Trung Nhân, bởi câu truyện của kịch chính là sự tích lái xe Lê Văn Học dũng cảm dùng xe của mình phá bom từ trường mà tôi được biết từ bài báo của anh Phạm Trung Nhân
Sau đợt tập huấn từ Hà Nội trở về binh trạm, trong khi đội tuyên văn mang kịch Trọng điểm đi biểu diễn ở các đơn vị, thì “tác giả” của nó lại nhận một công việc mới: Tham gia làm tờ tin Đường phía trước của BT do anh Phạm Trung Nhân phụ trách, và kể như là Tổng biên tập. Tờ tin này đựơc làm nên dưới những tán cây săng lẻ, nằm kề bên đường vào mặt trận, in bằng đá li tô. Anh Trung Nhân vừa là người duyệt bài, lại cũng là người viết bài, lại sẵn nhiều hoa tay, hướng dẫn một chiến sỹ công binh vừa được rút về là Ngô Quốc Lập viết chữ ngược lên đá, rồi lăn mực, phơi khô, rồi chiều tới ba anh em cõng báo ra ven đường phát cho các lái xe, các chiến sỹ công bính, pháo binh... đang chiến đấu ngoài mặt đường Hai năm binh trạm, hàng trăm số báo như thế đến với người chiến sỹ, làm lính tráng rất nức lòng, nhất là với một binh trạm xa xôi hẻo lánh như binh trạm miền Tây này...
Tờ báo cùng công việc của một sỹ quan tuyên truyền có lẽ đã thu hút hết tinh lực, dường như không lúc nào anh Trung Nhân có thể cầm bút viết văn, dù con đường 7 của chúng tôi đúng là một con đường của văn chương, nơi nhà văn nổi tiếng Nguyễn Minh Châu đã viết một truyện ngắn đầy thơ mộng là “Mảnh trăng cuối rừng”... Nhưng dù vậy, Tổng cục vẫn hết sức tín nhiệm cây bút Phạm Trung Nhân, liên tục gọi anh về tham dự các trại viết Tổng cục, và đó là thời gian yên tĩnh cho các truyện ngắn “Những tàu lá đùng đình” và “ Trung đội trưởng trung đội 4” viết về các nữ lái xe Trường Sơn ra đời, được giới thiệu trong các tập sách của NXB Giải Phóng và NXB Quân đội... Sau ngày giải phóng, BT 13 sát nhập lại BT11, rồi lại sát nhập với BT18, không còn phiên hiệu nữa. Những người lính tản mát khắp nơi. Tôi đi học đại học sư phạm, anh Trung Nhân và anh Ngô Xuân Thông đi học đại học văn hóa, trở thành những đạo diễn nghệ thuật, anh Thông trở lại Tổng cục hậu cần còn anh Trung Nhân về Nhà văn hóa Hải quân, nơi có một lực lượng làm công tác văn học nghệ thuật hùng hậu, như sáng tác văn học có Trần Đăng Khoa, Đình Kính, Lê Hoài Nam, Sĩ Thoại, âm nhạc có nhạc sĩ Thế Dương với bài hát “Lướt sóng ra khơi” nổi tiếng, rồi nhạc sĩ Trần Tuất, biên đạo múa Thanh Tiền... Thế là anh Nhân xa Binh trạm, xa ngành vận tải quân sự, tất nhiên Binh trạm và những người lái xe cũng bao hoài tiếc khi mất đi một nhà văn như anh...
*
Tôi về học ĐHSP, rồi tình nguyện lên Tây Nguyên, rồi đi làm báo... Thật lòng dù ở nơi nào, tôi cũng luôn nhớ những tháng năm đời lính, những tháng năm binh trạm, luôn nhớ tới chính ủy Dư Cao, chủ nhiệm chính trị Nguyễn Phú Nho, các anh trong ban tuyên huấn, đội tuyên văn, đặc biệt là anh Phạm Trung Nhân.
“Nhớ năm 1970, địch mở chiến dịch cù kiệt, đánh phá tuyến đường 7 dã man, nhiệm vụ thêm nặng nề. Cơ quan tuyên huấn BT lại thiếu người quá, thủ trưởng BT cử mình và Ngô Xuân Thông xuống các đơn vị trong BT tìm người bổ sung. Chúng mình đã xuống nhiều đơn vị, trong đó tiểu đoàn cao xạ pháo 11, bởi trước đó các anh chỉ huy tiểu đoàn về BT họp đã kháo chúng mình là tiểu đoàm các anh có con trai một người nghệ sỹ nổi tiếng, mừng quá, thế là xuống ngay tiểu đoàn tìm hiểu về Hoài, nắm tình hình cụ thể, và lôi Hoài về cơ quan tuyên huấn... (Hoài là tên khai sinh của tôi và các anh thường gọi)
Nhớ ngày đầu tiên Hoài khoác ba lô về BT bộ, các anh Lê Độ, Lý Trần Chi, Ngô Xuân Thông và mình tiếp Hoài ở một ngôi nhà lá, vách nứa giữa sườn đồi. Ở phía dưới chân đồi có con suối nước rất trong xanh chảy qua, là nơi ở của đội văn nghệ. Từ đó, Hoài trở thành một trợ thủ giúp mình làm tờ Đường phía trước, xuống các đơn vị lấy tin viết tin, về Hà Nội mua mực in giấy in... Nhớ mỗi lần Hoài đi công tác về Hà Nội, là mỗi lần vượt qua bao bom đạn, chuyển xe chuyển tàu nhiều ngày mới tới nơi. Cứ nghe tiếng bom dội về, hay lâu lâu Hoài chưa về, anh Hạnh trưởng ban cứ bần thần: “thằng Hoài chắc chưa tìm được xe vào rồi...” Còn anh Nhân với các anh Vương Anh, Xuân Thông, Đức Chính... thì cứ chia sẻ với nhau mỗi lần nghe bom nó đánh rát ở đường một: “Dạo này máy bay nó đánh Diễn Châu dữ quá, không biết cu Hoài về có gặp sự cố gì không”. Lo thì lo vậy, nhưng có bao thuốc Đ’rao hay gói chè cao cấp Hồng Đào vẫn để dành chờ Hoài đi công tác về...
Thực lòng những ngày này, trong sự tôi luyện của chiến trường và trong tấm lòng ấm áp của các anh, người lính trẻ là tôi không ngừng trưởng thành và mang nhiều hoài bão về văn chương. Đặc biệt là từ những trang viết của anh Trung Nhân, từ chính những tin bài từ bản tin Đường phía trước... Tôi mang mong ước một ngày sẽ viết một bộ tiểu thuyết về cuộc chiến đấu anh dũng của cán bộ chiến sĩ Binh trạm 13, và tiểu thuyết này tôi thầm nghĩ dù mình viết được 200 trang, hay 300 trang… thì cũng chỉ đặt một cái tên rất giản dị nhưng rất hàm súc là “Binh trạm”, với lời đề tựa: “Kính tặng Binh trạm 13 thân yêu”…
Năm tháng qua đi, 42 năm sau, không biết có là đáng trách hay không, tôi mới có thể bắt tay vào thực hiện được khao khát ngày ấy, dù khao khát này luôn day dứt trong tôi. Đó là vào năm 2011, tôi cùng những người bạn Nguyễn Hiệp, Nguyễn Hiếu, Trần Minh Văn, Bùi Lê Huyên, Trịnh Dũng… có một chuyến đi sang thủ đô Viêng Chăn của nước bạn Lào, được một người con trai của Chủ tịch Xuphanuvông đang giữ cương vị là Thứ trưởng trong Chính phủ Lào, cũng như đại sứ của ta ở Lào lúc ấy là nhà thơ Tạ Minh Châu đón tiếp rất ân tình. Đêm ấy trong một khách sạn tầm cỡ 5 sao ở Viêng Chăn, khi các bạn đã yên ngủ, riêng tôi lại nằm… khóc.
Nước mắt cứ trào ra khi nhớ lại tuổi 17 của mình với chiếc ba lô cóc và khẩu súng trên vai. Một đêm chiến tranh, lội qua Nậm Tiền, Nậm Mật, khi thì nước sông loang loáng ánh bạc, khi thì bừng sáng vì pháo sáng quân thù… Nước bạn Lào là đây. Chúng tôi trở thành những người lính tình nguyện sang kề vai sát cánh cùng bạn… Vâng, cái đêm tuổi 17 lần đầu sang Lào ấy, có bao giờ tôi dám nghĩ rồi một ngày người lính năm ấy là tôi sẽ bay trên một chiếc Boeing 777 đến thủ đô của bạn Lào như hôm nay, lại được những người con thân yêu của Lào đón tiếp trọng thị và cờ hoa rực rỡ thế này…
…Khóc, lại nhớ những cánh rừng, những con đường, những trọng điểm: Nậm Tiền, Nậm Mật, đèo Đất đèo Đá, rồi Bản Ban, Phunokok… mà đồng đội của mình trong những ngày chiến tranh đã chiến đấu vô cùng gian khổ, vô cùng anh dũng để giúp các bạn Lào giành lại Cánh đồng Chum, để giải phóng nhân dân các bộ tộc Lào. Chính ủy Dư Cao của tôi, Binh trạm trưởng Việt Sinh của tôi, thủ trưởng Hạnh, thủ trưởng Nho, thủ trưởng Độ, anh Trung Nhân, Ngô Quốc Lập, Phan Hữu Chính của tôi…
Ai còn, ai mất? Bao sự tích hào hùng những năm tháng ấy, bao vẻ đẹp cao quý của người lính những ngày tháng ấy, lẽ nào theo nước con suối kia, theo con gió cánh rừng kia, một đi không trở lại? Không, không và không! Nước có thể trôi, gió có thể bay, nhưng những chiến công và cuộc đời các anh - những cán bộ, chiến sĩ của Binh trạm 13 của chúng ta, sẽ phải còn lại mãi, đọng lại mãi, không một cái gì có thể làm mất đi hay làm phai mờ...
…Sau chuyến đi Viêng Chăn ấy, tôi đã từ TP.HCM bay ra Vinh, rồi theo con đường 7 trở lại những con đường, những cánh rừng năm xưa. Tôi đã quỳ xuống vã lên mặt mình nước dòng sông Lam, quỳ xuống uống con nước trong vắt của sông Nậm Mật, Nậm Tiền… Và rồi đêm ấy, đã bắt đầu những dòng viết đầu tiên cho câu chuyện này: “Bạn ơi, tôi sẽ kể bạn nghe/ Một câu chuyện về rừng và những năm tháng ấy”. Đó chính là tiểu thuyết “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng”, được nhận sự đầu tư sáng tác văn học của Bộ Quốc phòng, và được giải thưởng của Bộ Quốc phòng về các tác phẩm VHNT giai đoạn 2009-2014. Khi nhận giải thưởng, tôi muốn tặng lại một nửa cho Binh trạm 13 của tôi, và một nửa cho anh Phạm Trung Nhân- người đã dìu dắt tôi những ngày tháng lửa đạn.
*
Sau chiến tranh, anh Trung Nhân về học Đại học Văn hóa, trong một lớp học bao gồm những người lính từ mặt trận về, như Thái Văn Hóa (tác giả bài hát Đất nước bên bờ sóng), Xuân Thông, Tô Nhuần, Ngọc Bái, Phạm Lê, Nguyễn Vũ Hoàng... Rồi tốt nhiệp, anh về Nhà văn hóa Bộ tư lệnh Hải quân. Thoạt đầu nhà văn của Binh trạm chúng tôi là trợ lý, rồi sau đó mang quân hàm Thượng tá, là Chủ nhiệm Nhà văn hóa Bộ Tư lệnh Hải quân. Tuyến hoạt động của anh giờ không chỉ trải dài theo những con đường miền Tây sang nước bạn Lào như xưa, mà dọc theo những bãi biển, những hòn đão từ Đông Bắc Quảng Ninh cho tới Kiên Giang, Phú Quốc... Anh khóc ba lô tới xây dựng những chương trình nghệ thuật, xây dựng “Phòng Hồ Chí Minh” cho các đơn vị, xây dựng những chương trình tham gia hội diễn toàn quân cho lực lượng văn nghệ quần chúng hải quân…
Có thể vì nhiệm vụ mới, anh đã không viết văn nữa chăng? Đã có lần tôi hỏi anh như vậy. Anh bảo một phần thôi, còn là bởi một lý do khác.
Trầm ngâm một lúc rồi anh nói với tôi rằng: Anh em mình bao năm qua chuyên viết những tấm gương, những sự tích anh hùng của người lính, nghĩa là chỉ chuyên viết ngợi ca người lính trong chiến tranh, giờ đây về một cuộc sống khác với nhiều cái chưa hay, chưa tốt, cùng nhiều sự bất công, tự nhiên thấy khó viết và thật sự là không muốn viết nữa em ạ. Thà chọn cái nghề múa hát cho vui...
Anh lại kể tôi nghe một câu chuyện về một nhân vật anh từng viết báo và ôm ấp sẽ viết một tập truyện về sự tích anh hùng của anh ấy- là anh Lê Văn Học, chiến sỹ lái xe đại đội 52.
“Chắc em chưa quên sự tích Lê Văn Học ngày ấy dũng cảm và thông minh đã dùng chính xe của mình phá bom từ trường. Một lần phá bom, bởi quả bom nằm quá gần, nên khi xe của Học lao qua thì bom nổ, chiếc xe lật nghiêng, cánh cửa bật tung. Học bị sức ép bom nặng, và một chân của Học cũng bị mảnh bom cưa nát. Đồng đội vội chuyển Học vào trạm xá tiền phương cấp cứu. Mình đã đến tận trạm xá thăm Học và viết bài về Học, gửi ra báo Quân đội ngoài Hà Nội. Buổi gặp gỡ đầu tiên ấy chúng mình nhận ra nhau là đồng hương Hải Phòng.
Sáng kiến dùng xe phá bom và hành động anh dũng của Lê Văn Học đã được Binh trạm biểu dương, và sau có đề nghị ra Hà Nội phong Học là anh hùng. Nhưng không hiểu lý do gì mà mãi không thấy Lê Văn Học được phong...
Chiến tranh kết thúc, mình ra Hà Nội học đại học, rồi về Nhà văn hóa Bộ tư lệnh Hải quân đóng ở Hải Phòng công tác. Có một buổi chiều chủ nhật đẹp trời, mình được một anh bạn rủ đến một quán ăn nhìn ra Hồ sen ( Hồ có sen và cũng là tên địa danh) để uống bia- Quán này cách nhà mình chưa đầy một km. Thật bất ngờ, người chủ quán ra tiếp mình lại chính là... Lê Văn Học. Mình nhận ra ngay vì Học có dáng người cao to, vẫn cái đầu húi cua, vẫn cái cười thật lành với cái miệng rộng ngoác và hàm răng rất trắng...
- Trời ơi, Nhân đấy à. Hắn cũng nhận ra mình, ôm chầm lấy mình, xuýt xoa:
- Ai ngờ lại gặp đồng hương ở đây! Rồi hắn dìu mình ngồi xuống ghế, vì hắn to khỏe mà!
Hắn vỗ vỗ vào chiếc chân giả (Mùa hè nhưng hắn vẫn mặc quần dài và đi tất chân)- Chiếc chân ngày nào đây Nhân. Mình xúc động nắm lấy tay Học, một sự chia sẻ, cảm thông. Hắn vẫn hoan hỉ nói:
- Ngày điều trị ở quân y viện ở Hà Nội, tình cờ mình được người bác sỹ chữa trị cho mình mang đến một tờ báo quân đội, chính là tờ báo có bài Nhân viết về mình, mình cảm ơn Nhân nhiều lắm, à, cảm ơn đồng hương nhiều lắm. Đọc xong bài báo, mình khoe với người bác sỹ: “Tên này là đồng hương với tôi đấy thủ trưởng ạ. Anh em ở với nhau một binh trạm”... Thế mà cũng xêm xêm hơn chục năm rồi Nhân nhỉ...
- Ờ, thế đồng hương vợ con ra răng? Tôi học tiếng “Nghệ”, hỏi Học.
Hắn cười sảnh khoái:
- Vẫn là trai tân đồng hương ạ. Mình chân tay thế này ai lấy...
Bỗng nhiên ngực mình nhói lên. Mình chuyển sang một đề tài khác:
- Ngày ấy, không được phong anh hùng, đồng hương có tiếc không?
Học bỗng phá lên cười sảnh khoái:
- Sao lại tiếc đồng hương... mình lúc nào cũng sống thoải mái, kể cả khi lái xe phá bom. Lính mà. Đơn vị bao thằng hy sinh, mình còn có hôm nay là may mắn lắm rồi đồng hương ạ. Phong anh hùng thì hãy phong cho những thằng hy sinh ấy trước đã...
Thế rồi hai thằng bỗng ngồi nhắc nhớ lại bao thằng bạn đã hy sinh, bao kỷ niệm thời đường 7 mà dường như mạch chuyện không bao giờ cạn. Cho đến chiều tà, anh bạn mình đứng dậy, rút ví trả tiền bia. Học trợn mắt lên:
- Ơ hay các ông này! Tôi chưa trả đồng hương tôi đây nhuận bút bài viết đồng hương đã viết về tôi thì chớ, lại còn đòi trả tiền gì? Đồng hương hãy coi đây là binh trạm ngày nào, đồng hương đồng khói gặp nhau mời nhau điếu thuốc chén trà phong lương khô, có bao giờ tính toán với nhau đâu... Lính mà!
Lại đồng hương, lại lính mà, lại nụ cười rộng mở với cái miện rộng và hàm răng trắng. “Đến thăm mình thường xuyên đồng hương nhé”. Chúng mình chia tay nhau sau cái ôm vai rất chặt của Học...
Bẵng một thời gian mình phải đi công tác, khi về cùng ông bạn cũ lại rủ nhau đến quán của Học. Hết sức ngỡ ngàng vì cảnh vật ở đây đã đổi khác, bảng hiệu của Học cũng không còn nữa, như đã được gỡ xuống từ bao giờ. Một người đàn ông đứng tuổi khi nghe chúng mình hỏi về Học, nói “Chú Học không ở đây nữa. Giờ ở đâu tôi cũng không biết”. Mình hỏi thăm thêm vài điều về Học nhưng không có kết quả. Người chủ mới này hình như không biết gì, hoặc cũng có lẽ vì uẩn khúc gì đó mà ông đã không nói....
Mình ra về, tiếc nuối, bởi trong dự định đang muốn gặp thêm Học để khai thác thêm một số dữ liệu để viết một truyện dài dài, hoặc là tiểu thuyết về người chiến sỹ lái xe này, bởi trước đây mình đã viết, nhưng chỉ là một gương “người tốt việc tốt”.
30 năm rồi, mình không có thêm một tin tức gì về Học. Mình vẫn tự hỏi không biết giờ đây đồng hương thế nào, sức ép cùng vết bom cứa trên người mỗi khi gió lạnh về có đau nhức không? Bạn có vợ con gì không? Hay vì không muốn một người phụ nữ nào gánh chịu những vết đau còn tiềm ẩn trong thân thể bạn mà rồi bạn ở vậy? Bạn còn tiếp tục làm kinh doanh, hay đã thua lỗ, trắng tay, thất bại trong thương trường? Bao câu hỏi nhói lòng. Kể cả câu hỏi bạn còn hay đã khuất núi, hay giờ cũng chỉ còn là một ông già tóc bạc da mồi như mình...
Và cứ tiếc một đề cương tiểu thuyết, một nhân vật của chiến tranh, một điển hình của binh trạm... dang dở, đã không thể viết. Như thế có lẽ mình đã có lỗi với Học, với những đồng đội lái xe của mình năm xưa, và có lỗi với chính tuổi trẻ dũng cảm chiến đấu, mê say văn chương của mình...
*
Một thời gian ngắn sau, tôi được nhận từ anh Phạm Trung Nhân một bài thơ, bài thơ rằng:
...Đồng đội ơi
Nước đã chảy qua Nậm Mật ,Nậm Tiền
Gió đã thổi qua “Những tầng cây săng lẻ”
Vệt bánh xe đã mo dọc bản Ban đèo Đá
Hố bom đã lấp đầy Funukok, Khang khay
“Tiếng chim lảnh lót” cũng xa rồi dốc Long Chẹn, Cánh đồng Chum
Chỉ còn những chiến công ngày xưa vẫn còn vang vọng...
Cái hôm được bài thơ anh gửi, tôi lại đang ngồi cà phê ở TP.HCM với nhạc sỹ Hữu Xuân- tác giả nổi tiếng của những ca khúc Hát về Tổ quốc tôi, Thuyền và biển, Hoa tìm ngày xưa, Hà Nội mùa lá bay, Hà Nội ngày chia xa... Xúc động, tôi đưa bài thơ của anh Trung Nhân cho anh Hữu Xuân cùng đọc. Rồi anh hỏi tôi: “Thơ của ai thế?” Tôi trả lời đấy là thơ của một người anh, một thủ trưởng của tôi những ngày đạn lửa ở một binh trạm miền tây, anh ấy thuộc thế hệ “nhà văn binh trạm” với các anh Phạm Tiến Duật, Trần Nhương, Phạm Lăng Quang, Ngô Xuân Thông, Phạm Thị Thanh Thủy... trong lực lượng viết của Cục vận tải quân sự, Tổng cục Hậu cần...
- Cho mình bài thơ nhé. Đọc rất xúc động...
Ba ngày sau, nhạc sỹ Hữu Xuân đến tôi, gửi cho tôi một bài hát, mang tên “Nỗi nhớ binh trạm”, do anh phổ thơ anh Phạm Trung Nhân. Rồi hứng lên, anh Hữu Xuân khe khẽ hát cho tôi nghe bài hát đó. Chẳng hiểu sao những giọt nước mắt bỗng trào ra, cứ lăn trên má tôi theo mỗi lời nhạc sỹ hát....
Châu La Việt