Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bài học đầu tiên được viết bằng chiêm nghiệm

Phạm Xuân Trường
Thứ bẩy ngày 24 tháng 1 năm 2009 4:14 AM

(Đọc ABC của Đồ Trọng Khơi tập thơ NXB Hội NVăn 2008)
ABC là tập thơ thứ 6 của Đỗ Trọng Khơi nối tiếp “Gọi làng” sau mười năm. Tập thơ còn thơm mùi mực. Mỏng manh thôi mà nặng trĩu lòng người. Căn nhà nhỏ trong hẻm, trên con đường Nguyễn Trãi chạy dọc sông Pari dập dênh bèo nước. Đôi bờ với 1500 cây dương liễu mơn mởn như 1500 cô gái buông tóc xuống dòng sông đã bị người ta chặt ngang rồi đào tận gốc trốc tận rễ để thay vào đấy 1500 loài cây mới. Xót xa thay cho hai hàng dương liễu, tốt tươi như con gái dậy thì. Các em có tội tình gì để thay vào đó những cây non èo uột. Phải mất bao nhiêu năm để hàng cây này mới cao bằng đôi bờ dương liễu. Ngày xưa, cách đây 5 năm tôi còn ngồi dưới góc ngắm dòng sông.
ABC được chia làm 2 phần, có thể ví Phần I (học) là phần xác và phần II (DUCA) là phần hồn. Xa làng đã gần chục năm. Mười năm ở nơi phố thị xa mẹ, xa quê. Ai từng xa nơi chôn rau cắt rốn như thế sao khỏi chạnh lòng như Lý Bạch cách đây 1308 năm đã từng nhớ cố hương.
“ Đầu giường trăng dọi sáng
Mờ mờ tưởng sương sa
Ngẩng đầu nhìn trăng tỏ
Cúi đầu nhớ quê nhà”
Lý Bạch (Tỉnh Dạ Tư)
“ Gọi làng” hay “Làng gọi” Anh như đứa trẻ bi bô được mẹ dẫn đến trường với bài học vỡ lòng đầu tiên: A.B.C ra đời, chỉ đọc lời đề từ của anh
Bao giờ người chất được
Hư tĩnh…thành non cao
Thơ sẽ về ươm hạt
Trồng xanh vùng chiêm bao
Tôi bỗng động lòng trắc ẩn. Thì ra chốn lao xao phồn tạp không phải là đất sống của thơ. Chỉ khi  nào  người làm thơ dám (hư) dám (tĩnh) thì thơ sẽ về ươm hạt để xanh vùng chiêm bao. Mà chiêm bao thường không có thực. Khát vọng của Khơi cũng như của người làm thơ (đích thực) cũng chỉ là khát vọng mà thôi. Điều gì để cho Khơi thốt lên như  thế, mười năm sống khép mình trong ngõ hẻm ở chốn thị thành, một đời tàn tật, loay hoay trên giường và đánh vật trên chiếc xe lăn. Bưng bát cơm ăn cũng khó uống chén nước cũng cong queo mấy ngón tay gầy mà thốt lên.
“Tôi thường có lúc quên tôi
Quên câu ai oán quên lời thiết tha”
 (Đề Từ)
Dám quên như thế thì mới bật lên lời tâm sự
“Lệ đời kết máu nở hoa
Nở cho đâu đó rất xa ngoài mình”
(Đề Từ)
Cái đau cá thể, cái đau cát bụi nhỏ nhoi thấm tháp gì với nỗi đau của đồng loại, của số đông. Khơi ý thức được điều này nên chia sẻ “ Nở cho đâu đó rất xa ngoài mình” Biết được thân phận của mình. Thân xác thì tàn tật, hồn thơ như tiếng kêu của loài chim bị thương. Chẳng dám “ai oán” (mình  hoặc ai đó) chẳng dám nhớ những lời “Thiết tha” (thật giả, thau vàng) ở thời buổi lạm phát Thơ. Nhà nhà làm thơ, người người làm thơ, các CLB xã, phường, huyện, tỉnh mọc lên như nấm sau mưa. Rủ nhau vào quán chè chát, ới nhau vào quán chó mẹt, gặp nhau ở chốn chợ giời. Người ta hãnh diện ngả mũ: Chào nhà thơ (cốt để cho mọi người nghe thấy) và thế là chung quanh thành rơm rác nghe họ đọc thơ và xưng tụng. Khen nhau chí chạt...Có người quá nhiều tiền không biết làm gì thì đi làm thơ. Họ bận làm nhà thơ hơn làm thơ.
Với Khơi. Con người tật nguyền lấy thơ làm lá dấu dịt lành vết thương, lấy thơ làm Đạo mà di dưỡng tinh thần. Vậy mà
“ Cầm gương nhật nguyệt coi tình rong rêu”
Chả lẽ cuộc đời, tình đời vẫn không buông tha Khơi ư. Lòng vị tha và bao dung đâu cả rồi. Thôi hãy cứ để nhật nguyệt soi dọi Khơi ạ! Người ta có thể què quặt về thể xác, chứ không què quặt tâm hồn. Ngoài trời còn có trời nữa là. Phải đau đớn đắng cay lắm, chẳng đừng được nên mới phải vuột ra “tình rong rêu” để đen trắng rạch ròi và “cậu bé” 40 tuổi ấy theo lời dạy của mẹ mà  “Học”
“Cha khuyên học cỏ
Mà nuôi chí người
Mẹ dạy học biển
Mà yêu con người”
Và khi ngộ ra thì Khơi đã sống theo cách sống của cỏ
“…Nắng thiêu bão dập
Khi trong khi đục
Lúc đầy lúc vơi
Cứ theo sông suối
Thì vào biển khơi”
   (Học)
Một triết lý nhân sinh hay sống với cách Học nhìn từ cỏ. Có lẽ cả hai, có thế mới tồn tại. Ông Lỗ Tấn đã từng dạy
“ Ngửa mặt coi khinh nghìn tráng sỹ
Cúi thân làm ngựa đứa nhi đồng”
Tạo hoá ban cho chúng ta làm kiếp con người, thuyết âm dương song hành lòng Khơi có lúc trỗi dậy, bừng tỉnh, cựa quậy bản năng. Một khao khát bình thường mà Khơi rụt rè, có phần tự ti
“ Trẻ trung duyên dáng dường kia
Dễ gì người ở xứ mê cùng mình
(Ta quê ở xứ chiêm bao)
Mong rằng Khơi hãy bớt đi chút tự kỷ, mặc cảm và đón nhận lấy một trái tim dũng cảm và mãnh liệt để đốt cháy hàng rào ngăn cách, làm bùng lên ngọn lửa của trái tim đã ấp ủ ngần ấy năm trời. Không say đâu phải rượu không làm bố một lần sao biết được lòng cha mẹ với con…
ở cái tuổi “Tứ thập bất nhi hoặc” Dẫu chỉ quẩn quanh trong nhà, nhưng Khơi vẫn thấm thía nỗi buồn nhân thế.
“Đời khi nhóm lửa mặt sông
Cờ khi tướng cũng khốn cùng lao đao”
(Chơi cờ)
Trò chơi kết thúc, sân khấu đời khép cánh màn nhung. Tĩnh tâm nhìn lại thì:
“ Hiểu người hơn lúc cơ tàn
Chí nuôi nước tốt vượt sang bên hà”
(Chơi cờ)
Để rồi:
“ Nhục vinh rồi cũng tới nơi cỏ mềm”
(Với cỏ)
Điều giản đơn ấy mấy ai không hiểu. Vậy mà khi sống, khi đương chức đương quyền người đời thường giả vờ hoặc cố tình quên. Bão giông cây càng cao càng dễ đổ. Cỏ có bị dập vùi rồi cỏ lại hồi sinh. Ngày xưa các cụ thường răn dạy con cháu: “ Sống vì mồ, vì mả - Chẳng ai sống vì cả bát cơm”. Nỗi đau đáu và bất lực của mình, thân xác ở ngoài phố. Hồn thả neo ở làng. Phương Đông lấy ngày giỗ chạp làm trọng. Lòng Khơi tan nát, khóc cho tấm thân tàn tật của mình. Người ta cách nửa địa cầu, những người trốn chạy ngày xưa chỉ chục tiếng đồng hồ là về quê ăn tết. Còn Khơi cách làng ba mươi tám ki lô mét mà.
“ Giỗ bà, giỗ bố không về
Một con giữa phố tự chia đôi lòng”
(Ngày giỗ bà)
Thương mẹ mình còn trẻ. Ngày mẹ còn xuân sắc, lặng lẽ nuôi con thờ chồng. Anh có thể hiểu được những người đàn bà mất chồng, nửa đêm thắp đèn đi cuốc vườn, đổ trấu vào xay, giữa đêm đông ra vục gầu xuống giếng mà tắm gội ào ào…
“ Cậy dòng hương khói mong manh
Mẹ chăm chút quãng xuân xanh đời mình”
Để nói lên cái nghèo như Đào Tử  Vấn đã có câu thơ:
“ Ngày giỗ cha
Củ khoai lăn tròn trên lá”
Thì Đỗ Trọng Khơi cho ta thấy mâm cỗ cúng của bố anh
“ Cau dăm trái, trầu lưng cơi
Canh cua cà nén giỗ người Trường Sơn”
Dẫu nghèo đến mấy thì ngày giỗ cũng không thể đạm bạc như vậy, nhưng thơ có quyền nói như thế, hình ảnh câu ca dao hiện về mà người Việt chẳng ai không thuộc.
“ Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”
Để nói lên cái tình nghĩa của vợ chồng, cái hạnh phúc của người nghèo. Mọi thứ trên đời đều được xắp xếp theo trật tự riêng của nó. Có quy luật hẳn hoi, để tái tạo và tồn sinh. Vì nó như thế, hiển nhiên, mặc định như: Mâm có bát, đũa có đôi, canh cua ăn với cá nén và vợ phải có chồng, như vạn vật phải kết đôi.
“Bát canh ngọt, quả cà ngon
Như hồi cha mẹ sống còn bên nhau”
(Ngày giỗ cha)
Vậy mà:
Phía đạn bom, phía yên bình
Mãi chia đôi phận duyên tình mẹ cha
(Ngày giỗ cha)
Vì đâu mà nỗi bất hạnh ấy lại gieo rắc lên đám đông hiền lành chất phác này. Những người vợ, người mẹ trẻ trung đáng ra không phải chịu mất mát ấy. Đất nước toàn thắng, chỉ có người làm vợ là thua. Đất nước suy tôn người mẹ anh hùng, thì những người mẹ ấy phải tuyệt tự.
Trước khi kết thúc phần I (Học) đẫm chất trữ tình, tôi lạnh người đọc câu thơ viết về Nguyễn – Trãi
“Không đủ ác làm đường gươm sắc
Lòng cưỡng thơ cướp một pháp trường”
(Đã in ở báo VN số tết 2009)
Một vết nhơ của lịch sử không xoá được. Dẫu có sửa sai, minh oan, phong tước thì chúng ta cũng đều hiểu. Nguyễn Trãi là vỏ chanh sau khi vắt kiệt nước và án oán Lệ Chi đến đời vua thứ 4 (Lê Thánh Tông) mới được minh oan thì Ô Chợ Dừa ngày nay hơn 600 mạng người vẫn đang lẩn thẩn trong mưa dầm gió bấc đi tìm đầu lâu của mình và ABC mở ra chiều sâu suy tưởng chiêm nghiệm theo lối tư duy tự nhiên.
“Tự nhiên theo luật sống
Nhẹ không vào tĩnh không”
(ABC)
Để cho:
“Hồn thơ được bay thoát lên
Trả trang giấy lại cho câu chữ”
(Bài tập)
Và biết khiếp sợ trước:
“Trang giấy trắng - Đại dương cuồn cuộn”
(Bài tập)
Mà:
“Đời sống lướt qua như một cánh buồm”
Mỗi cá thể chỉ là hạt cát trong sa mạc người. Một đời người chỉ là một “ Sát na” Một cánh buồm có là gì trong đại dương cuồn cuộn. Ví trang giấy như đại dương. Đời sống lướt qua như cánh buồm một câu hỏi được đặt ra: Liệu cánh buồm ấy có bị chìm. Hay cánh buồm ấy lướt qua có gì đọng lại. Đó là trọng trách của nhà thơ (Đích thực) trước trang giấy khi ta đối mặt với cuộc đời, viết gì, viết cho ai và viết vì ai???
Phần II (DUCA) Đỗ Trọng Khơi đã bày tỏ quan điểm về cách sống, cách nhìn đẫm màu Thiền. Anh như thoát khỏi phần xác, trút bỏ cái vỏ người cho hồn bay vào thế giới tâm linh.
“ Thân nhẹ làm bóng
Tình nặng làm núi
Rỗng không như trời”
(Người thơ )
Một tư duy của đạo Phật thanh thoát, coi nơi ta đang ở là cõi tạm. Nhìn được cái rỗng không, nghe được cái rỗng không. Biết được cái vô cùng của rỗng không và biết khiếp sợ cái rỗng không ấy. Thì thân xác chúng ta có là gì nơi ta đang tá túc. Sẽ chẳng có gì phiền muộn. Vậy: Cái có chưa hẳn là cái được. Cái mất đâu phải là không còn. Cái đặc chắc gì nặng hơn cái rỗng. Cho nên:
“ Nghe vang mà nhìn không thấy”
         (Di trú)
Và Khơi phát lộ ra những câu thơ như bừng thức. Như ngộ ra sự lú lẫn bấy lâu nay của mình.
   ….Lòng tràn rỗng không
   Nói lời hư không
   …Rằng ta đứa trẻ
   Cầm cái chết rong chơi
     “ Câu hát trẻ thơ”
“Cầm cái chết rong chơi” thì thanh thản quá. Hẳn anh đã tới cái thượng thừa. Hiểu rõ CõI và hiểu rõ VÔ. Bước qua mọi vui buồn phiền não. Bước qua đố kỵ tỵ hiềm. Nhẹ cả lời khen. Mặc những lời rỉa rói. Người thơ nói riêng, người làm văn chương (đích thực)  nói chung như ai từng nói:
   “ Tâm kỵ nhất hẹp hòi
   Khí kỵ nhất hung hăng”
Đặt trước bàn viết của mình hai câu nói trên thì sẽ thấy ngọn đèn soi sáng và mình thành vô ảnh. Một thế giới động trong tĩnh. Như chuông cảnh thức vang vào cõi u mê. Mỗi năm thêm một tuổi. Khác gì ta đang đi dần về phía rỗng không.
   “ Lấy bớt của đời một quãng đời không
   Tặng cho khoảng rỗng một cái chuông đồng
   Đâu đó một ngày tĩnh không vang động”
        (Du ca)
Để rồi anh như kẻ mơ hồ, mộng du, ảo giác ngay chính với thân xác của mình. Một câu hỏi “ Mình là ai? Từ đâu đến? Đi về đâu?”
   “ Bước qua lại thấy chính ta nghi hồ
   Và chỉ thấy “ Một tiếng vang cuối cùng”
        (Cảm giác)
Phải từng trải và chiêm nghiệm, hoặc có thể bị va đập mà Khơi tự  nhủ mình, nhắc nhở mình hay mách bảo ai đó
   “ Nghiệm sâu sắc nỗi đời
   Cần sống bằng im lặng”
Các bậc Chí Thánh còn để lại hậu duệ chúng ta những gương soi trong vắt. Hoàng Đế: Trần Nhân Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi…Thế kỷ 20 còn có Nguyên Hồng, Hữu Loan, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Phù Thăng…Một triết lý sống khi biết rằng:
    “ Núi càng cao càng lặng
    Sông càng sâu càng trầm”
       (Thăm đường)
Cũng như Thi Hoàng có câu thơ:
    “ Thế gian thường tuyển cử
    Núi chẳng bầu cho ai”
Vâng! Đúng thế  Khơi ạ! Trời cho bao nhiêu thì được bấy nhiêu. Lao xao mà làm gì. Như hoa thì tự thơm, như  chim thì tự hót. Người ác dìm quả bóng xuống nước nghĩ là nó chết, buông tay ra quả bóng vọt lên đập chính vào mặt họ. Như Đức Phật đã từng dạy: “ Đừng ngửa mặt lên trời mà nhổ bọt”. Thời gian là quan toà nghiêm khắc lắm.
Với 50 bài thơ, bài nào cũng có ý tứ riêng biệt. Khơi không làm thơ phải đạo. Khơi âm thầm sáng tạo chịu đựng đớn đau về thân thể, hành xác về linh hồn, đầu thai và sinh nở những đứa con lành lặn. Góp mặt buổi học vỡ lòng đầu tiên mỗi khi tôi nhìn lại chính mình.
Hải Phòng, ngày 19 tháng 01 năm 2009
Phạm Xuân Trường.
Hội viên hội nhà văn Việt Nam
Địa chỉ:
13B/266 Cầu thang 2 – Tầng 4/5 Trần Nguyên Hãn – Lê Chân – Hải Phòng.
ĐT : 0983335128