Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG KỈ NIỆM ẤM LÒNG

Nguyễn Khắc Phê
Thứ năm ngày 13 tháng 4 năm 2017 9:48 PM






Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017)

 




Vào dịp Hội Nhà văn Việt Nam kỷ niệm “sinh nhật” lần thứ 60 thì tôi cũng vừa tròn 40 tuổi hội viên. “40 năm ấy biết bao nhiêu tình”!

40 năm, là kể từ năm 1977, khi được nhà văn Nguyễn Khải và nhà thơ Xuân Hoàng giới thiệu, tôi “bỗng nhiên” trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Nói “bỗng nhiên” là vì tôi không còn nhớ mình đã được “kết nạp” như thế nào; chẳng có chuyện xôn xao bàn tán, nôn nao trông ngóng kết quả “bỏ phiếu”, rồi lễ kết nạp đầy cờ hoa; càng không có tệ “chạy chọt” kiếm phiếu các thành viên “hội đồng” như mấy năm gần đây!

Với riêng tôi, để đến được cái đích vinh dự mà hàng trăm cây bút hôm nay đang trông đợi, từ 40 năm trước ấy, chàng kỹ thuật cầu đường lại phải bắt đầu từ những bước đi rụt rè, chậm chạp, những cuộc tập dượt vất vả trên con đường văn cao sang, lấp lánh hào quang mà cũng đầy thử thách. Trong chặng đường gần 20 năm ấy, điều may mắn là mặc dù phải sống ở những công trường xa xôi, những trọng điểm đầy bom đạn, nhưng mỗi khi có dịp về Thủ đô, tôi luôn được các nhà văn đi trước tận tình khuyến khích, dìu dắt. Còn nhớ, lần đầu tiên tôi “ra mắt” nhà văn Nguyễn Đình Thi, khi ông còn ở phố Trần Quốc Toản. Nhà chị tôi khá gần nhà ông, vậy mà đắn đo không biết bao lần, tôi mới dám mở cổng bước vào trong một buổi chiều muộn để… đỡ bị “lộ mặt” dưới ánh mặt trời và ánh mắt rất tình cũng rất sắc của nhà văn lớn. Tôi đưa ông đọc truyện ngắn “Chuối trỗ hoa”, hồi hộp chờ đến ngày hẹn để nghe lời phán xét. Đó là vào khoảng năm 1961, khi tôi đang xây dựng các cầu Ba Thá,Tế Tiêu ở Hà Đông. Hơn nửa thế kỷ qua rồi, tôi chỉ còn nhớ ông nói đại ý: “Miêu tả phong cảnh có hay mấy cũng không sánh bằng vẻ đẹp kỳ ảo của thiên nhiên, nhà văn viết là phải có ý tưởng…” Mãi về sau này, tôi mới “giác ngộ” điều chủ yếu ông muốn nhắc nhở cây bút trẻ. Nếu tôi không nhầm thì hình như đến bây giờ, đó vẫn là điểm yếu của văn chương ta: Có tác phẩm, có chuyện, nhưng thiếu sức nặng tư tưởng…

Sau lần gặp đầu tiên ấy, tôi được Bộ GTVT chuyển vào các công trường cầu ở đường số 7 Nghệ An, tít tận biên giới Lào, rồi vào miền Tây Quảng Bình - những trọng điểm hứng bom đạn ác liệt nhất thời đó (1964-1966) như Ca Tang, Cha Lo, Mụ Giạ… nên ít có dịp về Thủ đô. Niềm đam mê văn chương vẫn còn, nhưng cuộc chiến đấu nóng bỏng trên con đường chiến lược với vô vàn những tấm gương hy sinh cao cả đã cuốn hút ngòi bút của tôi.

Hồi ấy, tập ký sự "Họ sống và chiến đấu" viết về các chiến sĩ giữ đảo Cồn Cỏ đang được dư luận chú ý. Tôi đọc cuốn ký sự về Cồn Cỏ hồi tháng 3/1966, trong dịp ra Hà Nội dự Đại hội “Đảm bảo giao thông quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” toàn miền Bắc. Ngay trên chiếc ô tô tải lắc lư vượt qua không biết bao nhiêu là hố bom trở lại tuyến lửa, tôi đã tự nhủ sẽ viết một ký sự về con đường huyết mạch của Tổ Quốc, được mệnh danh là “Cồn Cỏ trên Trường sơn”.

May mắn là sau đó, trong một lần ra Hà Nội khám chữa bệnh (tôi bị mù một mắt do ô tô đổ và bị sốt rét suýt chết…), nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và nhà văn Học Phi đã nhiệt tình “nói vô” với các đồng chí lãnh đạo ngành giao thông cho tôi ở lại Hà Nội 1 tháng để hoàn thành tập ký sự. Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh chú ý đến tôi một phần vì chị tôi là bạn với vợ ông - nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, hồi còn học Trường Đồng Khánh (Huế); nhà viết kịch Học Phi thì có lẽ trước hết vì ông cảm phục các chiến sĩ giữ đường 12A và ông cũng đã dựng một vở kịch dựa vào sự kiện bi tráng ở “Đồi 37” - cả một tiểu đội TNXP hy sinh vì bom “tọa độ”...

Tôi viết xong bản thảo, nhà thơ Xuân Sanh sốt sắng giới thiệu tôi với nhà văn Nguyễn Khải. Tuy chẳng biết tôi là “thằng cha” nào, nhưng trân trọng các chiến sĩ giữ đường Trường Sơn, ông đã chịu khó bỏ mấy buổi chiều nghe tôi đọc bản thảo, rồi vui vẻ giới thiệu nó với nhà xuất bản Thanh Niên và bảo tôi đem mấy chương sang chỗ nhà văn Nguyễn Thành Long để đăng báo “Văn nghệ”… Nhờ thế, cuốn sách đầu tay của tôi - tập ký sự “Vì sự sống con đường”, đầu năm 1968 được chào đời…

***

Có thể xem tập ký sự đó như là “giấy thông hành” để tôi được đến Trường Bồi dưỡng viết văn trẻ (khóa 3) cuối năm 1968. Sau lớp học 9 tháng, được biết tôi đang viết dở cuốn tiểu thuyết “Đường qua làng Hạ” thể hiện sức mạnh chiến tranh nhân dân trên mặt trận GTVT, Hội Nhà văn Việt Nam thể hiện sự quan tâm đến một cây bút ở “tuyến lửa” với đề tài có tính thời sự lúc đó, đã “đặc cách” cho tôi về ngồi viết 1 tháng tại Nhà Sáng tác Quảng Bá (nay là nơi xây dựng Bảo tàng văn học Việt Nam). Ngay sau khi tôi hoàn thành bản thảo, Hội đã mời các nhà văn nổi tiếng là Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Bùi Huy Phồn đến nghe tôi đọc bản thảo tại trụ sở Hội 65 Nguyễn Du - Hà Nội suốt mấy buổi liền…

Gần 50 năm đã qua, từ ngày ấy, nhưng tôi vẫn nhớ như in những lời góp ý chân tình của các nhà văn lão thành với một cây bút trẻ chưa mấy ai biết đến. Nhà văn Nguyễn Công Hoan “trách” tôi là đã quá “phung phí” vốn sống phong phú trong một cuốn sách, chỉ dẫn cho tôi đến cả cách đặt một dấu phẩy (,) sao cho “đắc địa” (ví như câu ở đoạn đầu, tôi viết “Xa nữa là Trường Sơn”, nhà văn chữa lại: “Xa nữa, Truờng Sơn” - như thế, câu văn vừa nhẹ nhàng, vừa gợi một khoảng cách cho người đọc tưởng tượng…); nhà văn Tô Hoài thì bảo tôi: “Với một đề tài thế này, cậu viết chưa thành công thì 30 năm sau cũng phải viết lại!” Vì thế, bản thảo đưa in là bản tôi đã chữa lần thứ ba…

Hơn một năm sau, tôi lại được dự một Trại sáng tác rất đặc biệt kéo dài đến 6 tháng tại Hà Tây. Đây có lẽ là Trại sáng tác dài ngày nhất cho đến nay! Ở Trại, hàng ngày được gần gũi các nhà văn tên tuổi như Nguyên Hồng, Kim Lân…đến giúp đọc bản thảo. Các ông chỉ nói cảm nghĩ của mình, không hề có ý áp đặt. Tôi nhớ, nhà văn Kim Lân chúm chím môi cười và chỉ nói: “Cậu viết trúng vấn đề rồi đó…” Còn nhà văn Nguyên Hồng thì bảo: “Mình nghĩ Phê nên khoanh câu chuyện quanh cái đáy móng thôi…” Lúc đó, tôi vừa viết xong Phần I tiểu thuyết “Đường giáp mặt trận” gồm 6 chương với tên khá ấn tượng: “Đáy móng mặt người”. Tôi nghe, ngẫm nghĩ và quyết tâm theo đuổi ý định của mình là viết hẳn một tiểu thuyết bộ đôi ước khoảng 1000 trang. Tôi đoán rằng các ông có phần chưa tin tôi, tuy nhắc nhở một chút nhưng lại “ngầm” động viên tôi. Các chương Phần I hình như đã tạo được ấn tượng tốt…

Trong quá trình hoàn thành và đưa tác phẩm đến tay bạn đọc, tôi còn được sự giúp đỡ tận tình của nhiều người khác… Sau ngày miền Bắc được hòa bình, tôi mới đưa bản thảo đến Nhà xuất bản Lao Động. Anh Xuân Du và hai nhà văn Nguyễn Gia Nùng, Ma Văn Kháng là những người đã hết lòng lo cho tác phẩm sớm ra đời. Khi sách in ra, gặp nhà văn Nguyễn Khải, nghe tôi nói qua dự kiến nội dung Tập 2 (với tên “Chỗ đứng người kỹ sư”), trong đó có chi tiết cô y tá Loan sẽ hy sinh ngay trong những ngày đầu Mỹ dội bom xuống con đường, anh Nguyễn Khải nói ngay: “Nhà văn không dễ dựng được một nhân vật có góc cạnh như thế đâu! Đừng để cô ta “chết” sớm quá!...”. Quả nhiên, cô Loan đã thành một nhân vật sinh động cho tới cuối tiểu thuyết…

Năm 1976, cuốn tiểu thuyết ra đời, được báo “Nhân dân” dành nửa trang động viên (“Tiểu thuyết đầu tay của một cây bút trẻ” - Phong Vũ) và Đài Tiếng nói Việt Nam dành khoảng nửa tháng trong chương trình “Đọc truyện đêm khuya” giới thiệu tác phẩm này. Đạo diễn Nông Ích Đạt đã chuyển thành kịch bản phim truyện, cho tôi xem mặt cô diên viên rất đẹp sẽ đóng vai cô Loan điệu đàng, nhưng nghe nói phải đi quay ở Trường Sơn và dựng cảnh tốn kém quá nên kế hoạch đó đành bỏ dở.

Nhà văn Nguyễn Đình Thi (hồi đó đang ở một căn phòng trên phố Lò Đúc thì phải) gặp tôi, ông nở cụ cười tươi, duyên dáng và nói đại ý, giọng thân mật mà rất vui: “Cuốn sách viết được lắm! Tôi khen không phải vì có nhân vật hát bài “Người Hà Nội” đâu!...” Còn nhà thơ Chế Lan Viên, trong lần gặp tôi trước cổng trụ sở Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, ông mỉm cười và chúm chím môi, nói: “Viết đơn xin vào Hội Nhà văn đi! Chỉ cuốn “Đường giáp mặt trận” là thừa tiêu chuẩn rồi!” Sau đó một năm, tức năm 1977, với sự giới thiệu của nhà văn Nguyễn Khải và nhà thơ Xuân Hoàng, tôi đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam…

***

Vào lúc tôi viết những dòng này, các nhà văn đàn anh từng quan tâm đến những bước đi của tôi trên con đường văn đầy gian khó hầu hết đã ở cõi khác. Anh chàng kỹ thuật 22 tuổi ngập ngừng trước cổng nhà văn Tổng thư ký Nguyễn Đình Thi ngày nào, nay cũng đã sắp “bát tuần”. Thì đã hơn nửa thế kỷ trôi qua rồi! Đã đành, lớp nhà văn trẻ tài danh hôm nay có nhiều con đường đến với văn chương ngoạn mục hơn, nhưng tình đồng nghiệp, mối quan hệ không vụ lợi, không bè phái giữa các thế hệ nhà văn thì vẫn là những giá trị không thể bị xóa nhòa.

Ngoài trời đang mưa và gió rét nhưng tôi cảm thấy ấm lòng với những kỷ niệm đẹp một thời đã xa…

________Ảnh: Nguyễn Đình Thi và Lương An tại Quảng Trị năm 1972_______