Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Mười một cái bánh bao có nhưn

Trầm Hương
Thứ năm ngày 22 tháng 1 năm 2009 2:00 PM
 
Sinh thời, nhà văn Sơn Nam đã viết hàng chục quyển sách đồ sộ về Nam bộ nhưng tôi biết những gì ông viết ra chỉ là một phần nhỏ những gì ông đã trải nghiệm, đã cọ xát, đau đớn, hạnh phúc, tự hào về vùng đất Nam bộ mà ông đã gắn bó, đã yêu thương, đã đau đáu suốt cuộc đời. Ngay khi ông phải rời khỏi “Hương rừng Cà Mau”, rời khỏi những hòn, bãi miền cuối đất; những con người, hồn vía đất, rừng ở đây vẫn thấm đẫm, quyện chặt vào ông. Ông đã mang theo cốt cách của đất rừng phương Nam vào những tòa nhà lộng lẫy cao sang, những dinh thự quyền lực, để rồi lầm lụi đi bộ sâu vào những ngỏ hẻm tối tăm, những khu lao động nghèo nàn mà tìm lại chút hương đất phương Nam còn sót lại chốn thị thành. Vì lẽ đó mà ở Sài Gòn ông có nhà, có vợ con nhưng để gặp ông, không dễ dàng chút nào. Tôi nhớ có lần Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ nhờ ông viết một bài về phụ nữ Nam bộ, tôi đã phải lùng đến nhiều địa chỉ, cuối cùng phải qua nhà thơ Bùi Chí Vinh mới được gặp. Tôi hỏi địa chỉ để gửi nhuận bút, ông hấp háy mắt, vẻ bí hiểm nói: “Cứ gọi thằng Vinh”.
 
… Mới chớp mắt mà đã gần 20 năm. Khi ấy, tôi là cô gái từ tỉnh lẻ về Sài Gòn lập nghiệp. Tình cờ gặp ông trong một quán cóc cùng nhiều văn nghệ sĩ trông rất hầm hố, ông nhìn tôi, nét mặt đượm buồn, đăm chiêu. Ông nói: “Đàn bà con gái mà chọn nghiệp văn chương thì chắc mẻm đau khổ, truân chuyên”. Rồi ông ngâm nga: “Đã mang lấy nghiệp vào thân…”. Tôi thực sự cảm động vì ông chưa bao giờ tỏ ra vẻ bề trên nhìn đứa nhỏ lóc cóc mới vào nghề như tôi. Khi viết Người đẹp Tây Đô, ông đã nhiệt tình kể cho tôi nghe chuyện “công tử Bạc Liêu”, về nỗi khổ tá điền mà ông từng chứng kiến, giảng cho tôi nghe về giá trị tiền “bộ lư”, về mấy đồng mua được bao nhiêu giạ lúa. Ông nói: “Cứ vậy mà bây  suy ra giá trị đồng tiền thời đó”. Tôi đã được ông động viên và chia sẻ để xộc vào một câu chuyện quá khứ dường như vượt quá tuổi của tôi. Để viết quyển tiểu thuyết ấy, tôi đọc lại hầu như toàn bộ tác phẩm của ông, để ngấm chất đất và người Nam bộ…
 
Kỳ lạ thay, khi học Đại học báo chí, tôi được học nhiều thầy giỏi, đầy ắp kinh nghiệm. Vậy mà trong một buổi nghe “thầy Sơn Nam” đến nói chuyện chuyên đề báo chí Sài Gòn trước ngày giải phóng, tôi dường như nuốt từng lời nói rất có duyên của ông. Ông kể về những ngày làm báo sôi động, về cá tính, bản lĩnh của các chủ bút thời đó. Tôi không sao quên được bài học kinh nghiệm mà ông đúc kết: “Tụi nhà báo muốn sống được, đừng có đại dột gây hấn tổng biên tập. Mấy thằng cha tổng biên tập mà ghét, bài tui bây sức mấy mà được đăng”. Rồi ông nói thêm: “Nói vậy không có nghĩa là hèn, khi chẳng đựng đừng, tao cũng bỏ đi. Ý tao nói là phải khôn khéo, làm nhà báo mà bài chẳng được đăng thì làm sao độc giả biết đến mình!”.
 
Lặn sâu vào mọi tầng nấc của đời sống đô thị, ông chân tình truyền dẫn cho đám trẻ bắt đầu lập nghiệp bằng văn chương những bài học rút ra từ xương máu đời ông. Những bài học rất giản dị, được đúc kết bằng những câu chuyện kể rất duyên, rất riêng chỉ có nhà văn Sơn Nam mới có được. Một lần gặp ông ở quán cóc, ông hào hứng kể chuyện đi thực tế: “Bây đừng tưởng mấy đứa nhỏ làm nghề bia ôm mà không đàng hoàng. Không hiểu sao già chát như tao mà con nhỏ bia ôm đẹp nhất quán lại kết tao. Hỏi ra, nó nói nó ngưỡng mộ tao vì nó đã đọc Hương rừng Cà Mau. Cô nhỏ đó cũng có học hành hẳn hoi, chẳng qua vì gia cảnh khó khăn, vì mưu sinh mà phải làm nghề bia ôm. Không giấu gì bây, nhà văn Sơn Nam này cũng đi bia ôm nhưng tao vô đó là để tìm thực tế. Tao đã nhận đơn đặt hàng chỗ thằng Trần Tử Văn- Báo Công An. Tao biết đó là cách để nó ứng tiền giúp tao. Nhưng đã cầm tiền thì phải làm việc cho đàng hoàng. Cuối buổi, tao hỏi cô gái: “Nhà em có mấy người”. Cổ nói: “Nhà em có 11 người, ba má, chín anh chị em”. Vậy là tao mua cho cổ 11 cái bánh bao, mà bánh bao có nhưn đàng hoàng à nghen. Mình tử tế với cổ, cũng phải tử tế với ba má, anh chị em của cổ chớ!”. Lúc đó, tôi cười rũ vì cách kể chuyện thực tế đi bia ôm của ông. Sau này ngẫm lại, tôi mới thấm thía cách ứng xử rất “Sơn Nam” không lẫn vào đâu của ông.
 
Với tôi, ông vừa thực, vừa hết sức huyền bí. Sau này, công cuộc đổi mới của Nhà nước giúp văn nghệ sĩ có được cuộc sống khá hơn. Nhiều đêm mưa gió đầy trời, trong thư phòng ấm áp, ngồi gõ bài trên lap-top, tôi không khỏi chạnh lòng sực nhớ không biết bây giờ nhà văn Sơn Nam đang sống ở đâu. Nhiều việc cần liên hệ nhưng giở quyển kỷ yếu Hội nhà văn TP.HCM, nhà văn Sơn Nam không hề ghi chỗ ở. Chỗ ở của ông là TP.HCM, có Trời mới biết ông ở đâu, trong một quán cóc, đi thực tế ở một quán bia ôm, trong một đám cúng đình, trong một căn phòng trọ ở xóm lao động?... Ở Sài Gòn, đâu cũng là nhà của ông. Có một lần nhà văn Lê Thành Chơn khẩn thiết được gặp, ông hẹn ở quán cà-phê tại Nhà truyền thống Gò Vấp. Sáng hôm ấy ông không ăn gì, chỉ uống cà-phê. Tôi không hiểu ông giữ tư liệu ở đâu mà nói vanh vách về Cao Đài Minh Chơn Đạo… Hình như ông có cách giữ những quyển sách quý trong những thư viện lưu động, khắp chốn, khắp nơi, khi cần là ông có cách lấy nó ra. Mỗi lần gặp, tôi tự hỏi ông ăn gì để sống, ông viết bằng cách nào? Sống lang thang như ông làm sao mà có được những tác phẩm đồ sộ như ông đã tặng cho cuộc đời. Rượu, cà-phê, thuốc lá, thức “cầm canh” với nỗi cô đơn mà sống được 82 tuổi như ông cũng là điều kỳ lạ với y học.
 
Có một số nhà văn khi sống có địa chỉ, có chỗ ngồi lộng lẫy cao sang nhưng khi mất đi, bóng dáng họ cũng nhạt nhòa trong lòng người đang sống. Ngược lại, nhà văn Sơn Nam hạnh phúc hơn biết bao, được đền bù hơn mức ông mong đợi khi còn sống, bởi hình hài ông không còn trên dương thế nhưng bóng của ông phủ trùm lên khoảng trống sau khi ông vĩnh biệt cõi đời. Trên các cửa hàng sách sang trọng, những tác phẩm của ông đóng bìa cứng, đường bệ hiện diện. Tôi mua tất cả những quyển sách của ông, làm thành bộ sưu tập trong tủ sách gia đình, xem như đó là nén hương tưởng niệm ông. Tôi đọc lại những tác phẩm của ông một cách nghiêm túc, càng đồng cảm với nhà văn Lý Lan, bởi từ lâu, ông bị đối xử bất công, rằng chúng ta đã “bóc lột” ông quá nhiều trong vai trò của nhà “Nam bộ học”, những nghiên cứu khẩn hoang, những vùng đất và người, những tập tục…. Thế mạnh ấy quá lớn trong ông, lấn át cái nhìn về một nhà văn tài hoa, tầm cở.
 
Tôi đặc biệt thích tiểu thuyết Bà Chúa Hòn, bởi những chi tiết sống động, đắt giá của ông. Tài năng của nhà văn không chỉ trộn lẫn huyền thoại và hiện thực một cách nhuần nhuyễn mà còn xây dựng rất thành công tính cách nhân vật. Ngòi bút của Sơn Nam đã lưu lại một nhan sắc lộng lẫy của bà Chúa Hòn, dẫu khi ấy bà chỉ mới là cô bé lên tám: “Gương mặt bé Huôi lúc bấy giờ trông thật dễ thương, mà cũng dễ sợ. Mắt nó sáng lên, hai tròng mắt đen lánh, hàm răng đều đặn, chói màu trắng ngà”. Chưa đầy 9 năm sau, cô bé Huôi trở thành cô Huôi tuyệt sắc giai nhân, dưới ngòi bút của nhà văn Sơn Nam, làm điên đảo Chúa Hòn hiếu sắc: “Ông Chúa Hòn sửng sốt, há miệng. Dè đâu ở chốn quê mùa hẻo lánh lại có người đẹp tuyệt trần, vóc dáng cao ráo, nước da trắng mịn, trán cao, môi đỏ như thoa son, hai tay thật dài, gần chấm đầu gối…”. Những ai từng biết nhà văn Sơn Nam- một ông già ốm nhách, quần áo bèo nhèo, quê kiểng sẽ ngạc nhiên thú vị bởi sự tinh tế, sành điệu khi miêu tả vẻ đẹp quyến rũ của người phụ nữ từ bên trong. Đó là vẻ đẹp không chỉ cảm nhận bằng mắt mà bằng mọi giác quan: “Ông ngây ngất, dường như mùi thơm của da thịt cô gái bay ra thoang thoảng. Nếu vắng người thì ông đã ôm ghì cô gái ấy vào lòng…”.
 
Sắc đẹp, bản lĩnh, huyền thoại rồng đất và những đóa hoa huỳnh đã  đưa cô Huôi lên ngôi vị bà Chúa Hòn. Và tiếp theo là những ngày “vương triều Hòn Chông” đẫm máu, chìm trong màu xám xịt của những toan tính, mưu mô. Thật ngẫu nhiên, nhà  văn Sơn Nam cùng gặp nhau với những nhà văn lớn phương Tây trong xây dựng tính cách nhân vật. Tôi không thể nào quên chi tiết bàn tay lạnh và trơn như rắn của một tên quản gia với âm mưu cướp đoạt tài sản của một ông chủ tốt bụng từng làm mê say hàng triệu độc giả của một nhà văn nước Anh và đặc biệt ấn tượng với chi tiết “Đông cung thái tử Hai Điền” trong một cơn nóng giận không kềm chế được đã tạt tô nước mắm và tô thịt kho tàu vào người tên quản gia Bá Vạn. Vậy mà khi Chú Hòn hỏi, Bá Vạn bình thản giơ tay vuốt mặt trả lời “Thưa ông, không có gì hết”. Và khi về nhà, ông ta xếp cái áo thật kỹ, để gọn trong cái tráp, chôn sâu vào lòng nỗi căm hận chất ngất. Trong lúc địa vị Hai Điền còn lớn mạnh, Bá Vạn đã “nằm gai nếm mật”, nhẫn nhục, nuôi lòng căm hờn đến mức khi “đông cung” quăng bầu rượu lên nhà mình với câu ám chỉ  ông ta giống như một loài thú mà vẫn bình tĩnh: “Chờ khi đoàn ghe qua khỏi, ông Bá vạn đứng dậy đến gốc cây mà lượm cái bầu, đưa lên mũi hửi. Lát sau, ông vào nhà, để cái bầu lên cạnh cái tráp, trên đầu nằm. Trong tráp, cái áo dính thịt kho và nước mắm còn đó, chưa giặt rửa”. Chiếc áo nặng mùi căm thù  ấy được ông luyến láy, nhắc lại hơn chục lần, với cấp độ cao hơn, để rồi tên quản gia thâm độc, mưu mô từng bước vạch ra kế hoạch trả thù tàn khốc. Để đạt đến mục đích, Bá Vạn đã liên minh ma quỷ với bà Chúa Hòn, cô hai Ngó, bà chánh thất… “Liên minh ma quỷ” ấy đã nhử ông Chúa Hòn vào lung tràm của dục dọng khoái lạc, tự mãn; để rồi chỉ với một cái nanh heo rừng, ông Chúa Hòn khét tiếng giàu có, quyền lực bị giết chết một cách thảm thương.
Đọc tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, tôi cảm nhận ông đã vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức bác  học của một nhà nghiên cứu Nam bộ  vào tiểu thuyết Bà Chúa Hòn. Rất nhiều chi tiết đắt giá về đất và người Nam bộ vô cùng sống động, đặc sắc được đưa vào tiểu thuyết. Nếu không uyên bác đến mức tinh tế, ông đã không có được một mỹ nhân tuyệt sắc Bà Chúa Hòn, với hương thơm của những đóa quỳnh huyền thoại còn nguyên chất với thời gian, không có được “kế hoạch trả thù” tỉ mỉ, hoàn hão, tỉnh táo  đến lạ lùng của Bá Vạn, không có được “lưỡi đao đặc biệt” mà hai thuộc hạ thân tín của Bá Vạn dùng mưu sát Chúa Hòn Hai Minh: “Thằng Thừa trao cây dao đặc biệt cho thằng Thiếu, anh em nói chuyện riêng khá lâu. Đại khái Thừa bảo Thiếu nên đâm vào đùi ông Chúa Hòn, vì heo rừng thường dùng nanh mà đánh vào đùi bọn thợ săn. Nanh heo rừng không bén như lưỡi dao bằng thép, nếu dùng cây dao khác thì cậu Hai Điền sẽ nghi ngờ…”.
 
Còn có những đóa quỳnh thầm lặng tỏa sáng trong Bà Chúa Hòn, dù nhà văn Sơn Nam không cố tình nhấn nháy như chi tiết chiếc áo còn nguyên mùi nước mắm và thịt kho tàu, như lưỡi đao đặc biệt bằng chiếc nanh heo rừng… Thấp thoáng trong Bà Chúa Hòn là thân phận của những người nông dân bèo bọt, những hộ vệ trung thành, ngay thẳng bị giết chết oan ức, bị quẳng vào hốc tối của tàn bạo, lãng quên… Những phận người “rẻ như bèo” ấy kỳ lạ thay lại khiến trái tim người đọc run lên nỗi đồng cảm mãnh liệt. Và tôi biết, đó là thái độ đứng về phía những người cùng khổ của nhà văn Sơn Nam…
 
Nghiêm túc đọc lại những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, khép trang sách lại, lòng tôi chợt tràn lên nỗi hối hận khôn tả. So với cô gái bia ôm từng được nhà văn Sơn Nam mua tặng 11 cái bánh bao có nhưn, chúng tôi đã hời hợt, vô tình hơn cô rất nhiều, bởi cô đã cảm nhận một cách chân thành tài năng văn chương của ông. Cô đã nhìn thấy giá trị đích thực của nhà văn qua hình hài của một ông già ốm nhom, bởi những tác phẩm của ông đã từng làm cô thổn thức. Còn tệ hơn, khi ông còn sống, những người viết trẻ như chúng tôi đã vô tư “bóc lột”, đã rất thực dụng “khai thác” lòng tốt của ông từ kho kiến thức quý báu, sống động về những “đặc sản Nam bộ”. Vốn bác học ấy sáng lấp lánh, thu hút điểm chú ý khiến chúng tôi chưa kịp nhìn mặt tỏa sáng khác từ tài năng văn học không kém phần đặc biệt của ông.
 
 
Nguồn: Văn nghệ