Trang chủ » Truyện

TẢN MẠN MONGO (kỳ 1)

Trần Nhương
Thứ tư ngày 27 tháng 9 năm 2017 7:27 AM


TNc: Thắm thoắt đã 10 năm chúng tôi gồm Thuý Toàn, Nguyễn Khắc Phục, Tô Đức Chiêu, Hoàng Minh Tường và Trần Nhương đi thăm Mông Cổ. Trong 5 người giờ Nguyễn Khắc Phục đã đi xa, Tô Đức Chiêu thì ốm vật vã. Kỉ niệm 10 năm, trang nhà đưa lại tản văn viết trong những ngày lang thang trên thảo nguyên Mongo.

1- Đường xa vạn dặm 


nỗi niềm văn nhân

Chuyến đi thăm Mongolia của 5 nhà văn già là một sự ngẫu hứng đến bất ngờ. Một buổi trưa tôi, Nguyễn Khắc Phục và Y Ban ngồi “lẩu gà một chim” tại 65 Trần Nhân Tông, Y Ban nói chuẩn bị có chuyến đi Mongolia các anh có “chơi” không. Phục đầu bạc chả nghĩ ngợi gì đáp ngay: chơi. Phục đầu bạc nói tôi linh cảm tháng 8 tôi phải đi đâu đó, đi để tẩu thoát, không ngờ có khi lại đi Mông Cổ thì quá hay. Sao gã lại nói thế nhỉ, tẩu thoát ai kia chứ . Thôi kệ gã. Chúng tôi liên lạc với anh Thuý Toàn thì được biết có lời mời của Hội Hữu nghị Mongolia-Việt Nam và Hội Nhà văn Mongolia. Nhưng bạn khó khăn nên ta phải lo máy bay đi về. Nếu đi thì cho biết số hộ chiếu để còn lo visa. Tôi và Phục OK ngay nhưng còn gọi mấy ngài hợp cạ đi cho vui. Tôi gọi Tô Đức Chiêu, Hoàng Minh Tường. Hai vị này chẳng ngần ngại gì cũng OK tắp lự. Hoàng Minh Tường đang mê mải đâu trong Sài Gòn gọi điện cho tôi bảo nhờ bác lo hộ tài chính, em ra sẽ hoàn lại ngay.

Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh duyệt cho xe đưa đón và 2 cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại làm quà. Cái khoản tài trợ cho đoàn thì ông lờ đi vì cũng không giải quyết được nhưng ông hứa sẽ xem xét sau. Thế nhưng Chủ tịch Hội không bỏ lỡ cơ hội dặn: Trần Nhương đi nhớ sưu tầm hiện vật về cho Bảo tàng
Tôi đưa tin lên web của mình về chuyến đi thì mấy tiếng sau nhận được email của ai đó có cái nick cuongngo@yahoo.com Địa chỉ email này đang được bảo vệ khỏi chương trình thư rác, bạn cần bật Java để xem nó , ông bạn nào đó bảo tôi “ Bác lại lấy tiền của Hội đi Mông xem Cổ rồi, nếu bác lấy tiền vợ thì em đi đầu xuống đất”. Tôi trả lời: “ Thế thì tôi thương ông quá, kỳ này phải lộn đầu xuống mà đi thôi”. Thì ra cái tư tưởng bao cấp nó ăn sâu vào các nhà văn chúng ta, cứ đi nước ngoài là bằng tiền chùa, còn tiền túi thì phải tính toán. Có người còn quy ra con xe máy, con vi tính nên không dám đi. Lại có người nói: Đi Tây đi Tầu không đi lại đi Mông Cổ. Ơ hay Mông Cổ thì sao, một đất nước khuất nẻo nằm sâu trong lục địa châu Á, chả mấy khi người Việt Nam đến. Nghe nói cộng đồng người Việt chỉ có hơn 100 người chứ không đông đàn dài lũ như ở Đức, Tiệp, Nga,,,Chúng tôi lại thích đi Mongolia bởi vì muốn đến tận nơi cái đất nước ở thế kỷ 13 là đế quốc Mông Cổ, biên giơi suốt từ Âu sang Á, ba lần đánh ta đều thua cả 3 lần. Đi các nước khác thì toà ngang dãy dọc phố phường hiện đai chúng tôi đi mãi rồi, Bây giờ đến với thảo nguyên. Còn một lý do nữa là lâu lắm không có nhà văn ta đến thăm Mongolia. Vào những năm 70, cuối 80 gì đó có đoàn nhà văn ta gồm Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Cẩm Thạnh có sang. Bẵng đi từ đó 30 năm hai hội nhà văn chả mấy liên lạc thăm nom.

Ngày 5-8-2007 các nhà văn Thuý Toàn, Tô Đức Chiêu, Nguyễn Khắc Phục, Hoàng Minh Tường và tôi có mặt tại Hội để xe đưa đi sân bay (trẻ nhất là chú Hoàng Minh Tường tròn 60). Anh nào anh ấy va li nhẹ nhàng chẳng như ngày xưa khi đi nứơc ngoài thì cố mang một vài thứ để bán có tiền tiêu. Trước hôm lên đường, anh Thuý Toàn phân công tôi mua mấy cân sấu quả, anh Toàn mua mấy cân cà pháo, còn các anh khác mua rượu vôtka ,cà phê Việt nam. Tôi cười bảo anh Thuý Toàn là đi nước ngoài mà mua cà pháo, sấu chua thì lạ quá. Anh Toàn bảo quà ấy cho anh em Đại sứ quán ta, quý lắm đó. Đồ ăn phòng lúc cơ nhỡ thì va li anh nào cũng mì tôm, lương khô. Ra sân bay lúc 8giờ. Khi làm thủ tục gửi hành lý thì cô nhân viên hàng không từ chối phát thẻ lên máy bay cho tôi. Phát hoảng, tôi hỏi lại thì cô bảo vào chỗ an ninh. Cái đám nhà văn chỉ giỏi võ mồm chứ động đến an ninh là run như rẽ. Cả 5 anh em vào phòng an ninh. Thì ra va li của Phục đầu bạc chứ không phải va li của tôi. Nhân viên an ninh nhìn vàò màn hình soi va li của Phục thấy 3 hình tròn, lấp loá như 3 quả mìn. Anh ta bảo mở va li. Phục mở ra thì ba hộp thịt rơi ngay ra bàn. À thì ra thịt hộp mà làm cái máy soi mừng rơn như vớ được tang vật khủng bố !. Chúng tôi và anh nhân viên an ninh đều cười. Còn Tô Đức Chiêu mua 5 chai votka Hà Nội, ông cẩn thận không gửi theo hành lí, xách tay cho khỏi vỡ. Khi qua cửa an ninh kiểm tra túi xách tay và thân thể hành khách thì 5 chai votka được nhân viên an ninh lôi ra, lạnh lùng mời bác không mang lên máy bay. Tô tiên sinh ú ớ tiếc của, mất đứt mấy trăm ngàn chứ bỡn đâu. Cô an ninh cười: Thưa bác, bác mang rượu lên nhỡ máy bay say lảo đảo thì làm sao. Gửi ai bây giờ để mang về, thôi thì chịu mất toi cho nhẹ mình. Tôi bảo Chiêu ông cẩn thận hoá ra hỏng, cứ gửi theo hành lý thì ngon. Chiêu chả làm thơ bao giờ mà buột mồm thành câu lục bát rất hay: "Nào ai học được chữ ngờ / Mình làm mình chịu bây giờ kêu ai.."

Không có đường bay thẳng nên chuyến đi phải quá giang Quảng Châu và Bắc Kinh. Thế là 3 lần lên, 3 lần xuống máy bay mới đến được Ulanbato. Có ai từng qua Bắc Kinh thì mới hiểu cho chúng tôi khổ sở thế nào. Vâng bạn Tầu mời quý vị nhập cảnh vào Trung Quốc chơi tạm bảy tám tiếng đồng hồ. Lang thang khu sân bay, chúng tôi vào một nhà hàng. Các cô gái hậu duệ của Bảo Ngọc ,Từ Hy "hảo hảo" đẩy xe hành lý của chúng tôi vào và phủ một tấm lưới lên đề phòng mất cắp. Ngồi yên vị, các nàng đưa ra thực đơn, tiếng tăm chả biết nhưng nhìn con số thì giật mình thon thót : 1 ấm trà Long Tỉnh giá 180 tệ, 1 bát mỳ gà 50 tệ. Cái máy tính nhẩm trong đầu tôi cứ nhân đôi thì ra tiền Việt. Hãi quá, ấm trà những gần 400 trăm ngàn, bát mỳ 100 ngàn tiền ta thì thà răng nhịn đói còn hơn. Nguyễn Khắc Phục có tiền Nhân dân tệ bảo cứ chơi, mấy khi đi đến Bắc Kinh mà uống trà. Thế là có ngay ấm trà ngầy ngậy kiểu Long Tỉnh. Rồi mấy ông tướng gọi mỳ gà 50 tệ. Hoàng Minh Tường ra hiệu cho cái thìa, không biết thế nào mà cô nhân viên bưng ra 1 bát mỳ gà nữa. Tường bảo bác Nhương ăn đi. Tôi không ăn, thế là Hoàng Tiểu tử xì xụp làm cả hai bát. Tôi sốt ruột muốn tìm hàng nét. Hỏi mấy cô nhân viên nhà hàng xem ở đây có WIFI không thì cô ta lắc đầu và chỉ sang dẫy hàng bên cạnh. Tôi cắp cặp với con laptop vào đó. Nàng nhân viên nói tiếng Anh chưa thạo bảo 50 tệ. Trời ơi vào nét mà cũng 100 ngàn , chẳng bù ở nhà chỉ 3 ngàn đồng thì online thoải mái. Biết làm sao vào chốn phồn hoa thì phải chìa cổ ra cho người ta cứa rồi. Tôi post vài cái ảnh ngồi chờ ở Bắc Kinh, viết một mẩu tin về hành trình của đoàn lên web của tôi. Thực tình thì không phải cập nhật vì bạn đọc cần gì biết mấy ông nhà văn đi đến đâu. Cái chính là cho gia đình tôi và các gia đình nhà văn trong đoàn biết được để đỡ sốt ruột. Quả nhiên như thế, con nhà văn Tô Đức Chiêu điện cho bố nói rằng con vào web bác Nhương biết tin hàng ngày.

Chờ đợi chán chê rồi cũng được làm thủ tục lên máy bay. Tìm cho được khu vực gửi hành lý đi Ulanbato là cả một gian nan.
Ở sân bay Bắc Kinh to thì to thật nhưng sự chỉ dẫn thì thiếu mạch lạc, nhất là cho người ngoại quốc một chữ tượng hình không biết. Bây giờ chúng tôi lại xuất cảnh khỏi Trung Hoa vĩ đại. Lại qua máy kiểm tra an ninh. Phục đầu bạc lại phải mở va ly vì 3 hộp thịt. Cô nhân viên an ninh nhặt 3 hộp thịt quăng vào cái thùng bên cạnh nói lằng nhằng gì đó. Thế là 3 hộp thịt cao số làm sao đó mà thoát Nội Bài thì Bắc Kinh không lọt. Chúng tôi lại tán vui, Hoàng Minh Tường đặt thơ: “ Nội Bài ,Tô tiên sinh biếu rượu 5 chai , Bắc Kinh, Phục đầu bạc dâng 3 lon thịt. Bỗng dưng dự định viết tiểu thuyết Đáo Mông theo kiểu chương hồi bắt đầu hình thành trong đầu các văn nhân.

 

Dù những tiểu tiết hơi bị lằng nhằng nhưng chúng tôi vẫn phơi phới lên đường…Từ đây chúng tôi đi máy bay của hãng hàng không Mongolia. Vừa vào máy bay đã sực mùi hoi hoi của cừu, của ngựa. Bù lại các cô chiêu đãi viên rất xinh tươi niềm nở đón khách. Màn đêm thăm thẳm. Tôi nhìn ra bầu trời, có cảm giác đang vi vu trong hố đen vũ trụ. Phục đầu bạc nói: Ngày xưa Nguyễn Du đi 3 tháng mới đến thiên triều, bây giờ chúng mình vù một cái đã đến Bắc Kinh...Tôi nhìn màn hình trước mặt báo chặng bay là 1160 km, độ cao 9 km. Rồi cắm tai nghe một khúc dân ca du mục. Tôi thiếp đi trên bầu trời lúc nào không biết...

* Ảnh trong bài: Chờ đợi ở sân bay Băc Kinh

Kỳ II: Ba mươi năm gặp lại bạn bè
Cơn mưa đến mát chiều Mông Cổ
Ảnh: chờ bay đi Mông Cổ