Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRƯỚC VÓ NGỰA CHINH PHẠT CỦA ALIBABA

Vũ Kim Hạnh
Thứ ba ngày 14 tháng 11 năm 2017 8:41 PM

 




11 giờ đêm qua, 13/11/2017, tôi còn nhận được thêm tin nhắn nữa, yêu cầu tôi viết tiếp câu chuyện các Start up Singapore tìm cách ngăn chận mạng Alibaba để bảo vệ các nhà bán lẻ nội địa. Tôi chợt nhớ là tôi còn chưa kể về câu kết mà anh bạn Singapore hôm đó đã nói: “Việt Nam các bạn đang bị xâm chiến lãnh thổ, sao không thấy ai và chính sách nào bảo vệ?".


Ý anh nói về quyền làm chủ không gian mạng. Để xác tín điều mình nói, anh còn chứng minh. Anh bảo tôi thử chọn mua một món hàng. Tôi chọn mua gach ceramic xây nhà. Và anh bắt đầu thao tác. Đây, tôi gõ tìm mua trên các trang mạng Việt Nam nhé. Kết quả, hầu hết là các địa chỉ công ty nước ngoài, và nhiều nhất là tên nhà cung ứng Alibaba. Rồi anh gõ tiếp yêu cầu này trên mạng có đuôi .sg của Singapore. Kết quả, chỉ thấy toàn là tên nhà sản xuất và cung ứng của Singapore. Anh kết luận. Các doanh nghiệp start up chúng tôi đã nỗ lực thành công, bịt được thị trường số, không cho Alibaba xâm chiếm, giành thị phần các doanh nghiệp nhỏ.

Ví dụ của anh bạn Singapore là rất thật vì tên món hàng tôi lựa là ngẫu nhiên. Nhưng, dù cảm phục “chủ nghĩa ái quốc” qua lời anh, sau đó, tôi vẫn cứ tìm cách đưa nó về với không gian thực của thị trường Singapore. Ở đó, có đến 65% giao dịch mua bán của dân là qua mạng. Tôi biết, với các bạn sành sõi tin học thì sử dụng thuật toán để ngăn chận và ưu tiên cho hiển thị những cái tên nào, để khi tra cứu là xuất hiện các cái tên, địa chỉ như ý, là điều không khó làm.


Vậy thì phải đặt tiếp các câu hỏi, cũng khá giản đơn: Alibaba giàu mạnh lắm, đâu dễ chịu thua những thuật toán thông dụng? Chính phủ Singapore dù muốn bảo vệ đa số doanh nghiệp của họ ( là DN nhỏ đang làm ăn trên mạng), họ đâu thể bóp méo môi trường cạnh tranh khi muốn duy trì vị thế "đất hứa" cho tất cả khách hàng kinh doanh mạng trên thế giới, mà Alibaba là tay chơi có máu mặt?.


Tại Singapore, chúng ta biết là Amazon cũng như Google và Facebook đều có đặt máy chủ ở đây. Cơ chế hoạt động của các ông lớn này là xây mạng lưới hàng trăm hàng ngàn máy chủ khắp nơi trên thế giới, những nơi có hạ tầng tốt và môi trường kinh doanh minh bạch, dung lượng thị trường đủ lớn. Hàng ngày họ dùng thuật toán để bắt mạch xem lượng truy cập, sử dụng nơi nào tăng cao, đột biến thì họ kích hoạt các máy chủ gần đó để giảm tải và để người tiêu dùng ở đó vẫn truy cập với tốc độ cao được.


Vậy Jack Ma đối phó cách nào? Anh Ma có bài rất ma, rất tinh quái. Tôi đoán, anh sợ bị dân Singapore ghét, bị doanh nghiệp nhỏ Singapore công khai chống đối, bèn đưa công ty con của anh vào. Đó là mang Taobao. Tao bao làm gì? Câu chuyện diễn ra lý thú lắm mà khuôn khổ một stt khó nói đủ (đành mời bạn hãy đọc Thế giới Tiếp thị, mình đang viết bài khá dài nộp tòa soạn bản in hay bạn hãy đọc ở www.tiepthithegioi ngày mai). Độc chiêu của anh Ma chính là… giá rẻ. Chiêu này xưa như trái đất mà vẫn đủ sức “phế võ công” ngay cả những cao thủ thượng thừa.


Tôi gọi điện thoại cho một anh bạn Singapore khác, hỏi về chuyện người Sing shopping vào hôm Lễ độc thân, là ngày ta đã đọc nhiều câu chuyện về doanh số dữ dằn nhất của Alibaba ở Trung Quốc...Anh bạn kể nhiều chuyện khá vui và lý thú.


Tôi hỏi, vậy rồi các doanh nghiệp nhỏ Singapore làm sao sống? Anh nói tỉnh bơ: CHÍNH PHỦ SINGAPORE MUỐN SỐNG THÌ PHẢI LÀM SAO CHO DOANH NGHIỆP SỐNG CHỨ SAO? Đó là chuyện sống còn của mỗi chính phủ mà.


Nên họ phải đổ nhiều trăm triệu đô và đưa đề toán khó cho nhiều giới cùng giải. Kết quả là họ vừa đưa ra chương trình mới rất thiết thực: SMEs Go Digital. Giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng khả năng kỹ thuật số để nắm bắt cơ hội phát triển trong nền kinh tế kỹ thuật số. Dù nhỏ, các doanh nghiệp phải được trang bị cách tiếp cận có cấu trúc và toàn diện hơn, ví dụ, họ được học việc bán hàng trực tuyến, nhận đơn đặt hàng và thanh toán số, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, quản lý tài nguyên và thanh toán. DN thích giải pháp khác, cũng có. Chính phủ còn lập ra Trung tâm Công nghệ Kỹ thuật số SME để đồng hành tư vấn sát sao cho doanh nghiệp. Và nên nhớ, mọi chi phí tư vấn là free nhé.


Trong khi đó, các công ty Mỹ hay các nước, muốn sống cũng phải đua với Taobao. Anh bạn Singapore hào hứng kể. Mẹ tôi vừa lên mạng đặt mua thử 2 két nước ngọt Coca Cola và được hứa sẽ giao hàng ngay sau 2 giờ với phí chuyển hàng là 2 đô Sing. Và đúng 2 giờ sau, hàng chở đến giao tận cửa, chỉ thu 2 đô Sing thật. Ai vậy? Hãng Amazon chứ ai. Giờ họ đã chớp nhoáng hoàn thiện mạng lưới giao hàng nhanh, rẻ khắp Singapore. Sốc không?
Và tuy không nói ra, chính phủ ủng hộ, thưởng đậm cho những sáng kiến giúp các DN nhỏ, start up bảo vệ được mạng lưới bán hàng của mình.


Như vậy, chính phủ vẫn để thị trường tự vận hành trong môi trường kinh doanh tự do, nhưng chính họ cũng phải làm vai trò quyết định như mọi chính phủ: đặt và thực thi luật chơi, ủng hộ, bảo vệ doanh nghiệp nhỏ nước mình đúng luật, chuyên nghiệp, hiệu quả. Anh bạn Singapore kết luận. Chính phủ phải vận hành một hệ sinh thái bảo vệ và phát triển DN, nhất là DN nhỏ. Phải chơi đúng kiểu thị trường. Alibaba mạnh lắm, mà né Alibaba này thì cũng có…40 tên cướp khác. Mình phải biết cách tự bảo vệ để phát triển, thế thôi. Phẩm chất của một chính phủ, lòng tin cậy hay không của dân và DN là ở chỗ CP có thiết lập được hệ sinh thái đó và thực lòng vận hành nó hay không, vậy thôi.