Đặng Trần Chuyên (17- 6 năm Bính Tí, 1816) / 22 - 11 năm Kỉ Tị, 1869), tự Mông Trai, thuỵ Trang Lượng, hiệu Ngọc Khuê; quê ở làng Ngọc Than, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội). Năm 31 tuổi, Đặng Trần Chuyên đỗ trung Tú tài; năm 32 tuổi đỗ Trung bát; năm 33 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thân (1848), niên hiệu Tự Đức năm thứ nhất, làm quan trải các chức Lại bộ Hữu tham tri, Tuần phủ Nam Định, Hộ lý Tổng đốc Định - Yên (Nam Định - Hưng Yên)....
Khi ông làm quan ở hai tỉnh Nam Định-Hưng Yên, giữ tư cách tốt, lại giúp nhân dân được yên ổn làm ăn, vì thế, cụ được vua ban tấm Tử kim khánh có 4 chữ “Liêm, Binh, Cần, Cán”. Cụ 10 lần được vua Tự Đức (1848-1883) phong sắc vào các năm Tự Đức thứ 1, 3, 4, 6, 12, 16, 18, 19 (2 lần) và 22. Cụ mất tại nơi trị nhậm, được truy phong chức Tổng đốc (chánh nhị phẩm, hạng 2/9 bậc quan chế).
Trong nhà thờ cụ ở xóm Cống, thôn Ngọc Than (Ngọc Mỹ), chính nơi xưa có nhà cũ của cụ, còn giữ được bức đại tự : “Thế gia Nho nghiệp” do vua Tự Đức ban tặng mùa xuân năm Bính Dần (1866); một đôi câu đối:
Vũ công hiển hách vinh cự tộc
Nho nghiệp phương danh xứng thế gia.
Đặng Trần Chuyên nổi tiếng với những trang văn hành chính, chính luận. Tháng Bảy năm 1855, Đặng Trần Chuyên đang là quan Khoa đạo đã tâu lên vua giải pháp ngăn chặn bọn quan lại thối nát đã mua chuộc, ép buộc dân, kể cả các đồng liêu và thuộc hạ để họ làm đơn ca ngợi “tài, tâm” (giả) của mình; mục đích là sau đó xin triều đình cho tiếp tục lưu lại ở địa phương với chức quan đang làm, hoặc được phong lên chức cao hơn… Cụ viết thẳng ngay như tấm lòng mình: “Gần đây, các viên phủ, huyện, châu khi thuyên chuyển, nếu có dân thuộc hạt lưu giữ lại, việc ấy đệ đạt tâu lên thì được gia ơn ban thưởng, thăng bổ ngay, thực là một việc muốn khen một người để khuyên nghìn người. Những, cửa nhà vua xa muôn dặm, mà lòng người có trăm mưu kế. Người làm quan xảo quyệt, hoặc lấy đó làm môi giới cầu may tiến thân mà nói ngọt câu kết; bọn tổng lý cũng lấy đó làm kế sách để gây bè phái riêng, mà chiều ý nịnh hót…”
Kèm theo đó, Đặng Trần Chuyên chỉ đích danh họ tên, chức vụ, nơi làm việc của một số vị quan đã làm cái trò giả dối, đóng kịch như vậy để lừa dối triều đình. Cụ đã vì việc công mà không chút riêng tư, “nói có sách, mách có chứng” chứ không đề đạt chung chung. Có viên tri huyện nọ bị rút đi, dân xin lưu lại, qua lời trình của Đặng Trần Chuyên, quan tỉnh đã xét lại và không thấy tri huyện đó có công trạng gì, bèn y lệnh rút đi. Có viên quyền tri huyện được điều về tỉnh, dân xin lưu lại nhưng Ty Tam pháp căn cứ vào những điều Đặng Trần Chuyên đệ trình đã xem xét và bác bỏ. Lại có tri huyện mới về nhậm chức được vài tháng thì đã có người làm đơn xin lưu lại lâu dài, qua xem xét quan tỉnh biết giữa họ có sự thông đồng và chỉ cho viên tri huyện ở đó hết nhiệm kỳ… Tất nhiên, để thực hiện được việc làm trong sạch đội ngũ quan lại các cấp thì hệ thống quyền lực, nhất là người có trọng trách cao, đặc biệt là người đứng đầu, phải chí công, nghiêm minh, biết nghe lời nói phải và dứt khoát trong hành động.
Đặng Trần Chuyên đề nghị nhà vua cho thực thi điều khoản “Dùng thư tán tụng đức chính của đại thần” đã được ghi trong luật: “Quan ở trấn, doanh hoặc thăng bổ, thay đổi, hay giáng chức đổi đi hoặc cáo tang phải rời chức, mà dân địa phương đến Kinh yêu cầu lưu lại thì không chuẩn y, sẽ đem người ấy đến kêu nài ấy giao bộ trị tội… vậy xin cứ theo lệ ấy mà cấm chỉ, để tuyệt mối cầu cạnh mà trừ tệ gian dối”. Cụ cho rằng điều luật đã có từ lâu, vấn đề là có được thực thi nghiêm hay không.
Vua Tự Đức (1848-1883) xem xét lời tâu của Đặng Trần Chuyên đã chuẩn y về cơ bản nhưng xét thấy có điểm quá tả, nên dụ rằng: “Trong việc đó, người nào vốn là dân hạt tin yêu, đích xác có thực trạng thì do thượng ty hạt ấy tuỳ việc tâu lên, đợi cho xét rõ ràng, để khỏi có lỗi là che lấp người hiền tài, thì cũng chẳng hại gì”. Đó là sự bổ khuyết rất xác đáng.
Lời tâu đi liền với giải pháp của Đặng Trần Chuyên xuất phát từ cái tâm và sự hiểu biết thấu đáo tình hình quan lại. Cụ xứng đáng là Tri phủ (nắm chắc, sát thực tình hình quan lại trong phủ chứ không quan liêu), đặc biệt là vai trò Giám sát Ngự sử (nắm chắc tình hình quan lại ở nhiều địa phương), giúp cho triều đình quản lí tốt đội ngũ quan lại. Từ đó, nhà nước có cơ sở để khích lệ, động viên, khen thưởng những người có công, đồng thời loại bỏ những kẻ sâu mọt, làm bình ổn xã hội, đem lại niềm tin cho dân chúng về bộ máy nhà nước đương thời. Tấm lòng và việc làm của Đặng Trần Chuyên về phòng chống tham nhũng và lạm dụng chức quyền rất đáng để cho hậu thế học tập để xây dựng một xã hội phát triển lành mạnh./.