Hai văn bản này rất quan trọng, đó là “Chiếu giải oan” cho Nguyễn Trãi như người ta thường nói và câu thơ ca tụng ông “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” của vua Lê Thánh Tông. Nó có liên quan rất sâu sắc đến sự đánh giá cuả đời sau đối với vị Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Báo Hải Dương hằng tháng số 242 tháng 8 / 2015, có đăng bài “Hai người con thoát họa tru di của Nguyễn Trãi” của Khúc Hà Linh. Bên cạnh nhiều tư liệu tin cậy và bổ ích, mà tác giả dẫn ra từ trong sách sử, có 3 điều liên quan đến 2 văn bản quan trọng của vua Lê đối với Nguyễn Trãi, mà tôi đã nói trên, tác giả có dẫn ra nhưng không được tường tận, có chỗ còn nhầm. Tôi nghĩ là nên nói thêm cho rõ, để tác giả và các bạn đọc tham khảo thêm.
1 – Thánh Tông là MIẾU HIỆU, của vị hoàng đế thứ tư của nhà Lê, chứ không phải là “niên hiệu” của vua, như Khúc Hà Linh đã viết trong bài trên. Miếu hiệu là tên, quần thần căn cứ vào công đức của nhà vua mà dâng lên, sau khi nhà vua đã chết, thường là sau 1 năm. Trong trường hợp này là 11 tháng, vì các quần thần dễ thống nhất. ( Vua mất tháng 1, miếu hiệu dâng tháng 12 cùng năm ). Khi sống và làm việc, vua có 2 niên hiệu là Quang Thuận ( 1460 – 1469) và Hồng Đức ( 1470 – 1497). Nghĩa là cho đến lúc chết, vua Quang Thuận – Hồng Đức nhà Lê, không hề biết mình sẽ có tên là Lê Thánh Tông, như 11 tháng sau khi chết, các quần thần mới đặt tên cho Ngài, để thờ cúng Ngài, và các thế hệ sau, gọi Ngài cho đến tận ngày hôm nay. Điều này, những người đọc phổ thông, không có chuyên sâu về lịch sử, không phân biệt được. Hầu hết các sách viết về lịch sử hiện nay, khi viết về các vị vua nhà Lí, nhà Trần, nhà Lê, đều dùng MIẾU hiệu thay cho NIÊN hiệu. Các sử gia của ta theo phép viết sử của Trung Hoa, nên từ Đại Việt sử kí toàn thư ở thời Lê, đến Khâm định Việt sử thông giám Cương mục ở thời Nguyễn, viết về các vị vua Việt Nam từ thời Lí, Trần, Lê, đều dùng Miếu hiệu, không dùng niên hiệu, nên nay ta cứ thế mà viết theo. Chỉ riêng về nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, thì các sách của ta đều dùng niên hiệu đúng với niên hiệu của nhà vua, không dùng Miếu hiệu. Cuốn sách lịch sử phổ thông Các triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư và Đỗ Đức Hùng, đã viết như thế. Cuốn sách này có tính đại chúng cao, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ dùng, chỉ tiếc cũng có nhiều sai sót ( điều đó nói chung là rất khó tránh khỏi), trong đó, có những chi tiết lịch sử sai, liên quan đến các bài viết của tôi trong cuốn sách này, tôi đã nói ở phần trên.
2 - Năm Quang Thuận thứ 5 ( 1464 ), tức là sau 22 năm Nguyễn Trãi đã chết vì án tru di ( 1442 – 1464), vua Quang Thuận mới ban một đạo CHẾ ( mà các tác giả về sau đều gọi là CHIỀU hay SẮC, gọi thế hay viết thế, đều sai, vì CHIẾU, CHẾ, SẮC, là 3 loại văn bản hành chính của nhà nước phong kiến, với chức năng, nội dung và tầm quan trọng khác nhau. Trong trường hợp này là CHẾ. Nguyên văn bản CHẾ do văn thần soạn, vua cho công bố, bản dịch như sau:
“ BÀI CHẾ PHONG TẶNG TƯỚC TẾ VĂN HẦU CHO LÊ TRÃI
Thuận mệnh trời, theo vận nước, Hoàng thượng nói rằng: Ta vì muốn bắt chước phép nhà Ân mà trị nước, để mở rộng cơ nghiệp của tổ tông, muốn dựa theo lệ nhà Chu mà ghi công để thực hiện trị an cho đất nước, cho nên cần làm việc ban cấp sắc phong, sửa sang phần mộ.
Xét vị công thần khai quốc trước kia, được phong tước Trụ quốc Tân trù bá, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu là Lê Trãi, đem đạo học chân chính mà giúp việc nước nhà, vạch kế hoạch rộng lớn mà sửa nền chính trị. Trong buổi Tổ phụ ta khởi nghĩa ở Lam Sơn, để gây dựng lại cơ đồ nước Việt, ông đã vào Lỗi Giang theo quân lập được nhiều thành tích tốt, trong việc bình Ngô, danh vọng của ông vang lừng trong bốn bể, mưu lược của ông rõ rệt dưới hai triều. Dẫu rằng thời mệnh không đi đôi với nhau, khó biết được lẽ huyền bí, nhưng công lao của ông được ghi chép lâu ngày, hiện còn thấy trong sổ sách. Trước kia ông đã được ban ân rất hậu, ngày nay càng nên tặng thưởng thêm. Vì lẽ đó, nay đổi tước bá, thăng tước hầu, vừa để biểu dương công lao cống hiến cho nước, vừa để nêu rõ đạo học bổ ích chơ đời.
Than ôi ! Rồng hổ gió mây hội trước, tưởng lại tiền nhân. Văn chương sự nghiệp dấu xưa truyền cho hậu thế.
Vậy gia tặng Trụ quốc Tế văn hầu, Đặc tiến Kim tử Vinh lộc đại phu. ”
( Phần Văn tuyển, trong “Hoàng Việt thi văn tuyển” của Tồn Am Bùi Huy Bích, do Lê Thước, Trịnh Đình Rư, Nguyễn Sĩ Lâm, Trần Lê Hữu, Vũ Đình Liên dịch, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1957 ).
Nguyễn Trãi được ban quốc tính ( họ vua ) là Lê Trãi. Văn bản gốc theo đúng nghĩa của nó, hiện không còn. Các nhà nghiên cứu về sau thường lấy văn bản này, với độ tin cậy rất cao của nó, được coi như bản gốc. Soạn giả là nhà văn hóa lớn đời Lê là Bùi Huy Bích ( 1744 - 1818 ) từng làm Nhập thị Bồi tụng ( người đứng thứ 2, sau Bồi tụng, chức Bồi tụng tương đương như Phó Thủ tướng của ta hiện nay) thời vua Lê chúa Trịnh.
Như vậy, không phải là vua “xuống chiếu giải oan” như Khúc Hà Linh viết, dù Khúc Hà Linh viết điều này, tôi đoán là căn cứ vào chú thích của sử quan nhà Nguyễn khi dịch và viết thêm chú thích cho bộ “ Đại Việt sử kí toàn thư ” ( ĐVSKTT) của thời Lê. Cũng có không ít chú thích, các sử quan triều Nguyễn viết sai, rất sai, gây rất nhiều phiền toái cho hậu thế ( trong khi chính ĐVSKTT, bản gốc, cũng sai những điều rất hệ trọng ). Chính lời chú thích “đại khái” này của sử quan triều Nguyễn, làm cho nhiều người thường nhầm lẫn. Tôi cũng nghe nhiều người nói vua Lê Thánh Tông “xuống chiếu giải oan” cho Nguyễn Trãi, nhưng đọc văn bản thì lại thấy rõ là không phải CHIẾU và cũng không có câu nào nói Nguyễn Trãi bị oan, cần được “giải oan”. Trong CHẾ mà chúng ta đọc toàn văn ở trên, không hề có câu nào nói về nỗi oan, Nguyễn Trãi oan, cũng không hề có câu thơ “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” như Khúc Hà Linh viết. Vậy câu thơ ấy ở đâu?
3 – Câu thơ: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” là câu thứ 3 trong bài thơ luật 8 câu. Bài thơ nguyên văn như sau :
“ DƯ TĨNH TỌA PHÁP CUNG HÀ TƯ KIM TÍCH QUÂN MINH THẦN LƯƠNG DỮ ĐƯƠNG KIM CƠ NGHIỆP CHI THỊNH NGẪU THÀNH NHẤT LUẬT
( Xuất “Quỳnh uyển cửu ca” tập, Hồng Đức nhị thập ngũ niên )
Cao đế anh hùng cái thế danh
Văn hoàng dũng trí phủ doanh thành
Ức Trai tâm thượng quan Khuê tảo
Võ Mục hưng trung liệt giáp binh
Thập Trịnh đệ huynh liên qúi hiển
Nhị Thân phụ tử bội ân vinh
Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự
Bát bách Cơ Chu lạc trị bình
Dịch nghĩa
TA NGỒI TRONG CHÍNH ĐIỆN HỒI TƯỞNG XƯA NAY VUA SÁNG TÔI LÀNH VÀ CƠ NGHIỆP THỊNH VƯỢNG CỦA NƯỚC NHÀ NGÀY NAY, NGẪU THÀNH BÀI THƠ
( Trong tập “Quỳnh uyển cửu ca” năm Hồng Đức thứ 25 )
Cao đế nổi tiếng anh hùng , trên đời xưa nay không ai sánh kịp
Văn hoàng trí dũng, kế thừa nghiệp lớn
Ức Trai trong lòng rạng vẻ Khuê tảo
Võ Mục trong bụng chứa chất giáp binh
Mười anh em họ Trịnh vẻ vang phú quí
Hai cha con họ Thân cùng hưởng ân vinh
Cháu hiếu tôn Hồng Đức kế thừa nghiệp lớn
Vui hưởng cuộc trị bình tám trăm năm như đời Cơ Chu ”
(Phần Thơ tuyển, trong bộ sách trên)
Như vậy, bài thơ ca ngợi vua sáng, tôi lành. Chính vua ghi chú ( đại lược) rằng: Hai vua là Cao Đế ( Thái Tổ - Lê Lợi) và Văn Hoàng ( Thái Tông – Lê Nguyên Long ). Hai bề tôi văn võ là Ức Trai ( Nguyễn Trãi – văn thần ) và Võ Mục ( Lê Khôi – tướng lĩnh). Sau đó là các bề tôi: 10 anh em ( cha con) họ Trịnh, đứng đầu là Trịnh Khả và hai cha con Thân Nhân Trung. Hai câu sau nhà vua tự viết về mình. Bài thơ được viết năm “ Hồng Đức thứ 25 ” ( tức là năm 1494), chính vua đã ghi rõ như vậy, không phải viết năm 1464 như Khúc Hà Linh đã viết, và câu đó cũng không có trong CHẾ năm 1464, như Khúc Hà Linh đã viết. Và văn bản cũng không phải là CHIẾU, chỗ này Khúc Hà Linh cũng sai, lí do tôi nghĩ là do chàng Khúc không có tư liệu chuẩn mà thôi.
Nhân có bài viết của Khúc Hà Linh, một tác giả có một số đóng góp đáng quí trong lĩnh vực nghiên cứu, dù có chút nhầm lẫn như trên, cũng là lẽ thường, tất nhiên, nếu không có vẫn hay hơn, tôi góp thêm tư liệu để chúng ta cùng tham khảo. Và điều cần lưu ý là sự nhầm lẫn này rất phổ biến, đọc ở đâu cũng thấy, nên nói lại là rất cần thiết. Vì Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của các thế hệ, nên các tư liệu về Nguyễn Trãi, càng chính xác thì càng tốt hơn.