Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GẶP NGƯỜI LÍNH MỘT MÌNH GIỮ CHỐT

Hà Lâm Kỳ
Thứ bẩy ngày 8 tháng 4 năm 2017 9:25 PM




Kỷ niệm 30/4

Ghi chép 


Khoảng tháng 9 năm 1974, tôi là chiến sĩ Quân y phục vụ ở Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (Công Tum), vô tình đọc một bài viết đăng trên Báo Tây Nguyên kèm theo tấm ảnh, nói về một chiến sỹ Quân giải phóng, quê ở huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái, một mình đánh lại nhiều đợt tấn công chiếm chốt của một đại đội địch có pháo binh, máy bay hỗ trợ.

40 năm, tháng 4 năm 2014 trong một cuộc họp mặt của Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 246 tại Trung tâm Văn hóa thanh niên tỉnh, một cựu chiến binh lên kể chuyện chiến trường. Câu chuyện đánh địch giữ chốt, rồi đến chuyện đánh cắt đường, diệt địch bên cầu Adun Đường 19 năm 1974, tôi mới sực nhớ đến bài báo xưa. Thì ra nhân vật trong bài viết lại chính là người đang đứng trước mặt đồng đội đây - Cựu chiến binh, Thượng tá Hoàng Văn Lợi – một đồng ngũ, cùng huấn luyện, rồi cùng lên đường đi B ngày 19 tháng 01 năm 1973 với phiên hiệu: Đoàn 3005, đã 20 năm nay chúng tôi quây quần trong một câu lạc bộ dưới tên gọi “Cựu chiến binh – Đoàn 3005 Tây Nguyên” mà Lợi là thành viên trong Ban liên lạc.

Vào chiến trường

Tháng 6 năm 1973, Hoàng Văn Lợi được bổ sung vào C4D1E95 tại chân điểm cao 147 Chư Rệt, tỉnh Gia Lai. Trung đội trưởng Chiến cùng Lợi chọn được địa thế hiểm yếu là hàm một vỉa đá, vị trí này có thể chia lửa cho cả tiểu đội chốt. Đến ngày thứ năm, khoảng một Trung đội quân ngụy Sài Gòn bất ngờ tấn công ngược lên chốt, “cánh quạt” của tiểu đội Hoàng Văn Lợi xả AK và lựu đạn vào giữa đội hình địch khiến chúng dừng tiến công. Ba mươi phút sau, pháo giặc bất ngờ bắn tới tấp vào điểm cao 47 rồi hai máy bay AD6 lao xuống ném bom. Tiểu đội hy sinh và thương vong gần hết. Cấp trên chỉ đạo lui quân. Hoàng Văn Lợi được điều sang tăng cường cho chốt bên tại đồi Yên Ngựa để giữ huyết mạch cao điểm. 8 ngày, quân địch vây lấn quyết nhổ chốt, sáu anh em ở ba vị trí. Pháo địch cày vào đồi, AD6 ném bom. Ngày thứ mười, cả sáu người thương vong và hy sinh. Hoàng Văn Lợi tự băng bó rồi di chuyển liên tục trên các điểm của mặt đồi và nổ súng nhằm đánh lạc hướng địch. Đúng như dự đoán của anh, pháo địch lại cấp tập bắn kéo rê ra tận cuối dải đồi. Đến tối, đội cứu thương phía trước mới đưa được các liệt sỹ và thương binh về tuyến sau sơ cứu.

Sáng sớm hôm sau khi quân tăng cường chưa tới, Hoàng Văn Lợi đã quá căng thẳng nhưng vẫn tỉnh táo chọn vị trí chính diện, đang tập trung số đạn còn lại để quyết tử thì pháo địch bắn dọn đường, rồi một đoàn bộ binh ngụy hò hét xông lên. Đã rất gần, Lợi vừa dùng trung liên bắn thẳng vào đội hình, vừa ném lựu đạn. Phía ngách hàm đá của điểm cao, anh nhìn rõ bọn địch khiêng nhau ra cáng. Giữa chiều, một chiếc AD6 lượn vòng rất thấp, Lợi kê khẩu trung liên lên, chiếc máy bay vào tầm ngắm, Lợi bóp cò. Nhìn rõ chiếc AD6 mất thăng bằng, chao đảo bất thường, rồi bay về phía thị xã PLây Cu. Địch dừng tiến quân, Lợi được lệnh giao lại chốt cho đơn vị tiếp quản. Hơn một tháng trời cùng đồng đội giữ chốt thành công và chiến công là món quá lớn nhất Lợi tự giành cho kỷ niệm ngày sinh tuổi 20 của mình.

Đầu tháng 3 năm 1974, Trung đội trưởng Hoàng Văn Lợi được Chỉ huy Đại đội cử cùng sáu chiến sỹ đi đánh cầu Adun trên đường 19 Plâycu đi Đà Nẵng- con đường vận tải tiếp vận của Quân đoàn 2 Ngụy. Lần này có cả phóng viên Báo Quân khu 5 thực địa. Sáng sớm ngày 7 tháng 3, khi vừa bố trí xong trận địa trên sườn đồi thì phát hiện hai bên cầu có lô cốt dã chiến và nhiều bộ binh, đoán rằng địch tăng cường bảo vệ cầu. Được Đại đội trưởng Hân đồng ý qua bộ đàm, Hoàng Văn Lợi cùng đồng đội dùng cối DK82 bất ngờ bắn liền 8 quả đạn phá tung lô cốt đầu cầu. Gần một tiếng sau hai chiếc AD6 lao đến ném hai loạt bom vào sườn đồi, ngay sau đó, pháo địch bắn cấp tập về phía trận địa, ba hầm mai phục đều bị bay mái, ba chiến sỹ hy sinh trong đó có Nguyễn Văn Tĩnh, người em con cô. Chợt thấy một tốp khoảng gần 20 tên ngụy xông lên định quây khu công sự, Lợi quay B40 ngắm thẳng, bóp cò, ba tên ngụy chết tại chỗ. Bọn địch bị thương chạy tán loạn, tên chỉ huy quát tháo xông lên lên bắt sống Việt cộng. Lợi dùng AK quạt liên hồi. Bọn địch lùi lại, pháo lại bắn dồn dập. Đồng đội hy sinh và bị thương nặng, chỉ còn một mình, anh đang băng bó cho thương binh thì chiếc xe bọc thép lù lù tiến đến chân sườn đồi, bộ binh địch sắp tấn công đợt 3. Khoảng cách đến xe chỉ khoảng 50 mét, Lợi tì chắc khẩu B40 nghiến răng bấm nút hai quả đạn. Chiếc xe khựng lại khói đen bốc lên, bộ binh địch bắn như vãi đạn lên sườn đồi. Lợi bị thương vào đùi, vào hông. Hai chiếc AD6 lại từ đâu ào đến thả liền ba loạt đạn vào khu vực trận địa đồi cầu Adun rồi không tấn công nữa. Khoảng bốn giờ chiều, cứu thương đưa hết thương binh, liệt sỹ về tuyến sau, Lợi cũng được lệnh rời trận địa.

Trong hai năm từ tháng 6 năm 1973 đến tháng 4 năm 1975, Hoàng Văn Lợi tham gia khoảng 100 trận đánh lớn nhỏ. Các đơn vị cấp Trung đội có mặt anh đã tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, riêng anh diệt trên 100 tên, bắn cháy 01 xe bọc thép, 12 ô tô vận tải quân sự, bắn bị thương 01 máy bay AD6. Ngoài hai trận nổi tiếng chốt 47 và cầu A Dun, Lợi là người “tả xung hữu đột”, anh còn lập công ở các trận đánh lớn khác như chốt đồi Chanh, đèo An Khê, cảng Nha Trang, hành quân đường thủy ra đánh Hoàng Sa. Sau chiến dịch Hồ Chí Minh, Hoàng Văn Lợi là Đại đội phó chỉ huy đơn vị đánh quân Pôn Pốt ở Tây Nam, 4 lần bị thương không lần nào rời trận địa. Ra Bắc, Hoàng Văn Lợi lại có mặt tại Mặt trận biên giới Lào Cai trong đội hình đơn vị bộ đội địa phương của Quân khu II.

Những năm tháng chiến trường, Hoàng Văn Lợi ba lần được các báo: Quân đội nhân dân, Quân khu 5, Tây Nguyên, viết bài ca ngợi, Trung đoàn ở tiền phương phát động học tập (1974). Anh được trao tặng 6 Huân chương, 4 lần Dũng sỹ, và Chiến sỹ thi đua chiến dịch Tây Nguyên.

Trung tướng Ma Thanh Toàn, nguyên Tư lệnh Quân khu II, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 95 ( Tây nguyên) viết về người chiến sỹ Trung đội trưởng của Trung đoàn như sau :“Trong trận chiến đấu ngày 07 tháng 3 năm 1974 tại Quốc lộ 19, đoạn cầu Adun, đồng chí Hoàng Văn Lợi đã tiêu diệt một xe bọc thép, diệt nhiều địch, giữ vững chốt cắt đường. Đồng chí Lợi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các trận đánh… Tôi đề nghị cấp có thẩm quyền xét cho đồng chí Lợi được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ chống Mỹ” (trích bút tích). Nhiều bút tích ý kiến của đồng đội, những người trực tiếp cùng Hoàng Văn Lợi tham dự các trận đánh ở chiến trường đã xác nhận thành tích, chiến công của anh, và đơn vị do anh chỉ huy, lập được. Đó cũng là những gì mà Hoàng Văn Lợi ít khi nói ra. Phải đến hôm nay, qua báo cáo thành tích đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng, ta mới được biết.

Về với đời thường sau 30 năm quân ngũ, Hoàng Văn Lợi vẫn làm việc không tiếc sức lực. Ông trở thành người chủ của hàng chục cây bưởi đặc sản, trên 2 mẫu chè đồi. Hai con trai anh tiếp chân cha đều trở thành sỹ quan quân đội. Anh có một gia đình hạnh phúc nơi làng quê.

Đoàn 3005 năm ấy với 600 quân, đằng đẵng hơn ba tháng trời leo Trường Sơn thì đến Công Tum, bổ xung vào Sư đoàn 10 Mặt trận Tây Nguyên (B3), Sau ba cuộc chiến (Chống Mỹ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc), hai mươi mấy năm tìm nhau, nay chỉ còn trên một trăm bạn lính mà hầu hết là thương binh và nhiễm chất độc da cam. Cuộc họp mặt đồng đội định kỳ năm nay ngày 19 tháng 3 năm 2016 diễn ra tại Bộ tư lệnh Quân khu Thủ đô Hà Nội. Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, người đồng đội duy nhất còn tại ngũ, nhắc nhở: Anh em mình trân trọng những gì tốt đẹp của quá khứ, để cùng làm tốt công việc hiện tại. Lời người đồng ngũ lính tân binh xưa, nhìn lại thật đúng với cựu binh Đoàn 3005, càng đúng với Hoàng Văn Lợi, một thương binh 2/4, Hội viên Hội Cựu chiến binh, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 121, người Đảng viên, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, của thôn Đức Tiến xã Yên Bình huyện Yên Bình, Yên Bái.

Tháng tư 2016

H.L.K