Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG CÂU THƠ MANG ĐẦY Ý THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM CÔNG DÂN

Nguyễn Hưng Hải
Thứ ba ngày 11 tháng 4 năm 2017 3:39 PM



Đọc tập thơ Thần dược của Phạm xuân Trường ( Nxb Hội Nhà văn / 2015)

Tôi có cảm giác thơ của Phạm Xuân Trường có nét khá tương đồng với truyện của Nguyễn Huy Thiệp. Đọc ông rất dễ mà cũng vô cùng khó, bởi lối tư duy rất trực diện kiểu như “mưa tràn qua mặt”. Tâm sự với nhiều người về thơ ông, nhận được từ ông thông điệp đầy trách nhiệm công dân. Ông là người chịu nhiều va đập, lắm trải nghiệm , thẳng thắn đến khó gần. có lẽ chính điều này đã cho thơ ông thêm sắc nhọn và gai góc.

Thần dược tập thơ xuất bản gần đây nhất (2015) thể hiện rất rõ điều này : Gió ngược thì diều mới lên/ Thơ xuôi đời sẽ gạch tên chính mình. Hai câu thơ này như là một “Tuyên ngôn” về con đường đi theo mê đắm của cái Đẹp mà ông đeo đuổi mấy chục năm nay. Là người ngay thẳng và bộc trực nên ông ghét thối ba hoa, xu nịnh và những sự lọc lừa giả dối : Biết làm sao trong những mớ rau xanh kia không còn dư lượng thuốc sâu/ Biết làm sao quả bên trong kia không còn tẩm độc/ Biết làm sao cá, gà, vịt lợn không ướp ure và phóc môn/ Đến hạt gạo tám xoan cũng không còn hương đất Việt

Biết cả đấy mà không tránh được giữa chốn chợ đời. Còn với Em thì hoàn toàn ngược lại , bởi những lời nói dối của Em tôi thì lại cho ông hạnh phúc và chiêm nghiệm : Duy em nói dối biết mười mươi mà anh bó gối nhìn trời. Cũng đúng thôi, bởi ông rất dễ nổi nóng với những người không đồng quan điểm nhưng cũng rất dễ mềm lòng trước những nhỏ nhẹ , dịu dàng của phái đẹp ( Là tôi nghĩ thế). Hai thái cực này tưởng như mâu thuẫn nhưng lại rất “ thống nhất” trong thơ ông. Không chịu can dự vào thời thế và nhân thế, ông hay lật soi các giá trị và xác lập các giá trị mới : Tiền thật mua chức giả/ Của xuống sông, xuống ao/ Những tập đoàn vỡ nợ/ Xếp hang chờ bàn giao/ Tiền thật mua bằng giả/Chán chúa thì buôn vua/ Lã Bất Vi vạn thưở/ Còn tươi rói đến giờ…

Đớn đau. Thật là đớn đau khi đạo đức đã xuống cấp và băng hoại đến mức phải rung chuông báo động riết dóng đến như thế mà vẫn không “ chữa trị” được. Thậm chí ở cái thời buổi lẫn lộn thật giả này, đã có không ít niềm tin bị đổ vỡ, cái tốt, cái đẹp phải bị trả giá : Học phí thì trả bằng tiền/Máu người đặt cược niềm tin một thời/ Tin rằng Thánh ở chính ngôi/Mới hay qua lửa vàng mười hoá thau.

Trong bài thơ viết cho con, tôi thích câu thơ ngỡ như không có gì, mà lại cứa vào gan ruột này : Bố không về Hà Nội với con đâu. Thủ đô ngàn năm văn vật đã có gì đổi khác chăng? Đã có gì phải “tránh” chăng? Xin được không bình phẩm gì thêm và cũng xin được “nhường” câu trả lời cho các văn nhân ở chốn Kinh - Kỳ -Thăng - Long?

Đọc Phạm Xuân Trường ở những bài thơ viết về những điển tích, những nhân vật lịch sử và Đền, đài, tôi có cảm giác không “kiêng cữ”. Dấn thân này thật đáng trân trọng nhưng cũng rất dễ bị “phạm huý”nếu không kịp” phanh dừng” và tiết chế cảm xúc. Ấy là tôi hay lo xa. Còn trong thực tế, chưa hẳn đã là như thế trong những câu thơ kiểu như thế này: Cờ tàn suy thịnh bể dâu/ “Mả lăng” giờ cũng bạc màu cỏ non.

Bao trùm lên tất cả vãn là thái độ của một người trong cuộc,luôn đứng về phe nước mắt để bảo vệ chân lý và cái đẹp. Ông đã xác lập được “ căn cước” cho thơ mình trong những bài thơ thế sự, những câu thơ thế sự lạnh lùng và quyết liệt. Như người lính tiên phong, ôm “bom’ vào “cửa mở”, thơ Phạm Xuân Trường hay “chọc thẳng”và có sức “công phá”lớn : Gánh bùn lại đổ sang ao/ Châu chấu giã gạo cào cào ăn xôi/ Mây đen che kín mặt người/Vầng trăng thằng Cuội vẫn ngồi trên cao.

Biết Cuội và vẫn Cuội, thậm chí còn cuội hơn cả Cuội, lại còn tự giễu nữa. Thật buồn và chán lắm thay,có lẽ chính vì thế mà Phạm Xuân Trường hay mượn tích cũ trò xưa để gửi gắm tâm sự, nỗi niềm nhiều đắng chát của mình trong những va đập khôn lường của thời thế và nhân thế : Dẫu lên đến chín tầng trời/ Vẫn là thằng Cuội mày ngồi gốc đa/ Một đời dối trẻ lừa già/Trần gian nước mắt nhạt nhoà lao đao/ Giỏi lừa tước vị càng cao/ Dẫu không trăng sáng cũng sao trên trời…

Tiếp xúc với những hạng người như Cuội, ông đã ngộ ra điều gì và đã thức tỉnh gì đây: Bố gìa rồi chỉ mong các con…/ Đừng đặt niềm tin vào trống rỗng/ Đến Tràng An luồn qua mười hang động/ Đạo mạo bên ngoài mà rỗng tuyếch ở bên trong.

Rỗng tuyếch. Bao nhiêu rỗng tuyếch đang kết bè kết mảng đen đặc trên - những - cánh - đồng -ngườif? Thật đau đớn khi ông phải thốt lên Các con may không giống bố? Vì bố trung thực? Vì bố ngay thẳng? Vì bố tốt quá? Và thua thiệt là lẽ đương nhiên? Nhưng nếu mà các con không giống bố như thế thì sẽ sao đây? Chênh vênh bên “miệng vực” một thái độ, khiễn người đọc có cảm giác “ sởn da gà”. Nhưng như thế mới là Phạm Xuân Trường. Và chỉ có Phạm Xuân Trường mới đủ “nhẫn” đến thế này : Các con may không giống bố? Bằng lòng trong nỗi bất công/ Bằng lòng chung với giông tố…

Nhu nhược quá chăng? Không đâu, ta hãy nghe Phạm Xuân Trường tâm sự : Bố chết con đừng chôn ngang/ Bây giờ tấc đất tấc vàng con ơi/ Ngửa mặt chỉ nhìn thấy trời/ Chôn dọc cho bố nhìn đời thẳng cong/ Để mà thấy rõ đục trong/ Biết ai gan ruột thật lòng với ai/ Và ai trong cuộc đứng ngoài/ Lựa màu gió thổi đậm phai sắc hồng…

Là người yêu nước đến có cảm giác “ hơi cực đoan” nên thơ ông nhiều phẫn uất khi nói về ngoại lai, ngoại bang. Tôi thích những câu thơ dung dị nhiều day trở của ông hơn. Và đây là một câu thơ điển hình như thế: Kìa ai nửa tỉnh nửa mê/ Trắng tay còn một câu thề chặt đôi/ Đất đai giờ đã lên ngôi/ Tình người đồng kẽm buông xuôi giữa đời.

Cứ như thế, như thế, thơ Phạm Xuân Trường găm vào lòng ban đọc. Như mũi tên, đường đạn đi thẳng, thơ ông như bão chữ và cũng là “Thần dược”là thang thuốc đặc trị góp phần chữa trị căn bệnh trầm kha là bệnh thành tích và nói dối…

Đọc, thấy gai người. Đọc, thấy lạnh sống lưng. Đọc , thấy cay tê nơi sống mũi. Chỉ mong sự can đảm dấn thân đầy trách nhiệm công dân của ông không bị ngoảnh mặt quay đi mà nó mãi là thứ “thuốc đắng giã tật”

Nhà sáng tác Tam Đảo 20/3/2017

Nguyễn Hưng Hải